Tuesday, November 15, 2022

GẬP GHỀNH TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ (Trần Sĩ Giác, RFA)

 



Gập ghềnh trong quan hệ Việt - Mỹ

Bình luận của Trần Sĩ Giác
2022.11.15

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/obstacles-in-vietnam-us-relationship-11152022110909.html

 

Mới đây, báo chí Việt Nam đột ngột đưa ra thông tin sắp tới sẽ có cuộc điện đàm giữa ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) với Tổng thống Mỹ Joe Biden (1).

 

Điều đáng chú ý là thông tin này được phía Việt Nam đưa ra sau chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng không lâu. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/obstacles-in-vietnam-us-relationship-11152022110909.html/@@images/773f4dc0-bbb6-4c08-8858-102ff46bfbfc.jpeg

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) chỉ tay cạnh Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Phnom Penh, Campuchia, hôm 12/11/2022.   AFP

 

Những người thạo tin cho biết là trước chuyến đi của ông Trọng sang Trung Quốc, phía Mỹ cũng có đề nghị một cuộc điện đàm giữa ông Trọng và ông Biden, tuy nhiên Hà Nội đã từ chối. Có lẽ Hà Nội nghĩ rằng, thời điểm trước chuyến đi Trung Quốc là thời điểm nhạy cảm, nên ông Trọng và Đảng của ông ta không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh.

 

Ông Trọng được đánh giá là người thân Trung Quốc, theo báo chí Trung Quốc cho biết, ông đã từng thăm nước này vào các năm 1992, 1997, 2001, 2003, 2007, trước khi trở thành tổng bí thư (năm 2011) (2). Sau khi trở thành Tổng Bí thư thì ông Trọng cũng có chuyến thăm Trung Quốc ngay trong năm 2011. Ngoài ra, ông Trọng cũng có các chuyến thăm khác tới Trung Quốc trong cương vị Tổng Bí thư vào các năm 2015, 2017 và lần này, 2022. 

 

Chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông Trọng được báo chí của Việt Nam và Trung Quốc đưa tin rầm rộ, với rất nhiều ngôn từ sáo rỗng quen thuộc mà hai bên thường hay ưa dùng. Tuy nhiên, trên thực tế thì 13 văn kiện đã được hai bên ký kết nhân chuyến đi này hầu hết mới là Bản ghi nhớ (MOU), điều này cho thấy đây mới chỉ là hành động “nhử mồi” của Bắc Kinh.

 

Nhiều người trong giới ngoại giao Việt Nam sốt ruột khi thấy chính sách ngoại giao “đa dạng hoá, đa phương hoá” đang bị biến chất. Ông Trọng đã từ chối việc điện đàm với ông Biden trước chuyến đi Trung Quốc của mình, ông cũng không gặp bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ, khi bà sang thăm Việt Nam. Thế nhưng, ông rất nhiệt tình với Trung Quốc, cụ thể là rất nhiều lần sang thăm quốc gia này.

 

Mặc dù các lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN luôn tuyên bố là “Việt Nam không chọn bên, chỉ chọn chính nghĩa” (3), nhưng đối với các quốc gia cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam thì không chỉ nghe các tuyên bố, mà còn phải nhìn vào các hành động. Nhìn vào các hành động của các lãnh đạo ĐCSVN có thể thấy, có sự nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/obstacles-in-vietnam-us-relationship-11152022110909.html/nguyenphutrongtapcanbinh2022a.jpeg/@@images/219a6dec-debb-4714-b8d4-4ce5a59a0b36.jpeg

TBT Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị từ TBT Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 31/10/2022. Hình: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

 

Chúng ta còn nhớ năm 2011 khi ông Trọng vừa trúng cử Tổng Bí thư, ông đã có chuyến thăm Trung Quốc, trong chuyến thăm đó, hai bên đã ký kết “thỏa thuận chung về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển" (4). Thế nhưng năm 2014, sau khi ông Tập nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư chưa lâu, thì Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan khổng lồ vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù trong Thoả thuận về nguyên tắc chung giải quyết tranh chấp trên biển có quy định giữa hai Đảng có một đường dây nóng để giúp tháo gỡ các vướng mắc giữa hai bên. Thế nhưng, khi hữu sự năm 2014 đó, phía ĐCSVN đã tìm cách liên lạc qua đường dây nóng, nhưng “điện thoại ngoài vùng phủ sóng, trong vùng phủ phê”.

 

Vẫn biết Việt Nam gặp khó khăn với “lời nguyền địa lý”, khi Trung Quốc luôn là láng giềng của quốc gia này. Không những thế, Trung Quốc còn là “người láng giềng khổng lồ mà xấu tính”, nhưng thân Trung Quốc, hướng về Trung Quốc luôn là xu hướng của ĐCSVN, cho dù Trung Quốc có bội bạc đi chăng nữa. Hiện nay, hai trong tứ trụ đều là những người có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, bao gồm ông Tổng Bí thư Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Phạm Minh Chính được cho là tác giả chính của sáng kiến “Luật Đặc khu” đã bị nhiều người dân phản đối hồi năm 2018 do lo ngại bị Trung Quốc thôn tính. Với quyền lực bao trùm của ông Trọng, ông Chính như hiện nay thì dường như không có tiếng nói khác với chủ trương thân Trung Quốc của hai nhân vật quan trọng trong tứ trụ này.

 

Với xu hướng thân Trung Quốc như vậy thì liệu còn có cơ hội cho quan hệ Việt - Mỹ phát triển, khi Mỹ đã nhiều lần ngỏ ý muốn nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên một tầm cao mới. Thế nhưng, Hà Nội vẫn luôn từ chối.

 

Về quan hệ thương mại Việt - Mỹ, theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt gần 10 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch trong tám tháng đầu năm lên 77 tỷ USD, tăng 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng 24,51%. Tám tháng đầu năm, riêng Hoa Kỳ chiếm tới 30,48% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (5).

 

Về chiến lược, trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây, ông Marc Knapper  - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Biden tin rằng nước Mỹ là một phần của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc can dự vào khu vực này là điều quan trọng vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của nước Mỹ. Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam dựa trên năm trụ cột như thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tăng cường hợp tác an ninh… được thể hiện trong “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được chính quyền Tổng thống Biden công bố. Mỹ mong muốn Việt Nam mạnh hơn, độc lập, thịnh vượng, bảo vệ được chủ quyền và lợi ích của mình (6). 

 

Một số nhà ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định, sự phát triển trong quan hệ Việt - Mỹ không liên quan gì đến Trung Quốc. Nhưng nếu ai chịu khó tìm hiểu sẽ thấy, quan hệ Việt - Mỹ đã thực sự nảy nở sau khi sự kiện Giàn khoan năm 2014, khiến Việt Nam thấy không thể tin tưởng được người anh em “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” này được nữa.

 

Nếu Việt Nam thực sự có chính sách ngoại giao đa phương hoá, đa dạng hoá, độc lập, tự chủ, thì việc Việt Nam duy trì chính sách thân Trung Quốc cũng là một điều có thể chấp nhận được, nhưng vì sao Hà Nội lại không thể nâng cấp quan hệ với Mỹ lên một tầm cao mới, cho dù Mỹ cũng không muốn làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt - Trung. Điều này thật khó trả lời.

______________

 

Tham khảo:

1. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-tong-thong-hoa-ky-joe-biden-1022211122348432.htm

 

2. https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_20511687?fbclid=IwAR0AgQyLODqe7ZlrCKrqFXt6ERAx8FcA_eg-q8E-4_TxWJ9sVmeihO_9GKo

 

3. https://thanhnien.vn/viet-nam-khong-chon-ben-ma-chon-chinh-nghia-post1457761.html

 

4. https://vneconomy.vn/techconnect/viet-trung-thoa-thuan-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien.htm

 

5. https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-sang-hoa-ky-tang-hon-15-ty-usd-167081.html

 

6. https://mainichi.jp/english/articles/20220926/p2a/00m/0in/019000c

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.





No comments: