Chiến
tranh Nga-Ukraina : Vladimir Putin đang thuận buồm xuôi gió ?
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 04/12/2023 - 15:43
Hôm 01/12/2023 tổng thống Vladimir
Putin ký sắc lệnh bổ sung 15% quân số Nga để đối phó với những « mối
đe dọa đang gia tăng » xuất phát từ xung đột Ukraina, « do
NATO mở rộng hoạt động và tiến gần đến lãnh thổ Nga ». Điện Kremlin muốn tận
dụng thời cơ giải quyết dứt điểm hồ sơ Ukraina vào lúc Kiev bất thành
trong chiến dịch phản công và đang mất dần các điểm tựa quân sự của phương
Tây ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự thượng đỉnh
G20 qua hình thức trực tuyến từ Matxcơva, ngày 22/11/2023. via REUTERS -
SPUTNIK
Trước đó Hạ Viện Douma thông qua ngân sách quốc phòng, tăng 70 % các khoản
chi tiêu quân sự, cũng do tình hình Ukraina gây nên.
Tình hình chưa bao giờ thuận lợi và sáng sủa đối với tổng thống Nga như
hiện nay kể từ khi Matxcơva khởi động « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại
Ukraina. « Chiến thắng đang gần kề hơn bao giờ hết ». Tuần báo
Anh The Economist (số ra ngày 02/12/2023) đánh giá như trên và thậm chí đặt câu
hỏi, chúng ta nghĩ gì nếu như Vladimir Putin tính toán đúng khi mà cuộc xung đột
đó giúp ông « củng cố thêm vị trí cả về đối nội lẫn trên trường quốc
tế » ? Không thể dự đoán được tương lai, nhưng nhìn vào hiện tại,
rõ ràng là tổng thống Nga đang có nhiều lợi thế.
Đầu tiên hết và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến công
luận trong nước. Sau gần 650 ngày chiến tranh Ukraina, ông Putin dường như đã dẹp
được tất cả những mầm mống bất mãn trong công luận Nga nhờ kinh tế Nga đã
không « hoàn toàn sụp đổ » trước các đòn trừng phạt
của phương Tây vốn được ví như những « quả bom nguyên tử ».
Người
dân Nga đã "quen" với cuộc sống "bị phương Tây trừng phạt"
Đành rằng một số nghĩa trang ở chung quanh thủ đô Matxcơva và nhiều thành
phố khác đã được cơi nới rộng thêm, đành rằng đời sống của người dân Nga có vất
vả hơn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng như tuần báo Anh ghi
nhận, một phần dân Nga đã « quen » và thích nghi với
cuộc sống đó. Thậm chí những tầng lớp « ăn trên ngồi trốc » còn
trở nên « giàu có hơn ». Do vậy « hệ thống
Putin », vị thế của chủ nhân điện Kremlin không lo bị sụp đổ.
Để tô điểm cho hình ảnh của mình đối với công luận trong nước, ngay cả lệnh
tuyển thêm quân cho quân đội Nga cũng đã thận trọng nhấn mạnh rằng đây là việc
tăng quân « theo từng bước » và dựa trên sự thiện
nguyện, trên tinh thần trách nhiệm của những người yêu nước. Đây là một khác biệt
rất lớn so với hồi tháng 9/2022 khi Matxcơva ra lệnh « tuyển mộ
thêm lính dự bị » hàng trăm ngàn thanh niên Nga trong độ tuổi nhập
ngũ đã tìm đường trốn ra nước ngoài.
Trong khi đó, Kiev thực sự đang lúng túng trên ba mặt : một là viện
trợ trang thiết bị quân sự của phương Tây không cho phép quân Ukraina « đảo
ngược thế cờ trên trận địa ». Chiến dịch phản công của Ukraina tựa
như « một quả pháo xịt » như một số nhà quan sát khắt
khe nhất đã ghi nhận. Khác hẳn với dân Nga ủng hộ tổng thống Putin, hàng triệu
người dân Ukraina thực sự mệt mỏi với chiến tranh và những ngày đông buốt giá
đang ập đến.
Lúng túng thứ nhì của Kiev là những điểm tựa vững chắc
nhất, từ Washington đến Vacxava đều thực sự lung lay. Chính quyền Biden đang nhận
thấy rằng Ukraina không phải là một chủ đề cho phép đảng Dân Chủ thu thêm phiếu
trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024. Thậm chí một số nguồn tin thông thạo còn
thiên về kịch bản « Mỹ sẽ phải bỏ rơi Ukraina » nhất
là khi Washington phải dồn nỗ lực cả quân sự lẫn ngoại giao vào xung đột Israel
– Hamas ở Trung Cận Đông.
Thế rồi cũng ông Vladimir Putin vô hình chung đã được phong trào Hồi Giáo
Palestine Hamas « chia lửa » sau cuộc tấn công tàn bạo
trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023. Hơn nữa chắc chắn là để giải quyết hồ sơ
Trung Cận Đông, quốc tế phải cần đến tiếng nói của nước Nga một cách trực tiếp
hay gián tiếp.
Mặt trận thứ ba đặt Ukraina trong thế kẹt là những bất đồng sâu rộng càng
lúc càng được phơi bày ra ánh sáng giữa tổng thống Volodymyr Zelensky với bên
quân đội : Kiev vẫn duy trì những tham vọng quân sự như là chiếm lại toàn
bộ bán đảo Crimée, điều hoàn toàn ngoài khả năng của bên quân đội. Điều này được
thể hiện qua các cuộc đấu khẩu giữa ông Zelensky với tổng tham mưu trưởng
Valery Zaluhjny.
Nga
trông cậy vào vũ khí từ đồng minh
Vào lúc mà Kiev nghi ngờ về những điểm tựa vững chắc của mình thì ở
Matxcơva tổng thống Vladimir Putin biết chắc ông vẫn có thể trộng cậy vào « tình
bạn vô bờ bến » của Bắc Kinh, vào drone của Iran, và đạn dược của
Bắc Triều Tiên.
Ngần ấy yếu tố cho phép tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện thường
xuyên hơn trên các kênh truyền hình Nhà nước, năng đi ra ngoài khuôn viên của
điện Kremlin hơn so với một năm trước đây. Ông Putin cũng không ngần ngại mỉa
mai về « thất bại » của chiến dịch phản công « ở
quy mô lớn » mà Kiev từng quảng cáo rầm rộ để « đòi
Âu Mỹ viện trợ thêm vũ khí hiện đại ».
-----------------------------
Các nội
dung liên quan
TRUNG QUỐC - NGA - BRI
Tập
Cận Bình và Putin ca ngợi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc
ĐIỂM TUẦN BÁO
Không
ngại thí quân, Putin nuôi hy vọng thắng trên chiến trường Ukraina
PUTIN - HÀNH LANG CHIẾN LƯỢC
Putin
và Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam, « những con đường chiến lược mới »
của Nga
No comments:
Post a Comment