Một
số sự kiện ghi dấu ấn tích cực của năm 2023 đầy biến động
Anh
Vũ -
RFI
Đăng
ngày: 25/12/2023 - 15:58
Năm
2023 đang dần khép lại ! Nếu như đây là một năm phủ dầy những sự kiện đau buồn
trong một thế giới đầy biến động, với chiến tranh liên miên, đến thiên tai ở
khắp nơi, thì cũng có những tin vui, trong đó có những sự kiện « lịch
sử », có những thời sự làm dịu không khí căng thẳng để thế giới hy vọng
vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là những phát hiện khoa học, một số tiến bộ
xã hội, những nỗ lực bảo vệ môi trường khí hậu...
Một
khu rừng Amazon tại bang Para, Brazil, ngày 06/08/2023. Nạn phá rừng Amazon đã
giảm 22,3% trong năm 2023, mức thấp nhất trong 5 năm qua. AP - Eraldo Peres
RFI
cùng nhìn lại một số sự kiện, dù không hẳn là những thời sự chiếm trang nhất
của truyền thông trong năm 2023, nhưng đó là những tinđem lại niềm vui và hy
vọng.
Những
bức ảnh đầu tiên chụp từ kính viễn vọng không gian Châu Âu Euclid
Được
phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX ngày 01/07/2023, kính
viễn vọng không gian Euclid của Châu Âu đã công bố những hình ảnh đầu tiên vào
đầu tháng 11. Những hình ảnh đó đã giới thiệu một hệ tinh vân rực rỡ giống như
đầu ngựa. Đó là những thiên hà xa xôi chưa từng thấy trước đây... và thậm chí
cả "bằng chứng gián tiếp" về sự tồn tại của vật chất tối khó nắm bắt.
Từ
nay đến năm 2029, kính viễn vọng có trường quan sát rộng nhất trong lịch sử
thiên văn học sẽ có nhiệm vụ lập bản đồ một phần ba bầu trời với hàng tỷ thiên
hà, để tạo ra bản đồ 3 chiều chính xác nhất về vũ trụ. Những hình ảnh tiếp theo
sẽ được phát hành vào tháng Giêng. Như vậy là nhân loại sẽ bước vào đầu năm
2024 đầy mơ mộng về những vì sao xa xôi.
Những
tiến bộ trong nghiên cứu bệnh Parkinson
Vào
tháng 4, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet
Neurology cho thấy sự tích tụ protein – alpha-synuclein – trong não thực sự có
liên quan đến một số dạng bệnh, trong đó có bệnh nan y Parkinson. Bước tiến này
có thể sẽ tạo nên một cuộc cách mạng. Hiện tại, bệnh lý thoái hóa thần kinh này
chỉ được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu cụ thể từ người bệnh.
Tiếp
đó, vào tháng 11, một bệnh nhân Parkinson 61 tuổi đã có thể đi được trở lại nhờ
một bộ phận thần kinh nhân tạo được đặt ở lưng dưới. Hoạt động rất đơn giản:
Thiết bị sẽ gửi kích thích điện cực kỳ chính xác đến các dây thần kinh vận động
điều khiển cơ chân và kích hoạt chúng. Nhóm các nhà nghiên cứu Pháp-Thụy Sĩ
thực hiện thí nghiệm này sẽ đưa sáu bệnh nhân mới vào thử nghiệm lâm sàng trong
năm 2024. Tuy nhiên, nếu kết quả được chứng minh là thuyết phục, chúng ta vẫn
sẽ phải đợi vài năm trước khi tìm thấy bộ phận giả thần kinh này trên thị
trường.
Vacxin
thứ hai ngừa bệnh sốt rét sẽ được tiêm chủng cho trẻ em
Được
kết luận « chắc chắn và hiệu quả », đầu tháng 10, Tổ Chức Y Tế Thế
giới (WHO) đã cho phép triển khai loại vacxin thứ 2 ngừa bệnh sốt rét dành cho
trẻ em, vacxin R21/Matrix-M. Sốt rét là một căn bệnh đã quá cũ, gây sốt, đau
đầu và ớn lạnh. Nó có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong
nếu không có điều trị. Năm 2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã thống kê được hơn 600
nghìn người tử vong trên thế giới, trong đó đa số ở châu Phi. WHO ước tính mỗi
năm sẽ có khoảng 60 triệu liều vacxin này được đặt mua để bổ sung cho hàng
triệu liều vacxin đầu tiên, RTS,S đã được lưu hành từ năm 2021. Đây có thể được
đánh giá là một bước tiến lớn trong việc phòng chống bệnh sốt rét.
Giảm
nguy cơ tuyệt chủng với động vật hoang dã
Linh
dương Saiga, tê giác, hải cẩu hay sóc khổng lồ… các loài động vật này
đang sinh tồn tốt. Đó là những loài bị đe dọa tuyệt chủng, vẫn thường hay
được nhắc đến thời gian gần đây. Phải nói rằng từ năm này qua năm khác, số
lượng của chúng được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thống kê vẫn
tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, báo cáo của tổ chức này ghi nhận : Năm 2023,
hai loài linh dương, linh dương sừng mã tấu và linh dương saiga, đang phục hồi
và quần thể loài có xu hướng tăng. Quan sát tương tự liên quan đến hải cẩu Địa
Trung Hải và sóc chuối, một loài sống ở Indonesia. Từ giờ, những động vật này
không còn bị xếp trong danh sách các loài bị đe dọa nữa. Số lượng tê giác châu
Phi đã tăng 5% trong một năm, vượt quá 23.000 cá thể.
Nạn
phá rừng giảm đáng kể tại Amazon
Lời
hứa của ông Lula Da Silva trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil là xóa hẳn
nạn phá rừng ở nước ông xuống 0 vào năm 2030. Dù mục tiêu này chưa đạt được,
nhưng điều đáng ghi nhận là nạn phá rừng ở Amazon đã giảm 22,3% trong vòng một
năm, mức thấp nhất trong 5 năm, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian
Brazil (INPE) công bố vào tháng 11.
Đây
là tin vui cho hành tinh và cho hàng chục ngàn loài động thực vật đang sống
trong vùng được gọi là “lá phổi xanh” của thế giới này. Theo chính phủ
Brazil, việc giảm nạn phá rừng từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023 đã giúp tránh
được 133 triệu tấn khí phát thải CO2, tương đương 7,5% tổng lượng khí phát thải
của nước này.
COP
28 : Bước tiến đầu tiên có ý nghĩa
COP28,
được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã mở ra rầm rộ.
Ngay từ ngày đầu tiên của hội nghị quốc tế lớn về bảo vệ khí hậu, các quốc gia
đã đồng ý thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại. Công cụ này, đã được đề xuất tại
COP26, nhằm mục đích bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra hoặc những tổn
thất không thể khắc phục được liên quan đến biến đổi khí hậu ở những quốc gia
dễ bị tổn thương nhất. Từ đó đến nay, một số quốc gia phát triển đã cam kết
đóng góp, với tổng số tiền nay lên tới 655 triệu đô la Mỹ. Con số vẫn còn ở
dưới mức cần thiết, nhưng được đánh giá là bước tiến đầu tiên quan trọng.
Điều
đặc biệt là COP 28 đã ra được thỏa thuận cuối cùng được dư luận đánh giá là
« lịch sử ». Văn kiện được các nước tham gia thông qua ngày 13/12 khi
kết thúc hội nghị, lần đầu tiên đề cập đến việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa
thạch, tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ quả
ngày càng hiển hiện rõ. Các quốc gia muốn thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch
và những quốc gia từ chối đã phải thương lượng mặc cả với nhau từng câu từng
chữ cho đến phút chót của hội nghị. Dù vẫn còn nhiều kẽ hở và không có
tính chất ràng buộc, chỉ đặt vấn đề cắt giảm chứ không loại bỏ việc sản xuất và
tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, thỏa thuận đã cho thấy việc bảo vệ khí hậu chung
của Trái đất đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
No comments:
Post a Comment