Tám
tỷ người và tình trạng nhiệt độ trái đất gia tăng
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 17/11/2022 - 14:57
Dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người hôm
15/11/2022, và trong tương lai sẽ tiếp tục tăng. Điều này liệu
có gây ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu ? Đối với các chuyên gia, đòn bẩy
duy nhất để hạn chế sự nóng lên toàn cầu là thay đổi lối sống của chúng ta.
Ảnh minh họa: Một
con phố ở New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, nước sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất
thế giới. AP - Altaf Qadri
Vào tháng 11/2017, lúc diễn ra COP23, hơn
15.000 nhà khoa học đã công bố một « cảnh báo cho nhân loại » trên
tạp chí Bioscience. Văn bản nhấn mạnh rằng « sự gia tăng dân số một
cách nhanh chóng » là một trong những « yếu tố chính
gây ra các mối đe dọa về môi trường và xã hội » đối với loài người.
Năm
năm sau, vào thời điểm COP27 đang diễn ra ở Sharm El-Sheikh, Liên Hiệp Quốc
thông báo rằng dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người, tức là tăng thêm 1 tỷ
người chỉ trong vòng 11 năm qua.
Như vậy là chỉ trong hơn 70 năm, dân số thế giới
đã tăng gấp ba lần (dân số thế giới hồi năm 1950 là 2,5 tỷ người). Theo các dự
đoán, hành tinh chúng ta sẽ có khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050 và khoảng 10,4
tỷ người vào năm 2080, trước khi đà tăng dân số chững lại vào năm 2100. Những dự
đoán này đủ để khơi lại cuộc tranh luận không có hồi kết giữa các chuyên gia về
mối liên hệ giữa dân số gia tăng và suy thoái môi trường.
Jacques Véron, giám đốc danh dự tại Viện
Nghiên cứu Nhân khẩu học Quốc gia (INED) của Pháp, nhắc lại rằng, cuộc tranh luận
này không phải do các nhà nhân khẩu học khơi mào, mà là do các nhà sinh vật học
và vật lý học.
Khó có thể phủ nhận rằng với 8 tỷ người sinh
hoạt, xây nhà, di chuyển xung quanh Trái đất mà không phát thải khí nhà kính.
Theo tính toán của các chuyên gia, dân số thế giới gia tăng khiến lượng khí thải
nhà kính tăng 1,2% mỗi năm từ năm 2010 đến năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng GDP thế
giới cùng thời kỳ là 2,3% mỗi năm. Theo Valérie Golaz, giám đốc nghiên cứu tại
INED, điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tăng trưởng dân số.
Ngoài ra, mọi thứ còn phụ thuộc vào cách sống
của con người hiện tại và trong tương lai, tùy theo vùng. Theo thống kê, một
người Mỹ thải ra trung bình 17 tấn khí CO2 mỗi năm, một người Ấn Độ 1,76 tấn và
một người Ethiopia 0,19 tấn. Cần phải chú ý một điều là những quốc gia có dân số
tăng mạnh nhất cũng là những quốc gia thải ra ít khí nhà kính nhất, đặc biệt là
ở châu Phi.
Nhà nhân khẩu học Gilles Pison, thuộc Viện
Nghiên cứu Nhân khẩu học, nhận định rằng lượng khí thải gây ra sự nóng lên toàn
cầu hiện nay là từ một thiểu số là những người sống ở các nước giàu. Điều đó có
nghĩa là dân số gia tăng không đồng nghĩa với việc Trái đất nóng lên thêm.
Ông Jacques Véron giải thích rằng giải pháp
duy nhất để tránh cho Trái đất nóng lên là điều chỉnh lối sống của các nước
công nghiệp và bảo đảm rằng điều kiện sống được cải thiện ở các nước kém phát
triển mà không làm bùng nổ lượng khí thải nhà kính. Không sinh con nhằm chống
biến đổi khí hậu, như một số thanh niên Mỹ hay châu Âu vẫn làm, không phải là một
giải pháp hữu hiệu đối với các nhà nhân khẩu học. Bà Valérie Golaz cảnh
báo : « Đây không phải là một giải pháp. Nếu vì không có con
mà mọi người đi du lịch hoặc tiêu dùng nhiều hơn thì hậu quả
có thể còn tồi tệ hơn nữa. »
Vì sao dân số
thế giới sẽ ngừng tăng ?
Như đã đề cập ở trên, dân số thế giới có thể sẽ
ngừng tăng vào tầm năm 2100. Nhưng làm thế nào để lý giải hiện tượng này,
khi từ xưa đến giờ dân số thế giới không ngừng tăng ?
Đối với ông Pison, thực tế là dân số thế giới
đạt đỉnh và chững lại vào cuối thế kỷ là hệ quả của các xu hướng đã được các
chuyên gia dự đoán. Họ quan sát thấy rằng mặc dù dân số thế giới vẫn tiếp tục
tăng, nhưng tốc độ giảm dần kể từ 60 năm qua.
Trong nhân khẩu học, tỷ lệ sinh sản tương ứng
với số lượng con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, tỷ
lệ này đang giảm trên toàn thế giới. Ngày nay, phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ có
trung bình 1,5 con mỗi người, so với 1,9 ở châu Á và 1,8 ở châu Mỹ Latinh. Ông
Pison nói : « Ở châu Phi, nếu trung bình mỗi phụ nữ có hơn 4 người
con, thì khả năng sinh sản cũng đang giảm ở đó. Việc hạn chế sinh nở ở
châu Phi cũng đang trở nên phổ biến giống như những nơi khác, mặc dù
tốc độ giảm ở đó không nhanh như những gì được quan sát thấy ở châu Mỹ Latinh
hoặc châu Á khoảng 40 năm về trước. »
Nếu như tỷ lệ sinh đẻ giảm mạnh đã được quan
sát thấy ở một số nước phát triển, thì theo Liên Hiệp Quốc, sự gia tăng dân số
dự kiến trong những thập kỷ tới sẽ tập trung hơn một nửa ở 8 quốc gia, bao gồm
5 nước châu Phi và 3 nước châu Á : Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia,
Nigeria, Tanzania, Pakistan, Ấn Độ và Philippines.
Dân số thế giới
đang già đi
Một lý do nữa khiến dân số thế giới ngừng tăng
là độ tuổi trung bình của dân số Trái đất đang tăng dần. Theo dữ liệu của Liên
Hiệp Quốc, trong khi số lượng người dưới 25 tuổi đã giảm kể từ những năm 1960,
thì những người trên 65 tuổi sẽ tăng mạnh cho đến năm 2060. Do đó, tuổi trung
bình của dân số châu Âu sẽ tăng từ 41 tuổi như hiện nay lên thành 49 tuổi vào
năm 2100.
Tốc độ già hóa của các quốc gia ở châu Á và
châu Mỹ Latinh được dự đoán sẽ diễn ra nhanh hơn. Độ tuổi trung bình của người
dân ở các nước đó, khoảng 25 tuổi vào đầu những năm 2000, theo dự báo sẽ
tăng lên 47 tuổi vào cuối thế kỷ này. Người dân các nước châu Phi vẫn còn tương
đối trẻ. Độ tuổi trung bình ở các nước đó hiện nay là khoảng 19 tuổi, thì dự kiến
sẽ là khoảng 35 tuổi vào năm 2100.
Thay đổi lối sống
để gìn giữ tài nguyên trên trái đất
Khi được hỏi liệu Trái đất có đủ tài nguyên để
nuôi sống một lượng dân số ngày càng tăng hay không, nhà kinh tế học Alban
Thomas thuộc viện Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp (INRAE) đã nhận định rằng Trái đất
có thể nuôi sống 9 hoặc 10 tỷ người. Vấn đề là tài nguyên thiên nhiên hiện
không được phân bổ đồng đều. Cách sinh hoạt như hiện nay, việc con người ăn nhiều
sản phẩm từ thịt có tác động rất lớn đến môi trường. Nếu cứ tiếp diễn, tài
nguyên sẽ sớm cạn kiệt, vì vậy con người phải nhanh chóng thay đổi cách sinh hoạt
như tôn trọng và bảo vệ môi trường, thay đổi cách tiêu thụ thực phẩm...
Nguồn : Franceinfo, La Croix, L’Obs
No comments:
Post a Comment