Dạo trước, tôi bị mất cái giấy phép lái xe, phải đi học và thi lại để được
cấp mới (vì hồ sơ gốc cũng mất đi đâu không rõ). Liên hệ với giáo dục, thấy
không ít điều liên quan.
Ví như giấy phép lái xe hạng A1, mỗi đề gồm 25 câu trắc nghiệm, rút từ tổng
200 câu cho trước, làm được 21 câu là đạt. Đúng là nếu học và nắm được nội dung
trong 200 câu hỏi này thì người lái xe sẽ biết luật giao thông để đi đường sao
cho đúng quy định và an toàn.
Tuy nhiên, vấn đề là chúng có mẹo để giải, thậm chí không cần đọc câu hỏi
vẫn làm đúng. Ví dụ, hễ cứ phương án nào có từ “bị cấm”, “không được phép”, “cơ
quan có thẩm quyền” thì auto chọn, là chắc chắn đúng. Học kiểu này, chỉ cần bỏ
ra khoảng 30 phút là xong. Đi thi nghiễm nhiên đậu, và được cấp bằng. Nhưng người
được cấp bằng ấy vẫn không hiểu mô tê gì về luật và quy tắc khi tham gia giao
thông cả.
Lối học bằng mẹo mực và mánh mun này không phải điều gì xa lạ cả, nó có mặt
ở khắp nơi, từ giáo dục phổ thông đến đến đại học, thậm chí có thể thi các “chứng
chỉ quốc tế”. Không cần kể các môn tự nhiên, ngay như môn văn vẫn có mẹo. “Anh
sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng”,
“trong cuộc sống xã hội ngày nay”, “ông là một nhà văn lớn có phong cách độc
đáo và có vị trí quan trọng trong nền văn học nước nhà”, “căm – yêu – chiến – lạc
– dậu – phèo – pha”, v.v… Cái mẹo quen thuộc nhất chính là văn mẫu – học thuộc
một số mẫu, và thay tên.
Học để thi và học để biết – để làm là hai việc khác hẳn nhau. Một khi
giáo dục được thiết kế để phục vụ cho việc thi cử lấy điểm, lấy bằng thì sẽ
sinh ra muôn ngàn phương cách để đạt được mục đích ấy, thậm chí là những cách
phạm pháp. Thành tích cao ngất nhưng rất có thể người học vẫn không biết gì cả.
Vậy nên chăng bỏ việc thi cử đi? Không, vấn đề ở chỗ là thi để làm gì,
thi thế nào… Có những nền giáo dục thi cử rất gắt gao mà thành quả vẫn tốt, có
nền giáo dục hầu như không thi cử gì cả mà luôn dẫn đầu thế giới.
Mục tiêu của giáo dục phải là con người, không phải điểm số. Chừng nào
còn lấy điểm số để làm thước đo chất lượng của một nền giáo dục, khi đó nó còn
lạc hướng. Con người là gì? Là các em đi học có vui không, có hoạt bát năng nổ
không, có tràn trề năng lượng sống không, có dám “cãi lại” không, có trung thực
không, có yêu sự tìm tòi khám phá không, có biết tôn trọng và tự trọng không,
có trách nhiệm với bản thân và xã hội không…
Kiến thức và điểm số chỉ là phương tiện để phát triển con người. Nếu còn
theo đuổi điểm số, thành tích như là mục tiêu duy nhất trong giáo dục, chúng ta
còn bị sa lầy mà không có cách nào thoát ra được.
Xin mở ngoặc, dù chương trình ghi là “phát triển phẩm chất và năng lực”
nhưng nếu không thay đổi cách làm thì những từ ngữ ấy, cũng như mọi lần “đổi mới”,
sẽ sớm trở thành khẩu hiệu suông mà thôi.
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment