Monday, December 4, 2023

PHONG TRÀO XÉT LẠI và SỰ LỤI TÀN CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO TRÊN THẾ GIỚI (Nguyễn Quốc Tấn Trung  -  Luật Khoa Tạp Chí)

 



Phong trào xét lại và sự lụi tàn của chủ nghĩa tự do trên thế giới

Nguyễn Quốc Tấn Trung  -  Luật Khoa Tạp Chí

November 30 2023 3:39 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/11/chu-nghia-xet-lai-va-su-lui-tan-cua-chu-nghia-tu-do-the-gioi/

 

Và rồi không còn ai…

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/11/Ch--ngh-a-x-t-l-i.png

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

Vào đầu thập niên 1990, khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia cộng sản Đông Á và Đông Nam Á vừa chấm dứt các cuộc xung đột triền miên với nhau, tương lai của mô hình nhà nước điển hình cho toàn thế giới dường như không còn một lựa chọn khả dĩ nào khác, đó chính là mô hình dân chủ tự do (liberal democracy), mà Hoa Kỳ là đại diện hoàn hảo nhất và là người dẫn đầu quyền năng nhất. 

 

“Lịch sử thế giới đã kết thúc tại đây”

 

Nhà nghiên cứu chính trị người Mỹ Francis Fukuyama tự tin khẳng định như vậy khi ông chứng kiến sự thoái trào của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, sự ngưỡng mộ của khắp thế giới đối với sức sáng tạo và văn hóa tiêu dùng tư bản mãnh liệt từ thập niên 1980 đến thập niên 1990. [1] Đối với ông, đây là bằng chứng cho thấy phương Tây và các giá trị của nó đã chiến thắng trong trận chiến quyết định với chủ nghĩa cộng sản để đi đến “chân trời cuối cùng” của lịch sử thế giới. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/11/ab7cbbe1-9415-4979-9998-27b836f444dd_d8fecd39.webp

Học giả Francis Fukuyama. Nguồn ảnh: AFP.

 

Áp dụng Thuyết mạt thế hay Tận thế học (Eschatology) vào các quan sát và tuyên bố chính trị, tôn giáo là một thực hành thường xuyên và phổ biến.

 

Thiên Chúa giáo dự đoán về sự tái lâm của Jesus và ngày phán xét dành cho tất cả. 

Thời kỳ Mạt Pháp được kinh Phật tiên đoán cũng có thể được xem là một dạng của Tận thế học, dù Phật giáo tập trung vào sự tuần hoàn lặp lại nhiều hơn. 

 

Hay như nhà triết học Immanuel Kant và triết gia Karl Marx cũng từng liên tưởng đến sự kết thúc của lịch sử. Kant nghĩ về sự giải phóng hoàn toàn dành cho loài người là mục tiêu cuối cùng của lịch sử, còn Marx thì nghĩ đến sự hình thành của một địa đàng cộng sản quốc tế như là đích đến cuối cùng của toàn bộ xã hội loài người.

 

Vì vậy, Francis Fukuyama không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng dùng các lý thuyết mạt thế để làm nổi bật quan sát và tầm nhìn của mình cho đích đến cuối cùng lịch sử. Tuy nhiên, cũng như mọi lý thuyết nói về “sự cuối cùng”, “tận thế”, hay “mạt thế”, lý thuyết của Fukuyama có lỗ hổng rất lớn: tương lai vốn không thể biết trước. 

 

Hiển nhiên, một nhà nghiên cứu hay một người quan sát chính trị không bị giới hạn bởi định kiến chính trị đều có thể nhận ra sự tụt hậu của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô: Sự vận hành mệt mỏi của những cỗ máy quan liêu đã cũ kỹ lại quá đắt đỏ; bộ máy nhà nước ngày càng phình to và bị xem là đi ngược lại với lợi ích của quần chúng; vẻ bề ngoài kém hào nhoáng và kém hiệu quả so với tư bản phương Tây; kèm theo đó là xu thế bài trí thức; v.v. Đây là những sự thật có thể được dùng để chứng minh tính vượt trội của mô hình nhà nước dân chủ tự do tư bản chủ nghĩa so với các thiết chế mà Liên Xô “chào mời” đến thế giới. 

 

Song điều này không có nghĩa là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đã là điểm phải đến cuối cùng của lịch sử.

 

Chỉ gần 40 năm sau lời tuyên bố trịnh trọng cùng một niềm tin mãnh liệt của Fukuyama, thế giới thay đổi gần như hoàn toàn. Và tương lai không thể cản phá của chủ nghĩa tự do trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.

 

Bài viết này hy vọng có thể giới thiệu đến bạn đọc một vài góc nhìn, cho thấy trở ngại, hay thậm chí là sự thoái trào của chủ nghĩa tự do, cũng như làn sóng dân chủ đi kèm. 

 

 

Thời phục hưng của các nhà nước chuyên quyền

 

Khó có thể xem sự trỗi dậy của các quốc gia chuyên quyền (autocracy) Đông Á, như Trung Quốc, là sự trở lại của chủ nghĩa xã hội phương Đông. 

 

Với nền tảng và triết lý quản lý kinh tế mang tính tân tự do (neo-liberalism) và bao hàm các giá trị tư bản trọng yếu (tự do sở hữu, tự do kinh doanh, tinh thần tự cường, và chủ nghĩa khởi nghiệp, v.v.), những nền kinh tế này không thật sự thỏa mãn các yếu tố cơ bản của kinh tế chủ nghĩa xã hội. Tư duy kinh tế “giai cấp vô sản sở hữu tư liệu sản xuất và làm chủ phương thức sản xuất” của Marx không còn là xương sống cho sự phát triển của các quốc gia này.

 

Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa rằng họ có một mô hình phát triển thuần tự do theo chủ nghĩa tư bản phương Tây. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/11/Beckley-scaled.jpg

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào năm 2022. Nguồn ảnh: AP.

 

Rất nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, Singapore, hay Nga, v.v. xem tự do, dân chủ, và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tự do phương Tây là kẻ thù không đội trời chung. Tự do hiệp hội, tự do ngôn luận, tự do đảng phái theo định nghĩa gốc của nó chắc chắn không phải là những nguyên liệu chính của quá trình xây dựng ở các quốc gia này.

 

Phong trào phục hưng của làn sóng nghiên cứu về chế độ chuyên quyền (renaissance in studies of autocracies) đã chỉ ra, những điều này không đồng nghĩa với sự chậm tiến hay trì trệ kinh tế như nhiều học giả theo chủ nghĩa tự do kỳ vọng. [2]

 

Một mặt, việc học tập các kỹ thuật quản lý kinh tế – xã hội phương Tây (bao gồm nhưng không giới hạn: kỹ thuật kế toán, trọng tài thương mại, ngân hàng, chứng khoán, giáo dục, quản lý thuế, quản lý đầu tư, v.v.) khiến cho việc hòa nhập, thu hút, và phát triển tiềm lực kinh tế trở nên dễ dàng, thuận tiện. 

 

Kinh tế phát triển không chỉ thúc đẩy tính chính danh của chính quyền đương nhiệm, nó còn tạo ra một không gian lý thuyết trò chơi (game-theory) mà nhà kinh tế học Daron Acemoglu và James Robinson gọi là mức độ kiểm soát và đàn áp tối ưu (optimal repression). [3] Nói cách khác, dân chủ hóa kinh tế không đồng nghĩa với dân chủ hóa chính trị, các nhà nước này kiểm soát chính trị ở mức triệt tiêu lãnh đạo các nhóm đối lập hoặc cảnh báo các nhóm này mà vẫn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình dân chủ hóa kinh tế và hình ảnh quốc gia đối với các cộng đồng kinh tế. 

 

Không chỉ vậy, các công cụ và diễn đàn dân chủ (như các cuộc bầu cử chẳng hạn) cũng bắt đầu có các công năng riêng. [4] Thay vì chỉ được dùng để làm bình phong, hệ thống bầu cử và các biện pháp dân chủ giờ đây dần trở thành công cụ để giới chóp bu lãnh đạo có thể kiểm tra lòng trung thành, năng lực, hay sự yêu mến mà quần chúng dành cho lãnh đạo ở địa phương. 

 

Cùng với các cơ quan dân vận, hội đoàn do nhà nước quản lý tại địa phương, chúng ta dần có thứ gọi là co-opting institutions (tạm dịch: các định chế giám sát), kết nạp người dân vào các không gian do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, như đề xuất của nhà nghiên cứu Bueno de Mesquita, co-optation khác rất nhiều với dân chủ. 

 

Nếu kết quả của các tiến trình dân chủ là bất định và tùy thuộc vào sự hài lòng của cử tri về một vấn đề nhất định, co-optation mang các yếu tố địa phương (nhóm trí thức, hội nhóm tôn giáo, nhóm vận động quyền, v.v.) vào quy trình đưa ra quyết định. Điều này không phải để trao quyền cho họ, mà là để kiểm soát, giới hạn sức mạnh của từng nhóm, từ đó thuyết phục họ rằng quyết định được giới lãnh đạo chóp bu đưa ra là chính xác và phù hợp tuyệt đối, không nên bị thách thức hay chỉ trích. [5] Các đối tượng đi ra ngoài lằn ranh mà co-optation cho phép sẽ bị xem là không có tính đóng góp, phá hoại, bị loại trừ, và bị xử lý tùy thuộc mức độ nặng nhẹ khác nhau.

 

Chỉ ra những điều trên không nhằm để chỉ trích, mà để chúng ta thấy rằng trình độ và kỹ thuật quản lý của các nhà nước chuyên quyền đã đạt đến mức độ không kém bất kỳ chính quyền dân chủ phương Tây nào. Lượng kiến thức và thông tin mà họ có để xử lý các vấn đề từ thường nhật đến khủng hoảng bằng các kỹ thuật kiểm soát dường như còn ổn định và thiết thực hơn cả việc đặt niềm tin vào dân chủ trực tiếp và các quyết định không phải bao giờ cũng lý tính của quần chúng. 

 

Tốt hay không tốt, đạo đức hay không đạo đức, sự hoàn thiện hóa của các thể chế chuyên quyền với nền chính trị đơn đảng, có kiểm soát, và kinh tế phát triển tốt sẽ dần được xem là mô hình thay thế phi phương Tây đáng học hỏi trong một tương lai. 

 

 

Quá trình xét lại của giới học thuật phương Tây

 

Quá trình xét lại của giới học thuật phương Tây là một quá trình mà bản thân người viết trải nghiệm và cảm nhận trong suốt 5 năm sinh sống, làm việc, giảng dạy tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Canada. 

 

Trong vòng mười năm trở lại đây, phong trào xét lại lịch sử, vai trò và thành tựu của hệ thống chính trị phương Tây đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng hiểu thế nào là xét lại trong bối cảnh này? 

 

Chúng ta cần biết rằng không gian tự do học thuật tại phương Tây, mà đặc biệt là Hoa Kỳ, tạo ra hằng hà sa số các học thuyết, quan điểm và cách tiếp cận liên quan đến kinh tế học, khoa học xã hội, lịch sử, pháp luật, v.v. Tuy nhiên, theo cảm nhận của người viết tại những không gian này, chưa bao giờ không gian học thuật phương Tây bị bao trùm bởi chủ nghĩa xét lại đến vậy. 

 

Chỉ cách đây khoảng 15 năm, cán cân giữa các nhóm theo chủ nghĩa tự do (liberalism), chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) và các nhóm theo chủ nghĩa Marx, các nhóm trường phái chỉ trích (critical schools) là tương đối cân bằng. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các nhóm theo chủ nghĩa Marx và trường phái chỉ trích gần như hoàn toàn áp đảo tại hầu hết các trường đại học. 

 

Người viết sẽ không bàn về câu chuyện đúng sai trong phạm vi bài viết này, vì một thảo luận như vậy chắc chắn không thể gói gọn trong công cụ trình bày mà chúng ta đang có. Song dù gì đi chăng nữa, tính xét lại, đánh giá lại, và thậm chí chỉ trích lại những giá trị, thành tựu của phương Tây trong suốt hàng trăm năm qua tại chính các trường đại học phương Tây đã và sẽ tiếp tục là vấn đề lớn. 

 

Vậy họ xét lại những điều gì? 

 

Ví dụ, thành tựu xây dựng nhà nước với quy chế liên bang - tiểu bang, thành tựu lập pháp với bản hiến pháp dân quyền đầu tiên và hàng loạt các tu chính án dân quyền của Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn bị phủ nhận. Thay vào đó, các lý thuyết gia hậu thực dân và các trường phái chỉ trích sẽ nhắm vào cái các điểm yếu về bối cảnh và lịch sử của quá trình hình thành Hoa Kỳ, như thực dân định cư (settler colonialism), việc tiếp tục duy trì chế độ sở hữu nô lệ tại thời điểm lập quốc, hay những yêu cầu bồi thường cho người bản địa Bắc Mỹ (reparation). Các tác phẩm gần đây được xuất bản như “The Battle over America’s Origin Story: Legends, Amateurs, and Professional Historiographers” của sử gia Brian Regal cho chúng ta một tổng hợp tương đối đầy đủ. [6] [7] 

 

Tương tự, hệ thống quân sự và hậu cần dày đặc của Hoa Kỳ trên toàn cầu cũng từng được xem là thành tựu về quân sự, kinh tế, và kỹ thuật hậu cần xuất sắc của quốc gia này. Tuy nhiên, qua lăng kính của giới học giả chỉ trích và phi thực dân (decolonisation), đây cũng không phải là thành tựu kinh tế hay thành công quân sự gì to lớn mà đơn giản chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân nợ (debt colonialism) và những nơi định cư của chủ nghĩa đế quốc (imperialist settler garrison). [8]

 

Nói cách khác, các phong trào học thuật đang thống trị nhiều đại học phương Tây gần như đi theo xu hướng chỉ trích, mà từng phổ biến ở các quốc gia cộng sản thời Chiến tranh Lạnh khi nói về Hoa Kỳ và Tây Âu. Điều khác biệt duy nhất là những diễn ngôn này đang diễn ra ngay trong lòng các quốc gia phương Tây, và trở thành một phần “sự thật” của đại chúng, đặc biệt là giới sinh viên trẻ. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/11/8123.webp

Biển cảnh báo nguy hiểm bên ngoài Điện Capitol Hoa Kỳ. Ảnh minh họa. Ảnh: Jim Lo Scalzo/EPA.

 

Liệu đây là một bước phát triển tốt hay xấu, tiến tới hòa hợp hay tạo ra thêm xung đột, là những thảo luận chỉ tương lai mới có thể trả lời. Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là các lý thuyết cấp tiến, tự do, chủ nghĩa cá nhân, và tinh thần tư bản, v.v. mà phương Tây luôn tự hào đang dần thất thế ngay trên sân nhà. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi của chính sách ngoại giao trong tương lai dài hạn, và tham vọng của chính quyền Hoa Kỳ trong việc ủng hộ các phong trào dân chủ, cấp tiến trên thế giới cũng sẽ giảm đi đáng kể.

 

                                                         *** 

 

Sẽ thật khó để nhận biết liệu tương lai của các phong trào dân chủ và chủ nghĩa tự do sẽ đi về đâu nếu đầu tàu duy nhất của toàn bộ lý thuyết này - Hoa Kỳ - vụn vỡ trước các phong trào xét lại nội địa. 

 

Mặt khác, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia chuyên quyền, cùng với đó là thành tựu to lớn về mặt kinh tế và kỹ năng kiểm soát xã hội, chính thức đặt chủ nghĩa tự do trước một thách thức dường như khó hơn cả chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô.


 

Vì sao chất lượng học thuật xuống thấp trong một nền chính trị toàn trị?

Yêu cầu “trung với đảng” biến hệ thống khoa học trở thành bộ máy quan liêu.

Luật Khoa tạp chí                               Võ Văn Quản

 

 

Quan điểm | Mạn đàm đầu năm: Nhà khoa học, tự do và lòng trung thành chính trị

Khoa học có cần tính đảng?

Luật Khoa tạp chí                    Huỳnh Công Đương

 

 





No comments: