SẢN
PHẨM CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC THẤT BẠI
[ĐÍNH
CHÍNH VÀ CÁO LỖI]: Trong bài viết "Sản phẩm của một nền giáo dục thất bại"
(ở dưới) ban đầu tôi đã nhầm lẫn câu nói "chúng ta có thể chậm làm một cây
cầu, một con đường 10 năm, 20 năm..." là lời của GS Trần Văn Thọ. Câu này
đúng ra là của GS Hồ Tú Bảo. Tôi xin phép được sửa lại để đảm bảo tính chính
xác. Xin thành thật cáo lỗi cùng GS Trần Văn Thọ, GS Hồ Tú Bảo và toàn thể bạn
đọc. Xin cảm ơn nhà báo Hoài Nam đã chỉ cho tôi lỗi sai này. NĐK.
--------------------
SẢN
PHẨM CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC THẤT BẠI
Sáng nay,
9/12, tại tọa đàm ra mắt sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh”, GS Hồ Tú Bảo
(Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản - JAIST) có nói một ý rằng,
chúng ta có thể chậm làm một cây cầu, một con đường 10 năm, 20 năm, thì cơ hội
vẫn còn đó, sau này chúng ta vẫn có thể xây cầu, làm đường ở chỗ đó, nhưng nếu
để hỏng giáo dục thì cái hại sẽ đến ngay tức thì, sẽ mất ngay cả một thế hệ
theo cách không thể cứu vãn nổi.
Sau đó,
khi trả lời câu hỏi của một cử tọa về việc Việt Nam phải làm gì trong 5-10 năm
nữa để thoát “bẫy trung bình”, GS Trần Văn Thọ
(GS Kinh tế, ĐH Waseda, Nhật Bản) lại một lần nữa nhắc đến giáo dục. Ông
cho rằng có ba thứ: Thứ nhất, một bộ máy công quyền chuyên nghiệp; Thứ hai, một
lực lượng doanh nghiệp mạnh; và thứ ba, một nền giáo dục tốt.
Không phải
tự nhiên, một giáo sư về kinh tế, trong một tọa đàm ra mắt một cuốn sách lấy
kinh tế phát triển làm trọng tâm, lại nhắc đi nhắc lại về giáo dục như một
trong những nỗi trăn trở lớn nhất như vậy. (Các đồng tác giả cuốn sách như ông
Lý Quí Trung, TS Lê Học Lãnh Vân… đều cũng nói đến giáo dục như một mối ưu tư
chung).
Không ai
nhắc hẳn đến, nhưng tôi đoán rằng tất cả (cũng như bản thân tôi) vẫn còn đang bị
ám ảnh về hình ảnh các em học sinh quây nhốt, ném dép vào cô giáo ở Tuyên
Quang.
Có những sự
kiện khi xảy ra, nó khiến cả xã hội phải rúng động, bởi vì nó đã vạch trần,
không một chút che giấu, bộ mặt của toàn bộ xã hội đó. Đồng thời nó buộc tất cả,
không loại trừ một ai, không còn bất cứ một lựa chọn nào khác ngoài việc phải
nhìn thẳng vào sự thật trần trụi đó. Vụ việc vừa rồi ở Tuyên Quang là một sự kiện
như vậy.
Khoan nói
tới những đứa trẻ.
Hãy nói về
cô giáo, những đồng nghiệp của cô, về phụ huynh của những đứa trẻ này, về ban
giám hiệu nhà trường. Tất cả đều là sản phẩm của nền giáo dục của chúng ta
30-40 năm trước, tức là những năm 80-90 của thế kỷ 20.
Chúng ta
thấy gì? Họ là sản phẩm của một nền giáo dục thành công?
– Không. Họ
là sản phẩm của một nền giáo dục thất bại. Một sản phẩm lỗi không gì có thể cứu
vãn nổi.
Cái xã hội
mà bộ mặt thật vừa được phơi bày ra qua sự kiện ở Tuyên Quang mới đây, không gì
khác hơn là sản phẩm của nền giáo dục 30-40 năm trước.
Khoan nói
tới những đứa trẻ.
Hãy nói tiếp
về thầy cô, về những phụ huynh, về các quan chức giáo dục, về các quan chức
chính quyền. Tất cả họ cũng là sản phẩm của một nền giáo dục thất bại.
Đó
là nền giáo dục hướng tới con người công cụ. Đó là nền giáo dục đặt trên nền
móng nguyên tắc áp chế của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của kẻ yếu đối với kẻ yếu
hơn. Đó là nền giáo dục vận hành theo nguyên tắc áp đặt từ trên xuống dưới với
một hệ thống chỉ huy và tuân lệnh, tuyệt đối không có phê phán hay phản biện.
Họ, thầy
cô, phụ huynh, các quan chức chính quyền, những người đã thụ hưởng nền giáo dục
thất bại đó, giờ đây chính là những người đang vận hành xã hội hiện nay. Một xã
hội cũng vẫn đặt trên nền móng nguyên tắc áp chế của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của
kẻ yếu đối với kẻ yếu thế hơn, nhưng với một chút đảo lộn so với trước đây. Trước
đây thầy cô là “kẻ mạnh”, bây giờ đảo ngược lại, phụ huynh, thậm chí học sinh lại
mạnh hơn chẳng hạn (đây chỉ là giả thuyết của tôi).
Dù giả
thuyết này đúng hay sai thì rốt cuộc chúng ta cũng chỉ có một chuỗi bắt nạt lẫn
nhau.
Tại sao vậy?
Tại vì chúng ta đã sai ngay từ đầu, chúng ta đã sai ngay từ mục tiêu giáo dục rồi.
Mục
tiêu của giáo dục không phải tạo ra những con người công cụ cho bất cứ hệ thống
nào, mục tiêu cao nhất của giáo dục là tạo ra những con người tự do và tự trị.
Những con
người tự do-tự trị đó sẽ luôn biết cách tôn trọng tự do, sự tự trị và phẩm giá
của người khác, cũng như luôn biết cách tự bảo vệ tự do, sự tự trị và phẩm giá
của bản thân mình.
Những con
người tự do-tự trị đó sẽ từ chối nô dịch người khác, cũng như biết cách để phản
kháng chống lại bất cứ sự nô dịch nào lăm le áp đặt lên họ.
Khoan nói
về những đứa trẻ.
Ngay trong
buổi tọa đàm sáng nay, GS Hồ Tú Bảo đã khiến tôi giật mình thảng thốt khi ông
nhắc lại lời bài hát “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Tôi hiểu
đây là ký ức tuổi thơ của giáo sư. Tôi cũng hiểu rằng có lẽ giáo sư nhắc đến
bài hát không phải có ý thần tượng ông Hồ, mà chỉ muốn nhắn nhủ “nhi đồng thành
người", và ước mơ “kiến thiết nước nhà bằng người”. Tuy nhiên, tôi cho rằng
một người như giáo sư, phát ngôn trước công chúng, thì nên cẩn trọng hơn để
tránh cho thế hệ trẻ rơi vào cái tư duy duy thần tượng tai hại, như tư duy thần
tượng ông Hồ, chẳng hạn.
NĐK
P.S.1: Có một ý tranh luận như thế này: muốn
cứu vãn cho một thế hệ mất mát trong giáo dục (như thế hệ của chúng ta hiện nay
chẳng hạn) thì không còn cách nào khác là phải tự đọc, tự học, tự thân khai
sáng v.v. Nhưng thật trớ trêu, những con người công cụ thì thường họ cũng đánh
mất luôn khả năng tự học, tự thân khai sáng này, dù vẫn có những trường hợp cá
biệt, như kiểu người Nhật Bản từng làm, đó là tạo ra phong trào mỗi người dân
và tất cả người dân đọc 100 cuốn sách khai sáng.
P.S.2: Cuốn sách "Vì một Việt Nam dân
giàu nước mạnh" được GS Trần Văn Thọ và các cộng sự thực hiện theo một
cách đặc biệt, đó là tuyển tập bài viết của 25 học giả, doanh nhân để dành tặng
riêng cho hai phụ nữ Việt Nam đặc biệt: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và nhà
báo Vũ Kim Hạnh. Theo TS Nguyễn Nam (ĐH Fulbright Việt Nam) thực hiện các cuốn
sách tuyển tập dành tặng riêng cho một nhân vật đặc biệt là một thực hành văn
hóa đặc sắc bắt nguồn từ nước Đức, sau đó lan rộng sang khắp châu Âu và Bắc Mỹ.
Những cuốn sách, những thực hành văn hóa như thế này, có thể được xem là một
cách cứu chữa cho xã hội vậy.
.
No comments:
Post a Comment