Làm
gì trước một Trung Quốc đang thực tập làm siêu cường?
RFA
2023.12.15
Chuyến
thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam hôm 12 và 13 tháng 12, 2023 tiếp tục để
lại dư âm trên nhiều tờ báo quốc tế. Kết thúc chuyến thăm, Bắc Kinh và Hà Nội
đã ký 36 văn bản hợp tác. Trong đó có 5 văn bản là những “hiệp định”, “nghị định
thư” có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Các văn bản này chủ yếu tập trung
vào phòng chống tội phạm, xây dựng cơ sở hạ tầng. Các văn bản còn lại chủ yếu
là những thỏa thuận giữa các cơ quan đảng, kế hoạch hành động trong quan hệ giữa
các địa phương, cơ quan hai nước.
Thủ tướng
Việt Nam Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Hà Nội ngày
11/12/2023, trước khi ông Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 12/12/2023. (AFP)
Nhiều ý kiến
cho rằng chuyến thăm của ông Tập tới Hà Nội là một động thái muốn cân bằng lại ảnh
hưởng ở Việt Nam, cạnh tranh với Hoa Kỳ và các đồng minh như Nhật Bản. Cường quốc
mới nổi ở Châu Á đang muốn chứng tỏ vị thế siêu cường của mình với sáng kiến “Cộng
đồng chung vận mệnh” trong đó có hàng loạt sáng kiến nhỏ khác về cơ sở hạ tầng
(Sáng kiến Vành đai con đường), chính trị (Sáng kiến văn minh toàn cầu, Sáng kiến
an ninh toàn cầu)...
Trung
Quốc: siêu cường đang thực tập
Trao đổi với
RFA về ý kiến cho rằng Hoa Kỳ dường như đang lúng túng về mặt chiến lược với
Đông Nam Á trong khi Trung Quốc thì có chiến lược rõ ràng và nhất quán, nhà nghiên cứu Nguyễn
Thế Phương ở Đại học
Canberra, Úc, cho rằng Mỹ có một “cái bệnh” của siêu cường là có quá nhiều địa
bàn trên toàn cầu cần phải quan tâm, xử lý cùng một lúc, cho nên chính sách đối
với những khu vực như Đông Nam Á có thể còn lập cập. Trong khi đó, chiến lược của
Trung Quốc trong vùng này đã tương đối rõ ràng và kiên định hơn.
Theo nhà
nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, con đường trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay giống
như Mỹ ở giai đọan Monroe Doctrine (Học thuyết Monroe), coi châu Mỹ là “back
yard” (sân sau) của người Mỹ. Ngày nay, khi mới nhìn qua thì người ta có cảm tưởng
dường như Trung Quốc đang có lợi thế, đang thụân lợi, nhưng thực tế thì con đường
để Trung Quốc đi từ vị thế cường quốc khu vực, trở thành siêu cường có tầm ảnh
hưởng và hiện diện toàn cầu như Mỹ còn rất xa, và rất khó. Việc trở thành một
khuôn mẫu toàn cầu như Mỹ, trở thành tầm như Mỹ, và duy trì vị thế đó một thời
gian dài là rất khó đối với Trung Quốc.
Sáng kiến
Vành đai con đường là một cách Trung Quốc học cách trở thành cường quốc toàn cầu,
nhưng chương trình này đang trục trặc và họ phải học lại. Tất nhiên, theo ông
Nguyễn Thế Phương, Trung Quốc sẽ học và “có sai thì có sửa” để đi tới.
Bối cảnh
quốc tế này có hàm ý gì đối với Việt Nam và chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần
này? Theo ông Nguyễn Thế Phương, hàm ý quan trọng nhất vẫn là trở lại xem xét
phương châm “bán anh em xa mua láng giềng gần” và lý thuyết về “lời nguyền địa
lý”.
Quan
hệ tay ba Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia
Gần như
cùng lúc với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Việt Nam (từ 12 đến 13
tháng 12, 2023), Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng sang thăm Hà Nội từ ngày 11
đến 12 tháng 12, 2023.
Quan hệ
“tay ba” Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia có nhiều thay đổi sâu sắc những năm
qua. Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình khoảng mười ngày, hôm 3/12,
RFA qua hình ảnh vệ tinh từ Planet, xác định 2 tàu chiến Trung Quốc cập cảng
Ream ở Campuchia.
Nhà nghiên
cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho biết Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng chính thức về
căn cứ này. Bởi lẽ Việt Nam biết là sẽ phải xem xét kỹ lưỡng xem nếu Campuchia
giao căn cứ này cho Trung Quốc thì phải lường trước vấn đề gì. Hiện Việt Nam vẫn
im lặng vì đặt nặng quan hệ truyền thống và có nhiều vấn đề cần sự hợp tác của
nước bạn. Đặc biệt, hiện còn khoảng 16% biên giới trên đất liền chưa cắm mốc
xong. Việt Nam hi vọng dưới thời Thủ tướng Hun Manet thì hai nước sẽ hoàn thành
được vấn đề này. Theo ông, đó là lý do Việt Nam không lên tiếng về vấn đề căn cứ
hải quan Ream thời gian qua.
Trả lời
câu hỏi của RFA về khả năng có thể Trung Quốc lắp đặt rada ở Ream để quét bao
phủ lên toàn miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Việt cho rằng đây là khả năng mà VN cần
suy xét vì cách đây vài tháng thì TS. Bill Hayton ở Chapman House cũng có đặt
ra khả năng này.
Có ý kiến
nói vị trí của căn cứ hải quân Ream khá hạn chế, nằm sâu trong vịnh Thái Lan và
chỉ có một đường ra khỏi vịnh, nên không có ý nghĩa nhiều lắm về mặt chiến lược.
Một nhà nghiên cứu Việt Nam không nêu tên vì vấn đề nhạy cảm, nói với RFA rằng
nếu Campuchia minh bạch ngay từ đầu về cảng quân sự Ream thì thế giới sẽ không
để ý nhiều. Nhưng Campuchia ban đầu phủ nhận, dần dần quân cảng này mới lộ diện
thì họ thừa nhận. Cho nên các nước láng giềng có lý do để cảm thấy quân cảng
này rõ ràng có vấn đề. Cũng theo nhà nghiên cứu này, Việt Nam cần theo dõi mối
quan hệ có thể có giữa quân cảng Ream và dự án kênh đào Funan Techo mà
Campuchia đã cho 3 công ty Trung Quốc nghiên cứu tiền khả thi. Bởi vì khi Trung
Quốc làm gì thì họ thường sắp xếp sao cho nhìn bề ngoài thì vô hại, nhưng đến
lúc họ xâu chuỗi các bước đi rời rạc đó lại thì tất cả chuyển hoá thành một thế
trận mới, rất nghiêm trọng. Khi người khác bừng tỉnh, nhận ra thế trận mới thì
mọi việc đã xong rồi.
Hành
động hôm nay quyết định khả năng lựa chọn của ngày mai
Theo nhà
nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, việc việc lãnh đạo Việt Nam hôm nay chọn đường đi
thế nào sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tiếp theo của họ trong tương lai. Các chính
sách phòng thủ và cân bằng của Việt Nam sẽ không thể giữ mãi lợi thế hiện có. Sợi
dây để Việt Nam du dây, đi thăng bằng, tức là hình ảnh ẩn dụ để mô tả về các khả
năng lựa chọn chính sách khác nhau của Việt Nam, thì càng về tương lai, sợi dây
càng mỏng.
Ông Nguyễn
Thế Phương giải thích do quá trình cạnh tranh giữa hai cường quốc thì ngày càng
trở nên căng thẳng, không còn cho phép các nước như Việt Nam đi ở giữa nữa, mà
phải chọn các “options” (các phương án khác nhau) về chính sách. Theo ông
Phương, lựa chọn chính sách của Việt Nam trong tương lai sẽ ngày càng hẹp.Trong
tương lai, có thể cái sợi dây đó sẽ mỏng lại đến mức Việt Nam phải chọn bên để
“không chết”.
Ở thời điểm
hiện tại, trật tự thế giới là hậu chiến tranh lạnh, Việt Nam phải thận trọng
khi đu dây vì ngày càng có nhiều cơn gió làm sợi dây rung lắc. Căng thẳng Thái
Bình Duơng trước 2049 có thể sẽ phát sinh cái gì đó rất lớn. Đó có thể là Đài
Loan, hoặc một chỗ khác. Cạnh trạnh nước lớn không còn êm đềm như trước năm
2011, và đặc biệt sau cuộc chiến Ukraine thì sự căng thẳng trở nên khó xoay
chuyển.
Theo nhà
nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, vấn đề Việt Nam phải nghiên cứu từ bây giờ là nước
này có thể duy trì chính sách đu dây đến mức nào, đến khi nào, bền vững đến độ
nào, và tới thời điểm nào thì Việt Nam sẽ phải chọn bên. Từ đó, câu hỏi mấu chốt
cho Việt Nam bây giờ là nước này sẽ phải làm gì từ bây giờ để quyết định chọn
cái gì khi thời điểm đó tới. Theo ông Nguyễn Thế Phương, câu hỏi này là câu hỏi
quan trọng nhất mà Việt Nam cần tìm câu trả lời trước một Trung Quốc đang “thực
tập” làm siêu cường hiện nay.
No comments:
Post a Comment