“Cánh
tay phải” của Putin đã giúp ám sát Prigozhin như thế nào?
Thomas
Grove, Alan Cullison & Bojan Pancevski | Wall
Street Journal
Phan Nguyên, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/12/23/canh-tay-phai-cua-putin-da-giup-am-sat-prigozhin-nhu-the-nao/
Trên đường băng của một sân bay ở Moscow vào cuối tháng 8, Yevgeny
Prigozhin đã đợi chiếc Embraer Legacy 600 của mình kiểm tra an toàn trước khi cất
cánh. Vị chỉ huy nhóm lính đánh thuê đang trên đường trở về nhà ở St.
Petersburg với chín người khác. Do sự chậm trễ, không ai trong cabin nhận thấy
có một thiết bị nổ nhỏ đã được cài dưới cánh máy bay.
Khi chiếc máy bay cuối cùng cất cánh, nó đã leo lên độ cao 8,53km sau 30
phút, trước khi cánh nổ tung, khiến máy bay rơi xuống đất. Tất cả 10 người thiệt
mạng, bao gồm Prigozhin, chủ sở hữu của nhóm bán quân sự Wagner.
Theo các quan chức tình báo phương Tây và một cựu sĩ quan tình báo Nga, vụ
ám sát Prigozhin đã được chuẩn bị trong hai tháng và được chấp thuận bởi đồng
minh và người thân tín lâu đời nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu
điệp viên tên là Nikolai Patrushev. Vai trò người điều khiển kế hoạch giết
Prigozhin của Patrushev chưa được báo chí đưa tin trước đây.
Điện Kremlin đã phủ nhận liên quan đến cái chết của Prigozhin, và Putin
đã đưa ra lời giải thích gần nhất với lời giải thích chính thức về vụ máy bay
rơi và bốc cháy, cho rằng một quả lựu đạn cầm tay đã phát nổ trên khoang.
Không có điều nào trên đây là chính xác.
Vài giờ sau vụ việc, một người châu Âu tham gia thu thập thông tin tình
báo, người duy trì một kênh liên lạc bí mật với Điện Kremlin và thấy tin tức về
vụ tai nạn, đã hỏi một quan chức ở đó về chuyện gì đã xảy ra.
“Ông ta phải bị loại bỏ”, vị quan chức Điện Kremlin trả lời không do dự.
Mâu thuẫn
Patrushev đã cảnh báo Putin trong một thời gian dài rằng sự phụ thuộc của
Moscow vào Wagner ở Ukraine đang mang lại cho Prigozhin quá nhiều ảnh hưởng
chính trị và quân sự, điều ngày càng đe dọa Điện Kremlin.
Với hàng chục ngàn binh sĩ và các hoạt động khai thác vàng, gỗ và kim
cương béo bở ở châu Phi, Prigozhin quản lý một đế chế trị giá hàng tỷ đô la ở
nước ngoài. Nhưng ở Nga và trên chiến trường Ukraine, các cuộc đối đầu công
khai của ông với các quan chức hàng đầu của quân đội về vũ khí và vật tư đã đưa
ông vào một cuộc xung đột với Điện Kremlin.
Khi điều đó biến thành một cuộc nổi loạn chống lại các chỉ huy quân sự
Nga vào cuối tháng Sáu – với một cuộc diễu hành vũ trang hướng tới Moscow bởi một
số trong số 25.000 binh sĩ và xe tăng của Wagner, Patrushev đã hành động để
ngăn chặn thách thức lớn nhất đối với sự cai trị hơn hai thập niên của Putin.
Ông cũng nhìn thấy một cơ hội để loại bỏ Prigozhin vĩnh viễn.
Trong các cuộc phỏng vấn với các cơ quan tình báo phương Tây, cựu quan chức
an ninh và tình báo Mỹ và Nga, và các cựu quan chức Điện Kremlin, Wall Street
Journal đã tìm thấy những chi tiết mới về cuộc binh biến và việc sát hại vị
lãnh chúa quyền lực nhất của Nga, cũng như vai trò chưa từng được biết đến trước
đây của Patrushev trong việc tái khẳng định quyền lực của Putin đối với một nước
Nga ngày càng bất ổn.
Thông qua sức mạnh của các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát
và tính cách của chính mình, Putin đã khiến phương Tây lo lắng với hình ảnh của
mình như một đối thủ kiên quyết cai trị nước Nga một mình. Trên thực tế, ông
duy trì quyền lực nhờ một bộ máy quan liêu rộng lớn vốn đã chứng minh là bền vững
thông qua việc tăng cường thù địch với phương Tây và gia tăng chia rẽ trong nước
về cuộc xâm lược bất thành vào Ukraine.
Điều khiển các đòn bẩy của cỗ máy đó chính là Patrushev. Ông đã leo lên đỉnh
cao bằng cách giải thích các chính sách của Putin và thực hiện các mệnh lệnh của
tổng thống. Trong suốt triều đại của Putin, ông đã mở rộng các cơ quan an ninh
của Nga và khủng bố kẻ thù bằng các vụ ám sát trong và ngoài nước. Gần đây, vai
trò của ông đã tăng lên qua việc ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, và con trai ông,
Dmitry, một cựu nhân viên ngân hàng, đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng nông nghiệp,
đồng thời được một số người tung hô như một người kế nhiệm tiềm năng của Putin.
Việc Patrushev xử lý Prigozhin đã giúp Putin tuyên bố kiểm soát được tình
hình trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Các đồng nghiệp cũ của Patrushev mô tả ông là một quan chức tỉnh táo, người,
giống như Putin, luôn né tránh giới truyền thông, và dựa vào các bản tin hàng
ngày về tình hình thế giới của các cơ quan an ninh Nga. Giống như Putin, ông
gia nhập các cơ quan tình báo vào những năm 1970 và gắn bó với ngành này cho đến
khi Liên Xô sụp đổ và các sĩ quan khác đổ xô vào các công việc béo bở hơn trong
khu vực tư nhân còn non trẻ của Nga.
Patrushev, đã 72 tuổi, đã chứng kiến Nga mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh
với Mỹ, nước mà ông nói là muốn đánh cắp dầu và khoáng sản của Nga. Ông đưa các
thuyết âm mưu vào các bài phát biểu và phỏng vấn. Đầu năm nay, ông nói với tờ
Izvestia của Nga rằng Mỹ đang âm mưu chiếm nước Nga vì một vụ phun trào núi lửa
lớn ở Wyoming có thể sớm khiến nước Mỹ trở nên không thể sinh sống được.
Ông đóng vai trò trong một số chương đen tối hơn trong nhiệm kỳ tổng thống
của Putin, vốn thường dẫn đến những hậu quả chết người đối với bất kỳ ai chống
lại Điện Kremlin.
Các quan chức Nga và Patrushev đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Các quan chức Mỹ cho biết ngay sau cái chết của Prigozhin rằng các đánh
giá sơ bộ của chính phủ cho thấy vụ tai nạn là kết quả của một âm mưu ám sát.
Sự trỗi dậy của một
điệp viên
Trong những bức ảnh của ông và Putin, Patrushev là một nhân vật đứng ở
phía sau, hầu như không được chú ý trong một bộ đồ tối màu không có gì đặc biệt.
Theo lời các cựu quan chức Điện Kremlin, hàng ngày, ông di chuyển trên một chiếc
limousine Aurus do Nga sản xuất đến văn phòng khiêm tốn của mình trong khu phức
hợp hành chính của tổng thống, cách điện Kremlin vài bước. Các cuộc gọi điện
thoại của ông thường được mã hóa.
Patrushev bước vào thế giới tình báo khi còn trẻ tại thành phố Leningrad
của Liên Xô, nay là St. Petersburg. Được tuyển dụng vào KGB sau khi lấy bằng kỹ
sư, ông theo học tại học viện tình báo ở Minsk. Ông sớm làm việc trong lĩnh vực
phản gián và là một sĩ quan chịu trách nhiệm về an ninh ở khu vực giáp biên giới
Phần Lan.
Cùng với Putin, ông phải chịu đựng sự sụp đổ của Liên Xô và sự suy tàn của
các cơ quan an ninh trong khi chính phủ của Tổng thống Boris Yeltsin cố gắng
đưa ra các cải cách kinh tế theo kiểu phương Tây. Khi Yeltsin bổ nhiệm Putin
làm thủ tướng năm 1999, Putin đã đề nghị Patrushev thay thế ông lãnh đạo FSB,
cơ quan kế nhiệm KGB.
Việc Putin lên làm tổng thống năm sau đó đã củng cố quyền lực của
Patrushev. Hai người được liên kết bởi nguồn gốc chung và niềm tin rằng chỉ có
các cơ quan an ninh mạnh mới có thể làm cho nước Nga mạnh.
Là người đứng đầu cơ quan tình báo, Patrushev bắt đầu tái tạo tổ chức và
gọi nó là “giới quý tộc mới” của Nga trong một cuộc phỏng vấn vào thời điểm đó
với tờ báo Nga Moskovsky Komsomolets.
Đó là một thời điểm nhạy cảm đối với vị tân tổng thống, và Patrushev cho
thấy ông sẵn sàng giúp đỡ. Trong năm đầu tiên làm tổng thống, Putin đã bị đe dọa
bởi những tiết lộ rằng ông từng là cố vấn cho một công ty bất động sản đang bị
điều tra ở châu Âu về tội rửa tiền. Patrushev đã đến Ukraine để thu giữ bằng chứng
cho cáo buộc trên từ cơ quan an ninh của nước này, theo các đoạn băng ghi âm bị
rò rỉ từ văn phòng tổng thống Ukraine. Một phần của các cuốn băng sau đó đã được
chính phủ Hoa Kỳ xác minh. Putin phủ nhận mọi hành vi sai trái, và vụ bê bối
sau đó đã lắng xuống.
Patrushev sớm báo hiệu rằng những kẻ phản bội Điện Kremlin sẽ phải gánh
chịu hậu quả. Năm 2006, Nga đã thông qua một đạo luật hợp pháp hóa việc ám sát
những người Nga ở nước ngoài bị coi là khủng bố hoặc cực đoan. Vài tháng sau, một
cựu nhân viên FSB, Alexander Litvinenko, người đã trốn sang London và viết về
Putin cũng như công việc tình báo của chính mình, đã bị giết bởi một liều chất
phóng xạ trong trà của anh ta. Một thẩm phán Anh nói rằng Patrushev có thể đã
thông qua vụ ám sát này.
Là giám đốc FSB, Patrushev đã hy vọng thúc đẩy hợp tác với các nỗ lực chống
khủng bố của phương Tây, lúc đó đang nở rộ ở Mỹ sau các cuộc tấn công vào New
York và Washington năm 2001. Nhưng vụ đầu độc Litvinenko, vốn làm ô nhiễm một
nhà hàng sushi ở trung tâm thành phố London, bắt đầu gieo rắc câu hỏi về bất kỳ
sự hợp tác nào. Vụ ám sát là một trong những vụ giết người bí ẩn đầu tiên đối với
những người di cư Nga ở châu Âu và Trung Đông mà các quan chức phương Tây nghi
có liên quan đến Moscow.
Khi Nga triệu tập một hội nghị chống khủng bố quốc tế tại thành phố
Khabarovsk vào năm 2007, CIA đã từ chối cử các quan chức cấp cao tham dự, thay
vào đó cử một nhóm cấp thấp hơn do cựu trưởng trạm CIA, Rolf Mowatt-Larssen, đứng
đầu. Mowatt-Larssen cho biết Patrushev đã gặp riêng anh và nói rằng ông ta bị
xúc phạm. “Ông ấy nói ‘Hãy chuyển thông điệp này cho CIA'”, theo lời
Mowatt-Larssen. “Các anh không tôn trọng chúng tôi.”
Năm 2008, Putin đưa Patrushev lên làm thư ký hội đồng an ninh quốc gia
Nga, một vị trí ít quyền lực chính thức. Nhưng sức hấp dẫn cá nhân của
Patrushev, sự gần gũi với Putin và vai trò của ông là người đứng đầu các cơ
quan an ninh trên thực tế trong hơn hai thập niên, đã khiến ông trở thành người
quyền lực thứ hai ở Nga.
Vai trò mới của ông cũng trao cho ông nhiệm vụ tăng cường quan hệ của Nga
với nước ngoài. Chẳng mấy chốc, ông đã hành động như một quan chức tình báo
kiêm nhà ngoại giao, đến thăm một số nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Mức
độ di chuyển dày đặc của Patrushev trái ngược với việc người ta thực sự biết rất
ít về nội dung các cuộc họp của ông.
“Chúng tôi biết kẻ
thù của chúng tôi là ai”
Một trong số ít cơ hội giúp công chúng có cái nhìn thoáng qua về các hoạt
động của ông là vào năm 2016 khi ông đi dọn dẹp hậu quả sau thất bại của một
chiến dịch can thiệp chính trị vào quốc gia nhỏ bé vùng Balkan, Montenegro.
Tình báo quân sự Nga đã cố gắng gây ra tình trạng bất ổn để ngăn nước này gia
nhập NATO.
Chiến dịch này, vốn được điều khiển từ nước láng giềng Serbia, đã thất bại,
và các điệp viên Nga đã bị phơi bày công khai, gây hậu quả cho các đồng minh của
Moscow trong khu vực. Patrushev đã tới Serbia để trấn an chính phủ nước này và
đưa các đặc vụ về nước. Montenegro gia nhập NATO một năm sau đó.
Hầu hết công việc của ông được thực hiện trong bóng tối. Máy bay của ông
được phát hiện ở Oman vào năm 2020 cùng thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelensky có mặt ở đó, làm dấy lên cáo buộc ở Ukraine rằng hai người đã tổ chức
một cuộc gặp bí mật. Cả Zelensky và Điện Kremlin đều phủ nhận điều này.
Trong một sự kiện khác, trước thềm cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, máy
bay của Patrushev cũng xuất hiện ở Jakarta cùng lúc với chuyến thăm của Ngoại
trưởng Mỹ Antony Blinken, người đang triển khai chiến lược của Nhà Trắng đối với
khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ và Moscow đều đưa ra tuyên bố rằng
không có cuộc gặp nào diễn ra.
Trước đó, khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa
Moscow và Bắc Kinh đang ấm lên, Mỹ đã cố gắng thuyết phục Điện Kremlin từ bỏ
liên minh với Trung Quốc. Trong giai đoạn chính quyền Trump, các quan chức hàng
đầu của Nhà Trắng đã gặp Patrushev tại Geneva để thảo luận về trao đổi tù nhân
và gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí.
Một chuyên gia Nhà Trắng về Trung Quốc, Matthew Pottinger, đã công bố bản
đồ lịch sử về các vùng lãnh thổ của Nga mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nhằm nhấn
mạnh mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho Moscow. Theo một quan chức Mỹ tham dự
cuộc họp, Patrushev kiên nhẫn lắng nghe và sau đó chế giễu: “Chúng tôi biết kẻ
thù của chúng tôi là ai”.
Một cựu quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Patrushev là cầu nối quan trọng
giữa Moscow và Bắc Kinh. “Nếu Putin bị Nhóm Wagner lật đổ hoặc giết chết hồi đầu
năm nay, tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ nỗ lực đưa Patrushev lên thay thế Putin”, cựu
quan chức này nói.
John Bolton, người đã gặp Patrushev nhiều lần với tư cách là cố vấn an
ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Donald Trump, nói rằng Patrushev luôn chuyên
nghiệp, không bao giờ cao giọng trong các cuộc đàm phán hoặc thể hiện quan tâm
đến việc nói chuyện phiếm.
Bolton cho biết Petrushev chỉ tỏ ra tức giận một lần, trong một cuộc gặp
vào năm 2019, khi cuộc trò chuyện của họ chuyển sang vấn đề Ukraine. “Chúng tôi
đã có một bài thuyết giảng dài 20 phút về Ukraine và lịch sử của nước này”,
Bolton nói. “Điều này bất thường và gây bức xúc cho ông ấy.”
Patrushev sau đó trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho
cuộc xâm lược Ukraine.
Kỳ vọng của Nga đã đổ vỡ trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột vào
tháng 2/2022. Vào mùa thu năm ngoái, các lực lượng Nga đã sụp đổ khi đối mặt với
các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam và phía bắc đất nước, với hàng chục
nghìn người thương vong.
Điện Kremlin kêu gọi Prigozhin và các chiến binh Wagner của ông củng cố nỗ
lực chiến tranh thất bại của Nga. Nhưng sự trỗi dậy nhanh chóng của Prigozhin sẽ
sớm khiến Patrushev lo lắng.
Hành quân đến Moscow
Là một cựu tù nhân và người bán xúc xích từ quê hương St. Petersburg của
Putin, Prigozhin đã trở thành người cung cấp thực phẩm cho Putin và sử dụng các
mối quan hệ của mình để xây dựng một công ty quân sự tư nhân rộng lớn. Trong thập
niên qua, Wagner đã chiến đấu cho Điện Kremlin trong các cuộc chiến ở Ukraine,
Syria và Bắc Phi.
Nhóm này cũng đã giành được chỗ đứng ở châu Phi cận Sahara, nơi họ buôn gỗ,
vàng, tiền mặt và kim cương để cung cấp an ninh cho các nhà lãnh đạo – một kênh
ảnh hưởng địa chính trị quan trọng đối với Nga.
Ở Ukraine, Prigozhin đã ủng hộ cuộc xâm lược của Putin, giành chiến thắng
trong các trận đánh quan trọng, đồng thời chỉ trích công khai các chỉ huy Nga về
các thất bại quân sự của họ.
Những lời chỉ trích trên mạng xã hội của ông chống lại Tổng tham mưu trưởng
Valery Gerasimov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu – kết hợp với những bước
tiến thành công của Wagner ở miền đông Ukraine – đã khiến ông được chú ý ở
Moscow, nhưng cũng tạo cho ông những kẻ thù hùng mạnh, bao gồm Patrushev.
Đằng sau những lời chỉ trích của Prigozhin đối với Shoigu, những người
làm việc trong Điện Kremlin nhìn thấy chiến thuật lâu năm của Putin là giữ cho
cấp dưới của mình bị chia rẽ bằng cách cho phép họ mâu thuẫn lẫn nhau. Nhưng
trong chiến tranh, sự tích lũy quyền lực của Prigozhin đã khiến ông trở thành mối
đe dọa đối với tổng thống.
“Mọi người đều nói với Putin rằng sẽ là một sai lầm khi cho phép một đội
quân song song”, một cựu quan chức Điện Kremlin, người từng làm việc với cả
Putin và Patrushev, nói. “Khi ông ấy nhổ nước bọt vào mặt giới lãnh đạo quân sự
mỗi ngày, bạn có vấn đề với chính mình.”
Patrushev bắt đầu cảnh báo Putin về Prigozhin trong những tháng hè năm
2022. Nhưng những lời cảnh báo đó bị bỏ qua một bên khi Wagner đạt được tiến bộ
trên chiến trường.
Một cựu sĩ quan tình báo Nga, người duy trì mối quan hệ với những người
thân cận với Putin và giám đốc tình báo của ông, cho biết điều đó đã thay đổi
khi Prigozhin gọi cho Putin và phàn nàn một cách thô lỗ về việc thiếu nguồn tiếp
tế. Prigozhin cần nguồn cung súng đạn, và lính của ông đã chết với số lượng lớn.
Cựu đặc vụ cho biết, cuộc gọi xảy ra vào tháng Mười khi những người khác
cũng có mặt trong phòng, bao gồm cả Patrushev, người đã nghe Prigozhin la mắng
tổng thống. Sau đó, Patrushev đã sử dụng cuộc gọi như một lý do khiến Putin nên
giữ khoảng cách: Tên lãnh chúa đã trở nên nguy hiểm, không tôn trọng quyền lực
của Điện Kremlin.
Đến tháng 12, rõ ràng Patrushev đã giành chiến thắng. Ngay cả khi
Prigozhin công khai chỉ trích quân đội và thiếu nguồn tiếp tế, Putin vẫn phớt lờ
ông. Các cuộc gọi không được trả lời. Đến đầu tháng 6, Điện Kremlin đã công bố
kế hoạch loại bỏ Wagner như một lực lượng chiến đấu ở Ukraine, yêu cầu các binh
sĩ của họ đăng ký với Bộ Quốc phòng Nga.
Vào thứ Sáu ngày 23/6/2023, Prigozhin đã phát động một cuộc binh biến,
đưa 25.000 binh sĩ và xe tăng của mình rời chiến trường ở Ukraine và hành quân
về phía thành phố Rostov-on-Don ở miền nam để chiếm trụ sở quân khu phía nam của
lực lượng vũ trang Nga. Theo cái mà Prigozhin gọi là “cuộc diễu hành công lý” của
mình, kế hoạch của ông là đối đầu với Gerasimov và Shoigu, những người đã họp ở
đó nhưng đã kịp trốn thoát trước khi Prigozhin đến.
Prigozhin đã phái một đoàn xe tăng và binh lính khác tiến về phía Moscow.
Trong lúc Putin đang ở tại một biệt thự xa bên ngoài thành phố, Patrushev
đã tiếp quản, tiến hành một loạt các cuộc gọi để thuyết phục Prigozhin dừng lại,
theo đánh giá của tình báo phương Tây và vị cựu sĩ quan tình báo Nga.
Patrushev yêu cầu các sĩ quan có thiện cảm với Prigozhin cố gắng liên lạc
với ông ta. Năm cuộc gọi của Điện Kremlin cho Prigozhin đã không được trả lời.
Ông cũng tìm kiếm các trung gian hòa giải, và đã gọi cho chính phủ Kazakhstan
và Belarus, cả hai đều là thành viên của một liên minh quân sự do Nga lãnh đạo,
bao gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Theo một quan chức tình báo phương Tây và vị cựu sĩ quan tình báo Nga, cuộc
gọi đến Kazakhstan là nhằm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Một năm trước đó,
Nga đã gửi quân đội đến khôi phục trật tự ở Khazakhstan sau khi bạo loạn nổ ra.
Hy vọng bây giờ là lúc Kazakhstan trả ơn nếu quân đội Nga không thể kiềm chế đội
quân nổi loạn. Tuy nhiên, Tổng thống Kassym Jomart Tokayev đã từ chối, do muốn
giữ khoảng cách sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Cuối cùng, Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, cho biết trong một
tuyên bố công khai vào thời điểm đó là ông đồng ý giúp đỡ, gọi cho Prigozhin
nhiều lần trong suốt hơn sáu giờ và chuyển tin nhắn giữa vị lãnh chúa và
Moscow. Cuối cùng, ông đã chuyển một đề nghị được Patrushev đưa ra: Nếu
Prigozhin rút quân về, đội quân của ông sẽ được phép chuyển đến Belarus.
Khi trả lời Wall Street Journal, bộ phận báo chí của Putin tuyên bố
Lukashenko đã tiến hành nhiều vòng đàm phán với Prigozhin, cũng như Putin. “Các
cuộc đàm phán đã mang lại thành công”, tuyên bố cho biết.
Trong một lần xuất hiện trên truyền hình vào cuối buổi sáng, Putin đã gọi
Prigozhin và lãnh đạo Wagner là những kẻ phản bội, điều khiến Prigozhin quyết định
chấp nhận lời đề nghị, bao gồm việc giữ quyền kiểm soát các chiến dịch của mình
ở nước ngoài, chẳng hạn như ở châu Phi.
Trong khi Prigozhin và các chiến binh của ông đã không gặp phải sự kháng
cự mạnh mẽ nào từ quân đội, hầu hết các đơn vị mà họ gặp cũng không tham gia
cùng họ. Đến đầu giờ tối thứ bảy, cuộc nổi loạn của Prigozhin đã kết thúc.
Các chiến binh của Prigozhin đang tiến về Moscow cũng dừng lại và một số
bắt đầu hành quân về phía các doanh trại được chuẩn bị sẵn sàng cho họ ở
Belarus. Bản thân Prigozhin cũng biến mất khỏi mạng xã hội.
Trong phần còn lại của mùa hè, một cảm giác bất an đã hiện diện ở Moscow.
Rất ít người trong Điện Kremlin tin rằng Prigozhin sẽ không bị trừng phạt sau
khi đã tiến hành một cuộc nổi loạn vũ trang.
Patrushev sẽ chứng minh rằng họ đã đúng.
Ám sát
Sau cuộc binh biến, Điện Kremlin đã làm không làm gì nhiều một cách công
khai để hạn chế cuộc sống của Prigozhin. Ông đã đến châu Phi để kiểm tra các
chiến dịch của mình ở đó. Ông cũng được phép tiếp tục làm việc tại St.
Petersburg và trên khắp nước Nga, theo lời Maksim Shugaley, người làm việc cho
Prigozhin tại một viện nghiên cứu. Nhưng Prigozhin luôn cảnh giác.
“Ông ấy biết mình có kẻ thù và điều gì đó có thể xảy ra với ông ấy, nhưng
dù lo ngại, ông ấy cũng vẫn tuân thủ thỏa thuận”, Shugaley nói.
Mowatt-Larssen, cựu trưởng trạm CIA, nói rằng Prigozhin có thể đã được tự
do, nhưng trong thực tế, ông ta bị theo dõi sát sao. Cuộc nổi loạn của ông đã
phơi bày một sự rạn nứt sâu sắc trong hệ thống điều hành đất nước của Putin,
cũng như sự bất mãn trong quân đội, vốn đã không hành động gì để chống lại cuộc
hành quân của Prigozhin.
Theo Mowatt-Larssen, “bạn có thể thấy kế hoạch của Putin là gì – giữ cho
người coi như đã chết đi lại để họ có thể tiếp tục tìm hiểu chuyện gì đã xảy
ra”, hàm ý rằng Điện Kremlin muốn tìm kiếm các đồng lõa của Prigozhin.
Theo lời vị cựu sĩ quan tình báo Nga, vào đầu tháng Tám, khi hầu hết người
dân Moscow đi nghỉ hè, Patrushev, trong văn phòng của mình ở trung tâm Moscow,
đã ra lệnh cho trợ lý của mình định hình một chiến dịch để loại bỏ Prigozhin.
Theo các cơ quan tình báo phương Tây, Putin sau đó đã được cho xem kế hoạch và
không phản đối.
Vài tuần sau, sau chuyến công du qua châu Phi, Prigozhin đang đợi tại một
sân bay ở Moscow trong khi các nhân viên an ninh hoàn thành việc kiểm tra máy
bay. Chính trong thời gian chờ đợi này, một quả bom nhỏ đã được cài dưới cánh
máy bay, theo lời các quan chức tình báo phương Tây.
Chiếc máy bay phản lực khởi hành sau 5 giờ chiều và đạt độ cao 8,53km.
Nhưng sau hơn nửa giờ, máy bay nhanh chóng mất độ cao và rơi gần làng
Kuzhenkino. Các video của nhân chứng cho thấy sau một vụ nổ, một chiếc máy bay
phản lực với cánh tách rời đã lao từ trên trời xuống mặt đất.
Trong vòng vài ngày, truyền thông Nga đưa tin rằng các xét nghiệm DNA xác
nhận Prigozhin đã chết trong vụ tai nạn. Chín người khác đã thiệt mạng cùng với
ông ta, bao gồm chỉ huy của nhóm Wagner, Dmitry Utkin, một cộng sự khác của
Wagner, hai phi công và một tiếp viên hàng không 39 tuổi.
-------------------------------------------------------
Nguồn:
Thomas Grove, Alan Cullison & Bojan Pancevski,
“How
Putin’s Right-Hand Man Took Out Prigozhin”, Wall Street Journal, 22/12/2023.
No comments:
Post a Comment