Sunday, December 10, 2023

THỦ ĐÔ NHỤC VỚI CỐ ĐÔ (Phạm Xuân Nguyên)

 



Thủ đô nhục với cố đô    

Phạm Xuân Nguyên

08/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/08/thu-do-nhuc-voi-co-do/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-9-1536x1152.jpeg

Ô trống khi bức Phùng Quán bị gỡ đi. Ảnh: FB tác giả

 

Hôm nay (8/12/2023) cuộc triển lãm tranh chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của nhà thơ Phạm Xuân Trường (Hải Phòng) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết thúc sau một tuần bày tranh.

 

Hôm qua tôi đến lại phòng tranh chia tay anh Trường. Tôi thấy lại khoảng trống chỗ Bảo tàng “treo nhầm” bức chân dung nhà thơ Phùng Quán (có trong danh sách 30 bức bị Sở VH-TT HN cấm treo). Ngay hôm khai mạc phát hiện ra cái sự nhầm tai hại đó Bảo tàng đã cho gỡ Phùng Quán xuống và lấy một bức khác trám vào. Bức treo thế đó hôm qua đã được tác giả tặng cho nhân vật nên cái khoảng trống Phùng Quán để lại, lại hiện ra.

 

Triển lãm kết thúc nhưng bức xúc của dư luận về việc tại sao Sở VH-TT HN quyết định cấm treo 30 bức vẫn chưa được trả lời dù đã có đơn chất vấn của người trong cuộc.

 

Nhân chuyện này liên hệ với Huế tôi thấy thủ đô thật nhục với cố đô. Nhà thơ Phùng Quán bị nạn Nhân Văn – Giai Phẩm thế nào ai cũng đã biết. Nhưng khi ông được phục hồi, được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT, thì tại phường Thuỷ Dương (Huế) quê hương ông, chính quyền thành phố đã lấy tên ông đặt cho một con đường dài hơn ba cây số. Con đường đó bắt ra đường lớn mang tên Nguyễn Tất Thành chạy từ thành phố về phía Nam.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/2-6.jpeg

Đường Phùng Quán ở Thuỷ Dương (Huế) cạnh đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh trên mạng

 

Trong khu nghĩa trang nằm cạnh con đường mang tên Phùng Quán, khu mộ vợ chồng ông đã được bạn bè văn nghệ sĩ chung sức xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Tấm bia mộ khắc ghi đoạn thơ lẫm liệt của ông trong bài “Lời mẹ dặn” (1957) mà vì thế đời ông đã bị khốn khổ:

 

“Yêu ai cứ bảo là yêu

 

Ghét ai cứ bảo là ghét

 

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

 

Cũng không nói yêu thành ghét

 

Dù ai cầm dao doạ giết

 

Cũng không nói ghét thành yêu.”

 

Huế xử sự với Phùng Quán đẹp vậy đã từ mười mấy năm qua. Vậy mà thủ đô Hà Nội đã ở năm thứ hai lăm của thế kỷ XXI vẫn cấm treo một bức chân dung gò đồng của Phùng Quán trong một cuộc triển lãm bình thường. Tôi đồ rằng ở Hà Nội với những quan làm văn hoá mà vô văn hoá, cấm treo tranh như thế này thì tấm bia mộ trên của Phùng Quán sẽ không được dựng, mà có dựng thì cũng không được khắc thơ, mà có được khắc thơ thì cũng bị đục, mà không bị đục thì cũng bị phá đổ bia.

 

Thật là THỦ ĐÔ NHỤC VỚI CỐ ĐÔ!

 

.

67 BÌNH LUẬN   






No comments: