NỘI DUNG :
Tại
Sao Chúng Ta Hát ‘Auld Lang Syne’ Vào Đêm Giao Thừa?
.
Vũ Kim Đức - Saigon Nhỏ
.
====================================================
.
.
Tại
Sao Chúng Ta Hát ‘Auld Lang Syne’ Vào Đêm Giao Thừa?
27/12/2023
https://vietbao.com/p301409a317837/tai-sao-chung-ta-hat-auld-lang-syne-vao-dem-giao-thua-
https://vietbao.com/images/file/N2kvwmkH3AgBAspG/w400/untitled-3.png
Bài hát
“Auld Lang Syne” đã trở thành một nét đặc trưng của đêm Giao thừa. (Nguồn:
pixabay.com)
Nếu
đêm giao thừa có một bài hát chính thức, nó chắc chắn sẽ là “Auld Lang Syne.”
Hàng năm, ngay sau khi đồng hồ điểm mười hai giờ đêm, mọi người trên khắp thế
giới cùng tay trong tay và hát vang bài hát yêu thích này.
Tại sao
“Auld Lang Syne” lại trở thành truyền thống của đêm Giao thừa? Từ khi được sáng
tác vào thế kỷ 18 như một bài thơ Scotland cho đến sự nổi tiếng hiện nay, “Auld
Lang Syne” đã nắm bắt được tinh thần của ngày lễ.
Từ một
bài thơ Scotland
Bài hát
này thực ra là một bài thơ do Robert Burns sáng tác vào năm 1788. Được coi là
thi sĩ quốc gia của Scotland, Burns đã khuấy động ý thức dân tộc của đất nước bằng
cách viết bài thơ bằng ngôn ngữ Scots đang dần mai một. Trong tiếng Anh, auld
lang syne đại khái có nghĩa là “thời gian xa xưa.” Bài hát kể về cuộc gặp gỡ của
những người bạn cũ sau thời gian dài xa cách.
Mặc dù
phiên bản của Burns là phiên bản mà chúng ta biết ngày nay, nhưng bài thơ cũng
có những phiên bản khác, bao gồm cả phiên bản của Allan Ramsay từ năm 1724.
Burns giải thích rằng phiên bản của ông được lấy cảm hứng từ một phiên bản
khác. Ông đã khẳng định với nhà xuất bản âm nhạc George Thomson vào tháng 9 năm
1793, rằng “Tôi đã ghi lại nó từ tiếng hát của một cụ già.”
Burns
không hài lòng với giai điệu ban đầu của bài thơ, ông coi nó là “tầm thường.”
Vì vậy, từ 1799 đến 1801, Thomson đã tìm và chỉnh một giai điệu khác cho bài
hát. Đó là giai điệu mà chúng ta vẫn thường hát hiện nay.
Đến
bài hát cho ngày cuối năm
Bài hát của
Burns nhanh chóng trở thành một phần của truyền thống hàng năm tại Scotland:
Hogmanay. Là sự kết hợp của các phong tục Norse và Gaelic, ngày lễ này kỷ niệm
ngày cuối cùng của năm.
Trong nhiều
thế kỷ, Hogmanay, chứ không phải Giáng sinh, mới là ngày lễ mùa đông lớn nhất ở
Scotland. Sau cùng, Giáo hội Scotland, giáo hội chính thức của đất nước, đã cấm
lễ kỷ niệm Giáng sinh vào năm 1640, vì họ cho rằng ngày lễ này chưa mang đủ
tính chất của đạo Tin lành.
Không thể
vui vẻ vào dịp Giáng sinh, mọi người đã chọn Hogmanay thay thế. Trong lễ
Hogmanay, người Scotland tặng quà cho nhau và thăm bạn bè, hàng xóm để chào đón
năm mới.
Một truyền
thống khác của Hogmanay là ca hát. Một số bài hát – chẳng hạn như “A Guid New
Year to ane a’ A’” – đã được rất nhiều người biết đến. Các bài hát khác được tạo
ra bởi các gia đình hoặc cộng đồng địa phương.
Tập trung
vào tình bạn, hồi tưởng và chia ly, “Auld Lang Syne” của Burns đã thể hiện được
bản chất của Hogmanay: từ biệt một năm để mở ra một năm mới.
Trở
thành một truyền thống năm mới
Khi người
Scotland di cư vào thế kỷ 19, họ đã mang theo những truyền thống Hogmanay của
mình đi khắp nơi trên thế giới – bao gồm cả “Auld Lang Syne.”
Bài hát
nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong lễ kỷ niệm Đêm Giao thừa tại
Hoa Kỳ. Ban nhạc jazz Guy Lombardo và His Royal Canadians đã hát bài hát này
trong chương trình phát thanh đêm giao thừa năm 1929. Nó trở thành một bản nhạc
thịnh hành – và “Auld Lang Syne” vẫn là một phần không thể thiếu vào nửa đêm của
chương trình đêm Giao thừa hàng năm của ban nhạc, được phát sóng trên radio và
cuối cùng là truyền hình mỗi năm cho đến năm 1976. Thành công của chương trình
đã giúp “Auld Lang Syne” trở thành bài hát đặc trưng của đêm Giao thừa trên khắp
đất nước.
Theo báo
cáo của tạp chí Life vào ngày 17 tháng 12 năm 1965, “Nếu [Lombardo] và ban nhạc
Royal Canadians không hát bài ‘Auld Lang Syne’ vào đêm Giao thừa […], phần lớn
người dân Hoa Kỳ sẽ cảm thấy bất an – vì họ tin rằng, bất chấp bằng chứng rành
rành trên mọi cuốn lịch, năm mới vẫn chưa thực sự gõ cửa.”
Tuy nhiên,
nhà âm nhạc học M.J. Grant nhấn mạnh trong cuốn sách “Auld Lang Syne: A Song
and Its Culture” rằng vào thời điểm đó, bài hát “đã có chỗ đứng vững chắc trong
nhiều cộng đồng, rất có thể bắt đầu từ người Scotland di cư.”
Vì vậy,
truyền thống hát “Auld Lang Syne” vào dịp năm mới có thể không bắt đầu từ
Lombardo, nhưng ban nhạc của ông đã mở ra một khởi đầu mới cho một bài hát vinh
danh quá khứ trong khi chào đón bình minh của một ngày mới.
Nguồn:
“Why we sing ‘Auld Lang Syne’ on New Year’s Eve” được đăng trên trang
nationalgeographic.com.
=======================================================
.
.
Vũ Kim Đức - Saigon Nhỏ
28 tháng
12, 2023
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ben-tach-tra/nghe-lai-auld-lang-syne/
Ngày
thơ ấu trong con xóm nhỏ, vào những đêm sáng trăng, tôi và mấy đứa nhóc cùng tuổi
thường tụ tập nô giỡn, đùa nghịch và nghêu ngao một bài hát rất thịnh hành
trong đám con nít thuở đó: “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhẩy dù, Zô-rô bắn
súng; chết cha, con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.
Minh họa:
diane-picchiottino-unsplash
Cả lũ hát
thì cứ hát chứ không biết xuất xứ của bài nhạc này từ đâu ra. Có người cho rằng
quái kiệt Trần Văn Trạch là tác giả lời Việt hài hước này. Sau này lớn lên được
biết đây là một bản nhạc nổi tiếng khắp thế giới có nguồn gốc từ Scotland với tựa
đề Auld Lang Syne.
Auld Lang
Syne được phổ nhạc từ một bài thơ tiếng Scotland cổ của Robert Burns năm 1799.
Bài nhạc dịch ra tiếng Anh “In the days gone by”, tiếng Pháp “Joyeux Au Revoir”
và hơn bốn mươi tiếng khác trên hoàn cầu. Auld Lang Syne có nghĩa là “Những
ngày xa xưa đã mất”. Bài hát này thường được ngân nga trước khi chia tay nhau
sau buổi tiệc Giao thừa tiễn biệt năm cũ và chào đón năm mới của người Âu châu.
Bài nhạc
này đã đến vùng Bắc Mỹ lần đầu qua hệ thống truyền thanh vào đêm Giao thừa năm
Đại khủng hoảng kinh tế (Great Depression) 1929, do ban nhạc Royal Canadians của
nhạc trưởng Guy Lombardo hòa tấu. Nó được yêu thích ngay lập tức. Từ đó hằng
năm vào đêm Giao thừa, khi quả cầu tròn lấp lánh từ từ hạ xuống tại Times
Square-New York, Auld Lang Syne luôn là giai điệu đầu tiên được tấu lên đón
chào năm mới.
Tháng Ba
1975. Ban Mê Thuột thất thủ. Cuộc di tản bi thảm của quân dân VNCH trên tỉnh lộ
số 7 làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, nhưng Sài Gòn vẫn nhởn nhơ vui
sống. Một buổi chiều mưa lất phất rơi,
buồn vô hạn, tôi và em sau khi lang thang trên đường Lê Lợi lùng tìm những tạp
chí, sách vở cũ, ghé vào Cine Rex. Rạp này hôm đó chiếu lại một cuốn phim đen
trắng cũ. Phim Vũ điệu trong bóng mờ (“La valse Dans L’ombre”) với hai tài tử
Robert Taylor và Vivien Leigh.
Nội dung
cuốn phim là một chuyện tình buồn xảy ra trong Đệ nhất Thế chiến. Cảm động nhất
là cảnh trong đêm hẹn hò đầu tiên. Hai người yêu nhau trước khi giã từ đã khắng
khít dìu nhau theo cung điệu Auld Lang Syne trong lúc từng ngọn nến tắt dần khi
nốt cuối cùng của bài nhạc vang lên. Trong bóng tối chỉ còn lại đôi mắt sáng
long lanh đắm đuối nhìn nhau. Đôi mắt của Robert Taylor và Vivien Leight, hay
là đôi mắt của em, của tôi và nụ hôn vội vàng…
Giữa Tháng
Tư 1975, Sài Gòn rúng động lên cơn sốt. Đường phố tràn ngập người di tản từ Huế,
Đà Nẵng, Ban Mê Thuột. Những người với cặp mắt hãy còn thất thần kể lại nỗi
kinh hoàng, chết chóc vượt ngoài sức tưởng tượng. Hầu hết nghĩ rằng họ đã may mắn
được ơn trên cứu thoát. Trong số những người may mắn, có những người thân thuộc
của các bạn bè miền Trung. Có Thiếu tá Nguyễn Kim Thập, cậu tôi, thoát về từ
Nha Trang; và Thiếu tá Vũ Ngọc Liễn, em họ tôi, di tản về từ Phan Rang. Liễn là
một trong bốn phi công A37 thuộc Phi đoàn 524 Thiên Lôi, mà tối 28 Tháng Tư từ
Tân Sơn Nhứt đã bay ra Phan Rang phá hủy phi đạo và bộ chỉ huy cộng sản đang
chiếm đóng để trả đũa và ngăn chặn một Nguyễn Thành Trung thứ hai…
Minh họa:
diane-picchiottino-unsplash
Còn nhiều,
còn nhiều đau thương khác nữa. Mỗi gia đình một nghịch cảnh, mỗi cá nhân một thảm
kịch… Bầu trời Sài Gòn trong thời gian này không ngày nào có nắng. Mây màu chì
xám xịt giăng mắc thật thấp, cơ hồ muốn nhỏ lệ thương đau. Trong không khí nhuốm
màu ly biệt, mọi người trong thành phố như những con thú có cảm giác một cơn địa
chấn, một cơn hồng thủy long trời lở đất đang ùa đến nhưng không có cách nào vượt
thoát. Tôi không nói nhưng cũng mơ hồ cảm nhận: “Em ơi, không biết ngày mai sẽ
ra sao?”
Những ngày
này với những đêm mất điện, ngoại ô Sài Gòn không đèn tối đen như mực. Chúng
tôi tay trong tay, ngồi bên nhau trên sân thượng. Đây đó vài đóm hỏa châu bừng
sáng rồi vụt tắt. Vùng ven đô chớp lòe ánh sáng rồi tiếng hỏa tiễn nổ bùng đây
đó. Em và tôi nhìn nhau im lặng. Không có rượu vang như trong cảnh đêm cuối năm
giữa hai người yêu nhau trong cuốn phim. Chỉ có ánh nến lập lòe sáng long lanh
trong đôi mắt. Và đôi môi em nồng nàn gợi cảm.
Bóng hai
chúng tôi chập chờn trên tường vôi trắng. Giai điệu Auld Lang Syne trong thời
gian này sao mà ngậm ngùi, tha thiết. Hình ảnh Robert Taylor và Vivien Leigh
đêm cuối dìu nhau theo điệu valse nhạt nhòa. Họ khiêu vũ trong bóng mờ trước
khi mất nhau sao mà gần gũi. Gần gũi như hai chúng tôi với những môi hôn cuối
cùng trước khi giã từ. Mùa Xuân năm đó, với cuộc đổi đời bi thảm, cuộc tình
chúng tôi cũng mờ dần như những ngọn nến từ từ vụt tắt cuối khúc hòa tấu. Em và
tôi đã mất nhau trong đời…
Minh họa:
diane-picchiottino-unsplash
Đêm cuối
năm 1975, tôi tha hương ngồi cô độc trong căn phòng nhỏ vùng Bắc Mỹ. Trong lò
sưởi, những khúc củi cháy đỏ rực kêu lách tách, bắn ra những tia lửa sáng ngời.
Ngoài trời trắng xóa, mưa tuyết lạnh lùng rơi. Gió hú từng cơn làm tái tê lòng
người. Còn đâu mùa Xuân với mai vàng và nắng đào ấm áp có em trong đời. Tôi
tương tư về em da diết khôn nguôi. Lạnh ngoài trời và lạnh cả trong hồn. Tôi có
cảm tưởng nỗi nhớ nhà, nỗi đau khổ trong tim có thể làm tôi lịm chết.
Không có
người đối thoại. Tôi bật tivi. Thời gian này chưa có internet, smart phone,
phim ảnh trên VHS hoặc DVD. Giải trí chỉ có những chương trình trên tivi. Đêm
nay, tivi chiếu lại một phim đen trắng có nhan đề: “It’s a wonderful life” với
James Stewart và Donna Reed.
Trong
phim, James Stewart thủ vai chàng George Bailey tốt bụng đang gặp những khó
khăn trong đời. Chàng chán chường đến nỗi không còn muốn sống nhưng được thiên
thần bản mệnh đến cứu rỗi. Thiên thần bản mệnh của chàng đã soi sáng chỉ dẫn những
gì sẽ xảy đến nếu chàng không hiện hữu trên cõi đời. Cảnh cuối là cảnh xúc động
nhất khi chàng George Bailey-No man is a failure who has friends với vợ con bên
cạnh, tay trong tay cùng bạn bè, người thân yêu cao giọng hát bài Auld Lang
Syne chào mừng Giáng sinh và năm mới.
Cùng một
bài hát, cùng một giai điệu nhưng trong cuốn phim này, bài Auld Lang Syne đã
đem lại cho tôi một xúc cảm khác. Một xúc cảm lạc quan, tin tưởng vào tình người,
tình bạn và cuộc đời… Ngoài trời dường như tuyết đã ngừng rơi, gió đã ngừng thổi.
Dường như tâm trạng đang chán đời của tôi cũng xoay chiều. Thiên thần bản mệnh
của tôi hiện đến đúng lúc tôi cần nhất trong đêm cuối năm…
Bây giờ mỗi
lần nghe lại bài Auld Lang Syne, lòng tôi đôi khi vẫn rộn rã với: “Ò e, Rô-be
đánh đu, Tặc-dăng nhẩy dù…” vô tư nghịch ngợm như ngày xưa còn bé. Bài hát đã
nhắc nhở tôi những kỷ niệm êm đềm, những người muôn năm cũ là những gì vô giá,
là nền tảng cho tương lai trước thềm năm mới.
Nhưng có
nhiều đêm cuối năm tha hương nơi xứ người, giai điệu trầm bổng của bài nhạc đã
khơi dậy trong tôi nỗi ngậm ngùi miên man. Vì trong giai điệu Auld Lang Syne chứa
chất đầy hình ảnh những ngày tang thương cuối cùng của miền Nam. Có ánh mắt thẫn
thờ dưới vành khăn tang của cô nhi, quả phụ. Có giọt nước mắt uất hận, lã chã
tuôn rơi trên khuôn mặt phong trần của những người lính. Có tiếng gọi nghẹn
ngào của người đi, kẻ ở nơi bến tàu, sân bay. Những ngày cả nước u ám chìm vào
bóng đêm: Có tôi và em bên nhau trên sân thượng. Bóng hai chúng tôi mờ ảo chập
thành một trên tường vôi trắng. Đôi mắt em u uẩn ngấn lệ sáng long lanh dưới
ánh nến vẫn còn hằn sâu trong lòng tôi cho đến bây giờ…
“Giờ đây
anh em chúng ta giã từ, lòng còn lưu luyến.
Cách xa
nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày nhiều lần gặp nhau”
(Auld Lang
Syne, Bài ca tạm biệt – lời Thế Lữ)
No comments:
Post a Comment