Monday, December 25, 2023

NHỮNG MẢNH ĐỜI ĐEN TRẮNG - NHỮNG BI KỊCH ĐẶT LIỀN NHAU (Ngô Thị Kim Cúc / Văn Việt)

 



Những mảnh đời đen trắng – những bi kịch đặt liền nhau

Ngô Thị Kim Cúc

18 Tháng Mười Một, 2023

https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhung-manh-doi-den-trang-nhung-bi-kich-dat-lien-nhau/

 

 

Ở một phía là bi kịch của những thị dân tiểu tư sản: họa sĩ Tư, bà Hoa, Hoàng và Thùy Linh mà trong đó, với tư cách con người, số phận họ gắn liền và lệ thuộc vào số phận của cộng đồng, dân tộc; còn với tư cách công dân, số phận họ lệ thuộc vào sự hành sử quyền lực của những người lãnh đạo.

 

Họa sĩ Tư, một trí thức bỏ thành phố đi theo Việt Minh chống Pháp, để rồi khi hòa bình lập lại thì đời riêng của ông có hai mất mát lớn: người yêu thời thơ trẻ trở thành chị dâu còn người yêu kháng chiến của ông thì thành vợ của người bạn chí cốt. Ở quãng đã xế của cuộc đời, ông nghỉ hưu non để về sống trong cái thị trấn buồn hiu, bé nhỏ mà ở đó, như bởi sự lá lay của số phận, ông đã gặp lại tất cả quá khứ của mình, từ gia đình người anh đến cả người bạn chiến đấu cũ.

 

Anh trai của họa sĩ, viên đại úy già được đào tạo và chỉ được kinh qua duy nhất một môi trường chiến tranh thời cũ, chỉ có một kiến thức duy nhất và một niềm tin duy nhất vào sự dũng cảm của người lính, và chỉ có một sự phân loại hết sức rạch ròi trong đầu: cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời bình chỉ tin được vào tầng lớp vô sản cùng khổ, còn tầng lớp tiểu tư sản thị dân thì luôn luôn đáng nghi và bất cứ lúc nào cũng có thể tóm cổ về nhà giam

 

Vì thế, đại úy đã xem thứ nghệ thuật mà em trai mình suốt đời đeo đuổi chỉ là thứ sản phẩm dâm ô trụy lạc có tư tưởng hai mặt và phản cách mạng. Vì thế, dù chưa từng nhìn thấy chúng, ông đã “cố vấn” cho chủ tịch thị trấn phải bắt giữ kẻ đã tạo ra chúng, như một hành động ngăn ngừa và răn đe đối với bọn tiểu tư sản thị dân không tin được.

 

Hành động đó không ngờ lại tạo ra phản ứng ở phía đại úy ít chờ đợi nhất: bà Hòa, vợ ông, bị kích động bởi sự đơn chiếc và bất hạnh của họa sĩ, đã có đủ can đảm vượt qua lễ giáo khắc nghiệt và sự áp đảo của chồng để nối lại tình yêu với con người đã bị mình phụ bạc, như một hành động để chống lại sự độc đoán thô thiển của chồng, cũng chính là để được trở về với con người cũ, con người thật của mình.

 

Ngay lập tức, bà Hoa phải cùng gánh chịu sự trừng phạt của đại úy, và sau đó là sự dè bĩu của dư luận, sự trả giá không tránh được của những kẻ dám vi phạm luật cấm. Và họ, họa sĩ và bà Hoa, đã phản ứng lại gay gắt hơn: họ từ bỏ thế giới đã đối xử tàn nhẫn với họ, trốn chạy để tìm một thế giới khác mà họ nghĩ rằng ở đó, tình yêu và nghệ thuật của họ sẽ được dung nạp và che chở, họ tưởng rằng vẫn có sẵn một thế giới như thế ở đâu đó, nếu không thì họ sẽ tự tạo ra.

 

Thế nhưng, thực tế cuộc sống phũ phàng hơn nhiều, tình yêu và nghệ thuật của họ không thể có một mảnh trời riêng nào tách khỏi bầu trời họ đang sống, và bản thân tình yêu và nghệ thuật với những vỏ bọc mỏng manh của nó chẳng thể tự chở che, chứ đừng nói đến việc chở che cho họ.

 

Thế nhưng, chính hành động liều lĩnh của đôi tình nhân lớn tuổi đã khiến hai người trẻ tuổi ngả về cùng phía với họ, Hoàng, con trai bí thư huyện và Thùy Linh, con gái của đại úy và bà Hoa cũng bị đẩy vào ngõ cụt.

 

Bị cười chê, ruồng rẫy, cô đơn và tuyệt vọng nên họ trốn chạy vào tình yêu, như hành động cuối cùng họ có thể làm được, như tình yêu là lối thoát và là sự cứu chuộc cuối cùng. Nhưng tình yêu không mở ra lối thoát, cũng chẳng cứu chuộc được gì cả mà còn đẩy họ vào tình thế bế tắc hơn: họ thực sự không có đường lui.

 

 Mất hướng, cộng với nỗi đau khổ mà tuổi trẻ chưa quen chịu đựng, chưa biết cách vượt qua, họ làm tan vỡ tình yêu của mình rồi chia tay nhau, mỗi người mang theo một vết thương không dễ gì chữa khỏi.

 

Ở trang cuối cùng, bà Hoa chết, họa sĩ Tư bị bắt trở lại, Thùy Linh bị Trần Hới bỏ rơi với một bào thai trong bụng, còn Hoàng cô đơn nằm một mình bên bờ sông, với một mặt trời đã lặn cùng những ngôi sao còn mờ, trong một buổi chiều ảm đạm nhất đời anh. Mọi việc chưa dừng lại nhưng sẽ diễn tiến như thế nào và dẫn tới đâu, Nguyễn Quang Lập còn bỏ lửng.

 

Ở phía bên kia, đối mặt với họa sĩ, bà Hoa, Hoàng và Thùy Linh là chân dung của các nhà lãnh đạo và đồng thời cả những bi kịch của họ. Họ có tên riêng, có chức vụ khác nhau, có những chi tiết lý lịch và những cá tính khác nhau nhưng cuối cùng đều gặp nhau ở một điểm: họ là những kẻ thất bại trong cuộc sống, thất bại trong đời tư và trong cả cuộc sống chung, trong đó có lý tưởng cao cả họ đeo đuổi.

 

Người nổi bật nhất là đại úy Thìn. Với tính cách mạnh mẽ của một nhân cách nhà binh đúc khuôn, ông đã chi phối cả ba nhà lãnh đạo còn lại và là người chịu trách nhiệm chính trong tất cả những sự việc đã xảy ra mà ông thực sự tin rằng mình làm đúng.

 

Ông nghĩ rằng bằng việc bắt giữ họa sĩ, ông sẽ trừng trị được “tên cặn bã tư sản phản cách mạng” và chấm dứt được những tư tưởng nhen nhóm a tòng của vợ và con gái. Ông tưởng rằng lệnh truy nã em và vợ sẽ làm tăng giá trị ông trong mắt lãnh đạo và nhân dân thị trấn. Để rồi sau đó, thấy mọi việc không như ý mình, nhất là khi chính những đồng đội đồng chí của ông cũng bắt đầu có sự sắp xếp lại giá trị của ông trong bậc thang giá trị mới, theo đúng yêu cầu mới và khả năng đáp ứng của từng người.

 

Đại úy Thìn, cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa hề nhận ra sự thực mà vẫn còn đổ cho rằng tất cả chỉ vì lý lịch chó má của mình, với em trai và vợ con như thế. Sự u mê kéo dài và trầm trọng tới mức khó hiểu như thế thực ra lại rất dễ giải thích: nếu đại úy có khả năng nhìn ra cốt lõi mọi việc thì ông đã tấn công vào sự dốt nát ghê gớm và thói quyền lực thô bạo của chính mình, thay vì tấn công vào những người bất hạnh ở dưới tay ông như đã làm.

 

Ông đã nhìn những con người có khả năng vượt qua sự dốt nát như những đối tượng chính phải loại trừ. Việc này tô đậm thêm nét bi kịch trong ông: đại úy không có khả năng tự cứu mình, tự thoát ra khỏi tình trạng mê muội khủng khiếp. Việc làm cuối cùng để cố khẳng định giá trị của mình đã trở thành việc làm cuối cùng để đánh đổ tất cả những ảo tưởng và ngụy tín của ông: chỉ bằng vào sự liều lĩnh và dốt nát thì chỉ có chuốc lấy thất bại.

 

Đại úy đã chết, như một sự tất nhiên của khách quan sự việc. Người ta chỉ có thể thương ông với lòng thương hại chứ không thể tiếc ông với lòng ngưỡng mộ và lời ca ngợi: ông là một anh hùng đã bị vượt qua mà không tự biết. Ông là một người thất bại.

 

Cũng như thế, chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy, con người ba đời cùng khổ đã chạy theo cách mạng; chủ tịch huyện Lanh, chỉ có một ưu điểm duy nhất là làm ngay theo tất cả những lời được “cố vấn” hay xúi giục từ những người mà ông tin cậy, cuối cùng cũng đã bị loại khỏi tiến trình cuộc sống, khi cuộc chiến đấu mới đòi hỏi những khả năng mới.

 

Cả hai người cũng đều là kẻ thất bại trong hành trình cuối đời, thất bại trong mục tiêu của mình, vô ích với lý tưởng của mình vì đã không biết vươn lên mà cũng không biết rút lui đúng lúc.

 

Còn một bi kịch kiểu khác của một nhà lãnh đạo loại khá: bí thư huyện Thanh. Là ông tú duy nhất trong giàn cán bộ cấp cao của tỉnh, là người trí thức thực sự hiểu biết mọi thứ, từ mặt phải đến mặt trái của đời sống, nhưng ông không bao giờ bày tỏ thái độ thực của mình, vì muốn được yên. Và bí thư huyện đã tạo cho người khác thói quen nhìn nhận ông như thế: một người hiền lành, dễ tính.

 

Cho đến khi vì lương tri và mặc cảm cần giải tỏa, bí thư huyện đã có hành động đồng tình với họa sĩ, chống lại những biện pháp thô bạo của những người đồng sự thì ông lập tức trở thành người có vấn đề trong mắt những người còn lại. Và sau đó ông trở thành đối tượng, thành nạn nhân trong một vụ kỷ luật, mất cả chức vụ, cái mà vì nó ông đã không dám sống đúng với con người thật của mình cho đến tận cuối đời.

 

Để cuối cùng, cựu bí thư chỉ còn một khả năng duy nhất là đối diện với chính cái bóng của mình, như một sự tự sám hối nghiệt ngã nhất dành cho những người không dám sống trung thực, không muốn phải trả giá với cái mà mình muốn có.

 

Sự thất bại của bốn nhà lãnh đạo thị trấn tựu trung là những vấn đề hiện thực hậu chiến: thế hệ làm chiến tranh đã là người anh hùng chiến thắng nhưng đồng thời cũng là nạn nhân thua thiệt của chính cuộc chiến tranh mà họ phải vượt qua.

 

Để tiếp tục phát huy chiến thắng đã đạt, họ phải tự vận động bản thân mình, cùng chiều với vận động của cả xã hội. Bằng không thì bi kịch là điều không thể tránh.

 

Có một người mà suốt từ đầu chí cuối đã tuần tự nhi tiến trên con đường quan chức: đó là Trần Hới. Cái anh chàng giáo viên tưởng chừng vô thưởng vô phạt, chỉ có mỗi một thú vui duy nhất là ve vãn các nữ sinh, bỗng chốc khám phá ra phương pháp rất hiệu quả để biến tất cả những bất lợi phía người khác thành cái lợi của mình, nhằm thu hoạch đến đối đa những gì mà cuộc sống nhiễu nhương có thể nhầm lẫn mà trao cho hắn.

 

Hắn đã can dự vào tất cả những bi kịch của những người trong thị trấn, từ bí thư, chủ tịch, cho đến cô học trò Thùy Linh, đã thành công một cách quá suông sẻ và dễ dàng vì người có khả năng ngăn chận hắn thì không có quyền lực, còn người có quyền lực lại không có khả năng ngăn chận hắn.

 

Chủ nghĩa cơ hội, thực dụng và vô đạo lý tới mức tàn bạo đã cô đọng lại trong Trần Hới, kẻ tóm thâu mọi thứ chỉ bằng chất lưu manh và phản trắc. Thứ sản phẩm chỉ có được trong tình trạng nhá nhem của mọi thứ.

 

Từ một giáo viên bị cấm giảng, Trần Hới đã leo lên chức phó bí thư huyện đoàn, và từ phó bí thư huyện đoàn hắn sẽ còn tiến đến đâu nữa, chưa thể lường được, nếu vẫn còn những nhà lãnh đạo mù quáng tin hắn, tự nguyện biến thành phương tiện và trợ thủ cho hắn, làm tan rã chính sức mạnh của chế độ mà mình đem máu ra bảo vệ, từ bên trong.

 

Với những Trần Hới, là mối nguy hiểm thực sự phải đề phòng ngay từ trong mầm mống, thì những người có trách nhiệm lại hoàn toàn chưa thể nhận ra.

 

Không những thế, họ còn vô tình hỗ trợ để hắn tha hồ tung hoành mà kiếm chác.

 

Nếu lớp người cũ thực sự có lý tưởng nhưng bị hạn chế về học thức và đời riêng nên không thể tiếp tục đảm đương sứ mạng thì ai sẽ thay thế họ làm nốt phần còn lại mà lịch sử và dân tộc đã giao phó?

 

Nếu lớp bổ sung lại là những Trần Hới thì liệu cuộc cách mạng có đi đến được mục đích đã định không?

 

Và những con người như họa sĩ Tư, bà Hoa, Hoàng và Thùy Linh rồi sẽ sống ra sao?

Ai sẽ nâng họ dậy khi họ vấp ngã, ai sẽ đủ yêu thương và tin cậy để giúp họ có điều kiện hiến dâng cho đời phần tốt đẹp nhất trong con người họ, phần tinh hoa nhất trong mỗi con người?

 

Tình yêu và nghệ thuật, cái có thể hàn gắn và làm dịu đi mọi vết thương chiến tranh phải có đất để nảy mầm và kết trái.

 

Nguyễn Quang Lập đã đưa ra bức kiến nghị khẩn thiết ấy, đúng như một người cầm bút, một công dân ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình.

 

Dưới ngòi bút của anh, chiến tranh không trùm lấn, không nuốt mất những số phận riêng biệt, những con người cá nhân, mà chiến tranh chỉ là cái cớ để họ bộc lộ đúng và rõ con người thật mình, dù ở bất cứ vị trí nào trong cuộc sốg.

 

Chỉ có tình yêu và cái đẹp mới có thể tồn tại và mãi mãi là nhu cầu thực sự của con người, nhất là những con người bất hạnh.

 

http://vanviet.info/wp-content/uploads/2023/11/image_thumb20.png

                                                Tháng 7.2019

                             Trần Đỉnh, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Quang Lập

 

 

 





No comments: