Monday, December 11, 2023

KHỦNG HOẢNG CÁT : CẦN THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM ĐÔ THỊ HÓA (Quốc Ngọc | Người Đô Thị)

 



 

Khủng hoảng cát: Cần thay đổi quan điểm đô thị hóa

Quốc Ngọc thực hiện

09:13 | Thứ hai, 09/10/2023

https://nguoidothi.net.vn/khung-hoang-cat-can-thay-doi-quan-diem-do-thi-hoa-41118.html

 

Khủng hoảng cát xây dựng, san lấp cho các công trình hạ tầng đang diễn ra song song với nạn khai thác cát tràn lan ảnh hưởng nặng nề đến tính an toàn, bền vững trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

·        Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ hết cát trước năm 2035 với tốc độ khai cát như hiện nay

·        Khai thác cát lậu ở biển Cần Giờ: Vì đâu ngày càng lộng hành?

·        Thiếu vật liệu làm đường cao tốc: Chuyên gia cảnh báo những hệ luỵ nếu khai thác cát biển

 

Chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS. Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu DRAGON-Mekong (Đại học Cần Thơ), xoay quanh những đề xuất về nỗ lực chung nhằm làm sáng tỏ cả về mặt vật lý của những biến đổi xảy ra trong hệ thống sông ngòi lẫn sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố tự nhiên và các hoạt động của con người trong tiến trình đô thị hóa. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn//content/b3a56115-bc16-490b-bc5e-7960c1df9884.jpg

PGS-TS. Văn Phạm Đăng Trí. Ảnh: Quốc Ngọc

 

Ông Trí nói: “Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, với nhiệt độ hàng năm tăng 0,89°C tính từ năm 1958 đến 2018.

 

Trong đó, ĐBSCL “nổi lên” như là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Hàng loạt thách thức mà đồng bằng phải ứng phó như nước biển dâng, thay đổi quá trình tự nhiên và các mối đe dọa phát triển kinh tế xã hội.

 

Chính phủ đã thực hiện một loạt biện pháp toàn diện, bao gồm chiến lược phát triển kinh tế xã hội và khung pháp lý mạnh mẽ để tăng cường khả năng phục hồi của vùng trước các tác động của khí hậu. Những hành động này phù hợp với các cam kết quốc tế và được phản ánh trong các chính sách, chiến lược khí hậu ở cả cấp quốc gia và địa phương”.

 

Thiếu thông tin từ Chính phủ

 

Tính toàn diện, mạnh mẽ mà ông vừa nêu đang thể hiện ở đâu trong câu chuyện rất “nóng” hiện nay của ĐBSCL là thiếu hụt tài nguyên cát đi đôi với tình trạng khai thác cát tràn lan gây sạt lở, đe dọa môi trường và đời sống người dân?

 

Từ lâu hệ thống giao thông là một trong những hạn chế rất lớn để phát triển ĐBSCL. Tôi cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng như thế là rất phù hợp. Tuy nhiên, đến khi đồng bằng có được sự quan tâm về chính sách phát triển hạ tầng thì lại rơi vào ngay giai đoạn khủng hoảng tài nguyên cát nên gây ra một số lo ngại.

 

Ngoài vấn đề khai thác tại chỗ, việc thiếu hụt cát xảy ra đồng thời với việc nguồn tài nguyên này từ thượng nguồn đổ về cũng bị suy giảm đáng kể trong vòng 10 năm qua. Chúng ta biết rằng về cơ bản cát ở ĐBSCL có hai nguồn: một từ thượng nguồn về, hai là từ biển vào. Đường biển đi vào rất ít, chỉ gói gọn trong các vùng ven biển. Tình trạng suy giảm nguồn cát từ thượng nguồn ngoài lý do về mặt tự nhiên thì các nghiên cứu điền dã của tôi khi đi dọc sông Mekong từ Lào, sang Thái Lan, Campuchia cũng thấy rõ là họ khai thác cát sỏi trên dòng sông rất dữ dội.

 

Như vậy, bên cạnh việc con người tác động, lượng cát đổ về thiếu đã làm thay đổi diện mạo, sụt lún lòng sông cũng như sạt lở đường bờ. Hiện nay, hầu như sáng nào chúng ta cũng nghe báo đài cho biết đâu đó ở ĐBSCL xảy ra sạt lở. Về mặt khoa học, chưa thể kết luận rằng đó là do tác động của cái gì nhưng rõ ràng không quản lý tốt khai thác cát ắt sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Và cũng cần phải có cái nhìn thấu đáo, đầy đủ hơn để chứng minh rằng việc khai thác cát chiếm bao nhiêu phần trăm vào việc thay đổi đường bờ, gây ra sạt lở ở ĐBSCL.

 

Do đó, theo tôi Chính phủ phải tiếp cận bài toán của ĐBSCL một cách tổng quan từ nguồn vốn cho đến các vấn đề kinh tế - xã hội trong xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm tài nguyên.

 

*

Giới chuyên gia khẳng định lợi ích kinh tế từ việc khai thác cát trong hiện tại không thể bù đắp cho những tác động tiêu cực về sau như biến động gây sạt lở bờ sông, sụt lún lòng sông... Ông có thể đưa ra những đề xuất cụ thể nào liên quan tình trạng này ở ĐBSCL và mọi nơi?

 

Như đã nói, việc thiếu hụt nguồn nước và bùn cát từ thượng nguồn kết hợp với sự thay đổi không ổn định của dòng chảy tự nhiên và tình hình khai thác cát lòng sông trên cả hệ thống Mekong đã làm mất ổn định lòng dẫn, gây ra sạt lở và biến dạng lòng sông. Đáng quan ngại hơn là tình trạng xâm nhập mặn sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn do sự kết hợp của thay đổi lòng dẫn và mực nước biển dâng.

 

Tôi đã đề xuất trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ 5 vấn đề. Thứ nhất, cần rà soát lại bộ cơ sở dữ liệu địa mạo, dòng chảy bùn cát và dòng thủy văn làm cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học có thể đánh giá thực trạng, đồng thời dự báo những gì có thể xảy ra và đưa ra những khuyến cáo chính sách kịp thời cũng như những chính sách quản lý hợp lý.

 

Hệ thống chính sách phải quan tâm đầy đủ một chuỗi các vấn đề từ khai thác cát lòng sông, sạt lở bờ, xâm nhập mặn đến tổn thương nông nghiệp và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Điều này làm cơ sở đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả và định hướng phát triển toàn diện, tránh manh mún, vừa không giải quyết được vấn đề, vừa gây lãng phí lớn.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3826146f-13de-4194-af36-662289601c53.jpg

Khai thác cát ở tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CTV

 

Đề xuất thứ hai liên quan hệ thống quan trắc và hệ thống cơ sở dữ liệu. Hiện cả dữ liệu khoa học và dữ liệu chính thống từ các cơ quan nhà nước đang hoạt động khá độc lập, rời rạc, thiếu tính cập nhật phù hợp. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng công nghệ vào việc phân tích, tổng hợp dữ liệu, cảnh báo sớm và hỗ trợ định hướng chính sách từ các dự án nghiên cứu khoa học cũng như từ các đơn vị chuyên môn còn hạn chế.

 

Tôi đề nghị nâng cao tính hiệu quả của các hệ thống quan trắc đã được đầu tư. Xem xét khả năng đáp ứng nhu cầu công việc đối với những hệ thống này, đồng thời xem xét khả năng lưu trữ, phân tích và khả năng tích hợp với dữ liệu được thu thập từ các hệ thống khác làm cơ sở đề xuất chính sách cụ thể ở địa phương.

 

Cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin đến người dân và doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp nhận dữ liệu từ người dân và doanh nghiệp làm cơ sở củng cố mạng lưới dữ liệu quốc gia, hỗ trợ tốt công tác xác nhận, cảnh báo rủi ro và có khả năng đưa ra được các giải pháp kịp thời từ phía chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để hạn chế thấp nhất những thiệt hại liên quan.

 

Thứ ba là việc xói lở bờ nghiêm trọng hiện nay là do tác động của sự thay đổi động lực dòng chảy, cả dọc trên hệ thống các sông lớn, nhỏ cũng như dọc bờ Biển Đông và Tây ở ĐBSCL. Việc trồng rừng ngập mặn cũng như hệ thống cây xanh ven sông là một trong những giải pháp quan trọng để giảm bớt tác động trực tiếp từ dòng chảy lên đường bờ. Ngoài ra, giải pháp này cũng giúp làm tăng diện tích rừng, góp phần hướng đến trung hòa carbon, làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tạo dựng hệ sinh thái môi trường ven biển bền vững, hỗ trợ sinh kế cho người dân.

 

Điều thứ tư, sạt lở đường bờ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến xã hội như thúc đẩy di cư và môi trường. Qua đó, tôi đề xuất xây dựng bản đồ tổn thương do biến đổi khí hậu, đặc biệt là tổn thương do sạt lở ngày càng nghiêm trọng gây ra, làm cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó nhằm ổn định kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Việc xây dựng bản đồ tổn thương có thể gắn vào chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

 

Cuối cùng là nguồn lực đầu tư từ Nhà nước nhằm kiểm soát tốt tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay theo tôi còn hạn chế. Như vậy, các đầu tư phát triển kinh tế, từ các nguồn đầu tư khác nhau, cần gắn với sự quan tâm bảo vệ môi trường, cụ thể ở đây là bảo vệ đường bờ. Cần tận dụng các nguồn lực khác nhau, cả trong nước và quốc tế, cùng chia sẻ trách nhiệm, hướng đến nền kinh tế xanh, năng lượng xanh và tận dụng tốt nhất xu hướng phát triển ngân hàng xanh của thế giới.

 

*

Để thực hiện được những chiến lược mà ông đề xuất, cũng như có lời giải tốt cho vấn đề vừa phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL, vừa bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, sông ngòi thì chúng ta còn thiếu gì, thưa ông?

 

Tôi nghĩ để có được sự đồng thuận chung, Chính phủ phải cởi mở thông tin. Cho mọi người biết rằng đang làm cái này, như thế này, cần kinh phí ra sao, tài trợ kỹ thuật thế nào… Khi đó, ai quan tâm sẽ thấy rõ được chuyện gì đang xảy ra ở ĐBSCL. Kế tiếp, phải lắng nghe tiếng nói của các nhà khoa học trong nhận định giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Hiện tại chúng ta vẫn còn rất mơ hồ. Các nhà khoa học thường không có đủ thông tin từ Chính phủ để xem xét, đánh giá kế hoạch của Chính phủ thực sự đang mong muốn cái gì, nguồn lực ra sao.

 

Tôi lấy ví dụ, xem xét vấn đề khai thác cát mà chỉ có cái nhìn của kẻ thực dụng thì sẽ lý luận theo kiểu giờ cứ cho khai thác đi rồi nó sụt lún bao nhiêu, đến đâu thì giải quyết đến đó. Về phía người làm chuyên môn thì không đơn giản như vậy. Bởi khi múc một lượng cát lên, không phải chỉ tác động ở khúc sông đó mà nó tác động liên vùng. Nhiều nơi ở ĐBSCL sẽ bị sạt lở. Tiếp đến tình trạng sạt lở lại tác động đến từng cộng đồng. Chúng ta phải quan tâm tới cộng đồng người dân nghèo không có tiếng nói. Nếu như chúng ta khai thác cát để xây dựng nhưng cái lợi chỉ rơi vào nhóm làm giao thông, kinh doanh vật liệu thì người dân nghèo sẽ là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/a7102b1f-8bb3-402b-b003-f08f0e67999f.jpg

Sạt lở đường bờ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến xã hội. Trong ảnh: địa điểm vụ sạt lở cù lao Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tháng 12.2022 khiến 12 căn nhà chìm xuống sông. Ảnh của chủ đất Võ Minh Thảo.

 

 

ĐBSCL cần diễn đàn quốc gia và quốc tế

 

Liên quan đến đồng bằng, chúng tôi thấy dường như chủ trương đô thị hóa không có dấu hiệu dừng lại trong các văn kiện mang tầm quyết sách dài hơi cấp quốc gia. Theo ông, điều đó có mâu thuẫn với quy luật bảo toàn năng lượng, tài nguyên khoáng sản cũng như môi trường trong tư duy phát triển bền vững?

 

Có thể Việt Nam cần phải xem xét lại định nghĩa về đô thị hóa của mình. Ví dụ, đô thị hóa của Hà Lan rất rõ ràng. Họ chủ trương phát triển cực mạnh và tập trung ở một vài nơi. Lấy ví dụ như nếu là Cần Thơ, họ sẽ cho Ninh Kiều phát triển đô thị hoàn chỉnh nhất, mạnh mẽ nhất. Tương tự nếu ở TP.HCM thì sẽ là quận 1 chẳng hạn… Thế nhưng, vừa ra khỏi khu vực thành phố tập trung đấy thôi thì bắt đầu chúng ta bước vào vùng nông thôn thực thụ, người dân sống rất hài hòa với thiên nhiên. Trước đây tôi ở Utrecht, một trong năm thành phố lớn của Hà Lan. Vào bên trong lõi đô thị ta sẽ bị choáng ngợp về mức độ hiện đại. Nhưng vừa ra khỏi đó thì thấy ngay một vùng nông thôn đúng nghĩa. Thầy tôi đi dạy bằng xe đạp từ làng quê vào thành phố, xong việc ở trường ông lại đạp xe về nhà sống như bao nông dân.

 

Như vậy, chúng ta nên tập trung phát triển đô thị một cách bài bản, có chiến lược cụ thể. Vùng nào nên đô thị hóa, vùng nào giữ lại cho nông thôn. Khi đó chúng ta vừa hạn chế được việc phát triển đô thị bừa bãi, vừa duy trì được điều kiện tự nhiên cho ĐBSCL cũng như các khu vực đồng bằng khác. Nhất là nhìn lại đại dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp, nông thôn chính là bệ đỡ cho phát triển quốc gia.

 

*

Ông đánh giá thế nào về tính liên kết vùng hiện nay giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ, TP.HCM và ĐBSCL trong phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường?

 

Về phát triển vùng thì hiện nay cũng bàn nhiều về TP. Cần Thơ như là vị trí trung tâm nối kết các đơn vị ở ĐBSCL. Chúng ta cũng nghe nhắc nhiều về vai trò TP.HCM trong việc tạo ra sự kết nối cho đồng bằng. Trong vấn đề của miền Trung, Đông Nam bộ với Tây Nam bộ thì di dân vẫn là vấn đề chủ yếu gây nhiều xáo trộn khiến người ta băn khoăn. Nhưng theo tôi, nếu quản lý tốt thì di dân cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Cái đáng lo ngại nhất trong gắn kết, chia sẻ nguồn lực giữa các vùng này chính là sự suy giảm về tài nguyên, suy giảm nguồn lực ở ĐBSCL. Thế nhưng, một thực trạng đáng lo hơn nữa là sự nhiễu loạn thông tin.

 

Chẳng hạn trở lại vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của ĐBSCL rồi chuyện sạt lở, chúng ta nghe rất nhiều từ những người không thật sự có liên quan. Họ cũng bàn về vấn đề sạt lở, rồi cũng đưa ra những giải pháp mà theo họ là đúng… Hiện tại mọi thứ rất lẫn lộn, không có định hướng chung nào cả. Thế thì theo tôi, Chính phủ nên có những cuộc thảo luận, trao đổi bài bản về những gì đang xảy ra. Qua đó xem xét tất cả các khía cạnh về kinh tế, xã hội, môi trường và cả chính trị của việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Cái gì tốt, cái gì xấu và những giải pháp nào nên làm. Chúng ta mời các nhà khoa học trong nước, quốc tế lẫn các doanh nghiệp cùng làm, thảo luận trên cơ sở xem xét toàn bộ vấn đề một cách tổng quan.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/1e3308b3-d51f-43d3-a602-27243f7cc792.jpg

Xây dựng ngân hàng cát khu vực ĐBSCLđể cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý khai thác cát. Ảnh CTV

 

*

Điều này giống như nên có một diễn đàn thường xuyên ở cấp độ quốc gia dành cho việc phát triển ĐBSCL?

 

Vâng, chúng ta hoàn toàn có thể thảo luận nối kết vùng ĐBSCL với các chuyên gia quốc tế và Việt Nam về vật liệu xây dựng cho hệ thống công trình của mình chẳng hạn. Chúng ta sẽ xem xét nguồn cát từ đâu tới? Nếu khai thác cát nữa thì cái gì xảy ra, tác động như thế nào đến đời sống người dân? Nếu ta sử dụng cát biển thì hiệu quả ra sao? Đây là vấn đề đang được quan tâm. Hiện nay đang thí nghiệm dùng cát biển để làm một đoạn đường khoảng 30 cây số ở Hậu Giang.

 

Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiệu quả cũng khá ổn. Nhưng có ý kiến cho rằng khai thác cát biển sẽ gây ngập mặn, một số người khác nói ảnh hưởng không đáng kể lắm. Chưa kể cấu trúc của cát biển có bảo đảm tính kết dính hay không… Tất cả đang cần chuyên gia về xây dựng trả lời cụ thể. Như vậy tôi nghĩ chúng ta cần phải có một diễn đàn khoa học để các nhà khoa học thảo luận về những vấn đề kỹ thuật này, nhằm đưa ra lời khuyên và giúp xây dựng chính sách chung cho ĐBSCL.

 

Xem xét các vấn đề tự nhiên và vai trò của xã hội về tác động thay đổi tại ĐBSCL cần cái nhìn tổng quát và đặt vào bối cảnh phát triển chung của quốc gia. Cũng vậy, vấn đề phát triển lưu vực sông Mekong phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Khi đó, chúng ta sẽ cố gắng đưa ra những nghiên cứu chiến lược phát triển ĐBSCL một cách thuyết phục nhất.

 

Bên cạnh những nghiên cứu chuyên sâu về mặt kỹ thuật, cần quan tâm nâng cao vai trò của cộng đồng. Năm vừa rồi, chúng tôi tập trung nâng cao vai trò của thanh niên trong việc làm sao nhận thức được vấn đề của đồng bằng và đưa ra một số giải pháp cho vấn đề đó. Mạng lưới này không chỉ nhắm đến thanh niên mà còn kêu gọi tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của ĐBSCL tham gia. Năm nay chúng tôi mở rộng thêm cho học sinh, sinh viên của các đơn vị ngoài ĐBSCL nhằm lan tỏa kết quả nghiên cứu, lan tỏa hành động để mọi người chung tay giải quyết vấn đề. 

 

                                                           *

 

Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Giảng viên cao cấp ngành kinh tế đô thị, Đại học Việt Đức :

 

Quan điểm đô thị hóa mới theo hướng phát triển nén

 

Đô thị hóa là quá trình chuyển đổi của một quốc gia, một địa phương, một khu vực theo hướng tăng dân số đô thị và giảm dân số cư trú tại khu vực nông thôn. Sự tăng trưởng dân số đô thị có thể đến từ các yếu tố như tăng trưởng tự nhiên, di dân tới khu vực đô thị và chuyển đổi đơn vị hành chính. 

 

Tuy có định nghĩa tập trung về tăng trưởng và chuyển đổi cấu trúc dân số, đô thị hóa lại cần được hiểu ở nhiều khía cạnh tích hợp hơn, trong đó tập trung vào các hiện tượng và thách thức phát triển mà quốc gia, địa phương, cộng đồng, người dân phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi này. Trong công tác quản trị đô thị, với mục tiêu hướng tới quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, chính quyền và các bên liên quan luôn phải lưu tâm tới vấn đề nhà ở, hạ tầng, chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế, bất bình đẳng xã hội và việc sử dụng các nguồn lực phát triển một cách hợp lý, hướng tới tương lai vững bền. 

 

Khái niệm nguồn lực trong phát triển đô thị có thể được hiểu khá rộng, bao gồm các tài nguyên thiên nhiên, thông thường là hữu hạn, trong đó thường gặp và quan trọng nhất có lẽ là nguồn lực đất đai, và các khía cạnh khác như nguồn nhân lực, nguồn tài chính. Phát triển và sử dụng hợp lý các nguồn lực này luôn là thách thức lớn cho việc thiết lập và thực thi các chính sách liên quan tới đô thị hóa ở bất kỳ đâu.

DBSCL se het cat truoc nam 2035 voi toc do khai cat nhu hien nay hinh anh 2

Lượng cát đổ về đồng bằng đã giảm xuống còn 2-4 triệu m3/năm do bị giữ lại bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

 

Từ quan điểm phát triển bền vững, nguồn lực đất đai, vốn là tài nguyên thiên nhiên và nền tảng môi trường căn bản, chưa được phát triển và sử dụng hợp lý ở Việt Nam, thể hiện ở mức độ phát triển lan tỏa rộng khắp của các thành phố hay hiện tượng urban sprawl. Trong đó tập trung chuyển đổi đất đai quy mô lớn tại các khu vực ven đô, trong khi không có được quy mô và hình thái phát triển hợp lý cũng như những đầu tư hạ tầng xã hội và kết nối hạ tầng kỹ thuật tương ứng, mà nếu có cũng rất tốn kém về nguồn lực tài chính.

 

Thực tế tại tất cả các thành phố ở Việt Nam đều xảy ra hiện tượng này, vốn được hợp thức hóa như là hình thức phát triển đô thị chủ đạo thông qua nhiều bản quy hoạch, kế hoạch phát triển chính thức từ cấp trung ương tới địa phương. Có thể nói đây là quan điểm chủ đạo có thể quan sát được trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, và thực tiễn cho thấy mô hình và định hướng phát triển này dẫn tới rất nhiều hệ lụy về cả kinh tế-xã hội-môi trường tại các địa phương.

 

Để thay đổi được quan điểm tiếp cận chủ đạo này, các cơ quan quản lý cần thay đổi về nhận thức liên quan tới phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu dài hạn hơn là các nguồn lợi (chủ yếu là ngân sách từ nguồn thu liên quan tới đất đai đối với lĩnh vực công và phần nào đó là nguồn lợi có được từ đầu tư, đầu cơ bất động sản đối với người dân và lĩnh vực tư nhân). Từ thay đổi về nhận thức dẫn đến những biến chuyển trong quyết sách và hành động thực tế, với điều kiện tiên quyết của lập quy hoạch và làm chính sách là phát triển tích hợp bền vững hướng tới mô hình đô thị nén (compact city), hỗn hợp (mix-use), gắn với giao thông công cộng (mô hình TOD) hơn là dàn trải, đơn chức năng và hướng tới giao thông cá nhân (ô tô, xe máy - kể cả xe điện).

 

Phát triển nén, nếu làm tốt, sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai và nguồn lực đầu tư, để dành dư địa cho những phát triển cần thiết trong tương lai mà chúng ta không thể đoán định ngay, tạo nên các khu vực đô thị sinh động, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho dân cư về mọi khía cạnh. 

 

                                                            *

Ông Hà Huy Anh - Trưởng Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL thuộc WWF-Việt Nam, Văn phòng đại diện Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam:

 

Xây dựng, phát triển ngân hàng cát khu vực ĐBSCL để có cơ sở khoa học quản lý khai thác cát

 

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, năm 2020 trên địa bàn có khoảng 53 điểm sạt lở được xếp hạng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Tổng chiều dài bờ bị sạt lở là 171.580m. Hậu quả, khoảng 20.000 hộ bị đe dọa phải di dời, trong đó 5.380 hộ cần phải di dời khẩn cấp. Chi cục Phòng chống thiên tai tỉnh Đồng Tháp cho biết toàn tỉnh mất khoảng 329 ha đất do sạt lở. Đến cuối năm 2020, tỉnh đã di dời khoảng 8.000 hộ gia đình, trong khi 6.000 hộ đang bị đe dọa do sạt lở bờ sông và cần phải di dời.

 

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho hay xói mòn sông và kênh ngày càng phức tạp hơn. Cuối năm 2020 toàn thành phố có 30 điểm sạt lở (tăng 7 điểm so với năm trước). Trong đó, 11 ngôi nhà bị sập hoàn toàn xuống sông, 67 ngôi nhà bị sập một phần. Tổng chiều dài bị ảnh hưởng bởi xói mòn gần 1,5 km. Tổng thiệt hại ước tính hơn 16 tỷ đồng.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3688cb34-af1e-4237-aa63-6b4cb090f5ef.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình sạt lở ven biển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào chiều 11.8 vừa qua. Ảnh: TTXVN

 

 

Tình hình sạt lở bờ sông ở Sóc Trăng cũng diễn biến rất phức tạp từ năm 2019. Cụ thể, toàn tỉnh mất hơn 2,1km chiều dài bờ sông (2019) và mất hơn 2,2km (2020). Thậm chí, một số xã phải di dời như Khe Lu, Xóm Đáy (Cù Lao Dung), Thới An Hội khi một chợ cá bị sập hoàn toàn xuống sông...

 

Từ năm 2020, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (BMU) của Cộng hòa liên bang Đức thông qua WWF-Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai dự án giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, với sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL. Địa điểm thực hiện dự án là 13 tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/81225314-3c61-4946-b068-bddcc3c9f70e.jpg

Đầu tháng 12.2022, có cả thảy 13 nhà dân cùng hàng chục ha vườn cây, ao cá ở xã Hoà Ninh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) bị sạt lở cuốn trôi xuống sông Cổ Chiên. Trong ảnh: Một căn nhà nằm cận kề vị trí sạt lở. Ảnh: An Bình/VNexpress

 

Thông qua dự án, chúng tôi đưa ra 5 giải pháp. Một trong số đó là giải pháp phát triển ngân hàng cát khu vực ĐBSCL để cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý khai thác cát. Quản lý khai thác cát một cách bền vững là một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác dụng tiêu cực lên địa mạo của đồng bằng, sinh kế của người dân, an ninh lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái do thiếu trầm tích từ thượng nguồn và khai thác cát quá mức ở đồng bằng.

 

Tuy nhiên, việc quản lý khai thác cát chỉ bền vững khi việc cấp phép khai thác cát thay vì dựa trên kết quả đo đạc trữ lượng cát có ở đáy sông, thì cần phải dựa trên ngân hàng cát. Ngân hàng cát là cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và lượng cát đổ ra biển. Kết quả tính toán ngân hàng cát cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.

 

Nam Anh ghi

Quốc Ngọc thực hiện

 

------------------------

LIÊN QUAN

 

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền các dự án cao tốc

 

Cần Giờ liệu có tìm được 137,6 triệu m3 cát để lấn biển làm khu đô thị?

 

Lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá cát biển làm vật liệu cao tốc

 

Cảnh báo tương lai ĐBSCL khi gần 40 triệu m³ cát bị khai thác mỗi năm

 

Triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền tại Đồng bằng sông Cửu Long






No comments: