Saturday, December 2, 2023

HENRY KISSINGER (Huy Đức)

 



Henry Kissinger

Huy Đức

1/12/2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/12/huy-uc-henry-kissinger.html#more

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgqPglUlrZiAbEmZrTfGmtQWvQsctaDG3TDaw5_eYhw7jG-TPPevLmWGMD90n6_TX4RrQLFYc8cFiG0QOIYt7lWMB5QdhmJqRPstfSv07Uufa-S-ZckJecx4FeTMbzoEiVvhEDOEhe2SnQ0fkCX2dk_XVNPa7HtSmJpyhnnK7XBixFzKVtQ1yXKCYpWLf8k/w360-h400/kis_04.jpg

Henry Kissinger và Huy Đức

 

Ngày 10-03-2006, tại Thư viện và bảo tàng John F. Kennedy, tôi phỏng vấn Henry Kissinger: “Ông có biết là từ mấy hôm nay, cộng đồng sinh viên vùng Boston, trong đó có cả những sinh viên đang học giáo trình ‘Ngoại Giao’ của ông, kêu gọi tổ chức biểu tình chống ông và gọi ông là ‘tội phạm chiến tranh’?’’

 

Kissinger trả lời: “Tôi biết. Nhưng, liệu thế giới có như hiện nay nếu ngày ấy chúng tôi không làm như thế?”

 

Một trong những việc “làm thay đổi thế giới” của Henry Kissinger là thiết kế cuộc gặp giữa Nixon và Mao tháng 2-1972.

 

Tôi vừa được xem “Bản Tự Kiểm Điểm Về Việc Dự Buổi Chiêu Đãi Của Nixon” mà Lê Đức Thọ yêu cầu Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh làm vào thời điểm ấy.

 

Đọc Bản Tự Kiểm mới thấy hết một thời ấu trĩ. Những hoạt động của các phóng viên TTXVN lúc ấy tại Bắc Kinh lẽ ra rất cần được khen thưởng vì nhờ những hoạt động như vậy mà những thông tin họ báo cáo về là rất có giá trị.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiDmorQPAavhXoRavVFfA92CdQsiaGmMBQO4XNxjMvh-fjzdAebhWWbc3f3NarNGcKNwmenu5_9txK7Yo3z9ikre2c0Axkkxr1kTRluDavrUmBBvmXIrA9NT0xQfGl7sp2BCwsCrmLuNd2qg6n66sCz5eYq-6lMi0EHUi-sAbp0F_hQZR4dU_-QZulC0tYq/w400-h284/kis_02.jpg

 

Nhưng, không chỉ Lê Đức Thọ, theo ông Trần Phương, trợ lý ông Lê Duẩn: “Lê Duẩn nói, chúng ta đã bị bán rẻ cho Mỹ để người Trung Quốc thay Đài Loan ngồi vào chiếc ghế ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

 

Hà Nội chờ đợi Bắc Kinh giúp đỡ cuộc chiến của mình với “tinh thần quốc tế vô sản”, Bắc Kinh dùng cuộc chiến ấy để trả giá với người Mỹ. Washington không coi cuộc chiến ấy là chiến tranh Việt Nam mà là xung đột giữa hai phe và bàn cờ mà họ chơi với Bắc Kinh là bàn cờ thế giới.

 

Ngay sau “Thông Cáo Thượng Hải”[27-2-1972], Chu Ân Lai đến Hà Nội giải thích chính sách mới của họ với người Mỹ. Lê Duẩn kể với người vợ hai, bà Nguyễn Thụy Nga: “Chu Ân Lai sang gặp anh ở Hồ Tây. Ông đi dưới bậc thang lên đưa tay, anh không bắt. Anh nói: ‘Các đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng’”.

 

Sau cuộc gặp này với Lê Duẩn, Chu Ân Lai tới nhà khách Lê Thạch để gặp Hoàng thân Sihanouk, khi ấy cũng đang ở Hà Nội. Theo Sihanouk: “Chu trông mệt mỏi và có vẻ bị kích động bởi cuộc thảo luận mà ông vừa tiến hành với các đồng chí Bắc Việt Nam của ông. Hình như ông đang cáu”. Theo Sihanouk, Chu đã nói với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam “gay gắt và cứng rắn” rằng mối quan hệ mới đó sẽ dẫn tới hòa bình ở Đông Dương.

 

Không chỉ phản ứng trong hội đàm, khi đưa tiễn Chu Ân Lai, thay vì đi cùng thầy trò Chu ra tận chân cầu thang máy bay, Lê Duẩn đã dừng lại ngay cửa nhà ga sân bay Gia Lâm. Các quan chức Việt Nam tất nhiên cũng phải đứng lại. Chu Ân Lai và người phiên dịch, Lương Phong, gần như phải lủi thủi bước lên máy bay đi về. Lương Phong, về sau nói với nhà ngoại giao Dương Danh Dy của Việt Nam rằng, hành động đó của ông Lê Duẩn là rất phản cảm.

 

Người Việt Nam đã trả giá. Không chỉ bằng việc Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Biên giới phía Bắc 2-1979, kéo dài suốt 10 năm. Mà chế độ Pol Pot do Việt Nam giúp bằng xương máu, lên nắm quyền ở Campuchia, đã trở thành một lưỡi dao mà Trung Quốc nắm đằng cán đâm vào hông Việt Nam. Cuộc chiến từ phía Tây Nam kéo dài từ ngay sau 30-4-1975 cho tới cuối năm 1989.

 

“Thông Cáo Thượng Hải” là một trong các sự kiện bắt đầu tác động một cách sâu xa khiến cho Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ. “Thông Cáo Thượng Hải” là ví dụ điển hình trong cách hành xử của Bắc Kinh, “bất kể mèo trắng hay mèo đen”, nó đánh dấu một bước ngoặt giúp Trung Quốc bắt đầu những thập niên thịnh vượng.

 

Trung Quốc mạnh lên càng khiến cho Kissinger bị chỉ trích. Trung Quốc mạnh lên không chỉ tăng khả năng “bá quyền” cho Bắc Kinh mà còn mang lại thịnh vượng cho người dân, thế giới bớt được 1,3 tỷ người nghèo khổ.

 

Trung Quốc luôn là một mối đe dọa, thế giới buộc phải lựa chọn, đối diện với mối đe dọa này từ một “thằng có tóc” như hiện nay hay từ một thằng khố rách áo ôm dưới thời Mao.

 

Khi xung đột Bắc Kinh - Hà Nội bắt đầu hầm hập nóng trên báo chí, trên hệ thống loa phóng thanh, có một giai thoại bắt đầu lan ra:

 

Năm 1973, khi Kissinger tới Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc, nói với Lê Đức Thọ, “Kẻ thù của Việt Nam ở phía này”. Ngày 10-3-2006, tôi đưa chuyện này hỏi Kissinger, ông bật cười trả lời: “Lê Đức Thọ dẫn tôi thăm Bảo tàng Lịch sử, ở đấy lúc đó có rất nhiều phần nói về cuộc chiến tranh của người Việt với người Trung Hoa, trong khi chưa có phần nào nói về cuộc chiến tranh với người Mỹ. Anh nghĩ, người Việt còn cần một lời khuyên từ tôi ư”.

 

Ông hỏi, "Are you from the North", rồi kéo tôi ra chụp ảnh.

 

MÙA HÈ ĐỎ LỬA

 

[Phần phụ lục dưới đây khá dài, ai có thời gian thì hẵng đọc]

 

Trong quá trình đàm phán, Lê Đức Thọ không hề biết Kissinger bí mật đến Bắc Kinh và khi đã biết rõ nội dung cuộc gặp Nixon - Mao, Hà Nội đã không nhận ra “thế giới bắt đầu thay đổi”.

 

Trước đó, đầu tháng 1-1972, Bộ Chính trị và Quân ủy quyết định điều chỉnh “Chiến lược 71-72”, lấy Trị Thiên làm chiến trường chủ yếu. Một tháng sau “Tuyên Bố Thượng Hải”, ngày 30-3-1972, Hà Nội vẫn không thay đổi bước đi chiến lược này, cho bắt đầu “Chiến dịch Quảng Trị”.

 

Theo tướng Ngô Quang Trưởng, người chỉ huy “tái chiếm Quảng Trị” của VNCH, các nhà phân tích không hiểu vì sao Hà Nội lại mở cuộc tấn công ở thời điểm này vì lúc đó quân Mỹ tại miền Nam vẫn còn 140 nghìn và theo kế hoạch của Washington thì tới tháng 4-1972 sẽ chỉ còn 40 nghìn.

 

Tướng Ngô Quang Trưởng cho rằng, có lẽ, “Lực lượng còn lại của người Mỹ trong năm 1972 rất hấp dẫn dưói con mắt của Hà nội, bởi vì nếu họ tạo được một thắng lợi quân sự nào đó thì dĩ nhiên người Mỹ cũng chia phần thất bại [với VNCH]”.

 

Theo Kissinger, Tướng Abrams biết trước cuộc phản công từ đầu tháng Giêng, và việc sử dụng B-52 đã được tính tới. Nhưng Nhà Trắng cho rằng có thể sẽ can thiệp bằng chuyến đi Bắc Kinh. Nixon muốn rút khỏi Việt Nam trước kỳ bầu cử tổng thống năm 1972 mà không làm chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

 

Hà Nội mở chiến dịch Quảng Trị khi chuyến công du bí mật đến Bắc Kinh đã thành công, Nixon trở nên cứng rắn hơn.

 

Ngày 4-4-1972, Nixon ra lệnh “không kích chiến thuật” ra đến Vinh bằng cách bổ sung 20 máy bay B-52, bốn phi đội máy bay ném bom F-4, thêm tám tàu khu trục được gởi đến Đông Nam Á. Trước đó một ngày, Kissinger gặp Dobrynin ở Phòng Bản đồ của Nhà Trắng, trách Liên Xô đã đồng lõa với cuộc tấn công của Hà Nội, và dọa: “Nếu cuộc tấn công tiếp tục, Mỹ có thể phải có biện pháp cho Moscow thấy những lựa chọn khó khăn trước cuộc họp thượng đỉnh.

 

Ngày 4-4, người phát ngôn báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nói khi họp báo: “Cuộc xâm lược miền Nam của Bắc Việt Nam đã được thực hiện bằng vũ khí của Liên Xô”. Cùng lúc, Kissinger cử Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc để gửi một thông điệp bằng lời cho Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm”.

 

Trước đó, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trong vòng 3 dặm, tức là trong phạm vi bao gồm lãnh hải Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Một cuộc họp kín giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đã được đôi bên thỏa thuận vào ngày 2-5-1972. Tình hình chiến trường đã giúp Lê Đức Thọ đến Paris với một tư thế hoàn toàn khác với những lần trước đó. Sáng 1-5-1972, Quân đội miền Bắc chiếm cầu Quảng Trị và sân bay. Ngày 2-5- 1972, Quảng Trị rơi vào tay miền Bắc.

 

Theo ông Lưu Văn Lợi, người phiên dịch cho Lê Đức Thọ: “Hôm đó người ta không thấy ở Kissinger - một giáo sư đại học sôi nổi nói dài dòng hay bông đùa, mà là một người ít nói có vẻ ngượng nghịu, suy nghĩ. Còn Kissinger mô tả, cuộc họp kín ngày 2-5 diễn ra rất thô bạo”.

 

Nhưng ông Thọ khi ấy không biết Nixon đã dặn Kissinger rằng, cho dù kết quả đàm phán thế nào, ông vẫn ra lệnh cho ba máy bay B-52 công kích Hà Nội và Hải Phòng vào những ngày cuối tuần, từ ngày 5 đến ngày 7-5-1972. Nixon nhấn mạnh với Kissinger ông chấp nhận hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow trừ khi tình hình được cải thiện. Tại một trang trại ở Texas, Nixon cảnh báo: “Hà Nội đang chấp nhận nguy hiểm rất lớn nếu tiếp tục tấn công miền Nam”.

 

Kissinger cho rằng trong ngày 2-5-1972, Lê Đức Thọ chỉ “giả vờ thương thuyết” vì “tin chắc rằng họ đang tới rất gần chiến thắng”. Theo Kissinger, “thái độ làm cao của Lê Đức Thọ” đã khiến cho Nixon trở nên “rất hùng hổ”. Thứ Sáu, ngày 5-5-1972, B-52 lại trút bom xuống Hải Phòng (B-52 bắt đầu ném bom Hải Phòng từ ngày 16-4-1972), đồng thời mìn ngư lôi được thả bao vây các cửa biển miền Bắc.

 

Sau khi nhận được thư của Brezhnev trấn an thái độ bi quan của Mỹ về cuộc họp ngày 2-5 với Lê Đức Thọ là không hợp lý, Washington trở nên quyết tâm hơn khi nhận thấy thư của Brezhnev “không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào”. Trong khoảng từ 25-4 đến 5-5-1972, Nixon đã đưa ra lệnh ném bom xuống đê Sông Hồng, tăng cường ném bom các trung tâm thành phố và dự định sử dụng cả “vũ khí hạt nhân”. Theo Kissinger: “Tôi kịch liệt phản đối các kế hoạch này, và Nixon thì đã không kiên quyết”.

 

Washington cũng đồng thời nhận được “tín hiệu” từ Trung Quốc qua bài Xã luận đăng trên Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 11-5-1972. Đằng sau những ngôn từ to tát như: “Kiên quyết ủng hộ nhân dân Việt Nam”; “Vô cùng phẫn nộ và mạnh mẽ lên án” đế quốc Mỹ, Washington nhận ra thông điệp của Trung Quốc khi thấy “bài xã luận” xác định Bắc Kinh chỉ làm “hậu phương của Việt Nam. Bên cạnh bài xã luận “lên án Mỹ” đó, Nhân dân nhật báo đã cho đăng nguyên văn diễn văn của Nixon công bố một ngày trước đó giải thích vì sao mà ông ta đã phải ném bom miền Bắc.

 

Ở Quảng Trị, lúc bấy giờ, theo Tướng Lê Phi Long, sau hai đợt chiến đấu liên tục, sức khỏe của bộ đội miền Bắc đã giảm sút, quân số bị hao hụt, các đơn vị binh chủng thì thiếu khí tài, sức kéo, đạn dược. Nhưng không hiểu vì sao Lãnh đạo Bộ và Tư lệnh chiến trường lại chủ trương mở tiếp đợt tấn công thứ ba nhằm giải phóng Thừa Thiên - Huế.

 

Sau Chỉ thị đó, dưới sự chủ trì của Tướng Giáp, các cuộc họp nối tiếp cuộc họp để hoàn chỉnh kế hoạch. Cơ quan Tác chiến làm việc tới 20 giờ/ngày. Vất vả nhất là khoảng từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm vì, theo Tướng Lê Phi Long, lúc này chiến trường mới điện báo cáo tình hình lên Bộ Tổng Tham mưu. Quảng Trị bắt đầu trở thành cối xay thịt khi Quân đội Sài Gòn, dưới sự phối hợp của không quân và pháo hạm Mỹ bắt đầu phản công, gây thiệt hại nặng nề cho quân miền Bắc.

 

Một tuần sau, huyện Hải Lăng và một phần huyện Triệu Phong bị chiếm lại, quân đội Sài Gòn áp sát thị xã. Lực lượng miền Nam khi ấy gồm 3 sư đoàn được yểm trợ bằng hoả lực mạnh của không quân và pháo hạm Mỹ. Lực lượng miền Bắc, tuy có 5 sư đoàn nhưng đã mất sức chiến đấu, quân số của mỗi đại đội chỉ còn từ 20 đến 30 người mà phần lớn là cán bộ. Gạo, đạn tiếp tế kiểu ăn đong.

 

Theo “Chủ nhiệm Hướng Lê Phi Long: Ngày 30-6, mười ngày sau khi mở đợt 3 tấn công không thành công, Tướng Văn Tiến Dũng trở ra Hà Nội vì lý do sức khỏe”. Ngày 20-7 Tướng Trần Quý Hai được cử vào thay Tướng Lê Trọng Tấn; Tướng Song Hào thay Tướng Lê Quang Đạo. Các vị tướng này sức khỏe đều giảm sút và mệt mỏi.

 

Tình hình phát triển ngày càng xấu hơn, thế nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn chủ trương tiếp tục phản công và tiến công. Trong khi, theo Tướng Lê Phi Long, không đánh được một trận tiêu diệt nào dù là phân đội nhỏ. Thời tiết thì hơn nửa tháng liền, không mấy ngày được nắng ráo, nhiều trận mưa kéo dài, hầm hào lúc nào cũng ngập nước, trong khi B-52, pháo mặt đất, pháo hạm liên tục dội bom. Bộ đội phải chiến đấu liên tục không có thời gian làm công sự. Thương vong ngày càng tăng.

 

Trong thời điểm nóng bỏng ấy, Văn Tiến Dũng đang đi an dưỡng ở Tam Đảo, Lê Trọng Tấn vừa ở chiến trường ra đang trong thời kì dưỡng bệnh, Tướng Giáp phải trực tiếp điều hành mọi công việc của Bộ Tổng tham mưu. Ông đọc cho Tướng Lê Phi Long viết bức điện gửi thẳng xuống đơn vị cho Nguyễn Hữu An, Sư trưởng Sư đoàn 308 và Hoàng Đan, Sư trưởng Sư đoàn 304B.

 

Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Hữu An gửi cho Tướng Giáp một bức điện dài bốn trang, nói rõ: “Tôi thấy không nên tiến công, và nên chuyển vào phòng ngự. Ở đây công tác chỉ đạo chỉ huy vẫn ham tấn công và phản công, trong tình thế địch mạnh hơn ta, ăn hiếp ta, lực lượng ta đã suy giảm và đang rơi vào bị động. Tôi nghĩ rằng sức ta yếu hơn địch, ta chuyển vào phòng ngự là cần thiết. Nhưng ở đây hễ nói đến phòng ngự cấp trên lại cho rằng đó là tư tưởng hèn nhát, thụ động. Đề nghị với Bộ quyết tâm dứt khoát chuyển sang phòng ngự. Tình hình này ta muốn tiêu diệt gọn một tiểu đội, một trung đội cũng khó”.

 

Sư trưởng Hoàng Đan thì trả lời khéo léo hơn: Theo kinh nghiệm của tôi thì một trung đoàn chủ lực của ta chỉ đánh được 2 trận tập trung là hết sức, nếu không được nghỉ ngơi củng cố thì không thể tiếp tục chiến đấu thắng lợi. Còn quân ta ở đây đã chiến đấu liên miên 2 đến 4 tháng rồi còn sức đâu mà đánh tiêu diệt”. Nhận được điện, Tướng Giáp rất lo lắng. Nhưng, lúc ấy không những giữa chiến trường và Đại Bản doanh có ý kiến khác nhau mà trong nội bộ Đại Bản doanh ý kiến cũng khác nhau.

 

Tướng Giáp thận trọng lập một “Tổ nghiên cứu” do Tướng Vương Thừa Vũ đích thân hướng dẫn. Trong cuộc họp kết luận, Tướng Giáp sau khi giảng hòa mâu thuẫn giữa các sỹ quan tác chiến đã phải chỉ vào đống sách do ông tự tay mang đến: Các nhà lý luận quân sự của chúng ta cũng đều nói có tiến công, có phòng ngự. Engels cũng đã nói điều đó. Thực tế chiến trường đòi hỏi chúng ta phải chuyển qua phòng ngự. Cục tác chiến hãy điện cho chiến trường tham khảo ý kiến của các đồng chí trong mặt trận xem sao”.

 

Cục Trưởng Tác chiến lúc ấy là Tướng Vũ Lăng lệnh cho ông Long gửi một bức điện dài, theo Tướng Lê Phi Long: Sau khi phân tích lý luận và thực tế, Điện gợi ý mặt trận nên chuyển sang phòng ngự”. Bức Điện ký tên Vũ Lăng phát đi hai hôm thì Cục Tác chiến nhận được trả lời. Trong điện trả lời, Tướng Trần Quý Hai dùng lời lẽ gay gắt phê phán Cục Tác chiến không giữ vững quyết tâm, không quán triệt tư tưởng làm chủ và tiến công... Rồi Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh phản công mặc dầu đã trải qua ba cuộc phản công không kết quả.

 

Theo Tướng Lê Phi Long, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Quảng Trị: Ông Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc!

 

Chúng tôi, cơ quan tham mưu, không đồng tình với cách làm này nhưng không biết than thở với ai, hình như anh Văn cũng cảm nhận được điều đó nên có lần đã nói với chúng tôi: Cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, nhưng mỗi lĩnh vực có quy luật riêng của nó, ví như về quân sự thì trước hết phải bảo đảm chắc thắng, nếu không diệt được địch, không phát triển lực lượng thì không phối hợp quân sự với ngoại giao được”.

 

Tướng Lê Hữu Đức thừa nhận: “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán”.

 

Tướng Lê Phi Long kể: Sáng 17-9, Cục Tác chiến mới nhận được điện báo ‘Thành Cổ mất tối hôm qua’. Trong khi đó thì trên phòng họp, Quân ủy Trung ương vẫn đang bàn về ‘phối hợp đấu tranh quân sự chính trị và ngoại giao’ thông qua mặt trận Quảng Trị. Dự họp có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu và các vị trong thường trực Quân ủy. Lúc này Lê Đức Thọ đã có mặt ở Paris để hội đàm với Kissinger. Được tin dữ, anh Văn rời cuộc họp xuống chỗ Cục Tác chiến đích thân nói điện thoại với mặt trận qua xe thông tin tiếp sức đậu trước sân Cục Tác chiến.

 

Thành cổ Quảng Trị thất thủ khi quân miền Bắc đã gần như hoàn toàn kiệt sức.

 

Theo Tướng Lê Phi Long: Lực lượng chiếm giữ Thành Cổ khi đó nói là có mấy tiểu đoàn nhưng trên thực tế chỉ còn phiên hiệu, mỗi tiểu đoàn chỉ còn ba bốn chục người. Việc bổ sung quân số tiếp tế qua sông hết sức khó khăn. Nhiều sinh viên đã phải rời giảng đường để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã ngã xuống. Nhiều cán bộ chỉ huy ngày đêm vất vả, râu tóc mọc kín mặt mà không có thời gian cắt cạo. Trong hầm phẫu ở ngay dinh Tỉnh trưởng cũ thường xuyên có trên dưới 200 thương binh, sặc mùi hôi thối. Các lực lượng trong Thành Cổ thì chiến đấu một cách tuyệt vọng, còn các đơn vị ở các hướng khác, tuy có cố gắng đánh vào cạnh sườn để hỗ trợ cho lực lượng ở trong Thành nhưng cũng không tạo được hiệu quả. Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Ta đã tung hết lực lượng, đã kiệt quệ. Có lúc tôi đã phải điều học viên trường Lục quân về gần Thủ đô lập một lữ đoàn để bảo vệ Trung ương, vì hết cả quân.

 

Ngày 26-9-1972, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lưu Văn Lợi đã mang các dự thảo Hiệp định tới Paris.

 

Ngày 4-10-1972, Bộ Chính trị xem xét lại dự thảo Hiệp định, Ngày 8-10-1972 khi Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo các điều khoản hiệp định đề nghị ký kết, Kissinger viết: “Các đồng nghiệp và tôi đều hiểu ngay tầm quan trọng của những điều mình vừa nghe. Ngay lúc nghỉ giải lao, Winston Lord và tôi đã bắt tay và nói với nhau: ‘chúng ta đã thành công rồi’. Haig, người đã từng phục vụ tại Việt Nam, thốt lên đầy xúc động rằng chúng tôi đã bảo toàn được danh dự cho các chiến binh từng phục vụ, đã chịu đựng và hy sinh ở Việt Nam”.

 

Điều quan trọng nhất mà miền Bắc muốn - Mỹ rút quân mà Hà Nội không rút quân - thì ở trên bàn đàm phán, Kissinger đã chấp nhận từ năm 1971. Trên thực tế, cho đến khi ký Hiệp định Paris, Nixon đã đơn phương rút quân: từ 545.000 quân năm 1968 xuống còn 27.000 quân năm 1972.

 

Cuộc đàm phán tưởng như đã tới hồi kết thúc, Kissinger dự kiến sẽ quay lại Paris vào ngày 17-10 gặp Xuân Thủy, thống nhất nốt “hai tồn tại” về nhân viên dân sự bị giam giữ ở miền Nam và việc “thay thế thiết bị quân sự”, được ngầm hiểu như là một viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Ngày 18-10, từ Paris, Kissinger sẽ bay đến Sài Gòn, và tối ngày 22, sẽ đến Hà Nội. Hiệp định dự định công bố vào ngày 24 và được ký ngày 31-10-1972.

 

Nhưng những sự kiện sau đấy đã phá vỡ các kế hoạch này, hàng ngàn người Việt tiếp tục bị giết bởi bom đạn Mỹ.

 

[Phụ Lục Đánh & Đàm, BÊN THẮNG CUỘC, quyển II, Quyền Bính].

 

HUY ĐỨC 01.12.2023

 

Publié par Thụy My RFI à 14:42

 





No comments: