10
năm Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh: Làm sáng tỏ thêm thuật ngữ “tài tử”
Người Đô Thị Online
09:28 | Thứ
ba, 05/12/2023
LTS:
Bài viết dưới đây của TS. Nguyễn Lê Tuyên (nhà soạn nhạc, nghiên cứu âm nhạc,
nghệ sĩ guitar) là một phần của tham luận “Nhạc tài tử: Lost in Translation” được
tác giả trình bày lần đầu trong hội thảo quốc gia của Musicological Society of
Australia tại Canberra năm 2012, và sau đó tại hội thảo toàn cầu của
International Council for Traditional Music năm 2013 tại Thượng Hải.
Nhân dịp kỷ
niệm 10 năm Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh (5.12.2013 – 2023), Người
Đô Thị trân trọng giới thiệu bài viết này với những cập nhật thông tin
và một số hình ảnh tài liệu khảo cứu của tác giả.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3504d541-6a0e-41fb-8b5e-16599e5c3876.jpg
TS.
Nguyễn Lê Tuyên (phải) trong dịp hoà đàn cùng Giáo sư Adrian Walter, Viện trưởng
Hong Kong Academy for Performing Arts năm 2020. Ảnh: TLTG
Xuất hiện
vào cuối thế kỷ XIX, nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn bó mật thiết với lịch sử hình
thành và phát triển văn hóa của Nam bộ cho đến ngày nay. Ngày 5.12.2013, Đờn ca
tài tử được UNESCO chính thức công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của
nhân loại.
Trước đây,
Đờn ca tài tử thường được biết đến như là một hình thái âm nhạc nghiệp dư hay
âm nhạc không chuyên nghiệp. Người nước ngoài quan tâm đến văn hoá Việt Nam
cũng được giới thiệu và trải nghiệm Đờn ca tài tử qua lăng kính “musique des
amateurs” trong tiếng Pháp và “amateur music” trong tiếng Anh.
Nhân dịp kỷ
niệm 10 năm Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh, bài viết sẽ góp phần tìm hiểu
làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của thuật ngữ “tài tử” qua một số tư liệu tiếng Việt
và tiếng Pháp từ cuối thế kỷ 19 cho đến cuối thập niên 1950.
Tài
tử giai nhân
Tài tử có
nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc 才子
để chỉ người đàn ông tài hoa trong xã hội. Theo nhiều từ điển Hán-Việt, tài tử
được định nghĩa là “người có tài hơn người”.
Từ đầu thế kỷ XIX, tài tử thường xuất hiện trong cụm từ “tài tử giai
nhân” trong văn chương Việt Nam như là một biểu tượng của sự kết hợp lý tưởng
“trai tài gái sắc” trong xã hội phong kiến.
Một ví dụ
tiêu biểu nhất là trong tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã điêu khắc
cụm từ này thành hai câu thơ lục bát kinh điển trong thi ca Việt Nam:
Dập dìu
tài tử giai nhân
Ngựa xe
như nước áo quần như nêm
Nhà thơ
danh tiếng Cao Bá Quát (1809 - 1855) thì trầm ngâm tâm sự chuyện duyên nợ éo le
của tài tử giai nhân qua nhiều vần thơ nổi tiếng như:
Tài-tử
với giai-nhân là nợ sẵn
Giải cấu
nan là chữ làm sao?
(Nhớ giai
nhân)
Hay:
Thương
những kẻ giai nhân tài tử
Trót đa
mang vì một chữ tình
(Tài hoa
là nợ)
Nhà thơ
cùng thời Cao Bá Quát là Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) cũng có câu thơ “Tài-tử
với giai-nhân tế ngộ nan” nói lên số phận trai tài gái sắc rất khó có duyên gặp
gỡ.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/0727c81e-981a-47a6-a62e-0ceecce3629b.JPG
TS.
Nguyễn Lê Tuyên trình bày tham luận nhạc tài tử trong hội thảo toàn cầu của
International Council for Traditional Music năm 2013 tại Thượng Hải, cùng sự
tham gia của TS-NSƯT. Hải Phượng và ThS-NSƯT. Huỳnh Khải biểu diễn minh họa Đờn
ca tài tử trước các học giả thế giới. Ảnh: TLTG
Tài
tử trong tư liệu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Nhiều bằng
chứng quý giá về thuật ngữ tài tử được tìm thấy từ các tư liệu chữ Quốc ngữ và
tiếng Pháp xuất bản ở Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Công trình
biên soạn tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, Từ điển Đại Nam Quấc
âm tự vị, xuất bản năm 1895 do học giả Huình-Tịnh Paulus Của biên soạn
là một di sản kiến thức chứa đựng nhiều thông tin, ngữ nghĩa của các thuật ngữ
cổ và phản ánh đời sống văn hoá xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
Trong bộ tự
điển đồ sộ này, thuật ngữ tài tử được ghi với 3 định nghĩa nguyên gốc là (1) Kẻ
có tài riêng; (2) Kẻ chuyên nghề cổ nhạc; và (3) nhạc công. Thêm vào đó, một
cụm từ “bọn tài tử” cũng được giải thích rõ ràng là “bọn chuyên nghề cổ nhạc” (Huình
1895, 328).
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/73514285-3614-47e6-a668-e0e732615dd6.jpg
Thuật
ngữ tài tử trong Từ điển Đại
Nam Quấc âm tự vị, xuất bản năm 1895 do học giả Huình-Tịnh Paulus Của
Một tư liệu
hàn lâm nổi tiếng khác là công trình Dictionnaire Annamite - Française, Từ
Điển Việt - Pháp xuất bản năm 1898 ở Sài Gòn do linh mục người Pháp J.
M. F. Genibrel biên soạn. Thuật ngữ tài tử xuất hiện ở trang 720 với hai định
nghĩa tương tự nhau là (1) homme excessivement bien doué (người nam có tài năng
vượt trội), và (2) Doué de beaucoup de talent (thiên phú nhiều tài năng)
(Genibrel 1898).
Một chi tiết
quan trọng cần phải nhấn mạnh là trong các thập niên đầu thế kỷ XX, các nhạc
công/nghệ nhân nhạc cụ cổ truyền đã được xã hội trân trọng gọi là “tài tử”,
đúng với định nghĩa nguyên gốc theo Huình Tịnh Của là “kẻ chuyên nghề cổ nhạc”
và “nhạc công”.
Tư liệu
thông tin các chương trình biểu diễn hàng tuần của Đài phát thanh Radio Saigon
trong thập niên 1930 đã cho thấy cách xưng hô nghiêm túc này trong sinh hoạt
văn hoá ở Nam bộ: “Như tài tử và người ca có xảy ra điều chi thì chúng
tôi xin sửa đổi chương trình trên đây lại xin quý vị miễn chấp”.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/cbcacba7-8b6a-4996-ba24-f399f99a07ae.jpg
Tư liệu
của Đài phát thanh Radio Saigon trong thập niên 1930
Từ thập
niên 1910, hình ảnh của các tài tử nghệ nhân nhạc cụ cổ truyền thường được sử dụng
trên các trang bìa của các tập sách về cổ nhạc. Các hình ảnh này phản ánh sinh
hoạt đời sống văn hóa cầm ca thi tửu của giới trung lưu Nam bộ.
Thí dụ như
cảnh 6 nghệ nhân nhạc cụ cổ truyền quây quần hòa tấu bên bàn rượu được minh họa
với dòng chữ “lục tài tử” ở trang bìa sách Bài ca mới - Lục tài tử và
trong một dịp khác đông đảo hơn “thập nhị tài tử” với 9 nghệ nhân và 3 ca sĩ
trên trang bìa sách Bài ca mới - Thập nhị tài tử.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b3c22bf7-d178-4b68-835a-7a00a703e701.jpg
Dòng chữ
“lục tài tử” và “thập nhị tài tử”trên trang bìa sách Bài ca mới
Các tư liệu
hàn lâm của thập niên 1930 vẫn trung thành với các định nghĩa ban đầu
trong Từ điển Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Của. Học giả
Đào Duy Anh vẫn tiếp tục ghi tài tử là “người có tài” với chú thích bằng tiếng
Pháp là “homme de talents” trong Hán-Việt Từ-điển giản yếu (Dictionnaire
Sino-Annamite) (Đào 1932, 223). Bộ Việt-Nam Tự-điển của Hội
Khai Trí Tiến Đức (Association pour la Formation Intellectuelle et
Morale des Annamites) cũng vẫn định nghĩa tài tử là (1) “người có tài”
với chú thích thơ Cao Bá Quát “Tài-tử với giai-nhân là nợ sẵn”; và
(2) “người chuyên nghề âm nhạc” (Hội Khai Trí Tiến đức 1931, 504).
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ab469cae-f255-403c-becb-8e7e86d2a3a5.jpg
Thuật
ngữ tài tử trong Dictionnaire Annamite-Française
Qua nhiều
tư liệu nhiều nguồn khác nhau từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 1930, thuật
ngữ tài tử không hề được định nghĩa “không chuyên nghiệp” hay “nghiệp dư”, mà
hoàn toàn ngược lại là để chỉ những con người tài hoa ưu tú, “tài năng vượt trội”,
“nhạc công”, và “chuyên nghề cổ nhạc” hay “chuyên nghề âm nhạc”.
Tài
tử từ thập niên 1950
Thập niên
1950 chứng kiến sự xuất hiện đầu tiên của tài-tử như
là “nghiệp dư” “không chuyên” trong nhiều tư liệu hàn lâm xuất bản ở Sài Gòn. Bộ
Tự-điển Việt-Nam phổ thông của Đào Văn Tập vẫn ghi “người có tài”, nhưng có
thêm ý nghĩa mới: “Chỉ người chuyên về một nghệ thuật nào, chỉ vì thích nghệ
thuật đó, chứ không dùng tài để mưu sinh” (Đào 1951, 547).
Đến cuối
thập niên 1950, Thanh Nghị có ghi trong Tự-điển Việt-Nam về tính chất tài-tử
theo nghĩa “không chuyên” như sau: “để chỉ một người chơi một môn gì chỉ vì
thích mà chơi, chứ không phải làm nghề riêng. Nhà nghề, tài-tử. Amateur.”
(Thanh Nghị 1958, 1167). Thêm vào đó,
Thanh Nghị cũng có ghi nhận rằng ý nghĩa “người có tài” đã ít được sử dụng hơn
và có một nghĩa mới là “nghệ sĩ”, với ghi chú tiếng Pháp là “artiste”.
Từ cuối thập
niên 1950 đến nay, thuật ngữ tài tử đã có thêm các ngữ nghĩa khác như là diễn
viên “tài tử điện ảnh” “tài tử sân khấu”;
và như là một tính từ để chỉ phong cách làm việc tùy hứng thiếu sự chuẩn
mực, nghiêm túc chính quy.
Một chi tiết
rất quan trọng, rất đáng chú ý là định nghĩa ban đầu “kẻ chuyên nghề cổ nhạc”
và “nhạc công” đã không hề được nhắc đến trong các tư liệu từ thập niên 1950 và
gần như hoàn toàn biến mất trong ngôn ngữ ngày nay.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/a916f8f8-fa6d-4780-8b31-a3d8a90a73c9.jpg
Một ban
nhạc Đờn ca tài
tử Sài Gòn năm 1911. Ảnh: Wikipedia
Mười
năm vinh danh
Các tư liệu
từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX cho thấy thật ra Đờn ca tài tử đã được biết
đến như là một hình thái âm nhạc chuyên nghiệp với “nhạc công” “chuyên nghề cổ
nhạc” hay với “bọn chuyên nghề cổ nhạc” từ lúc ban đầu.
Tuy nhiên,
trong các tư liệu từ cuối thập niên 1950 về sau, thuật ngữ tài tử đã xuất hiện
thêm nhiều ý nghĩa khác nhau và có thể tạo ra ngộ nhận với các định nghĩa
nguyên gốc “kẻ có tài”, “kẻ chuyên nghề cổ nhạc”, và “nhạc công”.
Từ lâu hầu
hết các tư liệu trong và ngoài nước đều dịch tài tử một cách phiến diện với ngữ
nghĩa “nghiệp dư” và “không chuyên” thí dụ như: “musique des amateurs”;
“amateur music”; “amateurs’ music”; “music for amateurs”; và “music of the
talented amateurs”. Điều này không hợp lý vì không thể áp đặt các định
nghĩa mới xuất hiện từ thập niên 1950 cho Đờn ca tài tử - một nghệ thuật hình
thành từ thế kỷ XIX và đã phát triển hoàn thiện phổ biến rộng rãi vào những thập
niên đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên,
UNESCO đã có quyết định rất chính đáng là giữ nguyên bản tiếng Việt “Art of Đờn
ca tài tử” trong hồ sơ “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2013.
Nhân dịp
10 năm Đờn ca tài tử được vinh danh, bài viết này hy vọng đã làm sáng tỏ thêm
và góp phần tạo một nhận thức đúng đắn nghiêm túc về cụm từ “tài tử” - một thuật
ngữ quan trọng phản ánh bản chất tổng thể, bối cảnh lịch sử xã hội của một hình
thái nghệ thuật di sản quý giá của miền đất Phương Nam.
TS.
Nguyễn Lê Tuyên (Sydney,
Australia)
------------------------
Tài liệu
tham khảo:
- Đào,
Duy-Anh. Hán-Việt từ-điển giản yếu, Dictionnaire Sino-Annamite
(avec annotations en français). Huế: Tiếng Dân, 1932.
- Đào, Văn
Tập. Tự-điển Việt-Nam phổ thông. Sài Gòn: Nhà Sách Vĩnh Bảo,
1951.
-
Genibrel, J.F.M. Dictionnaire Annamite-Française. 2nd. Saigon:
Imprimerie a la Mission a Tan Dinh, 1898.
- Hội
Khai Trí Tiến Đức, Ban Văn Học. Việt-Nam Tự-điển. Hà nội:
Imprimerie. Trung-Bắc Tân-Văn, 1931.
- Huình, Tịnh
Paulus Của. Đại Nam Quốc âm tự vị. Saigon: Imprimerie. Rey,
Curiol et Cie, 1895.
- Nguyễn,
Hữu Phước. Bài ca mới - Lục tài tử. Saigon: Phat-Toan. 1912.
- Nguyễn,
Hữu Viết. & J.V, C.M., V.M. Bài ca mới - Thập nhị tài tử. Saigon:
Phat-Toan. 1912.
-
Thanh-Nghị. Tự-điển Việt-Nam. Thời Thế, 1958.
No comments:
Post a Comment