Danh
hiệu Nghệ sĩ Nhân dân: đặc thù của cơ chế xin-cho?
Diễm Thi, RFA
9/12/2023
Theo quy định của Chính phủ, nghệ sĩ nào muốn được
xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trước hết phải là Nghệ sĩ Ưu tú và phải đạt
một trong các điều kiện: có ít nhất hai giải Vàng quốc gia (trong đó có một giải
Vàng là của cá nhân); có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc,
thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá
là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Sau khi đã hội đủ các điều kiện trên, người nghệ sĩ này cần nộp hồ sơ
đăng ký xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong hồ sơ phải có bản kê khai
thành tích để được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”.
Đây là điều bị các nghệ sĩ chân chính cho là làm tổn thương lòng tự trọng
của họ. Nhạc sĩ Lê Thiệu nói với RFA quan điểm của ông:
“Cơ chế
đặc thù của XHCN là cơ chế xin cho, ban phát. Người có quyền sẽ ban phát và người
đi xin thì hàm ơn. Từ xưa đến giờ cái gì dân cũng phải làm đơn xin. Xin tạm vắng,
xin tạm trú, xin đi lại… cái gì dính tới chính quyền đều phải xin. Cơ chế này
sinh ra bè phái, nịnh bợ nhau.
Theo
tôi, những nghệ sĩ chân chính, có lòng tự trọng không màng tới những danh hiệu
như Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân. Nó là những danh hiệu hão. Họ làm việc
với lương tâm nghề nghiệp của mình, công hiến cho khán giả, làm cho khán giả
hài lòng. Họ phục vụ cho đời sống và không làm gì trái với lương tâm, nghệ thuật
là đủ.”
Trong một lần trả lời báo chí Nhà nước về việc này, Nghệ sĩ Bảo Quốc đặt
ngược lại câu hỏi: “Tại sao nghệ sĩ phải khai thành tích và xin được xét tặng
danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân? Lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó,
vì như vậy sẽ rất tổn thương cho danh dự nghệ sĩ nếu không được xét tặng. Danh
hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân của Nhà nước phong tặng là rất
cao quý đối với nghệ sĩ. Được phong tặng thì tôi nhận, còn xin thì không.”
Cũng trong một lần trả lời truyền thông Nhà nước, Nghệ sĩ Thành Lộc nêu
quan điểm về cơ chế “xin - cho” danh hiệu: “Tôi không thích việc muốn được là
Nghệ sĩ Nhân dân là phải đi làm đơn xin xỏ. Tại sao phải làm đơn xin? Danh hiệu
cao quý này phải được chính Hội đồng xét duyệt, nhìn nhận và tự đánh giá, phong
tặng. Người nghệ sĩ không thể làm cái việc xin được phong tặng danh hiệu, tự
kêu gọi mọi người đánh giá tài năng và sự cống hiến của mình”.
Nghệ sĩ Bảo Quốc và Nghệ sĩ Thành Lộc được cho là hai nghệ sĩ sân khấu
lớn, được hầu hết người dân biết đến với những cống hiến của họ cho nghệ thuật.
Chỉ là hư danh?
Ngoài ‘bệnh thành tích’ thì ‘hư danh’ được coi là vấn nạn trong xã hội
hiện nay. Đầu năm 2022, tại phiên thảo luận về sửa đổi toàn diện Luật Thi đua
khen thưởng tại Quốc hội, một số đại biểu kiến nghị có thêm danh hiệu Kiến trúc
sư Nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú, Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú bên cạnh những
danh hiệu sẵn có như Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực văn học,
nghệ thuật.
Trao đổi với RFA về việc này, Kiến trúc sư Ngô
Viết Nam Sơn cho biết, ông thiên về xu hướng tặng huân chương hơn là tặng danh hiệu
Nghệ sĩ Nhân dân. Ông giải thích:
“Lý do
là người nghệ sĩ thì mình phải sáng tạo suốt đời, và khi mà mình được đóng dấu
là Nghệ sĩ Nhân dân thì theo tôi, đó là bước lùi chứ không phải bước tiến. Bởi
vì người được phong, thứ nhất là họ sẽ cảm thấy là tôi có làm hay tôi không làm
thì tôi vẫn là Nghệ sĩ Nhân dân, tôi vẫn đứng đầu của cả nước trong ngành nghệ
thuật của tôi. Họ không tiến bộ nữa. Đó là mình nói chung cho các ngành nghệ
thuật.
Còn nếu
nói riêng cho ngành kiến trúc thì mình thấy rằng, Nghệ sĩ Nhân dân hiện giờ
đang lạm phát. Hiện có đến mấy trăm Nghệ sĩ Nhân dân rồi. Những Nghệ sĩ Nhân
dân đó, mặc dù phải công nhận họ giỏi, họ cũng tài giỏi được là nghệ sĩ nhân
dân, nhưng mà có thể nói hầu hết những Nghệ sĩ Nhân dân đó những tác phẩm của họ
có đứng đầu cả nước hay ngang tầm thế giới hay không thì mình cần phải đặt câu
hỏi.”
Là một ca sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ thập niên 1980, Ca
sĩ Ái Vân hiện sống ở Hoa Kỳ nói với RFA suy nghĩ của mình về danh hiệu Nghệ
sĩ Nhân dân hiện nay:
“Mình
còn nhớ lớp đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân có chị Trà
Giang và anh Đặng Thái Sơn. Họ thực sự là những người nổi bật. Tuy nhiên, mình
vẫn nghĩ đây là bản copy của Liên Xô hồi đó, bởi Liên Xô có danh hiệu Nghệ sĩ
Công huân và Nghệ sĩ Nhân dân.
Thật ra
danh hiệu trong nghệ thuật là được khán giả, được quần chúng công nhận, chứ
không phải do một ông, bà nào ngồi ở đâu xét duyệt và công nhận cho những người
đã có những cống hiến đáng kể trong nghệ thuật. Sau này mình không quan tâm các
danh hiệu nữa và mình coi đó chỉ là hư danh thôi.
Những
người ngồi xét duyệt có khi không biết những nghệ sĩ đó là ai, không biết những
cống hiến trong nghệ thuật của họ là gì mà lại có quyền đánh giá, xét và cấp
danh hiệu cho người này người kia. Tôi thấy quá là vớ vẩn!”
Hôm 28 tháng 11 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định
phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 42 nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ Xuân
Bắc - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Nhắc đến Xuân Bắc, dư luận nhớ đến câu
chuyện xảy ra đầu năm nay liên quan đến nghệ sĩ này khi Xuân Bắc đăng tải một
câu chuyện có tên "Cái tát của mẹ" trên Facebook cá nhân.
Bài viết kể câu chuyện về người con đã 50 tuổi, năm nào cũng chờ đợi
bánh chưng mẹ nấu nhưng sau này, vì thường chê bánh chưng mà nhân vật người con
trai bị mẹ cho ăn tát. Thậm chí, bà cho rằng con mình “ăn cháo đá bát” vì để
làm ra một chiếc bánh phải thức khuya dậy sớm, trải qua nhiều công đoạn khác
nhau như gói bánh, luộc bánh…
Phản ứng trong dư luận cho rằng Xuân Bắc coi công chúng là “đứa bé ăn
tát”, là những người “ăn cháo đá bát”.
---------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
·
Nghệ
sĩ lại được kêu gọi đấu tranh: cởi trói hay lấy lòng!
·
Danh
hiệu cho văn nghệ sĩ: chỉ là hư danh?
·
Nghệ
sĩ Việt Nam chung tay trong hành trình làm sáng tỏ vụ án tử tù Hồ Duy Hải
·
VN
thắng lớn tại Liên hoan Múa rối Quốc tế Bangkok
·
“Hôme”
– Chuyến lữ hành về quá khứ
No comments:
Post a Comment