Tuesday, December 5, 2023

NGƯỜI VIỆT NAM VẪN PHÁ THAI TRÀN LAN VÌ TRỌNG NAM KHINH NỮ (Người Việt)

 



Người Việt Nam vẫn phá thai tràn lan vì trọng nam khinh nữ

Người Việt

December 5, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nguoi-viet-nam-van-pha-thai-tran-lan-vi-trong-nam-khinh-nu/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam vẫn có vấn nạn phá thai tràn lan trên cả nước vì quan niệm cổ hủ trọng nam khinh nữ vẫn chưa gột bỏ được.

 

Hãng tin Đức DPA có bài viết ngày Thứ Ba, 5 Tháng Mười Hai, nói như vậy dựa trên một ước tính của Liên Hiệp Quốc cho biết Việt Nam là nước đứng thứ nhì trên thế giới về tỉ lệ phá thai. Hầu hết các thai nhi bị phá bỏ là giới tính nữ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/VN-pha-thai-tu-van-sieu-am-Hanoi-HoangDinhNam-AFP-051209-1536x1121.jpg

Một cặp nam nữ nói chuyện với dịch vụ y tế tư nhân ở Hà Nội về giá cả siêu âm. (Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

 

Không có một con số chính xác nào hay đáng tin cậy nào về số lượng các vụ phá thai hằng năm tại Việt Nam. Các cơ quan có thẩm quyền về y tế cũng như dân số đưa ra các con số trái ngược nhau, khi nhiều khi ít, tùy lúc phải tuyên truyền thế nào về vấn đề thống kê phá thai những năm vừa qua.

 

DPA mở đầu bài viết bằng chuyến đi thăm một nghĩa trang thai nhi tại huyện Sóc Sơn ở Hà Nội nơi yên nghỉ của những đứa trẻ không có cơ hội ra đời chỉ vì cha mẹ chúng đã đành lòng phá bỏ. Nơi đây, mỗi ngày có khoảng 15 đến 20 bào thai được người thiện nguyện tiếp nhận rồi tập trung chôn tập thể. Tùy thai nhi lớn hay nhỏ, có những ngôi mộ chứa từ 10,000 đến 30,000 bào thai.

 

“Đáng buồn là cứ mỗi 100 thai nhi có đến 90 là nữ, số còn lại mới là nam. Hiển nhiên, đây là hậu quả của vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh con,” bà Nguyễn Thị Nhiệm, người thiện nguyện viên làm công việc chôn cất thai nhi ở nghĩa trang Đồi Cốc thuộc huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội, nói với DPA.

 

Lời bà Nhiệm ám chỉ xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn chịu ảnh hưởng từ văn hóa xưa cũ trọng nam khinh nữ chưa gột bỏ nổi. Cặp vợ chồng nào cũng mong có con trai nối dõi. Con trai hay người đàn ông được coi là quản lý tài sản gia đình tốt hơn, săn sóc cha mẹ già yếu. Rồi các dịp lễ lạt thì đại diện cúng bái ông bà tổ tiên.

 

“Dù phá thai lựa chọn giới tính bị cấm ở Việt Nam, có nhiều cha mẹ vẫn tìm cách để họ có được con trai ra đời, những người được ưa chuộng về mặt văn hóa,” Tiến Sĩ Khuất Thu Hồng, giám đốc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, cho biết. “Tại Việt Nam, thực tế là người ta vẫn trông cậy vào sự săn sóc của các con trai khi về già cần người chăm nom.”

 

Theo Tổng Cục Dân Số, ước lượng Việt Nam sẽ có 1.5 triệu đàn ông con trai nhiều hơn phụ nữ vào năm 2034. Đến năm 2050 sẽ có đến 4.3 triệu đàn ông nhiều hơn phụ nữ tại Việt Nam nếu tình trạng mất quân bằng giới tính vẫn tiếp tục cao như hiện nay.

 

Dữ liệu của Tổng Cục Thống Kê công bố cuối năm ngoái cho thấy tỉ suất sinh ra đời là 112.1 con trai đối với 100 con gái. Vào năm 2006 thì cứ 109 con trai ra đời so với 100 con gái.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/VN-Nghia-trang-thai-nhi-TN-083119.jpg

Một nghĩa trang thai nhi tại Việt Nam với hàng ngàn bào thai bị phá bỏ. (Hình: Thanh Niên)

 

“Việt Nam đối diện với các vấn đề xã hội như Trung Quốc gặp phải vì thanh niên khi lớn lên khó kiếm vợ,” bà Hồng nói. “Việt Nam còn phải đối diện với các vấn nạn xã hội khác như nạn mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ.”

 

Theo cơ quan dân số Liên Hiệp Quốc, Việt Nam báo cáo khoảng 300,000 vụ phá thai hằng năm nhưng con số này có thể cao hơn rất nhiều. Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng CSVN dẫn thông tin từ Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình nói mỗi năm có từ 1.2 đến 1.6 vụ phá thai trên cả nước.

 

Ngày 5 Tháng Tám, trang mạng chinhphu.vn kêu rằng “Tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên chưa có xu hướng giảm” khi nói rằng “Những năm gần đây, tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng. Tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15.7, nhỏ nhất là 12 tuổi. Tình trạng này cho thấy, việc giáo dục giới tính cần thực hiện sớm trong nhà trường.” (TN) [qd]

 

 

 



No comments: