Thursday, December 28, 2023

THỞ LẠI BUỒNG PHỔI SÀI GÒN (Trịnh Thanh Thủy / Saigon Nhỏ)

 



Thở lại buồng phổi Sài Gòn

Trịnh Thanh Thủy  -  Saigon Nhỏ

28 tháng 12, 2023

https://saigonnhonews.com/doi-song/di-dong-den-tay/tho-lai-buong-phoi-sai-gon/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/banh-mi-sn.jpg

Ảnh: tác giả

 

Tôi lại về quê, lang thang, lê la trên những lối đi không còn là lối đi đúng nghĩa dành cho khách bộ hành của thành phố Sài Gòn. Chiều nay, sau khi đi ăn trong một tiệm buffet hải sản sống của thành phố, tôi thả bộ dọc theo lề đường để nhìn ngắm và thở lại không khí bụi bặm, mù mịt những khói xe đang nhả ra của con phố xưa.

 

Càng rảo bộ, càng bước nhanh để tránh xe, tránh vũng nước, tránh những tiếng còi xe xua đuổi từng bước chân người tản bộ, tôi mới nhận ra rằng, từ lâu mình không còn là một cư dân từng sống, từng ăn, uống, thở và di chuyển ở nơi chốn thân thương này. Cái cảm giác vô cùng xa lạ ấy đã xâm chiếm tâm hồn tôi mỗi lần tôi trở lại Việt Nam.

 

Nó cứ đeo bám tôi trên từng bước chân. Ôi nhớ làm sao cái từ “hè phố” mà mọi người đã dùng thuở xa xưa. Các vỉa hè, hè phố, của Sài Gòn, Hà Nội đã biến mất từ lúc nào. Đất đai hiếm hoi của đô thị đã bị con người chiếm cứ, sử dụng, để sống và mưu sinh, đến từng phân vuông, từng ngọn cỏ.

 

Tôi chợt nhận ra mình là “người của muôn năm cũ”, vì người Sài Gòn ngày nay chỉ di chuyển trên bánh xe mà thôi. Bạn đi ăn, ra chợ, hoặc tới bất cứ nơi nào đó, đều bằng xe hai hoặc bốn bánh, không có chuyện “lô ca chân”, xưa rồi tám ơi. Chỉ cần thấy bạn di chuyển bằng chân, người của Sài Gòn biết ngay bạn là du khách hay Việt kiều. Muốn tản bộ, bạn phải ra phố đi bộ mà đi thôi. Phố đi bộ đã có tên gọi hẳn hoi, như Phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ, Hồ Gươm, Huế v.v…

 

Tránh việc đi bộ khó khăn, tôi bèn loay hoay lấy điện thoại ra gọi xe Grab (dịch vụ tương tự Uber). Trúng giờ tan tầm, mọi con đường đều nghẹt cứng, nổi lô nhô những cái đầu trên xe gắn máy. Xe hơi, xe vận tải, cũng di chuyển chậm chạp như người đi bộ. Tôi nghiệm ra, muốn ngắm Sài Gòn, bạn không cần đi bộ, đi xe bạn vẫn nhìn ngắm phố rõ như thường!

 

Tôi xem địa hình để biết mình đang ở đâu và hỏi anh tài xế lái xe, chỗ này là vùng nào, quận mấy, anh trả lời và không quên liếc nhìn màn hình bản đồ lắp trên xe. Tôi hỏi thêm có phải đây là khu vực kênh Nhiêu Lộc ngày xưa không? Anh ngơ ngác nói, anh không biết rõ Sài Gòn, vì anh vốn ở Long An, ngày ngày lên đây lái xe Grab kiếm sống.

 

Sau khi ở lại đây một thời gian, đi xe Grab, tôi nghiệm ra, phần lớn tài xế từ các nơi khác đổ về đây kiếm sống. Họ chỉ cần ứng dụng bản đồ là họ có thể đưa bạn đi bất cứ đâu bạn muốn. Anh ta bảo Sài Gòn giờ là nơi dễ kiếm sống nhất, cứ chịu khó làm việc, thì có thể sống được. Do đó người ở khắp miền Trung, Bắc, mọi nơi đều đổ xô về đây. Đến ngày Tết thì Sài Gòn vắng tanh vì ai cũng về quê cả. Dân số Sài Gòn 2023 khoảng trên 13 triệu người, gần 5 ngàn người trên một cây số vuông!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/nhai-nhop-nhep-sn.jpg

Ảnh: tác giả

 

Khi đi du lịch qua một con phố trước hết, tôi ngắm kiến trúc đô thị, phố xá và con người. Thứ đến là các bảng hiệu bằng ngôn ngữ của quốc gia đó trên thương hiệu trong con phố. Hôm nay tôi cũng ngắm phố trong tâm thức một du khách ngắm bảng hiệu. Xe chạy với tốc độ người đi bộ, nên tôi đọc được một cách từ tốn những tấm bảng hiệu đủ màu, đủ kiểu, đủ phong cách, lôi cuốn, sáng tạo, hay lạ lẫm, bày ra trước mắt ở hai bên đường…

 

Tôi thấy mình như từ cung trăng rớt xuống với những bảng hiệu từ Nam Chí Bắc kiểu này: Nhai Nhóp Nhép, Phê Đây, Đáng Phê, Bánh Mì Biết Nói, Hậu Diễm, Sáng Còn, Hát Trầm Hương, Mì Bò Hầm, Zô Quán, Mô Rứa, Phê Đây… Còn biết bao nhiêu tấm bảng hiệu mà chủ nhân của thương hiệu cố nặn ra bằng trí sáng tạo để đặt, với chủ đích làm cho chúng khác đi, khêu gợi sự chú ý, gợi nhớ cho khách hàng. Quả là biến hóa khôn lường như một đường đao kiếm hiệp tung ra thì biến hoá muôn vạn nẻo, địch thủ không biết thế nào mà lần.

 

Ngày xưa người ta đặt tên bảng hiệu cốt để nói lên ý nghĩa của thương hiệu đang buôn bán cái gì. Ngày nay, vì cạnh tranh, lại quá nhiều thương hiệu, người ta vận dụng trí óc để đặt cho thương hiệu cái tên cho thật kêu, thật lạ, không bị trùng lặp, khiến việc đặt tên trở nên lạ lẫm và kỳ quặc. Người xem bảng hiệu có đọc lên cũng chẳng hiểu người bán muốn bán cái gì luôn. Khách chịu thua, tôi cũng thấy lao đao, chới với…

 

Dù có sự xuất hiện của những tấm bảng hiệu lạ lùng, tôi vẫn nhận ra tiệm ăn và quán nhậu hiện diện nhiều vô kể, lấn át tất cả dịch vụ khác. Để phục vụ sự đòi hỏi cho bao tử của 13 triệu người Sài Gòn, cộng thêm du khách, ngành kinh doanh ăn uống lấn lướt là chuyện đương nhiên. Dù tình hình kinh tế khắp thế giới và cả Việt Nam giảm sút sau dịch Covid, tôi thấy số người có mặt trong các tiệm ăn không nhiều nhưng họ vẫn có khách. Các quán nhậu thì tùy, có quán rất đông, quán thì lưa thưa. Nhất là vào buổi chiều và những ngày cuối tuần, dân đi ăn ngoài thật đông.

 

Điều đặc biệt là Sài Gòn giờ phát sinh ra nhiều món ăn mới lạ, đủ kiểu, đủ dạng, lai tùm lum, Nhật, Hàn Quốc, Thái, Mỹ v.v… Nghĩa là các món ăn nổi tiếng quốc tế, Sài Gòn mình đều bắt chước được, mà lại rất rẻ. Tỷ như bạn thèm ăn món thịt nướng Hàn Quốc, bạn có thể vào một tiệm buffet thịt nướng Hàn Quốc, chỉ tốn gần $10 mà bạn có thể ăn đủ thứ, vừa rau, vừa thịt nướng, hải sản và đồ tráng miệng nữa. Ở Mỹ, bạn phải trả ít nhất $50 trở lên.

 

Buffet kiểu Nhật cũng vậy. Ở Mỹ, vào tiệm Shabu Shabu, bạn phải trả ít nhất $70 cho một người. Với loại buffet hải sản tươi sống trong hồ, ở Sài Gòn, bạn chỉ trả khoảng $10 mà có thể ăn đủ loại hải sản, cộng thêm các món được xào nấu sẵn, ít nhất là 30 món, còn thêm các món tráng miệng. Tôi đi tìm các món ưa thích ngày xưa như bò bảy món, bò bía, chuối nướng bọc nếp hay bánh bột chiên thì thấy chỉ vài nơi bán. Tất cả hầu như đã thay đổi, thế hệ trẻ lớn lên, thế hệ già xưa cũ nằm xuống hay bỏ đi, như định luật vật đổi sao dời.

 

Hầu như 70% đến 80% người Sài Gòn ngày nay đến từ tứ xứ, họ không biết hay nhớ con người, cảnh quan và cuộc sống Sài Gòn 50 năm trước. Chợ Lớn thì người Hoa đi gần hết, quán ăn phần lớn do người Việt làm chủ, không còn nhiều người Hoa nấu. Thức ăn, đồ uống, văn hóa, thứ còn, thứ mất, thứ biến dạng là lẽ đương nhiên. Nghe các bạn trẻ lái xe Grab kể chuyện vui buồn, lập gia đình, có con, làm việc và mưu sinh, tôi thấy rõ giờ mình hình như không dính dáng và thuộc về nơi này nữa. Tôi xa lạ, tôi lạc lõng như một Từ Thức về quê, như một người ngoại quốc đến thăm Việt Nam.

 

Nói đến khách du lịch quốc tế hiện diện ở Việt Nam vào thời điểm Tháng Mười Một 2023, con số 1.2 triệu người do nhà nước đưa ra khiến tôi kinh ngạc. Không ai biết chắc con số này chính xác hay không nhưng tôi thấy quả tình du khách nước ngoài rất nhiều. Lần du lịch từ Nam chí Bắc này, tôi thấy họ khắp nơi. Đông nhất là ở Sài Gòn, đặc biệt khu vực chợ Bến Thành. Vì ở trọ gần đó, nên ngày nào tôi cũng tản bộ ra chợ để ăn uống và thấy họ đi lại tự nhiên và qua đường một cách thành thạo.

 

Từng đoàn du lịch có người dẫn, vào chợ Bến Thành mua sắm và ăn uống, nối tiếp nhau suốt ngày khiến khu vực này rất tấp nập. Đông nhất là khu ăn uống. Khách ngoại quốc uống nước, chọn món ăn, trả tiền và bận rộn hỏi giá cả xôn xao cả lên. Ồn ào nhất là việc mời mọc và chèo kéo khách hàng. Hơn 50 năm chợ Bến Thành vẫn giữ phong cách mời mọc, níu kéo khách hàng, không bao giờ đổi. Người bán thích nghi bằng cách học và bập bẹ nói tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật… Người mua thì quơ tay múa chân và ráng mà hiểu người bán nói cái gì.

 

Tôi thấy một cậu trẻ chèo kéo khách ngoại quốc vào hàng ăn của cậu bằng một tràng tiếng gì đó nghe rất lạ. Khách ngoại quốc đi qua cứ phớt lờ, dù anh ta níu họ lại và cậu tiếp tục xổ ra cái thứ tiếng đó. Tôi không nén nổi tò mò hỏi. “Em nói tiếng gì với khách mà ông ấy không chịu dừng lại?” Anh ta nhìn tôi cười nói: “Em nói mà còn không biết em nói gì nữa chị ơi”. Tôi chưng hửng, bật cười to, chịu thua cậu ta luôn. “Em mời mệt quá, không ai vào, thôi chị vào hàng em, ăn tô mì quảng hay phở, bún gì cũng được đi chị, sáng giờ chưa ai mở hàng”…





No comments: