.
ChatGPT
được ra mắt vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, mở màn cho cái mà nhiều người gọi
là năm đột phá của trí tuệ nhân tạo. Chỉ trong vài ngày kể từ khi phát hành,
ChatGPT đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Ảnh chụp màn hình các cuộc trò
chuyện tràn ngập mạng xã hội và lượt dùng ChatGPT tăng vọt nhanh đến mức dường
như ngay cả nhà sản xuất OpenAI cũng bị bất ngờ. Đến tháng 1, ChatGPT đã có 13
triệu khách truy cập mỗi ngày, lập kỷ lục về
cơ sở người dùng tăng trưởng nhanh nhất của một ứng dụng dành cho người tiêu
dùng.
Trong
suốt cả năm đột phá này, ChatGPT đã bộc lộ sức mạnh của một giao diện tốt cũng
như những hiểm họa từ cơn phát cuồng, đồng thời nó đã gieo mầm cho một loạt
hành vi mới của con người. Là một nhà nghiên cứu chuyên tìm hiểu về công nghệ và hành vi thông tin của con người, tôi nhận thấy rằng
ảnh hưởng của ChatGPT trong xã hội đến từ cách mọi người nhìn nhận và sử dụng
nó cũng như từ chính bản thân công nghệ.
Các hệ thống AI tạo
sinh như ChatGPT đang ngày càng phổ biến. Kể từ khi ChatGPT được phát hành,
việc đề cập đến AI dường như đã trở thành điều bắt buộc trong các bài thuyết
trình, các cuộc hội thoại và bài báo. Ngày nay, OpenAI tuyên bố có 100 triệu người sử dụng ChatGPT mỗi tuần.
Bên
cạnh việc mọi người tương tác với ChatGPT tại nhà, từ nhân viên ở mọi cấp
độ cho đến C-Suite trong
các doanh nghiệp đều đang sử dụng chatbot AI. Trong công nghệ, AI tạo sinh đang
được gọi là nền tảng lớn nhất kể từ khi iPhone ra mắt vào năm 2007. Tất cả những công
ty lớn đều đang đặt cược vào AI và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong các công ty khởi nghiệp về AI đang bùng nổ.
Xuyên
suốt thời gian này, ChatGPT cũng gây ra hàng loạt lo ngại, chẳng hạn như tác
động của nó đối với thông tin sai lệch, lừa đảo, các vấn đề về sở hữu trí tuệ và sự phân biệt đối xử. Trong thế giới giáo dục đại học của tôi, phần lớn cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề gian lận, điều này đã trở
thành trọng tâm trong nghiên cứu của tôi năm nay.
Bài học từ
năm đầu tiên của ChatGPT
Thành
công của ChatGPT, trước hết, nói lên sức mạnh của một giao diện tốt. AI vốn đã
dự phần trong vô số sản phẩm hằng ngày trong hơn một thập kỷ, từ Spotify và
Netflix đến Facebook và Google Maps. Phiên bản đầu tiên của GPT, mô hình AI
đứng sau ChatGPT, đã có từ năm 2018. Và ngay cả các sản phẩm khác của OpenAI,
chẳng hạn như DALL-E, cũng không gây chấn động như ChatGPT ngay khi phát hành.
Chính giao diện kiểu trò chuyện đã đánh dấu một năm đột phá của AI.
Việc
trò chuyện có sức hấp dẫn gì đó rất riêng. Con người được trời phú cho ngôn ngữ
và hội thoại là cách chính để mọi người tương tác với nhau và rút ra kết luận
về trí thông minh (của đối phương). Giao diện dựa trên trò chuyện là chế độ
tương tác tự nhiên và là cách mọi người trải nghiệm “trí thông minh” của hệ
thống AI. Thành công phi thường của ChatGPT một lần nữa cho thấy rằng giao diện
người dùng thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ, từ máy tính Mac đến các
trình duyệt web và iPhone. Thiết kế tạo nên sự khác biệt.
Cuộc trò chuyện trên ChatGPT cũng quan
trọng không kém công nghệ AI bên trong. Nicolas
Maeterlinck/Belga Mag/AFP, Getty Images |
Đồng
thời, một trong những điểm mạnh then chốt của công nghệ này – tạo ra ngôn ngữ
đầy thuyết phục – cũng khiến nó rất thích hợp cho việc tạo ra thông tin sai
lệch hoặc gây hiểu lầm. ChatGPT và các hệ thống AI tạo sinh khác giúp bọn tội
phạm và những kẻ tuyên truyền dễ dàng khai thác các lỗ hổng của con người hơn.
Tiềm năng của AI trong việc tăng cường gian lận và thông tin sai lệch là một trong những lý do chính
để ta phải quản lý chúng.
Giữa những hứa hẹn và mối hiểm họa thực sự của AI tạo sinh, công nghệ này cũng
đã cung cấp một tình huống điển hình khác về sức mạnh của sự phát cuồng. Năm
nay không thiếu các bài viết về chuyện AI sẽ biến đổi mọi khía cạnh của xã hội như thế nào và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ là điều tất yếu ra sao.
ChatGPT
không phải là công nghệ đầu tiên được thổi phồng là “cơn sốt tiếp theo” [the
next big thing], nhưng có lẽ điểm độc đáo của công nghệ này là nó đồng thời
được quảng bá thành một rủi ro hiện
sinh. Nhiều gã khổng lồ công nghệ và thậm chí một số nhà nghiên cứu AI đã cảnh
báo về nguy cơ các hệ thống AI siêu thông minh xuất hiện và xóa sổ loài người, mặc dù tôi tin rằng
những nỗi sợ này không thực tế lắm.
Môi
trường truyền thông ưa sự phóng đại,
và xu hướng đầu tư mạo hiểm hiện giờ càng đẩy cơn cuồng AI lên cao hơn. Chơi
đùa với niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của mọi người là công thức gây ra sự lo âu
mà chẳng ích gì cho việc đưa ra quyết định sáng suốt.
Có gì để
mong đợi trong tương lai
Các
“cửa xả lũ” AI đã mở toang trong năm 2023, nhưng năm tới mọi thứ có lẽ sẽ chậm
lại. Việc phát triển AI có khả năng chạm ngưỡng những hạn chế về mặt kỹ thuật và gặp những rào cản về cơ sở hạ
tầng như sản xuất chip và dung lượng máy chủ. Đồng thời, quy định về AI có khả năng sẽ được triển khai.
Sự
giảm tốc này sẽ tạo không gian cho các chuẩn mực trong hành vi của con người
hình thành, cả về mặt quy ước, như khi nào và ở đâu thì việc dùng ChatGPT được
xã hội chấp nhận, lẫn tính hiệu quả, như khi nào và ở đâu dùng ChatGPT là hữu
ích nhất.
ChatGPT
và các hệ thống AI tạo sinh khác sẽ hòa vào quy trình làm việc của mọi người,
cho phép nhân viên hoàn thành một số nhiệm vụ nhanh hơn và ít lỗi hơn. Cũng
giống như cách mọi người học “google” để tìm thông tin, con người sẽ cần học
các phương pháp mới để làm việc với các công cụ AI tạo sinh.
Nhưng
triển vọng cho năm 2024 không chỉ toàn là màu hồng. Đây được coi là một năm lịch sử với các cuộc bầu cử trên khắp thế giới và nội dung do
AI tạo ra gần như chắc chắn sẽ được sử dụng để tác động đến dư luận và gây chia
rẽ. Meta có lẽ đã cấm sử dụng AI tạo sinh trong quảng cáo chính trị, nhưng hành động này
không có khả năng ngăn ChatGPT và các công cụ tương tự được sử dụng để tạo và
truyền bá nội dung sai lệch hoặc gây hiểu nhầm.
Thông
tin sai lệch về chính trị lan tràn trên mạng xã hội vào năm 2016 cũng
như vào năm 2020 và gần như chắc chắn rằng AI tạo sinh sẽ được sử dụng để tiếp tục những nỗ lực đó vào năm 2024. Ngay cả bên ngoài
mạng xã hội, các cuộc trò chuyện với ChatGPT và các sản phẩm tương tự có thể tự chúng là nguồn cung cấp thông tin sai lệch.
Do
đó, một bài học khác mà tất cả mọi người – dù có sử dụng ChatGPT hay không – sẽ
phải học trong năm thứ hai của công nghệ bom tấn này, là cảnh giác trước mọi
loại phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
Tác
giả
Trợ
lý Giáo sư Giảng dạy tại Khoa học Thông tin, Đại học Drexel
Tuyên
bố công khai
Tim
Gorichanaz không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ
bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự
trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.
Huỳnh
Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: ChatGPT turns 1: AI
chatbot's success says as much about humans as technology, The
Conversation, Nov 29, 2023.
No comments:
Post a Comment