Tuesday, December 19, 2023

GHI CHÉP VỘI TẠI PHỐ TÀU, QUẬN 13 PARIS (Lâm Bình Duy Nhiên)

 



Ghi chép vội tại Phố Tàu, quận 13 Paris

Lâm Bình Duy Nhiên

18/12/2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/12/lam-binh-duy-nhien-ghi-chep-voi-tai-pho.html#more

 

Mỗi khi đến Paris, là tôi lại ghé quận 13 để quan sát và lắng nghe những mẩu chuyện về cuộc sống của người Việt tại đây. Không những tiếng Việt và tiếng Tàu (Quảng Đông) mà còn có cả tiếng Lào, tiếng Miên và tiếng Thái, tạo nên một xã hội Châu Á nhỏ bé trong lòng Kinh thành Ánh sáng.

 

Hình : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEixFaVRHFK8KwXSfTYM9RtX3ujkovM4dz0poo5BdK7tFaertw7KvemWjrEwcO_UH-GHoTpujpTn8KMqjoj16AItf1vAGL77bAgb5S9G6-q0Slr9SIwzLtWjq0LXdurn6ZA_tWHoSuylAfn4liQZ2BMLvkjUNB5BGslMFHDlYRrzLRR0a-AEAbsbnWd9CuL7/w400-h266/quan13_01.jpg

 

Đang dẫn mấy con đi xem đồ trong Trung tâm Masséna, bất chợt có một chị, kéo giỏ đi chợ, hỏi: "Anh ơi, ăn bánh bột lọc không". Mình từ chối, chị đi tiếp và lần này lại chào hàng một người phụ nữ khác bằng tiếng Quảng Đông.

 

Trong khoảnh khắc, mới nhớ lại có rất nhiều người Việt gốc Hoa, sống tại Việt Nam, và nhất là tại Chợ Lớn từ bao đời, cũng đã phải đi vượt biên bán chính thức, vào những năm 78-79, và một số đông, họ đã chọn Pháp làm quốc gia định cư.

 

Cho nên, tại phần lớn các nhà hàng Tàu ở quận 13, từ chủ đến nhân viên, họ đều nói được tiếng Việt.

 

Cũng có lần, nói chuyện với người quen tại Paris, khi mà giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 được Trung cộng đem vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Những người này rất ấm ức và tuyên bố sẽ tẩy chạy hàng hóa "Tàu" và nhất định không đi ăn tại các nhà hàng hay đi chợ do người Hoa làm chủ. Mình có nói, tại Paris thì có lẽ không hiệu quả vì các nhà hàng phần lớn do người Hoa Chợ Lớn lập ra, nhiều người từng có quốc tịch Việt Nam. Tẩy chạy họ như thế có lẽ không công bằng.

 

Ngược lại, anh em nhà Tang Frères lập ra các hệ thống siêu thị Châu Á nổi tiếng, cũng là dân sống bên Lào, và có ít nhiều quan hệ với Sài Gòn ngày xưa, thì rõ ràng họ làm ăn với Trung cộng để nhập hàng hóa. Nếu có giỏi thì tẩy chạy họ. Nhưng bỏ họ, thì chạy đi đâu để mua chai nước mắm, đòn chả lụa? Chẳng lẽ lại đi chợ tại Thanh Bình, nơi bày tỏ ra mặt, không chút do dự, mối quan hệ mật thiết với nhà cầm quyền trong nước?

 

Ngày nay, dường như chuyện tẩy chay thức ăn Tàu ở quận 13 không còn mang tính thời sự nữa. Ngược lại, chính các nhà hàng Tàu của các ông bà chủ Chợ Lớn giờ cũng bị cạnh tranh bởi lớp người Tàu lục địa mới sang. Họ làm ăn lớn, rửa tiền, chi tiền mạnh cho các tay chính trị gia địa phương người Pháp. Họ tập trung tại khu Belleville (tọa lạc giữa các quận 20, 19, 10 và 11) và sẵn sàng bỏ tiền để mua lại các nhà hàng tại vùng tam giác Choisy, Ivry và Masséna cũng như việc nhận bảo kê cho các nơi làm ăn buôn bán, khiến cho nhiều sinh hoạt trong cộng đồng người Hoa tại Paris ngày càng trở nên bất ổn.

 

Còn nhớ Jacques Toubon (nguyên Bộ trưởng bộ Văn hóa), mình từng có dịp gặp tại Sài Gòn, khi ông còn là thị trưởng của quận 13, đã bị trách móc là được các tập đoàn người Hoa tại đây "cho ăn" nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

 

Từ vài chục năm nay, khu Á Đông tại quận 13 đã trở thành một địa điểm...du lịch không thể thiếu của các du khách gốc Châu Á mỗi khi ghé đến Paris.

 

Bên cạnh những nhà hàng Việt, Hoa hay Lào là cuộc sống của hàng ngàn người gốc Indochine trong các tòa nhà cao chọc trời. Trên những lề đường hay trong các trung tâm mua bán là nơi tập họp của những người lớn tuổi để hàn huyên cuộc sống tha hương. Những người bán hàng rong ngay gốc đường Choisy hay trước cửa siêu thị Tang Frères trên đường Ivry. Họ bán đủ thứ, từ rau cải đến những món ăn. Họ mời chào khách bằng tiếng Việt và tiếng Hoa. Họ luôn phải đối phó với cả cảnh sát nữa.

 

Những năm gần đây, hàng ngày, chỉ mới ngoài 11 giờ trưa, còn có cả cảnh những cô gái người Hoa, son phấn qua loa, vội vã, đứng mời khách trên con đường Ivry tấp nập người qua, kẻ lại. Nghe đâu rằng, họ phải làm những việc đó để trả nợ cho các tổ chức đưa người từ Trung Quốc sang.

 

Một đặc tính rất Việt Nam, nhiều nhóm thanh niên tụ tập đông đúc tại các tiệm báo có chơi sổ xố thể thao và đua ngựa. Uống bia, trò chuyện và hồi hộp chờ kết quả cuộc chơi là thú vui của họ sau giờ làm việc.

 

Để đi chợ tại khu phố Á Đông vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật là điều hết sức khó khăn, nhất là nếu phải lái xe. Người và xe đông như kiến. Giao thông hỗn loạn. Nhiều người cứ tấp xe sát lề đường, bật đèn tín hiệu, chạy vô các cửa tiệm mua con vịt quay hay xếp hàng mua chục ổ bánh mì, bỏ mặt các xe phía sau bị kẹt, bấm còi, la hét inh ỏi. Bọn bạn người Pháp, dân Parisien chính gốc, cũng lắc đầu, bảo lâu lắm chúng không "dám" đặt chân vào khu này!

 

Chiều nay, lang thang đi đến nhà sách Khai Trí lại nhớ đến một anh bạn. Năm 2002, khi ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập ra đảng cực hữu Front national (Mặt trận Quốc gia), bất ngờ đánh bại Thủ tướng Lionel Jospin của đảng Xã hội để lọt vào vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Trong khi mua... bánh mì thịt tại nhà sách Khai Trí, anh bạn người Việt hồ hởi nói với tôi rằng anh sẽ bỏ phiếu cho Le Pen. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh giải thích: "Chỉ có Le Pen mới tống cổ hết bọn nước ngoài, bọn Rệp, bọn đen, bọn tội phạm về nước mà thôi!".

 

Anh tỏ vẻ phấn khởi và tin tưởng nhiều vào những lời hứa cổ súy cho chủ nghĩa dân túy của ông Le Pen. Anh cũng vội quên rằng anh chưa vô quốc tịch Pháp và dưới mắt người bản xứ, anh cũng chỉ là một người nước ngoài như vài triệu người khác đang sinh sống hợp pháp hay không giấy tờ tại xứ sở này. Điều "đáng tiếc" cho anh là ông Le Pen đã bị Tổng thống đương nhiệm lúc đó, Jacques Chirac, đánh bại bại với hơn 82 % tỉ lệ phiếu bầu! Tôi tin rằng, những người Việt ủng hộ đảng Front National như anh tại Paris, là không hề ít.

 

Đi ngang qua các tiệm ăn Việt, lại nhớ một lần, vào dịp Tết, trời Paris chỉ se lạnh, đứng xếp hàng cả chục mét đợi ăn tô phở. Đến lúc có bàn, ăn rồi, lỡ dại gọi thêm dĩa bánh cuốn, anh chạy bàn không vui, quay mặt đi và chửi đổng:" ĐM, ăn sao không gọi cùng lúc vậy!".

 

Khu phố Á Đông này là thế, ồn ào, bất lịch sự, không hiếu khách, thậm chí dơ bẩn chịu không thấu nhưng cứ mỗi dịp ghé đến là tôi lại cảm động và cảm thông với cuộc sống tha hương của những con người tại đây.

 

LÂM BÌNH DUY NHIÊN, Paris, 02/08/2018 (hiệu đính 12/2023)

 

Publié par Thụy My RFI à 14:11

 




No comments: