RFA
Phỏng vấn BS Ngô Thế Vinh về Kênh Funan và Đồng Bằng Sông Cửu Long
Mai
Trần,
thực hiện
21/12/2023
Như bài viết
gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần
đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ
sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)”,
xin ý kiến của ông về những vấn đề sau.
.
PV Mai Trần: Theo ông, lập luận
cho rằng sông Bassac không thuộc hệ thống Mekong và kênh đào Funan không lấy nước
từ Mekong có đúng với thực tế không?
Ngô Thế
Vinh: Tuyên bố gần
đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet cho rằng: “Kênh đào Phù Nam
không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới
tiêu, nông nghiệp.” [sic]
– Phải nói
ngay rằng đây là một câu nói thiếu thành thật, khinh thường trí tuệ của của giới
lãnh đạo Hà Nội và người dân Việt Nam. Không ai có thể nghĩ rằng Thủ tướng Hun
Manet, người tốt nghiệp từ một học viện quân sự danh tiếng West Point của Mỹ, lại
có thêm học vị Tiến sĩ Kinh tế từ Anh Quốc, mà có thể thiếu kiến thức như thế.
– Thiếu kiến
thức địa lý sơ đẳng mới có thể nói rằng sông Bassac – một trong hai phân lưu
[distributary] lớn của sông Mekong mà không thuộc hệ thống sông Mekong, để
từ đó lý luận rằng kênh đào Funan Techo chỉ lấy nước từ sông Bassac mà không lấy
nước từ hệ thống sông Mekong.
– Nếu hiểu Quatre-Bras [tiếng
Khmer là Chamean Mon hay Chaktomuk / tiếng Việt là nơi hội tụ của 4 nhánh sông]
là gì, chúng ta có ngay câu trả lời phản bác lý luận nêu trên của TT Hun
Manet. Quatre Bras tiếng Pháp là 4 cánh tay – là 4 nhánh của hệ
thống sông Mekong:
–
Mekong Thượng [Upper Mekong] là dòng chính sông Mekong chảy từ bắc xuống nam tới
Phnom Penh là nhánh thứ (1)
– Con sông
Tonle Sap là nhánh thứ (2) từ Biển Hồ chảy xuống kết nối với dòng chính Mekong
Thượng; [sông Tonle Sap có đặc tính chảy 2 chiều theo: Mùa Mưa là dòng chảy ngược
vào Biển Hồ và Mùa Khô nước từ Biển Hổ chảy xuôi dòng xuống ĐBSCL].
– Tại Quatre
Bras, nơi con sông Mekong Thượng chia làm hai phân lưu [distributaries]:
Mekong Hạ [Lower Mekong] là nhánh thứ (3) và Sông Bassac là nhánh thứ (4); cả
hai phân lưu lớn này khi chảy vào Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam,
mang tên khác là Sông Tiền (3) và Sông Hậu (4).
Như vậy,
khi Con Kênh Funan Techo lấy nước từ con sông Bassac tức là lấy nước từ đầu nguồn
của con sông Hậu thì sao lại bảo nguồn nước đó không thuộc hệ thống sông
Mekong?
BẢN ĐỒ : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-56.jpg
Quatre
Bras / Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mekong Thượng, (2) Sông Tonle Sap, (3)
Mekong Hạ / có tên Sông Tiền (4) Sông Bassac / có tên là Sông Hậu khi chảy vào
Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tình Kep là sơ đồ của con kênh Funan
Techo của Cam Bốt sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn tất năm 2028. Bản đồ với
ghi chú của Ngô Thế Vinh
.
PV Mai Trần: Nếu kênh đào
Funan không chỉ phục vụ giao thông thuỷ mà còn phục vụ tưới tiêu, nông nghiệp,
nó có thể ảnh hưởng tới sông Mekong và ĐBSCL ra sao?
Ngô Thế
Vinh: Một câu hỏi
rất hay, cùng một lúc Anh Mai Trần nêu ra được 2 vấn đề của con kênh đào Funan
Techo.
(a) Vấn
đề thứ nhất, điều mà chính phủ Phnom Penh nói ra trong thông báo gửi
MRC 4 nước Mekong; khi nói về mục đích của Dự án Funan Techo chỉ vỏn vẹn có một
câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với
lợi ích rất rõ ràng: chặng đường sông nếu không phải qua ngả Việt Nam mà
nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách được rút ngắn, như vậy sẽ giảm thiểu
thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ, – cũng có nghĩa là giảm đáng kể
chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao
thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả
nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi
phí về tiếp vận.
(b) Vấn
đề thứ hai, điều mà chính phủ Phnom Penh ban đầu không nói ra, muốn dấu
nhẹm trong Thông báo gửi MRC 4 nước Mekong, đó là tính đa năng [multipurpose] của
con kênh Funan Techo – ngoài mục đích giao thông đường thuỷ, con kênh Funan còn
tiềm ẩn nhiều mục đích khác bao gồm: thuỷ lợi [irrigation] chuyển dòng lấy nước
[water diversion] từ con kênh Funan giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích
canh tác [agriculture], tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản [aquaculture], bảo
đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng.
(c) Nhìn
xa hơn nữa qua các cuộc hội thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần
2023 [Transport and Logistics Forum 2023], người ta còn bàn tới sự gia
tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh Funan, khi xây thêm được những
giang cảng phụ [subordinate ports], tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với
phát triển các khu gia cư, đô thị hoá cùng với nhu cầu cung cấp nguồn nước ngọt
cho sinh hoạt.
Như vậy, với
con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cho mục đích thuỷ vận, mà còn
có những mục đích phát triển cả một vùng châu thổ 4 tỉnh từ Kandal, Takeo,
Kampot, và Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu
lượng nước lấy từ hệ thống sông Mekong, nhất là từ con sông
Bassac — khúc đầu nguồn của con sông Hậu, thì chắc chắn không
phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và hậu quả thiếu
nước nơi ĐBSCL phía dưới nguồn — nhất là vào mùa
khô không thể nào lường trước được.
.
PV Mai Trần: ĐBSCL đứng trước
thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng (năm ngoái, nước mặn vào tới khu vực
thị xã Bến Tre), và dòng sông Cửu Long nghẽn mạch. Việc sông Mekong nghẽn
mạch rõ ràng càng lúc càng khó giải quyết. Một mặt, Việt Nam
cần thực thi những chiến lược ngắn hạn để điều hướng các bước đi của Trung Quốc
và Cam Bốt sao cho nó công bằng hơn với ĐBSCL, nhưng mặt khác, VN cần
chuyển hướng chiến lược phát triển cho ĐBSCL.
Ngô Thế
Vinh: Hâm nóng
toàn cầu và biến đổi khí hậu là một thực trạng đã và đang ảnh hưởng trên toàn hệ
sinh thái của khắp hành tinh này, riêng các vùng châu thổ Deltas / trong đó có
ĐBSCL là đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất:
– Nước biển
dâng khiến nạn ngập mặn càng ngày càng lấn sâu vào vùng châu thổ — không phải
chỉ có ở các tỉnh ven duyên hải, mà là các tỉnh trong đất liền rất xa biển, do
lượng mưa thấp ở thượng nguồn và ngay cả nơi ĐBSCL.
– Nạn đất
lún do khai thác quá mức các tầng nước ngầm [aquifers] đến mức cạn kiệt,
với hơn một triệu giếng bơm hoạt động ngày đêm, lấy nước ngọt, không chỉ phục vụ
tiện dụng gia cư mà cả cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ, khiến vận tốc
đất lún có nơi còn nhanh hơn mực nước biển dâng.
– Với những
con đập thuỷ điện khổng lồ bậc thềm [Mekong cascades] Vân Nam, và với chuỗi những
con đập dòng chính ở Lào, do nguồn phù sa bị giữ lại trong các hồ chứa, nguồn
nước ngọt đổ về ĐBSCL là nguồn nước đói [hungry water], thay vì ĐBSCL được bồi
đắp như trước kia, thì nay bị sói mòn [erosion], tạo nên một tiến trình đảo ngược
khiến cả một vùng châu thổ, về lâu về dài đang trên một tiến trình tan rã.
– Do vận
hành giữ nước của chuỗi đập thuỷ điện thượng nguồn, không có lực đẩy của nguồn
nước ngọt đổ về, nạn ngập mặn có thể vào sâu tới 60km với nồng độ mặn cao tới 40/00 [bốn
phần ngàn], có nơi còn cao hơn. Cùng một lúc phải ứng phó với thiếu nước ngọt,
và canh tác trong tình trạng “chạy mặn”, khả năng thích nghi của người nông dân
nơi ĐBSCL phải nói là rất cao, đây chính là yếu tố tích cực cho sự chuyển hướng
phát triển của ĐBSCL.
Trước tình
trạng Cửu Long ngày thêm Cạn Dòng, thiếu “nước ngọt”, thừa “nước mặn” – một
vùng châu thổ bấy lâu được thiên nhiên ưu đãi đã không còn nữa. Việc chuyển
hướng phát triển nơi ĐBSCL – không phải chỉ có thuần nông nghiệp, mà còn nhiều
lãnh vực khác như nuôi trồng thuỷ sản, cả trên nhưng vùng nước lợ với hỗ trợ của
công nghệ cao.
Như Anh
Mai Trần đã thấy, Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trở thành một địa bàn đầy
thách đố, lối làm ăn cũ manh mún chỉ có tập trung vào cây lúa [nông dân lam lũ
này đêm mà vẫn không đủ ăn] không còn hợp thời nữa và nhu cầu một chuyển
hướng phát triển phải là một mệnh lệnh của thời đại. Và để
trả lời “câu hỏi lớn” như vậy, đề nghị RFA lập ra một Diễn đàn Mở [Open
Forum] quy tụ nhiều tiếng nói của nhiều nguồn chất xám từ trong nước
ra tới hải ngoại, và ban điều hợp Diễn Đàn ấy sẽ là nhóm Ký giả Môi Sinh của
Đài RFA.
________
HÌNH : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-57.jpg
BS
Ngô Thế Vinh, tác giả 2 cuốn sách: Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng [2000],
và ký sự Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch [2007], liên quan tới vấn đề môi sinh và
phát triển lưu vực sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hình tác giả đang
băng qua Biển Hồ, tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap. Ảnh chụp
tháng 12.2001
------------------------------
CÙNG MỘT
NỘI DUNG - XEM TẠI ĐÂY :
Chuyên
gia: Kênh Funan của Campuchia lấy nước từ Mekong, Việt Nam cần một chiến lược mới
cho ĐBSCL
RFA
2023.12.20
No comments:
Post a Comment