‘Lấy
đá ghè chân mình,’ ông Tập có được ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ với Hà Nội
Đinh Hoàng Thắng
14/12/2023
Chủ tịch Tập Cận Bình
năm lần bảy lượt nhắc đi nhắc lại trên “nhandan.vn” về khái niệm “Cộng đồng
chia sẻ tương lai”, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và bổ sung thêm “bốn kiên
trì” khác. Liệu ông đã mãn nguyện sau “chuyến tuần thú phương Nam”?
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-def9-08dbfbe92f4f_w650_r1_s.jpg
Ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng thưởng trà tại
Hà Nội, 12/12/23.
Cuối bài viết 3.123 chữ Tổng bí thư Tập Cận Bình “gửi đăng” trên báo
“Nhân Dân” của ĐCSVN ngày 12/2/2023 đã khái quát nên một triết lý Trung
Hoa: “Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh, Bách sự đắc kỳ đạo giả thành” (Vạn vật
sinh ra khi tìm được bản chất thực sự, trăm việc sẽ thành công khi tìm được đạo
lý của mình) (1). Từ lâu, số người người đọc “Nhân Dân” vốn không nhiều;
nay với bài viết của ông Tập lại càng ít hơn, như một phản ứng tiêu cực tự
nhiên đối với báo chí nhà nước, cũng như đối với chuyến thăm vừa qua của ông Tập.
Tuy nhiên, trong giới xã hội dân sự đã đọc bài viết, đang lan truyền một thông
điệp: Với triết lý trên, ông Tập quả là đã “tự bắn vào chân mình” (shoot
yourself in the foot). Vô hình chung, mọi người sẽ đi “tìm bản chất thực
sự”, sẽ đi “tìm đạo lý thực sự” trong các ý đồ và mưu toan
cũng như trong các tính toán của lãnh đạo Trung Quốc đối với ĐCSVN và người dân
Việt Nam, không chỉ trong khuôn khổ chuyến thăm được được truyền thông nhà nước
“bốc lên” tận mây xanh.
Theo SCMP, các thảo luận chính thống về cách ứng xử của Việt Nam đối với
Trung Quốc thường tràn ngập những điều sáo rỗng. Có câu chuyện kể về hàng ngàn
năm Việt Nam đối phó với Trung Hoa. Các tranh chấp biển đảo gay gắt giữa Hà Nội
với Bắc Kinh ngày nay thường được coi là sự tiếp nối của các cuộc xung đột dường
như vĩnh cửu ấy. Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều sắc thái phong phú hơn. Keith
Weller Taylor từ Đại học Cornell nhận định, quan hệ Trung – Việt còn được đánh
dấu bằng thời gian chung sống hòa bình lâu dài, với quyền tự chủ của Việt Nam,
“phụ thuộc vào việc bắt chước thành công” các mô hình Trung Quốc (2). Việt Nam
thường chịu lùi một bước, chấp nhận “trong đế ngoài vương” để có thể tồn tại
bên cạnh một lân bang mạnh và luôn có ý đồ thôn tính mình. Cái nhìn khái quát
này càng chuẩn trong “biến cục ngày nay” – một khái niệm ông Tập
mô tả trong bài viết trên “Nhân Dân”. Và cái “biến cục ngày nay” ấy
được ông Tập nhận định là “thế giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến
nhanh chóng”.
Trong “biến cục” này, thế và lực của Việt Nam không như thuở hồng hoang,
Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Trong một cuộc họp hẹp của một
nhóm xã hội dân sự, đã đặt vấn đề, ông Tập sang ta lần này trên tư thế nào?
Trung Quốc từng “trỗi dậy mạnh mẽ” sang để trấn áp tiếp Việt Nam, hay là trong
tư thế một Trung Quốc bị “tứ bề thọ địch”, sang Hà Nội để chèo kéo Việt Nam
cùng trèo lên chiến thuyền đang chòng chành, có nguy cơ bị lật? Lập luận này
cũng tương tự như ý kiến của một nhà nghiên cứu từng phát biểu trong Hội luận của
VOA tối 12/12. Lần này, ông Tập sang trong thế thủ, chứ không trên thế áp đảo
Hà Nội như hai lần trước đây (3). Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt, vừa thuyết
phục, vừa ép buộc, “chuyến tuần thú” phương Nam ngày 11 và 12/12 đã mang về cho
ông điều mình mong muốn. Tuyên bố chung Trung – Việt cuối cùng đã đồng ý nâng cấp
quan hệ, xây dựng “tương lai chung” với Trung Quốc, cho dù
trong bản tiếng Hoa vẫn là “cộng đồng chung vận mệnh” (4). Chỉ
đánh tráo hai chữ thôi cũng đủ nói lên cuộc kháng cự dai dẳng của “ngoại giao
cây tre” suốt những năm qua.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Keith Weller Taylor, “tương tự như nhiều nước
láng giềng, Việt Nam hiện nay đang cam kết thực hiện chính sách không đứng về
phía siêu cường này để chống lại siêu cường kia. Điều này nảy sinh từ trải nghiệm
đau đớn của đất nước trong Chiến tranh Lạnh, khi Việt Nam bị kẹt giữa Liên Xô,
Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chính sách đối ngoại của Hà Nội không hề tĩnh tại và
nguyên khối. Chỉ riêng trong thập kỷ qua, chiến lược cân bằng đã trải qua nhiều
sự chuyển đổi đáng để ý, do những thay đổi mang tính lịch sử trong nước và
trong hệ thống quốc tế rộng lớn hơn” (5). Gần đây, chính sách đối ngoại của Việt
Nam đã chuyển hướng thân thiện hơn với Trung Quốc, vì ba nguyên nhân. Đầu tiên
là do các thành phần thân phương Tây đã bị thanh trừng vì có liên quan đến chống
tham nhũng. Thứ hai, ĐCSVN ưa thích một trật tự quốc tế đa cực hơn và đã “ngầm”
phản đối phương Tây, không lên án Nga xâm lược Ukraine... Và nguyên nhân thứ
ba, hiện tại, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng
hóa trung gian từ Trung Quốc (Không có nguồn nguyên liệu này, Việt Nam làm sao
xuất siêu sang Mỹ được?)
Hệ sinh thái đối ngoại nói trên là không gian ra đời của Tuyên bố chung
(TBC) Việt Nam – Trung Quốc “lịch sử” (với 5 nội dung lớn và có độ dài 8.300 chữ).
Người bình thường chắc khó đọc nổi toàn văn bản TBC này (6), nhưng giới quan
sát chú ý tới 36 văn kiện thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung
ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của ông Tập
Cận Bình (7). 36 văn bản này là một hỗn tạp các thỏa thuận không chỉ giữa hai
Chính phủ, mà còn giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính quyền địa phương (cấp tỉnh)
của Trung Quốc. Sự bất tương xứng này còn thể hiện ngay trong “Nghị định thư về
yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”.
Tại sao hoa quả trái cây từ Việt Nam qua Trung Quốc thì “yêu cầu kiểm dịch thực
vật”, song chiều ngược lại, nếu chẳng may “lọt” các thực phẩm độc hại từ Trung
Quốc tràn qua Việt Nam thì sao lại không có kiểm dịch (?!) Điều hiếm hoi là 36
văn bản vừa ký kết lần này đã được công khai hóa. Cùng với 15 thỏa thuận năm
2017 và 13 thỏa thuận năm 2022, nhân các chuyến thăm Bắc Kinh của TBT Nguyễn
Phú Trọng, cảm giác sự ràng buộc giữa Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng chặt chẽ.
Nhìn tổng thể, ngay cả các quan chức cũng ít ai biết được đó là những cam kết
gì, chứ đừng nói đến mấy chục triệu dân thường.
Theo đánh giá của chuyên gia, Trung Quốc ép Hà Nội chấp nhận CCD là vì
ông Tập Cận Bình cần một thắng lợi tượng trưng, thông qua việc ông đã “nâng cấp”
bang giao Trung – Việt, không để nó “bị xếp” ngang hàng với các “Đối tác chiến
lược toàn diện” (CSP) khác giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Hàn. Ngoài việc
khẳng định Bắc Kinh luôn ở “kèo trên”, lúc nào cũng bảo ban được “đứa con hoang
đàng phải trở về đất mẹ” (8), Tập Chủ tịch còn muốn thiết kế một “Trật tự quốc
tế mới”, thay bằng tầm nhìn của Trung Quốc, loại bỏ “Pax Americana” (Trật tự Mỹ
và thế giới dân chủ). Nói như Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: “Chữ nghĩa ở đây không rõ
ràng, lãnh đạo Trung Quốc rất biết, nhưng họ coi đây là khẩu hiệu có lợi cho họ,
nên đi đâu cũng tác động để đối tác công nhận. Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc
đã sáu lần đề nghị Việt Nam tham gia ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, ba lần do
Vương Nghị tác động, ba lần do ông Tập trực tiếp đề nghị” (9). Tuy nhiên, Việt
Nam đã kiên cường kháng cự, cho đến ngày 12/12/2023 vừa qua…
-----------------------------------
Chú thích
(3) https://www.youtube.com/watch?v=GwIzbCuoAsQ (Hà
Nội tiếp đón hai lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc, ý nghĩa – thực chất)
(4) https://www.youtube.com/watch?v=okQjGJyLXrw (Việt
Nam tuyên bố xây dựng “tương lai chung” với Trung Quốc, tiếng Hoa vẫn là “chung
vận mệnh”)
(6) https://baotintuc.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20231213162402832.htm
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgrp57mg9vgo (Chủ
tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong 'bức tranh' của Trật tự Trung
Hoa)
No comments:
Post a Comment