Tuesday, December 19, 2023

HẮT HỦI ĐIỆN MẶT TRỜI TRONG NƯỚC, VIỆT NAM MUỐN NHẬP ĐIỆN GIÓ TỪ LÀO (Người Việt)

 



Hắt hủi điện mặt trời trong nước, Việt Nam muốn nhập điện gió từ Lào

Người Việt

December 19, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/hat-hui-dien-mat-troi-trong-nuoc-viet-nam-muon-nhap-dien-gio-tu-lao/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV)Trong khi điện mặt trời của người dân dư thừa, tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) lại đề nghị Bộ Công Thương cho nhập điện gió từ Lào để “giảm nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.”

 

Báo VNExpress hôm 19 Tháng Mười Hai dẫn tin từ EVN cho hay, việc muốn nhập điện gió của Lào xuất phát từ tính toán của tập đoàn cho thấy miền Trung và Nam “sẽ cơ bản đủ điện” nếu các nguồn mới tại “Quy hoạch điện 8” bảo đảm bảo tiến độ hoàn thành.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/VN-mua-dien-tu-lao-1.jpg

Một dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị. (Hình: Hoàng Táo/VNExpress)

 

Trong khi đó, việc cung ứng điện tại miền Bắc giai đoạn 2024-2030 “rất khó khăn,” tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện hai tháng cuối mùa khô và thiếu điện từ 2025. Vì thế, EVN cho rằng nguồn điện từ Lào sẽ giúp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu, giảm nguy cơ thiếu điện các năm tới.

 

Theo EVN, nhiều nhà đầu tư dự án điện gió muốn bán điện cho Việt Nam với tổng công suất 4,149 MW, đấu nối qua khu vực Quảng Trị. Trong số này có hai dự án là Savan 1 và AMI Savanakhet của Lào muốn bán điện cho Việt Nam từ nay đến 2025 với giá 1,700 đồng/kWh (gần 7cent).

 

Ngoài ra, EVN cho rằng theo “Quy hoạch điện 8,” tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ, như thủy điện sẽ giảm dần và các nguồn giá thành cao (điện khí LNG, khí lô B, điện gió ngoài khơi) có xu hướng tăng. Việc tăng nhập cảng điện từ Lào cũng hỗ trợ giảm chi phí mua điện, bảo đảm an ninh cung cấp điện.

 

Lý do khác theo EVN là trong số các dự án thủy điện Lào đã ký hợp đồng mua bán (PPA) với tập đoàn, một số chủ đầu tư cho biết không bán điện tiếp và các dự án này đều vận hành sau năm 2025.

 

Hiện, điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Hồi cuối Tháng Chín vừa qua, EVN rót hơn 1,100 tỷ đồng ($45.1 triệu) đầu tư đường dây 500 kV Monsoon- Mỹ Thạnh (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dài 45 km để kéo điện từ Lào về Việt Nam.

 

Trong 11 tháng qua, tổng lượng điện nhập cảng (Lào, Trung Quốc) gần 4 tỷ kWh, chiếm 1.5% sản lượng toàn hệ thống.

 

Điều khiến công luận bất bình là tại sao điện mặt trời mái nhà trong nước thì không khuyến khích, lại đòi mua điện của ngoại quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/VN-mua-dien-tu-lao-2-1536x1022.jpg

Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) độc quyền cung cấp và quyết định giá điện. (Hình: Thanh Niên)

 

Theo báo Tuổi Trẻ, Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong ba năm qua.

 

Thế nhưng trong dự thảo “Nghị định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà” đang được Bộ Công Thương hoàn chỉnh lại quy định “người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện và bán sản lượng dư cho EVN nhưng với giá 0 đồng.”

 

“Nhà nước khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tự dùng, tức không bán, phát điện vào hệ thống,” dự thảo nêu.

 

Phản ảnh trên báo VNExpress, nhiều độc giả thắc mắc “Một nước ven biển như Việt Nam mà phải đi nhập điện gió, điện trong nước lại không sử dụng?”

 

Trong khi đó, độc giả “Minh Tran Hoang” thẳng thắn: “Điện mặt trời trong nước đầy không mua, mà đi mua điện gió tận bên Lào.” (Tr.N) [qd]

 





No comments: