Phụ
nữ trẻ Trung Quốc đang thách thức Đảng Cộng Sản
Leta Hong Fincher | New
York Times
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/11/30/phu-nu-tre-trung-quoc-dang-thach-thuc-dang-cong-san/
Áp lực phải kết hôn bắt đầu
khi Amiee mới ngoài 20 tuổi.
Đến năm 25 tuổi, cha mẹ buộc tội cô làm họ mất
mặt trước mọi người, vì lúc đó cô vẫn chưa có kế hoạch kết hôn. Cha cô cảnh báo
rằng phụ nữ sẽ mất giá trong mắt đàn ông khi họ gần 30 tuổi, khi mà – theo
tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc – thời kỳ phù hợp để sinh con của họ đã
qua. Năm Amiee 29 tuổi, mẹ cô dọa sẽ nhảy lầu nếu cô không chịu tìm một người
chồng.
Trong những buổi họp mặt gia đình như Tết
Nguyên Đán, cô kể rằng họ hàng nài nỉ cô giúp “cả gia tộc tìm được bình yên.”
Còn ở nơi làm việc, cô bị áp lực phải tham gia những buổi hẹn hò lần đầu do
công ty tổ chức, dưới sự giám sát của một số đồng nghiệp. “Mọi thứ thật đáng sợ,”
cô nói.
Amiee – cô gái đang được giấu tên để tránh những
hậu quả có thể xảy ra khi dám đặt câu hỏi về chính sách của chính phủ Trung Quốc
– thực chất không phản đối hôn nhân. Đơn giản là cô chưa tìm được người bạn tâm
giao của mình, và không muốn vội vàng kết hôn chỉ để làm hài lòng cha mẹ hoặc
chính phủ, những người muốn tăng tỷ lệ sinh. Giờ đây, dù vẫn độc thân nhưng đã
có sự nghiệp thành công trong lĩnh vực quan hệ công chúng, cuối cùng cô cũng được
hưởng chút bình yên. Amiee năm nay 34 tuổi, đã qua thời kỳ mà chính phủ Trung
Quốc cho là thời kỳ sinh sản tốt nhất của phụ nữ, và gia đình đã ngừng gây áp lực
lên cô.
Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện tương tự từ
những phụ nữ độc thân ở khắp Trung Quốc, nơi chương trình tuyên truyền phân biệt
giới tính của nhà nước gọi những phụ nữ độc thân có nghề nghiệp trên 27 tuổi là
thặng nữ (sheng nu), hay phụ nữ còn thừa. Trong thời gian làm nghiên cứu thực địa
ở Trung Quốc để lấy bằng Tiến sĩ Xã hội học, từ năm 2011 đến năm 2013, tôi đã
trò chuyện với nhiều cô gái phải chịu đựng những mối quan hệ mà họ không mong
muốn, phải chấp nhận những thỏa hiệp lớn về cá nhân, tài chính, và sự nghiệp.
Tôi thực sự muốn bảo họ cứ mặc kệ tất cả.
Giờ đây, nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc đang làm
chính xác điều đó, trì hoãn hoặc né tránh việc kết hôn và sinh con, tương tự
như sự thay đổi của phụ nữ ở các xã hội Đông Á gia trưởng giàu có hơn, như Nhật
Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan. Trên tư cách cá nhân, những phụ nữ Trung Quốc này
nhìn chung không sẵn lòng thách thức chính sách chính thức. Nhưng thông qua những
lựa chọn sinh sản của mình, cùng nhau, họ đặt ra một vấn đề căn bản và phức tạp
cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đối mặt với dân số ngày càng giảm và suy thoái
kinh tế kéo dài, đảng muốn phụ nữ Trung Quốc phải ngoan ngoãn sinh con vì sự ổn
định xã hội, kinh tế, và nhân khẩu học. Thay vào đó, nhiều phụ nữ Trung Quốc,
những người hiện có nhiều tự do cá nhân và quyền kiểm soát cuộc sống của mình
hơn so với thời kỳ đầu của chính quyền Cộng sản, đang âm thầm phản đối.
Vào cuối thập niên 1970, chính phủ đã áp dụng
chính sách một con nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số. Nhưng điều này lại dẫn đến
tỷ lệ sinh giảm mạnh, dân số già đi, và mất cân bằng giới tính khi hàng triệu
bào thai bé gái bị phá bỏ vì truyền thống ưu tiên sinh con trai nối dõi. (Tính
đến năm 2020, tại Trung Quốc, số nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 vẫn cao
hơn khoảng 17,5 triệu so với số nữ giới, điều mà truyền thông chính phủ cảnh
báo có thể trở thành mối đe dọa cho sự ổn định xã hội.) Vì lo lắng, chính phủ
đã từ bỏ chính sách một con kể từ năm 2016, theo đó cho phép tất cả các cặp vợ
chồng được có hai con, thậm chí còn nâng con số đó lên ba vào năm 2021.
Nhưng kỳ vọng về bùng nổ tỷ lệ sinh đã không
trở thành hiện thực. Số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn đã giảm trong 9 năm
liên tiếp tính đến năm 2022, xuống mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu
công bố số liệu vào năm 1986. Số ca sinh mới cũng tiếp tục giảm, với chỉ 9,56
triệu trẻ được sinh ra vào năm ngoái, thấp nhất kể từ khi nước Cộng hoà Nhân
dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949. Dân số quốc gia đã giảm lần đầu tiên sau
sáu thập niên vào năm 2022, cho phép Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc
gia đông dân nhất thế giới.
Nhiều nam giới Trung Quốc cũng đang lảng tránh
việc kết hôn. Nhưng sự thay đổi nhân khẩu học này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự
không sẵn sàng của phụ nữ trong việc hy sinh sự nghiệp và lối sống, hoặc chấp
nhận gánh nặng chi phí giáo dục trẻ em ngày càng lớn. Các cuộc khảo sát gần đây
cho thấy phụ nữ trẻ Trung Quốc có cái nhìn tiêu cực hơn về hôn nhân so với nam
giới. Một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản công bố năm 2021 cho thấy
30,5% thanh niên thành thị từ 18 đến 26 tuổi cho biết họ “không tin vào hôn
nhân” và 73,4% số người đưa ra câu trả lời đó là phụ nữ.
Đó là điều đảng không hề muốn nghe. Mao Trạch
Đông từng có câu nói nổi tiếng rằng “phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời,” nhưng Chủ
tịch Tập Cận Bình đã nói rõ rằng việc buộc phụ nữ khuất phục là điều cần thiết
trong kế hoạch hiện đại hóa Trung Quốc của ông. Năm nay, chính phủ đã bắt đầu một
nỗ lực mới để khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con, và tại một cuộc họp
chính trị hàng đầu dành cho phụ nữ vào tháng 10, Tập đã kêu gọi xây dựng “một
kiểu văn hóa hôn nhân và sinh con mới,” trong đó đảng cố gắng thuyết phục giới
trẻ Trung Quốc sinh con. Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1997, không có một
phụ nữ nào trong số 24 thành viên được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị mới của đảng.
Nhưng các chính sách đi lùi của Tập đang rõ
ràng đang mâu thuẫn với vai trò truyền thống của phụ nữ Trung Quốc. Bên cạnh việc
phải từ bỏ các quyền tự do cá nhân và nghề nghiệp, hôn nhân có thể trở thành điều
hết sức nguy hiểm đối với phụ nữ Trung Quốc. Nhiều phụ nữ đã phải đối mặt với bạo
lực gia đình, và sau đó là cuộc chiến khó khăn khi theo đuổi việc ly hôn tại
tòa án. Năm 2021, chính phủ thậm chí còn khiến việc ly hôn trở nên khó khăn gấp
bội cho phụ nữ khi áp đặt thời gian hoà giải bắt buộc đối với các cặp vợ chồng
có ý định ly hôn.
Chính phủ của Tập đã tiến hành đàn áp rộng rãi
các tổ chức xã hội dân sự, khiến các hành động nữ quyền công khai trở nên nguy
hiểm. Hoàng Tuyết Cầm, một nhà báo và nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu, người đã
khởi xướng phong trào #MeToo của Trung Quốc bằng cách tạo ra một nền tảng mạng
xã hội để đưa tin về hành vi quấy rối tình dục vào năm 2018, đã bị đưa ra xét xử
vào tháng 9 sau hai năm bị giam giữ, với các cáo buộc mơ hồ về tội lật đổ.
Không có bản án nào được công bố.
Xung đột về quyền kiểm soát sinh sản đang xuất
hiện, một cuộc xung đột có ý nghĩa lớn đối với quyền của phụ nữ và tương lai
nhân khẩu học của Trung Quốc. Đảng đã xác định chủ nghĩa nữ quyền phương Tây là
mối đe dọa đối với các mục tiêu kế hoạch hóa dân số và là một ví dụ về sự xâm
nhập của hệ tư tưởng thù địch từ nước ngoài. Việc kiểm duyệt các chủ đề nữ quyền
trên mạng đã được tăng cường, song song với đó là các chương trình tuyên truyền
của nhà nước với quan điểm sai lầm về phụ nữ.
Nhưng khi số lượng phụ nữ Trung Quốc theo học
đại học đạt mức cao kỷ lục, mối quan tâm đến các vấn đề nữ quyền và khẳng định
quyền sinh sản cũng tăng lên. Phụ nữ tiếp tục lên mạng để thách thức sự phân biệt
giới tính cũng như sự đối xử bất bình đẳng, và trao đổi ý kiến với nhau. Trong
bối cảnh ngành xuất bản của Trung Quốc bị kiểm duyệt gắt gao, các tác phẩm dịch
của các nhà hoạt động vì nữ quyền như học giả người Nhật Chizuko Ueno đã trở
thành sách bán chạy nhất ở Trung Quốc.
Khi cuộc đấu tranh về quyền kiểm soát sinh sản
leo thang, chính phủ có thể mở rộng hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp khác để
khuyến khích sinh con. Nhưng xét đến tâm lý của Tập, chính phủ nhiều khả năng sẽ
tăng áp lực lên chủ nghĩa nữ quyền và quyền phụ nữ nói chung. Hiện tại, việc thắt
ống dẫn tinh cũng đã trở nên khó khăn hơn.
Nhưng các lựa chọn của Đảng Cộng sản đang bị hạn
chế. Trung Quốc không thể ép buộc phụ nữ kết hôn hoặc mang thai, và khó có thể
nới lỏng các chính sách nhập cư chặt chẽ để bù đắp cho lực lượng lao động đang
bị thu hẹp. Việc đặt thêm áp lực lên phụ nữ hoặc sử dụng những hành động quyết
liệt như áp đặt lệnh cấm phá thai hoặc tránh thai trên toàn quốc có thể khiến
thái độ của phụ nữ trở nên cứng rắn hơn, thậm chí dẫn đến một cuộc nổi dậy. Một
điều chắc chắn là những phụ nữ trẻ, có học vấn đã đứng đầu các cuộc biểu tình ở
một số thành phố vào cuối năm 2022, nhằm chống lại các chính sách kiểm soát đại
dịch hà khắc của chính phủ.
Đảng Cộng sản đã phải đối mặt với nhiều đối thủ
và người bất đồng chính kiến suốt những thập niên cai trị của mình, nhanh chóng
bịt miệng và đẩy họ vào quên lãng. Tuy nhiên, đứng trước những phụ nữ trẻ của đất
nước, các lãnh đạo nam giới của đảng có lẽ sẽ phải đối mặt với thách thức khó
khăn nhất của mình.
------------------------
Leta Hong Fincher là chuyên gia về nữ quyền ở Trung
Quốc và tác giả cuốn sách “Leftover Women: The Resurgence of Gender Inequality
in China.” Bài viết có sự hỗ trợ của Yi Liu.
Nguồn: Leta Hong Fincher,
“Young
Chinese Women Are Defying the Communist Party,” New York Times, 26/11/2023
======================================================
Có Thể Bạn Quan Tâm:
1. Các đặc tính và tệ nạn
của văn hóa Trung Quốc
2. Nhìn lại 50
năm chuyến thăm Trung Quốc của Nixon (P2)
3. Chiến
thuật tuyên truyền chiến tranh Ukraine của ĐCS Trung Quốc
4. Đằng sau
việc Trung Quốc phóng tên lửa vào EEZ của Nhật Bản
5. Phụ
nữ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ chính sách zero-covid
6. Tại sao Đài Loan quan trọng
với thế giới?
7. Tại sao
Trung Quốc đổi giọng điệu về quan hệ với Nhật Bản?
8. Tướng
lĩnh lão thành âm thầm gây áp lực lên Tập tại Bắc Đới Hà?
No comments:
Post a Comment