Cắt viện trợ
quân sự cho Ukraine – trò chính trị nguy hiểm
Hiếu Chân/Người Việt
December 5, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cat-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-tro-chinh-tri-nguy-hiem/
Nếu Quốc Hội Mỹ không phê chuẩn khoản
viện trợ mới cho Ukraine thì chính phủ Mỹ sẽ không thể tiếp tục viện trợ vũ khí
cho Kiev và Tổng Thống Vladimir Putin của Nga có cơ hội chiến thắng – một nguy
cơ nhãn tiền cho Hoa Kỳ và thế giới.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/BL-Cat-Vien-Tro-Ukraine-1536x1082.jpg
Tổng Thống Volodymyr Zelensky (giữa) của Ukraine
cùng Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, trưởng khối thiểu số Thượng Viện, và Thượng
Nghị Sĩ Chuck Schumer, trưởng khối đa số Thượng Viện, tại Quốc Hội hôm 21 Tháng
Chín. (Hình minh họa: Pedro Ugarte/AFP via Getty Images)
Hôm Thứ Hai, 4 Tháng Mười Hai, bà Shalanda Young,
giám đốc Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách Tòa Bạch Ốc (OMB), gửi thư cho Dân Biểu
Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), chủ tịch Hạ Viện, cho biết chính phủ sắp hết
tiền viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược và khẩn cầu Quốc
Hội hành động trước cuối năm. Bà Young cảnh báo nếu “cắt dòng viện trợ vũ khí
và trang bị của Mỹ, Ukraine sẽ gục ngã trên chiến trường” và “khả năng chiến thắng
quân sự của Nga sẽ gia tăng.”
Theo thông tin của bà Young, cho đến nay, Quốc Hội đã chuẩn chi $111 tỷ
ngân sách bổ sung, dùng để viện trợ cho Ukraine và các nhu cầu khẩn cấp khác về
an ninh quốc gia. Hai phần ba số tiền này, tương đương $67 tỷ, là viện trợ quân
sự, gồm vũ khí và trang bị quân dụng. Bà cho biết, đến giữa Tháng Mười Một, Bộ
Quốc Phòng Mỹ đã chi hết 97% khoản tiền $62.3 tỷ mà bộ này nhận được, trong khi
Bộ Ngoại Giao đã dùng hết 100% số tiền $4.7 tỷ phân bổ cho bộ này.
“Không có phép lạ ngân sách nào khả dụng tại thời điểm này. Chúng tôi đã
hết tiền – và gần hết thời gian,” bà Young viết.
Tổng Thống Joe Biden hồi Tháng Mười đề nghị Quốc Hội thông qua khoản viện
trợ mới cho Ukraine, Israel, và Đài Loan với tổng số tiền $106 tỷ, trong đó
riêng Ukraine là $61 tỷ, nhưng đề nghị của ông bị Hạ Viện phản đối kịch liệt.
Có một quan điểm lan truyền trong giới chính trị gia Cộng Hòa rằng Mỹ không thể
trao một tấm “chi phiếu trắng” (blank check) cho Ukraine để Kiev tùy ý sử dụng.
Cũng có một quan điểm khác nói rằng, trước khi lo cho an ninh ở phương xa, Mỹ
phải lo bảo vệ an ninh của mình trước, ngụ ý chính quyền Biden nên lo bảo vệ an
ninh biên giới phía Nam giáp Mexico, ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp.
Cuộc kháng chiến của Ukraine kéo dài gần hai năm và tình trạng bế tắc
trên chiến trường đã làm cho khuynh hướng ủng hộ Ukraine trong chính giới Mỹ bị
sụt giảm trầm trọng. Những quan điểm phản đối việc tiếp tục viện trợ cho
Ukraine như nêu trên có thêm cơ hội để củng cố trong dư luận nước Mỹ. Trên mạng
xã hội X, dường như để trả lời lá thư của giám đốc OMB, Chủ Tịch Hạ Viện Mike
Johnson lên tiếng phê phán chính quyền Biden đã không làm đầy đủ để được sự ủng
hộ của các dân biểu Cộng Hòa cho việc viện trợ Ukraine.
“Chính quyền Biden đã không đáp ứng thỏa đáng các mối quan tâm chính đáng
nào của đảng chúng tôi về việc thiếu một chiến lược rõ ràng ở Ukraine, thiếu một
con đường giải quyết xung đột hoặc thiếu một kế hoạch thích đáng nhằm bảo đảm
trách nhiệm giải trình đối với tiền viện trợ do người đóng thuế Mỹ chi trả,”
ông Johnson viết hôm Thứ Hai, 4 Tháng Mười Hai, và nhấn mạnh: “Đảng Cộng Hòa Hạ
Viện quyết tâm rằng mọi khoản bổ sung về an ninh quốc gia phải bắt đầu từ biên
giới của chúng ta.”
Ở một vài dịp khác, ông Johnson nói rõ là việc viện trợ cho Ukraine phải
gắn liền với việc phục hồi những biện pháp chống người nhập cư mà chính quyền
Donald Trump thực hiện trước đây như xây bức tường biên giới, trục xuất và buộc
người di cư phải trú tại Mexico trong thời gian đơn xin nhập cư của họ được xem
xét.
Trong khi đó, chính quyền Biden coi viện trợ cho Ukraine là yếu tố quyết
định thắng bại trong cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài. Ông Jake Sullivan,
cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, nói gay gắt: “Bỏ phiếu chống lại viện trợ
bổ sung cho Ukraine sẽ gây tổn thương cho Ukraine và giúp đỡ Nga. Nó sẽ làm tổn
thương nền dân chủ và hỗ trợ các nhà độc tài. Chúng tôi nghĩ đây không phải là
bài học đúng đắn từ lịch sử và mỗi thành viên Dân Chủ và Cộng Hòa nên bỏ phiếu ủng
hộ.”
Ông Sullivan tái khẳng định một thực tế là cuộc chiến Nga-Ukraine không
chỉ là vụ tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng. Sâu xa hơn, đây là cuộc đụng
độ về địa chính trị giữa hai mô hình thể chế: độc tài chuyên chế kiểu Putin và
cộng đồng các quốc gia dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tổng Thống Biden nhiều lần
nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ không thể và không để cho ông Putin chiến thắng trong cuộc
đụng độ này. “Khi xâm lược ở Châu Âu không bị đáp trả, khủng hoảng sẽ không tự
cháy rụi mà sẽ trực tiếp lôi kéo nước Mỹ. Đó là lý do tại sao cam kết của chúng
ta với Ukraine hôm nay là đầu tư vào an ninh của chính chúng ta, ngăn chặn một
cuộc xung đột rộng lớn hơn vào ngày mai,” ông Biden viết trong một bài bình luận
trên báo The Washington Post hôm 19 Tháng Mười Một.
Ông Biden không chủ trương xung đột trực tiếp với
Nga – nước có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới – mà ông dùng sách “của đi
thay người.” Đó là không một người lính Mỹ nào trực tiếp ra trận hoặc hy sinh ở
Ukraine trong gần hai năm qua. Thay vì để quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến,
chính quyền Biden đẩy mạnh viện trợ quân sự và kinh tế. Mà không chỉ riêng Mỹ
làm như vậy. Có tới 50 quốc gia đi cùng với Mỹ trong chương trình viện trợ cho
cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine – một sáng kiến ngoại giao được cho là
thành công nhất của Mỹ từ sau thời Chiến Tranh Lạnh.
Ai cũng biết, vũ khí mà Mỹ cung cấp đã hỗ trợ thiết thực cho quân dân
Ukraine ngăn chặn thành công bước tiến của quân xâm lược và gây ra tổn thất khủng
khiếp cho quân Nga đến mức ông Putin phải đưa ra mặt trận cả những tù nhân bị
án tử hình và dành hơn 30% ngân sách quốc gia của Nga cho cuộc chiến tranh xâm
lược. Không có viện trợ quân sự của Mỹ và NATO hẳn ông Putin đã duyệt binh ở quảng
trường Maidan tại thủ đô Kiev và Ukraine đã bị xóa tên trên bản đồ.
Theo lá thư của giám đốc OMB nêu trên, viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã lên
tới $111 tỷ, trong đó có $67 tỷ viện trợ quân sự, nhiều hơn bất kỳ quốc gia
nào, kể cả Liên Âu. Số tiền này quả là hết sức lớn, nhìn từ quan điểm của người
nộp thuế, người kinh doanh ở Mỹ. Nhưng nhìn rộng ra, nó chưa bằng 1% chi tiêu của
chính phủ Mỹ trong hai năm qua ($11,800 tỷ) và không quá lớn so với nhiều
chương trình hành động khác của chính phủ hoặc phí tổn Mỹ bỏ ra cho các cuộc
chiến tranh trước đây ở nước ngoài.
Thêm nữa, phần lớn số tiền viện trợ Ukraine không chạy
sang Kiev mà ở lại trong nước Mỹ, được trả cho các công ty công nghiệp quốc
phòng Mỹ. Phương thức viện trợ Ukraine cho đến nay chủ yếu là lấy vũ khí trong
kho của quân đội Mỹ chuyển cho Ukraine sử dụng, đồng thời chi tiền để các nhà
máy sản xuất vũ khí mới, đưa trở lại vào kho của quân đội Mỹ. Tiền đó được tính
là tiền viện trợ quân sự cho Ukraine. Lá thư của giám đốc OMB cho biết chi tiết
tiền cho Ukraine đã được chi ra ở 35 tiểu bang của Mỹ, mua hỏa tiễn phòng không
của Alabama, Texas, Georgia, và mua hỏa tiễn vác vai Javelin của Alabama, mua hệ
thống pháo dẫn đường MLRS của West Virginia, Arkansas, và Texas, mua xe thiết
giáp của Pennsylvania, Wisconsin, Michigan và Indiana, mua đạn pháo 155 ly của
Pennsylvania, Arkansas, Iowa, và nhiều tiểu bang khác…
Nói cách khác, viện trợ quân sự cho Ukraine đang tạo ra nhiều công ăn việc
làm cho người dân Mỹ. Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng
khối Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, nhiều lần xác nhận rằng hỗ trợ cuộc
kháng chiến của Ukraine không chỉ là một sự cần thiết về đạo đức mà còn có lợi
cho nước Mỹ về mặt kinh tế. Điều nghịch lý là không có nhiều
chính trị gia Cộng Hòa chia sẻ quan điểm đó của ông, một trong những chính trị
gia kỳ cựu nhất của Hoa Kỳ.
Di dân bất hợp pháp ở biên giới phía Nam nước Mỹ không phải là hiện tượng
mới, nhưng cứ mỗi mùa bầu cử vấn đề này lại nóng lên, một phần do bị phe đối lập
sử dụng làm đòn chính trị để triệt hạ đảng đương quyền và năm nay cũng vậy. Thượng
Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) tuyên bố: “Tôi sẽ không bỏ phiếu
cho bất kỳ khoản viện trợ nào cho đến khi biên giới của chúng ta được an toàn…
Tôi sẽ không giúp Ukraine đến khi chúng ta tự giúp mình.”
Nhưng gắn vấn đề di dân với viện trợ cho các quốc gia đồng minh đang chiến
đấu chống độc tài và khủng bố như Ukraine, Israel, Đài Loan không phải là một lựa
chọn chính sách hợp lý. Không thể viện cớ “an ninh nước Mỹ trước” để lùi bước
trước ông Putin hay nhóm Hamas bởi vì nếu các nhà độc tài không phải trả giá
cho hành vi xâm lược của họ thì chính an ninh của nước Mỹ sẽ bị đe dọa. Nước Mỹ
có đủ nguồn lực để tự bảo vệ mình và đồng minh, vấn đề là đưa ra một lựa chọn
phù hợp với lợi ích và giá trị của nước Mỹ.
Dù vậy, để giành sự ủng hộ của các dân biểu Cộng Hòa, trong gói viện trợ
bổ sung cho Ukraine và Israel, Tổng Thống Biden đã đề nghị Quốc Hội duyệt chi
$14 tỷ để tuyển dụng thêm nhân viên tuần tra biên giới, nhân viên di trú, và
xây dựng các cơ sở tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp, giải tỏa phần nào mối lo
về cuộc “khủng hoảng biên giới.” Nhưng các dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện dường
như chưa hài lòng với đề nghị này nên đến nay chưa bỏ phiếu thông qua.
Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine cho biết, nước ông cần có “ba
chiến thắng” mà đầu tiên là giành được sự ủng hộ của Quốc Hội Hoa Kỳ. Thời gian
đang cạn dần mà thắng lợi của Ukraine xem ra vẫn còn khá xa! [đ.d.]
No comments:
Post a Comment