COP
28 thông qua tuyên bố về sức khoẻ
Minh Phương - RFI
Đăng ngày: 04/12/2023 - 14:22
Hôm qua 03/12/2023, trong ngày họp thứ
ba của Hội nghị Khí hậu
Liên Hiệp Quốc COP 28, chủ đề thảo luận chính là về chất lượng không khí
và ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ con người.
Nhiều người đeo khẩu trang trên đường phố ở New
Delhi, Ấn Độ, ngày 08/11/2023. REUTERS - ANUSHREE FADNAVIS
123 quốc gia đã cùng ký vào bản tuyên bố COP 28, nhấn
mạnh đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với sức khoẻ con người. Đặc biệt,
bản tuyên bố này còn nêu ra “những lợi ích mà các hoạt động vì môi trường
đem lại cho sức khoẻ cộng đồng”, chẳng hạn như tác động của việc chống
lại ô nhiễm không khí với việc giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khoẻ. Văn bản
cũng nêu ra rất nhiều hứa hẹn về đóng góp tài chính như Quỹ Toàn cầu 300 triệu
euro, quỹ Rockefeller 100 triệu euro, Vương Quốc Anh 68 triệu euro, v.v.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn RFI, ông Stephen Cornish, người đứng đầu tổ
chức Bác sĩ Không Biên giới tại Thuỵ Sĩ, cho rằng, bản tuyên bố sẽ là không đủ
nếu chúng ta không biết làm thế nào để áp dụng vào thực tiễn nhằm đáp ứng những
nhu cầu cấp thiết hiện nay. “Những thảm hoạ thiên nhiên này diễn ra thường
xuyên hơn, tác động của chúng cũng mạnh hơn và phủ rộng hơn. Ở Madagascar và
Mozambique, những xoáy lốc nối tiếp nhau dẫn đến lũ lụt, tàn phá sản xuất lương
thực, reo rắc dịch bệnh... Trước đây có dịch sốt rét đỉnh điểm, bây giờ thì sốt
rét xảy ra quanh năm.” Ông cũng khẳng định : “Chúng ta đã biết
về căn bệnh cũng như cách điều trị, đó là ngừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch.”
Hôm nay, 04/12/2023, hội nghị bàn thảo vấn đề tài chính cho cuộc chiến chống
biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia nhấn mạnh, tất cả những lĩnh vực như nông
nghiệp, vận tải hay xây dựng đều cần phải được đổi mới để có đủ khả năng thích ứng
với một thế giới đang dần nóng lên.
----------------------------
Các nội
dung liên quan
PHÂN TÍCH
COP28:
Cam kết tài chính cho“ Quỹ tổn thất và thiệt hại” còn quá ít
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 01/12/2023 - 14:01
Ngay trong ngày khai mạc hôm qua,
30/11/2023, Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP28 tại Dubai đã gây bất ngờ lớn
khi chính thức thông qua quyết định thiết lập “Quỹ tổn thất và thiệt hại” để trợ
giúp cho những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, tức là những nước
đang phải đối phó với hiện tượng mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt, bão tố
… do khí hậu trên hành tinh đang bị đảo lộn.
Đại diện 140 lãnh đạo trên thế giới dự hội nghị khí
hậu COP28 Dubai. Ảnh ngày 01/12/2023. REUTERS - AMR ALFIKY
Đây được coi là bước tiến lớn đầu tiên của hội nghị COP28, có thể góp phần
giúp giải tỏa những căng thẳng về tài chính giữa các nước phương Bắc với các nước
phương Nam. Cho nên, hôm qua, toàn bộ các đại biểu của gần 200 quốc gia tham dự
COP28 đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh quyết định lịch sử nói trên. Chủ tịch của
hội nghị Sultan Al Jaber trong cương vị chủ nhà hào hứng tuyên bố : “Hôm nay,
chúng ta đã viết một trang sử mới”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
thì xem quỹ này là một “công cụ thiết yếu cho công bằng khí hậu”.
Vấn đề là “Quỹ tổn thất và thiệt hại” có sẽ huy động đủ nguồn tài chính để
hỗ trợ thật sự cho các nước đang cần đến hay không ? Trước mắt, đã có một số hứa
hẹn được đưa ra. Liên Hiệp Châu Âu thông báo sẽ đóng góp tổng cộng 225 triệu
euro (trong đó có 100 triệu euro của Đức ), Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
100 triệu đôla, Nhật Bản 10 triệu đôla, Hoa Kỳ 17,5 triệu đôla. Anh Quốc thì khẳng
định có thể tháo khoán đến 50 triệu đôla cho quỹ này. Những cam kết của các nước
khác sẽ được ra trong những ngày tới tại COP28.
Theo AFP, các nước phát triển cũng đang gây áp lực để tăng thêm con số
các nhà tài trợ, buộc các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc hay Ả Rập Xê Út phải
đóng góp cho “Quỹ tổn thất và thiệt hại”.
Nhưng những cam kết chỉ vài chục, vài trăm triệu đôla được đưa ra trong
ngày khai mạc COP28 còn rất thấp so với nhu cầu rất lớn của các nước dễ bị tổn
thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Bà Madeleine Diouf Sarr, chủ tịch Nhóm các nước
chậm tiến nhất, quy tụ 46 quốc gia, đã nhấn mạnh những thiệt hai do biến đổi
khí hậu được ước tính hàng trăm tỷ đôla. Liên minh các đảo quốc (OASIS) thì ra
thông cáo nói thẳng : “Chúng tôi sẽ không thể yên tâm khi nào mà quỹ này chưa
có đủ nguồn tài chính và bắt đầu giảm nhẹ gánh nặng của các cộng đồng dễ bị tổn
thương nhất”.
Theo trang Franceinfo, các nhà khoa học đã tính toán rằng từ đây đến năm
2030, nhu cầu bù đắp thiệt hại do các thiên tai gây ra đối với các nước dễ bị tổn
thương nhất sẽ lên đến mức tối thiểu cao gấp 1.400 lần so với những cam kết tài
chính được đưa ra hôm qua tại hội nghị COP28.
Vấn đề là, như tên gọi của nó, “Quỹ tổn thất và thiệt hại” không phải là
một cơ chế đền bù, tức là những quốc gia phát ra nhiều khí thải nhất không bắt
buộc phải đóng góp vào quỹ này, mà sự đóng góp là hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện.
Cũng không có mục tiêu cụ thể nào được đề ra cho đóng góp tài chính của các nước
giàu. Hoa Kỳ là quốc gia xếp hàng thứ hai thế giới về lượng khí phát thải gây
hiệu ứng lồng kính lại thông báo đóng góp ít hơn sáu lần so với Các Tiểu Vương
Quốc Ả Rập Thống Nhất, hay của Đức.
Thái độ hoài nghi của những nước nghèo cũng dễ hiểu, vì ngay từ năm 2020,
các nước giàu đã cam kết cấp 100 tỷ đôla/năm để giúp các nước nghèo trong quá
trình chuyển đổi sinh thái, thế nhưng cam kết này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Nay các nước dễ bị tổn thương nhất đòi một số tiền tương đương cho “Quỹ tổn thất
và thiệt hại”, mà không chắc là sẽ được đáp ứng.
Một vấn đề khác, đó là tạm thời “Quỹ tổn thất và thiệt hại” do Ngân hàng
Thế giới quản lý, điều mà các nước phương Nam không chấp nhận, vì họ thấy các
nước giàu là những cổ đông lớn nhất của ngân hàng này và như vậy tiếng nói của
những nước này sẽ áp đảo. Mặt khác, chính Ngân hàng Thế giới đang tài trợ cho
các dự án năng lượng hóa thạch trị giá hàng tỷ đôla. Ngân hàng này như vậy chẳng
khác gì kẻ đốt nhà đóng vai lính cứu hỏa.
===================================
TRUNG QUỐC - Ô NHIỄM - THAN ĐÁ
Trung
Quốc đứng đầu về phát thải CO2 do than
INDONESIA - Ô NHIỄM
Indonesia:
Thủ đô Jakarta bị xếp vào diện thành phố ô nhiễm nhất thế giới
No comments:
Post a Comment