Monday, December 25, 2023

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT : MỘT THỜI KINH HOÀNG (Phan Thúy Hà)

 



Cải cách ruộng đất: Một thời kinh hoàng

Phan Thuý Hà

25/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/25/cai-cach-ruong-dat-mot-hoi-kinh-hoang/

 

Trong một lần đến thăm Phan Tử Lăng ở khu gang thép Thái Nguyên, ông Phạm Văn Đồng hỏi ông Lăng có bà con gì với Phan Tử Dương không, Phan Tử Dương là bạn học với ông ở Trường Quốc học Huế.

 

Phan Tử Dương là anh ruột Phan Tử Lăng, bị bắn chết dưới chân núi Nài trong đợt 4 cải cách.

 

Phan Tử Dương là thư ký toà sứ, được ông Phan Đăng Tài (em của Phan Đăng Lưu) cũng trong toà sứ, giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên, làm uỷ viên thư ký, có lúc đã làm đến phó chủ tịch tỉnh. Năm 1953 phát động giảm tô, ông bị cho nghỉ việc, về nhà làm ruộng. Tháng 5/1955 ông Dương đang cấy lúa với vợ con ngoài đồng thì dân quân đến trói bắt đi. Một đêm tháng 10/1955, học sinh cấp ba Phan Đình Phùng bị bắt đi ra chân núi Nài hô hào đả đảo, chứng kiến vụ xử bắn.

 

Cha của ông Phan Tử Dương, Phan Tử Lăng… là Phan Tử Phong, làm quan trong Huế; mẹ là bà Ký Tá.

 

Bà Ký Tá không biết chữ. Bà làm ruộng giỏi, có đầu óc buôn bán. Từ buôn thóc, buôn gạo, mở xưởng ép dầu, xây nhà cho thuê, tậu ruộng, bà có hơn 100 mẫu ruộng.

 

Trước năm 1945 bà có hai ngôi nhà hai tầng, một ngôi nhà ba tầng trên phố Phan Đình Phùng và hai, ba ngôi nhà ngói ở con phố bên cạnh. Tiêu thổ kháng chiến, những ngôi nhà đó bị phá sạch. Còn mấy ngôi nhà tranh. Và nguyên vẹn khu nhà ở – 47 Nguyễn Công Trứ (nay là đường Lê Bình).

 

Có thể nói bà Ký Tá là người phụ nữ làm ăn giỏi giang nhất tỉnh Hà Tĩnh thời bấy giờ.

 

Ông và bà mất trước khi cải cách. Vì thế Phan Tử Dương – con cả, phải chịu tội thay cha mẹ, và tội trước đây làm thư ký toà sứ.

 

Tháng 5/1955, cả gia đình phải rời khỏi 47 Nguyễn Công Trứ. Như tất cả mọi gia đình địa chủ khác. Họ đến ở một túp lều, cứ mưa to là nước tràn vào lều.

 

Phan Tử Thụ lúc đó mới học lớp 7. Ông không nguôi nỗi nhớ về ngôi nhà xưa ở 47 Nguyễn Công Trứ. Ông đã vẽ lại ngôi nhà theo trí nhớ. Trên khu đất khoảng 1.000m2 là các dãy nhà ngang dọc, lợp mái ngói, 50 – 60 gian. Ông vẽ chi tiết căn phòng ngủ của cha, của bà nội, nhớ cả những cái chăn màn. Hai chục năm trước ông và các anh chị về thăm chốn cũ, không còn gì nữa sau khi 15 hộ nông dân đến ở, người ta chỉ cho ông một cái giếng quây kín lại, không ai dám làm gì vì sợ giếng địa chủ. Không biết giếng đó giờ còn không.

 

Khi cải cách ông Phan Tử Lăng không ở quê nhà, nếu ở nhà, không ai biết (và có thể chắc chắn biết) số phận ông như nào.

 

_____

 

*Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt.

 




No comments: