Bài học dân chủ ở Ai
Cập: Quân đội trở cờ, đảo ngược tiến trình dân chủ
C.T.N - Luật
Khoa
Jul 17, 2023 4:38 PM
Quá trình dân chủ hóa tạo ra khoảng trống quyền lực
giữa chính quyền mới và quân đội.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/07/Feature-3.png
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.
*
Vào tháng 12/2010, hành động tự thiêu của người bán rau quả ở Tunisia đã
gây ra những cuộc biểu tình lớn dẫn đến việc lật đổ tổng thống độc tài Ben Ali.
Những cuộc biểu tình tương tự nhanh chóng lan rộng trong khu vực Ả Rập, gọi
chung là cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring uprisings) dẫn đến thay đổi
chế độ ở bốn quốc gia (Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen) và thay đổi đáng kể cấu
trúc chính phủ ở bốn quốc gia khác (Maroc, Jordan, Kuwait và Oman).
Chính trị đối kháng
(contentious politics - khái niệm chính trị học nói về cạnh tranh chính trị
thông qua cuộc cách mạng, xuống đường ôn hòa, và nổi dậy) đã dẫn tới quá trình
dân chủ hóa ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của Mùa xuân Ả Rập, tương tự như cuộc
biểu tình ôn hòa năm 1989 và Cách mạng màu giữa thập kỷ 2000 ở Đông Âu. Tuy
nhiên, diễn biến lần này vẫn chưa trọn vẹn.
Mặc dù có sự thay đổi chế độ ở nhiều nước nói trên nhưng dân chủ hóa chỉ
xảy ra duy nhất ở Tunisia, trong khi ở các nước còn lại thì chế độ chuyên chế vẫn
tồn tại. Thậm chí ở Syria, những cuộc biểu tình dẫn đến một cuộc nội chiến triền
miên giữa chính quyền cộng hòa Ả Rập của tổng thống Bashar al-Assad và các phe
phái đối lập trong và ngoài nước.
Vì
sao quân đội can thiệp trở lại trong tiến trình dân chủ hóa?
Để giải thích các trường hợp dân chủ hóa thất bại ở các nước Trung Đông
và Bắc Phi sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập, các nhà nghiên cứu chính trị học
đưa ra nhiều giả thuyết. Trong đó, lý thuyết tạm gọi là chủ nghĩa quân đội
xét lại (military revisionism perspective) nhận được sự đồng thuận trong việc
giải thích các trường hợp thất bại trong quá trình dân chủ hóa sau sự kiện Mùa
xuân Ả Rập.
Theo giả thuyết này, để thay đổi chế độ (regime change) và thúc đẩy dân
chủ hóa (democratization), chính trị đối kháng cần có hậu thuẫn từ thế lực nắm
giữ quyền lực đối trọng với chế độ cũ và sở hữu những nguồn lực có khả năng đàn
áp người biểu tình ở quy mô lớn. Thế lực đó chính là quân đội.
Theo học giả Nordlinger, lợi ích tập thể (corporate interest) của quân đội
tác động rất lớn lên quyết định nhúng tay vào việc lật đổ chính quyền.
[1]
Trong nghiên cứu tiêu biểu về quá dân chủ hóa ở Nam Âu và Mỹ Latin có tên
Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain
Democracies, hai tác giả O'Donnell và Schmitter cho rằng, khi tổ chức đại
diện cho lợi ích của lực lượng vũ trang bị xem nhẹ trong cuộc bầu cử dân chủ đầu
tiên của tiến trình chuyển tiếp quyền lực (power transition period), có khả
năng họ sẽ trở cờ “để ủng hộ một âm mưu chống lại dân chủ hóa và gây mất ổn định
chính trị”. [2]
Dân chủ hóa có thể sẽ không xảy ra nếu chính phủ dân chủ mới và đường hướng
cải cách của họ mâu thuẫn với lợi ích tập thể và ý thức hệ của quân đội sau thời
kỳ chuyển đổi. [3] Chỉ khi nào chính phủ dân chủ mới giải quyết mâu
thuẫn trên thì họ mới giảm thiểu khả năng đối mặt với mối đe dọa từ lực lượng
vũ trang can thiệp đảo chính.
Đối với những nước mà quân đội nắm giữ quá nhiều đặc quyền về kinh tế và
chính trị trong chế độ cũ, xu hướng quay trở lại với chế độ chuyên quyền
(authoritarian regime) theo hình thức quân phiệt (military rule) là rất
cao.
Như vậy, để quân đội công nhận tính chính danh của một chính phủ thông
qua bầu cử dân chủ thì phải dựa trên thái độ và nhận thức của các sĩ quan về
giá trị dân chủ. Việc chỉ thay đổi chế độ không có nghĩa là sẽ thay đổi niềm
tin của họ về vai trò trước đây của quân đội đối với quốc gia. Thậm chí, ngay cả
thời điểm quyền lực thống trị của giới chức quân sự suy yếu, họ vẫn tin rằng
quyền lực đó sẽ thuộc về họ khi cơ hội đến. Nếu thái độ muốn can thiệp chính trị
vẫn tồn tại sau quá trình chuyển đổi thì mối đe dọa đảo chính vẫn thường trực bất
kể chính phủ dân chủ có bảo vệ lợi ích tập thể của lực lượng vũ trang hay
không.
Vì giới hạn của bài viết, tác giả chỉ tập trung phân tích sự thất bại của
quá trình dân chủ hóa ở Ai Cập sau cuộc cách mạng kéo dài 18 ngày vào năm 2011.
Mâu
thuẫn lợi ích giữa quân đội và chính quyền dân chủ mới
Vào ngày 25/1/2011, cuộc cách mạng dân chủ đi vào lịch sử Ai Cập nổ ra.
Hàng loạt cuộc biểu tình lớn do các nhà hoạt động Ai Cập tổ chức nhằm gây áp lực
đòi cải cách dân chủ toàn diện. Khi các cuộc biểu tình đông đảo thách thức
nghiêm trọng chế độ nắm quyền của Hosni Mubarak, quân đội đã không tham gia vì
có sự giằng co trong việc chọn phe. [4]
Một mặt, đó là sự thiếu niềm tin lâu dài của quân đội đối với các phong
trào nhân dân (đặc biệt vì tính vô trật tự), khiến họ thiên về hướng đàn áp cuộc
nổi dậy chống lại Mubarak. Mặt khác, quân đội đã bất mãn với chính quyền của
Mubarak từ lâu. Trong nhiều thập kỷ, Mubarak đã ưu tiên nguồn lực cho bộ máy cảnh
sát và Bộ Nội vụ hơn là quân đội, với ý định làm suy giảm quyền lực quân đội.
[5] Điển hình, ngân sách của Bộ Nội vụ tăng từ 1,05 tỷ USD vào năm 1990
lên 3,68 tỷ USD vào năm 2008, gấp ba lần so với ngân sách quốc phòng. [6]
Ngoài ra, trong thập niên trước đó, con trai của Mubarak đã tiến hành một loạt
cải cách kinh tế theo chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) đe dọa đến vị trí của
đế chế kinh tế quân đội, vốn được tạo dựng trong giai đoạn hòa bình sau cuộc
chiến Yom Kippur với Israel năm 1973.
Ban đầu, quân đội đã lựa chọn không ngăn cản cuộc tấn công bạo lực đối với
người biểu tình từ phía cảnh sát và những tên côn đồ của chế độ, mặc dù một số
sĩ quan bất tuân bảo vệ người biểu tình. Tuy nhiên, khi thấy rõ việc Mubarak
không thể dập tắt các cuộc biểu tình, vào ngày 11/02/2011, Thượng Hội đồng Quân
lực (Supreme Council of the Armed Force - SCAF) buộc Mubarak từ chức và tiếp
quản công việc đất nước.
Những cuộc thương lượng giữa các nhà hoạt động dân chủ, tổ chức Huynh đệ
Hồi giáo (Muslim Brotherhood), và Thượng Hội Ðồng Quân Lực có tính chất quyết định
cho tương lai dân chủ Ai Cập trong quá trình chuyển đổi quyền lực.
Các nhà hoạt động dân chủ của phe cách mạng đưa ra ba yêu cầu. [7]
Thứ nhất, công lý cho hơn 800 người dân bị giết trong cuộc cách mạng kéo dài 18
ngày. Thứ hai, thay đổi hoàn toàn chế độ bằng cách loại bỏ tất cả những ai làm
việc trong chính phủ của Thủ tướng Ahmed Shafik, cải cách cơ quan an ninh của
Mubarak, sau đó bầu ra một chính phủ mới và bãi bỏ thiết quân luật mà Mubarak sử
dụng để đàn áp biểu tình. Thứ ba, thiết lập bản hiến pháp mới trước bầu cử. Còn
tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thì yêu cầu quân đội tiếp tục duy trì tính trung lập
chính trị và chấp nhận quá trình chuyên nghiệp hóa quân lực (professionalization
of the armed force) để trở thành cơ quan do dân lãnh đạo.
Hai yêu cầu sau cùng hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của quân đội vốn
chỉ muốn ở phía sau hậu trường chính trị để tiếp tục duy trì đế chế kinh tế bao
gồm các tập đoàn sản xuất thiết bị tiêu dùng và điện tử, cùng đặc quyền quản lý
tất cả đất đai chưa có người sử dụng ở Ai Cập. Lãnh đạo cấp cao của giới quân sự
muốn đảm bảo sự độc lập của quân đội khỏi các cơ quan giám sát dân sự; các tướng
lĩnh chỉ trích việc kiểm soát của quốc hội đối với lĩnh vực kinh tế do quân đội
điều hành và ngân sách quân đội. Thực chất, giới chức quân đội đã có quan điểm
khinh thường dân sự từ sau cuộc đảo chính năm 1952. Giáo sư Omar Ashur gọi thái
độ tự cao này là phức cảm thượng đẳng (superiority complex), tạo nên sự
không tin tưởng nói chung đối với chế độ dân chủ và thiên hướng ủng hộ chế độ
quân phiệt trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. [8]
Phức cảm thượng đẳng hình thành và dần ngấm sâu vào văn hóa quân đội.
Tiêu biểu, tướng Abdel Fattah El-Sisi từng phát biểu sau cuộc đảo chính Mubarak
rằng: “Họ (những chính khách) chắc chắn không đạt được sự tôn trọng từ chúng
tôi (Thượng Hội đồng Quân lực) [...]”. Đến tháng 3/2011, quan điểm trên càng rõ
ràng hơn: “[...] làm sao chúng tôi (quân đội) có thể giao quốc gia cho những
người này (các chính khách)?[...] Các ý tưởng như ‘lối thoát an toàn’ cho Thượng
Hội đồng Quân lực chỉ là trò cười. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ một lối
thoát an toàn nếu chúng tôi hào phóng, chứ không ngược lại [...] Đó là cách suy
nghĩ của chúng tôi.” [9] Hầu hết các sĩ quan đều cho rằng lợi ích của
quân đội chính là lợi ích quốc gia.
Năm 2012, ứng viên thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Mohamed Morsi trở
thành Tổng thống thứ năm của Ai Cập, cũng là vị tổng thống đầu tiên (duy nhất
cho đến nay) được chọn thông qua bầu cử dân chủ. Các tướng lĩnh đứng đầu Thượng
Hội đồng Quân lực đã miễn cưỡng chấp nhận một cuộc bầu cử tổng thống minh bạch.
Tuy nhiên, suốt giai đoạn ông Morsi cầm quyền, đã xảy ra sự đấu đá quyền lực giữa
chính quyền mới và Thượng Hội đồng Quân lực, dẫn đến quyết định đảo chính
Morsi.
Từ lâu, quân đội đã có thái độ hoài nghi và đối lập về ý thức hệ dân tộc
với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Hoài nghi về việc thành lập tổ chức quân sự độc
lập của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là có căn cứ khi tổ chức này và Morsi đã ra lệnh
cho một số lực lượng vũ trang có tổ chức tấn công cuộc biểu tình ôn hòa tại
cung điện tổng thống Al-Itihidaya ở Cairo, khiến ít nhất mười người thiệt mạng.
[10]
Các sĩ quan nghi ngờ rằng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã hợp tác quân sự với
phong trào Hamas, và cho rằng Hamas cung cấp vũ khí và đào tạo các thành viên tổ
chức này. [11] Thượng Hội đồng Quân lực còn cho rằng tổ chức Huynh đệ
Hồi giáo trung thành với một cộng đồng người Hồi giáo tưởng tượng (ummah) xuyên
biên giới, chứ không phải dân tộc Ai Cập. Tham vọng xây dựng cộng đồng Hồi giáo
toàn cầu của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không tương thích với ý thức dân tộc bảo
thủ đặt an ninh quốc gia Ai Cập lên hàng đầu của các tướng lĩnh.
Ngoài ra, chính sách đối ngoại của chính quyền mới bị giới chức quân đội
cho là làm suy yếu an ninh quốc gia và chủ quyền Ai Cập. Giọt nước tràn ly
trong sự mâu thuẫn này liên quan đến quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với
Syria của Morsi. Morsi dường như ủng hộ cuộc thánh chiến (jihad) chống lại chế
độ Bashar al-Assad. Trong thập kỷ 1980 và 1990, nhiều người Ai Cập đã tham gia
chiến tranh Afghanistan chống lại Liên Xô. Họ trở về với những ý tưởng cực đoan
và kỹ năng quân sự mà một trong số họ đã sử dụng nhằm chống lại lực lượng vũ
trang và cảnh sát Ai Cập. Các sĩ quan cấp cao lo lắng rằng tình huống này có thể
tái diễn trên quy mô lớn hơn nếu người Ai Cập được khuyến khích tham gia vào cuộc
nội chiến ở Syria.
Khi
quân đội ra tay…
Ngày 30 tháng 6 năm 2013, hàng triệu người dân Ai Cập xuống đường ép
Morsi từ chức. [12] Lợi dụng làn sóng biểu tình, vào ngày 3 tháng 7,
quân đội do Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah El-Sisi lãnh đạo lật đổ Tổng thống
Morsi.
Từ đây, Ai Cập chứng kiến sự trở lại của một chế độ còn chuyên chế độc
tài hơn trước cuộc cách mạng năm 2011. [13] Quân đội trở thành tổ chức độc lập
đứng trên cả hiến pháp Ai Cập. Tuy được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý
nhưng hiến pháp năm 2014 trao quyền quyết định nhiều hơn cho quân đội so với
các bản hiến pháp trước đó đối với các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia,
ngân sách và tư pháp quân sự. [14] Quân đội không còn được coi là một phần của
nhánh hành pháp mà được xem như một nhánh hoàn toàn tách biệt. [15]
Đặc biệt, Điều 234 của hiến pháp này rất đáng chú ý, khi quy định rằng trong ít
nhất hai nhiệm kỳ tổng thống, bộ trưởng quốc phòng phải được bổ nhiệm sau khi
có sự đồng ý của Thượng Hội đồng Quân lực. Sau đó, dưới sự hậu thuẫn của quân đội,
tướng El-Sisi chính thức đắc cử và trở thành tổng thống thứ sáu của Ai Cập.
Từ khi tiếp quản nhiệm vụ tuần tra đường phố của cảnh sát vào ngày
28/01/2011, quân đội Ai Cập đã bắt giữ gần 12.000 người dân thường và đưa họ ra
trước tòa án binh (military tribunal). [16] Con số này thậm chí lớn hơn tổng số
người dân bị xét xử dưới các phiên tòa quân sự trong suốt 30 năm cai trị của
Mubarak.
Từ năm 2013 cho đến nay, quân đội dưới sự lãnh đạo của El-Sisi đã không
ngần ngại dùng bạo lực để đàn áp biểu tình. Vào tháng 1/2015, ít nhất 17 người
đã thiệt mạng sau khi lực lượng an ninh bắn vào đám đông biểu tình kỷ niệm cuộc
nổi dậy năm 2011 lật đổ Hosni Mubarak. [17] Cơ quan an ninh Ai Cập
đã tiến hành “cuộc truy bắt lớn nhất” dưới thời Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi,
bắt giữ hơn 2.300 người sau loạt biểu tình phản đối chính phủ vào cuối tháng
9/2020. [18]
Không chỉ ở Ai Cập mà gần đây nhất là ở Myanmar, chính phủ mới cũng không
thành công trong việc thuyết phục quân đội chấp nhận tính chính danh của nhà nước
dân chủ. Sự khác biệt về ý thức hệ và mâu thuẫn lợi ích nhóm đã khiến cho các
quốc gia trên trở nên độc tài và chuyên chế hơn so với những gì mà nhân dân và
các nhà hoạt động đã mong đợi khi họ quyết tâm xuống đường, đặt cược cả mạng sống
vào một tương lai dân chủ và tự do.
Nói như vậy không có nghĩa là các cuộc biểu tình và sự hi sinh của quần
chúng là vô nghĩa. Thông qua trường hợp của Ai Cập, học thuyết chủ nghĩa quân đội
xét lại cho ta một cái nhìn khách quan và thực tiễn về mối quan hệ phức tạp giữa
chính trị đối kháng và quá trình dân chủ hóa. Phong trào dân chủ và các cuộc biểu
tình ôn hòa có thể lật đổ chế độ chuyên chế, tuy nhiên cũng dễ dàng tạo nên một
khoảng trống cho những cuộc đấu đá quyền lực giữa chính quyền dân chủ mới và cơ
quan nắm giữ binh quyền.
-----------
Chú
thích
1. Eric A. Nordlinger, Soldiers in Politics: Military Coups and
Governments (Englewood Cliffs, N.J: Pearson College Div, 1976).
2. Guillermo O’Donnell and Philippe C. Schmitter, Transitions from
Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democracies, New
edition (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2013), 62.
3. Bài phân tích dựa trên ý tưởng của các bài nghiên cứu áp dụng lý thuyết
này: Eva Bellin, “The Puzzle of Democratic Divergence in the Arab World: Theory
Confronts Experience in Egypt and Tunisia,” Political Science Quarterly
133, no. 3 (2018): 435–74, https://doi.org/10.1002/polq.12803; Hicham Bou Nassif,
“Coups and Nascent Democracies: The Military and Egypt’s Failed Consolidation,”
Democratization 24, no. 1 (January 2, 2017): 157–74,
https://doi.org/10.1080/13510347.2016.1142533; Hicham Bou Nassif, “Generals and
Autocrats: How Coup-Proofing Predetermined the Military Elite’s Behavior in the
Arab Spring,” Political Science Quarterly 130, no. 2 (June 1, 2015):
245–75, https://doi.org/10.1002/polq.12324; Stephan Roll, “Managing Change: How
Egypt’s Military Leadership Shaped the Transformation,” Mediterranean
Politics 21, no. 1 (January 2, 2016): 23–43, https://doi.org/10.1080/13629395.2015.1081452
4. Roll, “Managing Change.”
5. Nassif, “Generals and Autocrats.”
6. Nassif, 260–61.
7. Để biết thêm chi tiết đọc thêm Eric Trager, Arab Fall: How the
Muslim Brotherhood Won and Lost Egypt in 891 Days, Illustrated edition
(Washington, DC: Georgetown University Press, 2016).
8. Omar Ashour, “Collusion to Crackdown: Islamist-Military Relations in
Egypt,” Brookings (blog), March 5, 2015, https://www.brookings.edu/research/collusion-to-crackdown-islamist-military-relations-in-egypt/
9. Ashour, 21.
10. “Egypt’s Ousted President Morsi Referred to Criminal Court over Dec.
2012 Violence - Politics - Egypt,” Ahram Online, accessed June 28, 2023, https://english.ahram.org.eg/News/80552.aspx
11. Bou Nassif, “Coups and Nascent Democracies,” 166.
12. “Ai Cập: biểu tình lớn chống Morsi,” BBC News Tiếng Việt, June 30,
2013, https://www.bbc.com/vietnamese/world/2013/06/130630_anti_morsi_protest
13. Roll, “Managing Change.”
14. “Fragile Alliances in Egypt’s Post-Revolutionary Order: The Military
and Its Partners,” 1, accessed June 28, 2023, https://www.ssoar.info/ssoar/handle/document/41083
15. Nathan Brown and Dune, “Egypt’s Draft Constitution Rewards the
Military and Judiciary - Carnegie Endowment for International Peace,” accessed
June 28, 2023, https://carnegieendowment.org/2013/12/04/egypt-s-draft-constitution-rewards-military-and-judiciary
16. “Egypt: Retry or Free 12,000 After Unfair Military Trials,” Human
Rights Watch (blog), September 10, 2011, https://www.hrw.org/news/2011/09/10/egypt-retry-or-free-12000-after-unfair-military-trials
17. “At least 17 killed in protests on anniversary of Egypt uprising,” Reuters,
January 26, 2015, sec. Top News, https://jp.reuters.com/article/ozatp-egypt-protests-idAFKBN0KZ0ES20150126
18. “‘Biggest Crackdown’ under Sisi Condemned after Thousands Arrested,”
accessed June 28, 2023, https://www.aljazeera.com/news/2019/10/2/biggest-crackdown-under-sisi-condemned-after-thousands-arrested
Nobel Hòa Bình 2015: Luật sư và xã hội dân sự – những vị
cứu tinh của Tunisia
Mùa xuân Ả Rập dù đạt được một phần những mục tiêu mà người dân nơi này
hướng đến, nó cũng để lại hệ quả….
Hoàng
Thảo Anh - Luật Khoa tạp chí
.
Một tháng kinh hoàng ở Myanmar: Chuyện gì đã xảy ra,
tương lai sẽ thế nào?
Vì sao đảo chính xảy ra? Aung San Suu Kyi giờ ra sao? Tương lai nào cho
cuộc khủng hoảng?
Lee
Nguyen - Luật Khoa tạp chí
.
7 nền dân chủ mới trong “làn sóng dân chủ hóa thứ ba” ở
Đông Á
Trong lịch sử nhân loại, tiến trình dân chủ hóa đã phải trải qua nhiều
giai đoạn. Giai đoạn gần đây nhất được
No comments:
Post a Comment