Cây
tre uốn lượn tại tiệc trà Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình gây tranh cãi
13/12/2023
Các bức ảnh ghi lại buổi tiệc trà giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam
và Trung Quốc được trang trí bằng những cây tre uốn lượn dẫn đến nhiều lời bình
luận trái chiều nhau trong công chúng Việt Nam, theo quan sát của VOA.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-def9-08dbfbe92f4f_cx0_cy14_cw0_w650_r1_s.jpg
Những cây
tre uốn lượn được bày tại tiệc trà của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú
Trọng và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, 12/12/2023.
Tiệc trà giữa chủ nhà là Tổng Bí thư Đảng Cộng
sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và quốc khách là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
diễn ra hồi chiều ngày 12/12 ở Hà Nội, các cơ quan báo chí chính thống của Việt
Nam đưa tin kèm nhiều hình ảnh.
Tin cho hay hai nhà lãnh đạo thưởng thức 3 sản
phẩm trà thượng hạng của Việt Nam được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của đất
nước bao gồm Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên.
Các báo Việt Nam viết rằng trong các cuộc gặp
từ trước đến nay giữa lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc,
thường có tiệc trà bên cạnh các cuộc họp chính thức vì việc thưởng trà là một
nghi thức lễ tân rất đặc biệt, thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa lãnh đạo hai
nước.
Cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, việc mời nhau uống
trà đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách và cũng là dịp đàm đạo với nhau
chân thành, thẳng thắn, báo chí Việt Nam giải thích.
Một số bức ảnh trong các bản tin cho thấy hai
ông Trọng và Tập ngồi thưởng trà với những cây tre uốn lượn được bày cả trước mặt
lẫn sau lưng, hai bên là quốc kỳ và cờ đảng của mỗi nước.
Kể từ tối 12/12 sang đến ngày 13/12, nhiều người
và một số hội nhóm trên mạng xã hội đưa ra quan sát chung rằng những cây tre đó
hàm ý nói đến “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, là tên được Tổng Bí thư Trọng
đặt cho chiến lược đối ngoại chú trọng vào phát triển quan hệ cân bằng với các
cường quốc và đa dạng hóa các mối quan hệ với các nước khác nói chung.
Ngoại trừ điểm chung đó, trong dư luận có một
lượng lớn những lời nhận xét, bình luận đa chiều, thậm chí đối lập nhau về hình
thù của những cây tre.
Một số người, trong đó có nhà báo tự do-cựu đạo
diễn truyền hình Song Chi, nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh…, nói trên trang cá
nhân rằng họ “không hiểu” ban lễ tân của Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đưa ra
thông điệp gì từ những cây tre “cong queo”, “ngoằn ngoèo”, “dị dạng”, “lươn lẹo”
như vậy, trong khi quan niệm lâu nay trong dân gian Việt Nam là những cây thuộc
họ tre, trúc tượng trưng cho người quân tử, tâm địa ngay thẳng.
Bà Song Chi nhấn mạnh rằng bà “chả thấy đẹp”
và đặt câu hỏi “sao không chưng hai cây tre thẳng, dáng đẹp”.
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có quan điểm tương đồng
khi ông viết trên trang nhà của mình: “Tre có nhiều loại tre, phải chi thay cây
trúc cong queo kia là các bụi tre đằng ngà và tầm vông thì hay biết mấy!”
Tre đằng ngà và tầm vông thường được nhắc đến
trong sách vở Việt Nam như là những loại vũ khí hay ý chí chống giặc ngoại xâm
trong quá khứ.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết trên
trang riêng của ông rằng cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, cây tre biểu tượng cho
người quân tử. “Cây tre quân tử là cây tre thẳng. Người ta tin tưởng bậc quân tử
vì sự ‘chính trực’, không cong vẹo ngả nghiêng”, ông Tuấn diễn giải.
Đánh giá về cây tre tại tiệc trà của hai lãnh
đạo Việt-Trung, ông Tuấn viết rằng nó “ngoằn ngoèo không ra hình dáng phải có của
một cây tre ‘quân tử’’.
“Nếu cây tre này thể hiện Việt Nam thì Việt
Nam là đối tác không thể tin cậy được”, ông suy luận và chốt lại ý kiến bằng lời
bình luận rằng “Theo tôi, dân Hoa sẽ đánh giá thấp ‘trình’ của phía Việt Nam về
vụ này”.
Những người trong giới chơi cây thế, cây cảnh
(bonsai) dẫn ra thành ngữ “trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng” với ý nghĩa là một
người ngay thẳng cho dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ vẫn giữ được và cần phải
giữ vững vẻ đẹp của chính mình, và họ bày tỏ thất vọng khi bộ phận lễ tân của
ĐCSVN sử dụng cây bonsai “uốn oéo”.
Họ cũng lưu ý rằng trong giới chơi bonsai, ít
người uốn tre, trúc cong queo vì không đẹp và không hợp phong thủy.
Một số người đăng ảnh chụp rừng tre thân thẳng
và so sánh với ảnh cây tre uốn lượn trong tiệc trà giữa hai ông Trọng, Tập, rồi
nói một cách ẩn dụ rằng một bên là cây tre trong thiên nhiên còn một bên là cây
tre được bón phân của phương Bắc.
Nhà nghiên cứu sử, khảo cổ, văn hóa Trần Đức
Anh Sơn cho rằng có 3 ý từ những cây tre tại tiệc trà của hai lãnh đạo Việt-Trung:
“Hàm ý: Biểu tượng của chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Ẩn ý: Việt
Nam có Thánh Gióng từng nhổ tre ‘quýnh’ giặc Ân tan tác. Khách đến thăm nhà nên
biết chuyện này. Lưu ý: Tre là thức ăn của bọn gấu trúc. Cẩn thận lưu ý kẻo nó
đợp đấy”.
Gấu trúc được xem là quốc bảo và biểu tượng
văn hóa của Trung Quốc, theo truyền thông tại quốc gia này.
Ở chiều ngược lại, theo quan sát của VOA, có
những người khác và các trang được xem là ủng hộ chính quyền Việt Nam như Yêu
dân tộc Việt Nam, Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam, Xây Dựng Đảng, Thông tin
chống phản động…, lập luận rằng cây tre tại tiệc trà của hai ông Trọng, Tập
chung một gốc và uốn lượn sang hai bên ngụ ý rằng hai quốc gia tương đồng về gốc
rễ, văn hóa và hiện tại là hai nước độc lập, cân bằng.
Bên cạnh đó, hình ảnh cây tre uốn khúc cũng
hàm ý về việc hai nước có “núi liền núi, sông liền sông”, và được tán lá che chở
cho hai nước, mang thông điệp hòa bình.
Họ cũng lý giải rằng hình ảnh tre uốn lượn thể
hiện một Việt Nam mềm mại, khôn khéo, linh hoạt, biết tùy cơ ứng biến, kiên quyết
bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.
Những người và các hội nhóm được xem là ủng hộ
chính quyền bày tỏ “tự hào” cả về nền “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng lẫn về phong thái “tự tin” của ông khi tiếp chủ tịch của Trung Quốc.
VOA cố gắng liên lạc với Ban Đối ngoại Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam sau giờ hành chính tại đất nước này để tìm hiểu
thêm nhưng không có hồi đáp.
No comments:
Post a Comment