Sunday, December 10, 2023

LIÊN ÂU THÔNG QUA LUẬT ĐỊNH QUẢN LÝ A.I. SAU 37 TIẾNG ĐỒNG HỒ ĐÀM PHÁN (Người Việt)

 



Liên Âu thông qua luật định quản lý A.I. sau 37 giờ đàm phán

Người Việt

December 9, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/lien-au-thong-qua-luat-dinh-quan-ly-a-i-sau-37-gio-dam-phan/

 

 BRUSSELS, Bỉ (NV) – Giới chức Liên Âu đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào Thứ Sáu, 8 Tháng Mười Hai về luật định tham vọng nhất thế giới nhằm quản lý trí tuệ nhân tạo AI, mở đường cho những gì có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu nhằm phân loại rủi ro, thực thi tính minh bạch và trừng phạt tài chánh các công ty kỹ nghệ bất tuân luật lệ.

 

Vào thời điểm mà những nhà phê bình AI gay gắt nhất đang cảnh cáo về mối đe dọa gần như vô hạn của kỹ nghệ này, ngay cả khi những người ủng hộ báo trước lợi ích của nó cho tương lai nhân loại, Đạo Luật AI của Âu Châu tìm cách bảo đảm rằng những tiến bộ theo cấp số nhân của kỹ nghệ này đi kèm với việc theo dõi và giám sát, và rằng những ứng dụng gây ra rủi ro nhiều nhất sẽ bị cấm. Các hãng kỹ nghệ muốn làm ăn trong khối 27 quốc gia với 450 triệu dân – lớn nhất ở Tây Phương – sẽ buộc phải tiết lộ dữ liệu và thực hiện các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, đặc biệt đối với các ứng dụng “rủi ro cao” trong các mặt hàng như xe tự lái và dụng cụ y tế.

 

Dragos Tudorache, nhà lập pháp người Romania, đồng chủ trì các cuộc đàm phán về Đạo Luật AI, ca ngợi thỏa thuận này như một khuôn mẫu cho các cơ quan quản lý toàn cầu đang cố gắng hiểu được lợi ích kinh tế và các mối nguy hiểm xã hội do trí tuệ nhân tạo gây nên, đặc biệt là từ khi trình làng chatbot ChatGPT phổ biến vào năm ngoái.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/pexels-tara-winstead-8386440-1536x1024.jpg

Trí tuệ nhân tạo AI là một phần kỹ nghệ phát triển nhanh mà không có luật lệ kiểm soát (Hình minh họa: Tara Winstead/Pexels)

 

Thỏa thuận này được đồng thuận sau khoảng 37 giờ đàm phán kéo dài giữa các đại diện của Ủy Ban Âu Châu, cơ quan đề ra luật định, với Hội Đồng Âu Châu và Nghị Viện Âu Châu, nơi thông qua thỏa thuận. Pháp, Đức và Ý, phát biểu thay mặt hội đồng, tìm kiếm những thay đổi ở giai đoạn cuối nhằm giảm bớt các phần của dự luật, nỗ lực bị các đại diện của Nghị Viện Âu Châu, cơ quan lập pháp của chính phủ trong khối, phản đối gay gắt.

 

Kết quả là sự thỏa hiệp về các khía cạnh gây tranh cãi nhất của luật định – một mục đích nhằm điều chỉnh các mô hình ngôn ngữ nền tảng khổng lồ thu thập dữ liệu internet để củng cố các sản phẩm như ChatGPT và một mục khác nhằm tìm kiếm sự miễn trừ rộng rãi cho các lực lượng an ninh Âu Châu muốn khai triển trí tuệ nhân tạo.

 

Vấn đề thứ hai nổi lên là vấn đề gây tranh cãi nhất. Thỏa thuận cuối cùng cấm thu thập chân dung từ Internet hoặc đoạn phim bảo mật để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng chân dung hoặc các hệ thống phân loại khác bằng cách áp dụng các đặc điểm chi tiết cá nhân như chủng tộc, theo một thông cáo báo chí. Nhưng thỏa thuận đưa ra một số miễn trừ cho phép cơ quan thực thi công lực áp dụng nhận dạng chân dung “thời gian thực” để tìm kiếm nạn nhân buôn người, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố và truy tìm tội phạm bị tình nghi trong các vụ án giết người, hãm hiếp và các loại tội phạm khác.

 

Các nhóm nhân quyền và quyền riêng tư trong kỹ thuật số tại Âu Châu đang gây áp lực buộc các đại diện của nghị viện phải quyết liệt chống lại sự thúc đẩy của các quốc gia nhằm đưa ra các ngoại lệ rộng rãi cho cảnh sát và các cơ quan tình báo, vốn đã tiến hành thử nghiệm các loại kỹ nghệ tân tiến về AI. Sau thông báo sớm về thỏa thuận, những người ủng hộ vẫn lo ngại về một số vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và chính sách.

 

Cuối cùng, đạo luật gồm có các hạn chế với các mô hình nền tảng nhưng đưa ra ngoại lệ rộng rãi cho “các mô hình nguồn mở,” được phát triển bằng cách áp dụng mã miễn phí có sẵn để các nhà phát triển thay đổi cho các sản phẩm và công cụ của riêng họ. Hành động này có thể mang lại lợi ích cho các công ty AI nguồn mở tại Âu Châu vận động chống lại luật định này, gồm có Mistral của Pháp và Aleph Alpha của Đức, cũng như Meta, công ty đưa vào sử dụng mô hình nguồn mở LLaMA.

 

Các công ty vi phạm Đạo Luật AI có thể phải đối diện với mức phạt lên tới 7 phần trăm doanh thu toàn cầu, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và quy mô công ty.

 

Luật định này nâng cao vai trò dẫn dắt của Âu Châu về quy định liên quan tới kỹ nghệ. Trong nhiều năm, khu vực này dẫn đầu thế giới trong việc kiến tạo các luật định mới nhằm giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư kỹ thuật số, tác hại của truyền thông xã hội và sự tập trung vào thị trường trực tuyến.

 

Thỏa thuận vào Thứ Sáu dường như bảo đảm rằng Nghị Viện Âu Châu có thể thông qua luật định một cách suôn sẻ trước khi nghỉ họp vào Tháng Năm trước cuộc bầu cử lập pháp. Một khi được thông qua, luật này sẽ mất hai năm để có hiệu lực hoàn toàn và sẽ buộc các quốc gia Liên Âu chính thức hóa hoặc thành lập các cơ quan quốc gia nhằm quản lý AI, cũng như cơ quan quản lý khắp Âu Châu. (TTHN)





No comments: