Tuesday, December 5, 2023

LỄ TẠ ƠN Ở HOA KỲ, NGHĨ VỀ TRUYỀN THỐNG & QUYỀN CỦA NGƯỜI SẮC TỘC Ở VIỆT NAM (Võ Ngọc Ánh / VOA Tiếng Việt)

 



Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, nghĩ về truyền thống và quyền của người sắc tộc ở Việt Nam

Võ Ngọc Ánh

04/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/le-ta-on-o-my-nghi-ve-truyen-thong-va-quyen-cua-nguoi-sac-toc-o-viet-nam/7382500.html

 

Nước Mỹ non trẻ không có nhiều lễ hội xa xưa như những quốc gia khác, nhưng người Mỹ biết gìn giữ, đề cao giá trị nhân văn để làm đầy truyền thống non trẻ.

 

https://gdb.voanews.com/0F41C3B3-F10F-49C5-90F1-910E44549D22_w650_r1_s.jpg

Chương trình văn nghệ Chăm do Dorohiêm tổ chức ở Mỹ trong buổi ra mắt sách Bangsa Champa với các vũ điệu Chàm trước hình một Tháp Chàm cổ kính và uy nghi. Hình minh hoạ. [tư liệu Phạm Gia Cổn]

 

Và Lễ Tạ ơn là một ngày như thế. Một ngày lễ chưa bị tính thương mại hóa chi phối.

 

Cúng cơm mới của gia đình tôi và lễ tạ ơn của người Mỹ

 

Vào những năm 1980 thế kỷ trước, đội 10, Khánh Lộc, xã Tam Thành, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng quê tôi vẫn phải phụ thuộc vào nước mưa để trồng lúa. Sau những cơn mưa giông đầu mùa hè cho đất đủ ẩm, người dân cày lên, làm cho đất tơi ra, sau đó vãi hạt lúa xuống. Hạt giống nằm trong đất, chờ cơn mưa giông tiếp theo để nảy mầm, cây lúa èo uột chống chọi với cái nắng suốt mùa hè.

 

Rồi những cơn báo hiệu mùa mưa bắt đầu cho cây lúa gieo lớn nhanh như bước vào tuổi dậy thì, làm đòng, trổ bông…

 

“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” là vậy.

 

Sau gặt, lúa nằm trong bồ, rơm ngay ngắn trên cọc, là lúc cúng cơm mới. Đó là bữa cơm đầu tiên của lúa mới của vụ mùa vừa được gặt xong, với cá kho, rau xào, xị rượu được bày ngay ngắn trên cái bàn trang trọng nhất của gia đình trước bàn thờ.

 

Gia đình tôi theo đạo Công giáo, tinh thần của công đồng Vaticano 2 chưa thực sự thấm vào người Công giáo Việt Nam thì việc gọi “cúng” như thế dễ bị xem lạc giáo. Có lẽ vì thế ba má tôi gọi tránh đi bữa cúng cơm mới là cúng giỗ ông vườn Quạ. Vườn Quạ cái rẫy đất tốt nhất của nhà tôi, nơi có vạt tranh được cắt vào mùa xuân để làm tấm lợp cho mái nhà phải thay hằng năm.

 

Câu chuyện cúng cơm mới của gia đình tôi là một phần của văn hóa Việt, cũng như nhiều sắc tộc ở Việt Nam có cách tạ ơn như thế sau một vụ mùa.

 

Rồi khi nước thủy lợi từ hồ Phú Ninh phủ đến đồng ở quê, trồng lúa không còn phụ thuộc vào nước trời, thì bữa cúng cơm mới cũng dần mất đi sau mỗi mùa gặt.

 

Nhưng người Mỹ thì không thế, ngày Lễ Tạ ơn được ghi nhận đầu tiên vào tháng 11 năm 1621. Đó là ngày những người di dân từ châu Âu có được vụ mùa đầu tiên.

 

Trước cái lạnh, cái đói của những di dân người Mỹ bản địa đã cho họ thực phẩm để sinh tồn trong mùa đông, cung cấp hạt giống và dạy cho những vị khách xa lạ cách trồng trên vùng đất mới.

 

Sau vụ mùa đầu tiên, những người di dân đã làm buổi lễ để tạ ơn thượng đế, cũng như người Mỹ bản địa đã dạy cách sống trên vùng đất mới.

 

Ngày Lễ Tạ ơn được bắt đầu và giữ gìn, làm đầy trong sự nhân văn như thế.

 

Quyền của người bản địa được công nhận

 

Ngày lễ Độc lập ở Mỹ hồi tháng 7 vừa rồi, trên đường lái xe đưa gia đình đi nghỉ qua vùng đất có tên Muckleshoot, tôi như lạc vào lễ hội của thổ dân.

 

Từ bãi đất trống, garage để xe, lều dựng ở sân trước trên con đường tôi đi qua đâu đâu cũng quảng cáo bán pháo bông với họa tiết, biểu tượng của người bản địa. Pháo bông, mặt hàng những người kinh doanh các sắc dân không được phép bán.

 

Lãnh địa Muckleshoot, cách Tacoma chừng 30 phút lái xe. Đây là vùng đất này rộng gần 16 nghìn km2, với hơn 3000 người thuộc bộ lạc nói tiếng Lushootseed, một phần của các dân tộc Coast Salish ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Họ là hậu duệ của các dân tộc Duwamish.

 

Tại nhiều tiểu bang, chỉ có người bản địa mới được phép mở sòng bài, bán thuốc lá không phải đóng thuế. Họ cũng được phép săn bắt nhiều loại thú, hải sản không có hạn mức cố định. Họ được quyền làm những điều này tự nhiên như tổ tiên họ từ hàng ngàn năm trước.

 

Trong khi đó, với việc săn, bắt không phải người da đỏ phải mua giấy phép và săn bắt trong mức cho phép. Mức cho phép này không thể tạo ra hàng hóa để buôn bán.

 

Quyền cho người Mỹ bản địa được tiếp tục làm đầy thêm. Mới nhất, hồi đầu tháng 8 năm nay, ông Joe Biden, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh thành lập khu bảo tồn thiên nhiên ở Grand Canyon, thuộc bang Arizona. Với khu bảo tồn, việc khai thác tài nguyên trong khu vực bị hạn chế. Đây là điều mà người Mỹ bản địa đang sinh sống ở khu vực này yêu cầu từ nhiều năm qua.

 

Trước đó hồi tháng 3, ông Joe Biden cũng đã công nhận sa mạc Avi Kwa Ame, ở Nevada, một địa điểm linh thiêng của người Mỹ bản địa là di tích quốc gia.

 

Một nước Mỹ hiện đại quyền của người Mỹ bản địa được công nhận và bảo tồn như hàng ngàn năm trước cha ông họ sống.

 

Cũng tại châu Mỹ, hồi tháng 9, Tối cao Pháp viện của Brazil đã công nhận thổ dân ở quốc gia này có quyền sinh sống, gìn giữ vùng đất của cha ông họ sinh sống. Và chỉ có họ mới được quyền sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây.

 

Việt Nam thì sao?

 

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có nhiều sắc dân bản địa đang sinh từ bao đời trên vùng đất cha ông họ từ núi rừng ở phía Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn, trên Tây Nguyên, dưới Ninh Thuận, Bình Thuận, đến đồng bằng sông Cửu Long.

 

Vùng đất các dân tộc bản địa sinh sống đều đậm dấu ấn từ tập tục, tôn giáo, kiến trúc, cách sản xuất… nhưng các sắc dân này không thực sự có được đặc quyền trên chính mảnh đất của cha ông họ đã khai phá, sinh sống từ xa xưa. Bởi mọi sự do đảng định đoạt.

 

Dự án hồ nước Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận ồn ào trên các phương tiện truyền thông hồi tháng 9/2023 vừa rồi là minh chứng mới nhất về sự không thực sự tôn trọng sắc dân thiểu số trong con mắt của chính quyền.

 

Trên các phương tiện báo chí do nhà nước kiểm duyệt, có nhiều thông tin việc xây dựng hồ nước khiến hơn 600 ha như rừng bị phá, tính hiệu quả, khả thi của dự án… Nhưng, tuyệt nhiên thông tin về hai di tích được xem như thánh tích của người Chăm tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, và Tánh Linh lại vắng bóng trên các phương tiện báo chí trong nước.

 

Đó là khu lăng mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu và Pô Haniim Per. Đây là nơi linh thiêng để cộng đồng Chăm tại ba huyện kể trên hành hương nhớ về cội nguồn, tổ tiên của họ.

 

Khu rừng trong dự án hồ Ka Pét còn giữ được nhờ người Chăm và Raglai xem như rừng thiêng, nên bảo vệ, không được phép xâm phạm.

 

Chính quyền không ngại phá đi di tích ít ỏi còn sót lại của người Chăm trên mảnh đất cha ông họ, nhưng cũng thể chế ấy lại gia tăng xây dựng tượng đài ở bất cứ nơi đâu họ từng đánh nhau để giành được chính quyền.

 

Cũng phải nhìn nhận chính quyền có cố gắng tổ chức các lễ hội văn hóa cho các dân tộc. Tuy nhiên, trong ý đồ chính trị luôn chi phối khiến các lễ hội này thường không mang lại giá trị cho văn hóa, truyền thống thực sự như mong đợi.

 

Ngay cả việc buôn bán trong những vùng các sắc dân bản địa thường do người Kinh chi phối, kiểm soát, quyết định giá cả. Người bản địa ở Việt Nam bị lạc lõng trước các nhu cầu thiết yếu ngay trong vùng đất của tổ tiên.

 

Thể chế chính trị của Việt Nam càng không cho phép những người vận động, đấu tranh cho quyền của người bản địa được phép tồn tại, do đó quyền của người bản địa vẫn không thể vượt qua quyền lực của đảng.

 

 




No comments: