Wednesday, December 6, 2023

ISRAEL - PALESTINE : CÓ PHẢI GIẢI PHÁP 'HAI NHÀ NƯỚC' ĐANG ĐƯỢC TÍNH ĐẾN? (BBC News)

 



Israel-Palestine: Có phải giải pháp 'hai nhà nước' đang được tính đến?

Martin Asser, Lamees Altalebi và Paul Cusiac

BBC News Tiếng Ả Rập

5 tháng 12 2023, 17:47 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz52j0n7znno

 

Cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, và chiến dịch ném bom sau đó của Israel và tấn công trên bộ tại Gaza, dường như là một sự kiện mở đầu không có khả năng chấm dứt được cuộc xung đột Israel-Palestine. Thế nhưng, những người ủng hộ giải pháp 'hai nhà nước' cho rằng đợt bạo lực đã bùng phát từ tháng 10 đã càng thêm thúc đẩy giải pháp này.

 

Hai tuần trước khi xảy ra những thảm kịch ngày 7/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ca ngợi 'bình minh của một kỷ nguyên hòa bình mới" giữa Israel và các quốc gia Ả Rập láng giềng.

 

Một phần tư của thế kỷ, những người "gọi là chuyên gia" đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với "cách tiếp cận của mình" - tức thương lượng về một giải pháp 'hai nhà nước' với Israel và một nhà nước Palestine trong tương lai chia sẻ vùng đất giữa sông Jordan và Địa Trung Hải - đã không tạo nên được "một hiệp ước hòa bình nào", ông Netanyahu đánh giá.

 

"Năm 2020, theo cách tiếp cận mà tôi ủng hộ... rất nhanh chóng, chúng tôi đã đạt được bước đột phá kỳ diệu. Bốn hiệp ước hòa bình trong bốn tháng, với bốn quốc gia Ả Rập!"

Đây được gọi là các Hiệp ước Abraham, được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng vai trò trung gian sau khi một đề xuất hòa bình giữa Israel-Palestine cũng của Washington đã gặp chung số phận với các thỏa thuận trước đó do Mỹ đóng vai trò trung gian.

 

Lịch sử cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza

 

 

Các Hiệp ước Abraham trong năm 2020:

 

·        15/9 - Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-UAE và Bahrain-Israel

 

·        22/12 - Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-Morocco

 

·        24/12 - Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-Sudan

 

 

Các thỏa thuận trước đó giữa các quốc gia Ả Rập và Israel:

 

·        26/3/1979 - Hiệp ước hòa bình Ai Cập và Israel

 

·        13/9/1993 - Hiệp ước Oslo I (Israel-PLO)

 

·        26/10/1994 - Hiệp ước hòa bình Israel và Jordan

 

·        24/9/1995 - Hiệp ước Oslo II (Israel-PLO)

 

Những hiệp ước sẽ tạo động lực thuyết phục người Palestine từ bỏ "ảo tưởng về hủy diệt Israel và cuối cùng thực thi một lộ trình hòa bình thật sự", Thủ tướng Israel nói.

 

Sau đó ông cầm một tấm bản đồ "Trung Đông mới", ẩn ý: không còn chuyện Palestine đầu hàng và giải pháp 'hai nhà nước' nữa.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8e00/live/24ae32f0-8927-11ee-833d-0f8d294ddc97.jpg

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phác thảo một nền hòa bình với các quốc gia láng giềng Ả Rập mà không có nhà nước Palestine - và bản đồ của ông đã cho thấy điều này.

 

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden được xem đã dành ít công sức cho vấn đề Israel-Palestine hơn bảy vị tổng thống Mỹ trước đó.

 

Hồi tháng 2, ngôn ngữ của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến vấn đề hai nhà nước thể hiện rằng họ thấy chuyện này "xa vời", nhưng Mỹ "cam kết gìn giữ chân trời hy vọng". Công thức chính trị đã hoàn toàn thiếu vắng trong các cuộc điện đàm giữa Anthony Blinken với các lãnh đạo Israel và Palestine hồi tháng 9.

 

Nhiều chuyện đã thay đổi từ đó.

 

"Mỹ tiếp tục tin rằng lộ trình khả thi nhất - thực ra thì chỉ có một mà thôi - là thông qua giải pháp 'hai nhà nước'," Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Israel ngày 3/11.

 

Nhưng những xung khắc và rào cản vốn đã ngăn chặn việc đạt được một nền hòa bình cách đây 25 năm giờ đây đã ngày càng trở nên phức tạp.

 

 

Hy vọng hòa bình đã tan vỡ như thế nào?

 

Một phác thảo về thỏa thuận 'hai nhà nước' đã được thiết lập sau khi Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), do phái Fatah của Yasser Arafat lãnh đạo, đã hoan nghênh ý tưởng công nhận lẫn nhau vào năm 1993, theo sau các cuộc đàm phán bí mật do Na Uy đóng vai trò trung gian.

 

Tuy nhiên, tiến trình mang tên Oslo đã không bao giờ đạt được điểm kết thúc hợp lý và đã để lại thậm chí một loạt những vấn đề khó giải quyết hơn trước.

 

Các thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình đã thiết lập nền tự trị cho Chính quyền Palestine (PA) trên phần lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.

 

Thế nhưng, hoạt động chiếm đóng của quân đội và xây dựng các khu định cư Do Thái vẫn tiếp diễn, "những vấn đề về tư cách vĩnh viễn" đã bị gác sang một bên cho các cuộc đàm phán sau đó.

 

Điều này bao gồm tình trạng của người tị nạn Palestine xuất thân từ vùng lãnh thổ sau đó đã về tay Israel trong cuộc chiến tranh đầu tiên giữa các quốc gia Ả Rập với Israel vào năm 1948, và sau khi Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua việc Palestine được phân chia thành các nhà nước Do Thái và Ả Rập vào năm 1947.

 

Israel đã sáp nhập Đông Jerusalem vào năm 1967 và đây là một vấn đề nan giải nữa, với các địa điểm linh thiêng được hai bên coi trọng đến mức không thể nào nhượng bộ được.

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/0a2d/live/766dd300-935b-11ee-8df3-1d2983d8814f.png

 

 

Sau những năm lấy lòng về mặt ngoại giao, những vấn đề này cuối cùng đã được đưa ra để giải quyết trong cuộc họp thượng đỉnh kín tại Trại David hồi năm 2000, với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhưng Thủ tướng Israel Ehud Barak và Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Arafat lại không thể xóa được cách biệt.

 

Ai cũng đổ lỗi cho nhau về thất bại này. Giới chức Israel và Mỹ nói ông Arafat đã từ chối một thỏa thuận hào phóng nhất mà ông ta từng có được. Người Palestine thì gọi đây là sự sỉ nhục, không đáp ứng đủ yêu cầu của họ, chẳng hạn có thủ đô đặt tại Đông Jerusalem.

 

Giới chỉ trích thì lập luận rằng Israel đã từ lâu đạt được mục tiêu vô hiệu hóa kẻ thù chính yếu của mình. Thế thì tại sao lại từ bỏ một vùng lãnh thổ mà quốc gia này đã đổ rất nhiều công sức, đặc biệt với một sự kiểm soát an ninh được giao cho Chính quyền Palestine ở các vùng có cư dân Palestine sinh sống.

 

Ông Arafat đang đàm phán từ phía yếu thế, trong khi các nhà trung gian của Mỹ thì lại có quan hệ với phía Israel được coi là gần gũi hơn bất kỳ quan hệ song phương nào trong lịch sử.

 

Có những nhân tố quan trọng khác cho thấy không thể vượt qua được trên hành trình tiến tới giải pháp 'hai nhà nước'.

 

Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas), được thành lập ở Gaza vào năm 1987, bất đồng với sự nhượng bộ vì nền hòa bình của các đối thủ Fatah và thấy có cơ hội lớn để làm chệch hướng các cuộc đàm phán bằng cách tiến hành đánh bom tự sát từ năm 1994 trở đi.

 

Những người định cư theo đạo cũng tận dụng sự tự do này để gia tăng và củng cố sự hiện diện của người Do Thái trên mảnh đất mà họ cho rằng Thượng đế đã hứa trao cho mình.

 

 

Lịch sử cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/88a7/live/3a514ac0-8927-11ee-835e-0ff56f3659b0.jpg

Các cuộc đàm phán tại Trại David vào năm 2000 không thể hàn gắn được sự khác biệt giữa điều mà người Palestine mong muốn và Israel có thể mang lại.

 

 

Diễn biến sau tiến trình hòa bình Oslo là gì?

 

Vào năm 2000, khi phong trào nổi dậy của Palestine, được gọi là cuộc 'Khởi nghĩa lần hai' (Second Intifada) nổ ra, sức nặng chính trị của Israel lại chuyển dịch đáng kể sang cánh hữu.

 

Công Đảng của Israel, lực lượng chính đằng sau tiến trình Oslo, bị suy yếu, trong khi các phiên bản khác nhau của lập trường ủng hộ quyền định cư lại chiếm ưu thế.

 

 

HÌNH : Phổ chính trị trong quốc hội israel

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz52j0n7znno

 

 

Cử tri đặt kỳ vọng ông Ariel Sharon, một nhân vật từ đảng Likud theo cánh hữu và là một đối thủ khó nhằn của Arafat, sẽ xoay xở vượt qua được tình hình hỗn loạn.

 

Cộng đồng cư dân nổi loạn người Palestine vấp phải sức mạnh quân sự của Israel, trong khi nội các của ông Sharon thì lại dựng nên rào cản ngăn chặn người Palestine khỏi lãnh thổ Israel và ngăn cản họ tiếp cận một số khu định cư bên trong Bờ Tây. Lãnh tụ Arafat thì bị giam lỏng tại thành phố Ramallah không lâu trước khi qua đời vào năm 2004.

 

Trong một bước đi khó dự đoán hơn, ông Sharon đã ra lệnh đuổi vài ngàn người định cư đang sống giữa tổng số 1,5 triệu cư dân Palestine ở Dải Gaza và huy động binh sĩ tràn vào khu vực vành đai. Bốn khu định cư bị cô lập tại Bờ Tây cũng bị tiến hành di tản hết.

 

Việc tăng cường kế hoạch "ngừng can dự" có quy mô vô cùng lớn, với ý định là bảo vệ đa số người Do Thái trong lãnh thổ Israel bằng cách ngăn cách khu vực có đông đảo cư dân Palestine sinh sống.

 

Cố vấn hàng đầu của ông Sharon nói với một nhà báo rằng nước này đã cung cấp "lượng formaldehyde cần thiết" để chấm dứt các cuộc đàm phán chính trị.

 

Tuy nhiên, bước đi này đã gây chia rẽ Đảng Likud và cô lập những người ủng hộ các khu định cư. Không có gì ngăn cản, ông Sharon đã sáng lập một đảng mới để tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2006.

 

Một cơn xuất huyết não vài tuần trước cuộc bỏ phiếu đồng nghĩa chúng ta không bao giờ biết được rằng liệu đã có một kế hoạch tương tự cho Bờ Tây hay không. Nếu có, chỉ có ông Sharon mới có tầm ảnh hưởng để tiến hành được.

 

Bị người kế nhiệm Mahmoud Abbas chỉ trích là đã phản bội các nguyên tắc của Oslo, chủ trương 'ngừng can dự' được các lãnh đạo Hamas tại Gaza xem là một chiến thắng trong cuộc kháng chiến.

 

Nhưng với sự hợp tác của Ai Cập, Israel đã siết chặt phong tỏa Gaza, và bạo lực cũng leo thang thường xuyên, với các cuộc đột kích của du kích quân và những cuộc tấn công rocket nhằm vào Israel, và các chiến dịch ném bom và tấn công để kiểm soát sự phản kháng.

Trong khi đó, lực lượng Hamas ở Bờ Tây đang ngày càng mạnh hơn.

 

Yahya Sinwar: Thủ lĩnh Hamas là ai?

 

HÌNH : Khu định cư và tiền đồn cả israel ở Bờ Tây

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz52j0n7znno

Nguồn: Peace Now • Các khu định cư được chính phủ Israel chính thức thiết lập. Các tiền đồn là những khu định cư được xây dựng không có sự phê chuẩn của chính phủ và bị xem là bất hợp pháp xét theo luật pháp của Israel.

 

 

Sự tham gia vào cuộc bầu cử lập pháp của Chính quyền Palestine năm 2006 đã dẫn tới việc Hamas giành được đa số phiếu từ những cử tri bất mãn với việc Fatah thất bại trong nỗ lực mang lại độc lập cho người Palestine hay điều hành chính quyền trong sạch, minh bạch.

 

Áp lực quốc tế đã được áp dụng để buộc Hamas phải tuân theo các cam kết trước đó của Chính quyền Palestine, là chấm dứt bạo lực và công nhận Israel, điều mà Hamas chưa sẵn sàng thực hiện.

 

Hamas đã dùng bạo lực để đuổi Chính quyền Palestine ra khỏi Dải Gaza, dẫn đến việc chia tách Gaza, là trung tâm của phản kháng vũ trang, khỏi Bờ Tây do Fatah lãnh đạo vốn cam kết theo đuổi các hiệp định hòa bình, mặc dù không có nhiều viễn cảnh cho hòa bình.

 

Nhưng cũng có các dấu hiệu thay đổi trong thái độ của Hamas cho thấy chỉ dấu về khả năng đạt được sự tham gia chung về mặt chính trị trong tương lai, giúp ngưng bạo lực trong dài hạn và một đề xuất về việc một nhà nước được thành lập tại lãnh thổ mà Israel chiếm đóng vào năm 1967.

 

Nhưng Hamas không thay đổi cương lĩnh có nội dung kêu gọi vô hiệu hóa Israel, vốn theo phía của Hamas, đang tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây xét cả về diện tích lẫn dân số.

 

Qua thời gian, Hamas cũng lợi dụng việc thiếu sự giám sát tại Gaza để gầy dựng một năng lực quân sự, với sự ủng hộ của các đồng minh như Hezbollah ở Lebanon, được biết đến là Trục Phản kháng (Axis of Resistance).

 

 

Các mô hình mới

 

Trong khi cuộc tấn công ngày 7/10 và hậu quả của nó đã khiến những vấn đề lâu năm của Israel-Palestine trở thành trọng tâm của sự quan tâm toàn cầu, một vài nhân tố mới đã gây được sự chú ý.

 

Về phía Israel, có một sự đồng thuận sâu rộng rằng Hamas cần phải bị tiêu diệt, bất chấp các tác động giáng lên dân thường tại Dải Gaza.

 

Những người ủng hộ Netanyahu theo phe cánh hữu cũng kêu gọi di tản vĩnh viễn cư dân Gaza. Nhìn từ phía Palestine, điều này sẽ tạo nên một Nakba mới, một từ Ả Rập có nghĩa là "thảm họa", vốn có liên quan đến quãng thời gian từ những tháng cuối cùng của năm 1947 đến đầu năm 1949, khi khoảng 700.000 người Palestine phải tìm đường tị nạn khi rời bỏ vùng đất mà sau này trở thành Israel.

 

Về phe cánh tả của Israel, vốn lo ngại các chính sách của ông Netanyahu sẽ dẫn đến một nhà nước theo chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, việc loại bỏ Hamas sẽ phục hồi một cán cân hai bên, thay vì ba thực thể gồm Hamas, PA và Israel. Điều này khiến những tính toán về giải pháp 'hai nhà nước' quay trở lại bàn đàm phán.

 

Tác giả Avraham Burg, từng thuộc Công Đảng, nói với BBC rằng người dân Israel và Palestine cần thời gian để hồi phục từ "một cú sốc thật sự", nhưng ông tin họ sẽ chọn giải pháp 'hai nhà nước', mang đến sự chấm dứt bền vững đối với tình trạng đổ máu.

 

"Bất kỳ công thức chính trị nào mà cuối cùng hứa hẹn mang đến một sự bình yên trong dài hạn thì sẽ được đa số người dân Israel chấp nhận," ông nói.

 

Vladimir Putin đang lợi dụng chiến tranh Gaza nhằm giành ưu thế địa chính trị trước Mỹ?

 

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f91e/live/9e5658b0-935b-11ee-8df3-1d2983d8814f.png

Dân số tại các khu định cư và tiền đồn của israel ở Bờ Tây

 

 

Người dân Palestine đã trải qua cuộc tấn công nhằm vào Gaza, tình trạng leo thang bạo lực nhằm vào các cư dân và áp lực quân sự tại Bờ Tây, hoặc đang dõi theo trên truyền hình và truyền thông xã hội, có thể có những cân nhắc khác nhau.

 

Một cuộc bỏ phiếu được tiến hành từ ngày 31/10 đến 7/11 đối với những người Palestine sống tại Gaza và Bờ Tây, do cơ quan Arab World for Research and Development (AWRAD), tiến hành cho thấy 68% người trả lời nói họ đã bị từ chối giải pháp 'hai nhà nước'.

 

Người dân Palestine sẽ thấy rõ hơn sự ủng hộ ngày càng gia tăng trên bình diện quốc tế cho sự nghiệp của họ. Một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cho biết những người Mỹ trẻ tuổi ít ủng hộ Israel hơn các thế hệ trước đây, với 40% số người trả lời dưới 40 tuổi nói Mỹ nên là một nhà trung gian giữ vai trò trung lập.

 

Vẫn còn quá sớm để hiểu bằng cách nào - hoặc liệu có thể - các sự kiện của năm 2023 sẽ tạo ra thêm áp lực cho Israel hơn những gì mà quốc gia này đã trải qua trong ba thập niên, dưới sức ảnh hưởng mang tính bảo vệ của Washington, như một nhà bảo trợ chính của các cuộc hòa đàm.

 

Tuy nhiên, đối với những người dân Palestine vẫn còn tiếp tục đòi hỏi có được nền hòa bình, không có đường quay trở lại các cuộc thương lượng có kết thúc mở để Israel có thêm thời gian cho các khu định cư tại lãnh thổ của một nhà nước Palestine tương lai.

 

"Nếu họ muốn nghiêm túc," Dalal Iriqat, một chuyên gia học thuật chuyên về giải quyết xung đột, nói, "phải có hành động cụ thể, chủ yếu là xác định các đường biên giới của Israel và chấm dứt chiếm đóng."

 

"Cứ lặp đi lặp lại những lời lẽ tốt đẹp của phía Mỹ về tiến trình hòa bình mà không có hành động gì, chuyện này là không thể."

 

Israel - Palestine: Nhìn lại cội nguồn của xung đột

 

-----------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Lịch sử cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza

5 tháng 11 năm 2023

·         

Lập trường của Việt Nam về xung đột Israel-Hamas và lợi ích công nghệ, quốc phòng từ quan hệ với Israel

2 tháng 11 năm 2023

·         

Israel - Palestine: Nhìn lại cội nguồn của xung đột

28 tháng 11 năm 2023

·         

Yahya Sinwar: Thủ lĩnh Hamas là ai?

21 tháng 11 năm 2023

·         

Vladimir Putin đang lợi dụng chiến tranh Gaza nhằm giành ưu thế địa chính trị trước Mỹ?

19 tháng 11 năm 2023

 

 

 



No comments: