Con đường dẫn tới một cuộc tổng khủng
hoảng
Thứ Hai, 11/14/2022 - 13:00
— nguyenvubinh
https://www.rfavietnam.com/node/7412
Trong thời gian gần đây, đã xảy ra một số hiện
tượng có thể coi là chỉ dấu của một cuộc tổng khủng hoảng kinh tế. Trước hết,
hàng loạt công ty gặp khó khăn về đơn hàng, dẫn tới sa thải công nhân, một số
công ty giãn ca chia đều việc cho công nhân. Hệ thống ngân hàng bắt đầu xuất hiện
tình trạng không thanh toán được cho người gửi tiền. Ngân hàng thương mại Sài
Gòn (SCB) đã bị đưa vào tình trạng theo dõi đặc biệt. Mấy chục ngàn người thường
xuyên đến ngân hàng yêu cầu ngân hàng chịu trách nhiệm vì đã tư vấn cho họ mua
trái phiếu của các công ty không còn khả năng thanh toán. Ngân hàng Sacombank,
Viettinbank cũng bắt đầu có người kéo tới căng băng rôn đòi tiền… thị trường chứng
khoán giám xuống dưới 1000 điểm, và đang còn giảm tiếp. Lý do những hiện tượng
này là chỉ dấu cho cuộc tổng khủng hoảng là bởi các nguyên nhân gây ra các hiện
tượng trên vẫn đang tồn tại, và còn rất nhiều các vấn đề, các đơn vị tương tự
chưa bị phát hiện và chưa được công khai.
Trong bài viết cách
đây ít lâu “Những yếu tố cơ bản kìm hãm nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh
doanh của người dân” chưa đề cập tới việc một nền kinh tế bất bình thường như của
Việt Nam khi nào sẽ xảy ra khủng hoảng, và mức độ cuộc khủng hoảng sẽ ra sao.
Bài viết này chính là nói về con đường dẫn tới tổng khủng hoảng, khi các yếu
kém nội tại của nền kinh tế gặp phải những biến cố bất thường cả trong và ngoài
nước.
Trong bài viết nêu
trên, khi chúng ta nói nền tảng của nền kinh tế lệch lạc, biến dạng cùng ba yếu
tố thuế phí quá cao và vô lý; các quy định không thực tế và vô lý; tình trạng
sách nhiễu của quan chức ngành và địa phương… chúng ta cần hiểu rằng, nếu doanh
nghiệp làm đúng theo các quy định của ngành, của pháp luật, và kinh doanh trung
thực thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại trong nền kinh tế hiện nay. Vậy
nhưng đã có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang tồn tại, vậy họ tồn tại bằng cách
nào? Theo suy nghĩ của tôi, có ba yếu tố mà các doanh nghiệp ít nhiều đều phải
thực hiện: đó là vi phạm các quy định, vi phạm pháp luật; thông tin khai báo giả,
gian dối; sản xuất hoặc kinh doanh hàng giả. Chúng ta từng nghe nói, hầu như
100% doanh nghiệp ở Việt Nam đều trốn thuế, đó là sự thật chứ không phải tin đồn.
Tất nhiên, người ta nói bao giờ cũng là số lớn tương đối, chứ không phải con số
tuyệt đối. Tiếp đến, các doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, ví dụ như doanh nhân
“Khải silk” đã mua những khăn lụa của trung quốc với giá 20-30 nghìn đồng, dán
nhãn mác Việt Nam bán với giá hơn một triệu đồng. Có doanh nghiệp còn mua cả ô
tô của trung quốc, dán nhãn Việt Nam bán ra thị trường… nhưng khi thông tin rộng
mở, phương thức làm ăn kiểu này đã phải hạn chế và chấm dứt vì người dân
đã tự mua hàng thông qua mạng internet, các phương thức bán hàng online xuyên
quốc gia.
Tuy nhiên, còn một
phương thức mà nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều tập đoàn áp dụng, mà chính phương
thức này đã làm cho nền kinh tế sôi động, thị trường nhà đất, bất động sản sôi
động, thị trường chứng khoán bùng nổ. Cũng chính phương thức này, khi đang áp dụng
gặp phải các biến cố lớn, bất khả kháng sẽ dẫn tới một sự sụp đổ không thể
tránh được, không thể cứu được. Phương thức này có lẽ bắt nguồn từ việc các
công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Một công ty, với một phương án
kinh doanh và một mức lợi nhuận hứa hẹn, với số vốn rất khiêm tốn, đã tăng bùng
nổ về lượng vốn khi phát hành cổ phiếu doanh nghiệp. Phương thức huy động vốn
này là một sáng tạo của con người trong lịch sử, nhưng nó phải được kiểm soát
vô cùng chặt chẽ nếu không sẽ dẫn tới sự lừa đảo khủng khiếp. Nó là một phương
thức huy động vốn dựa vào niềm tin mà nhà đầu tư và người dân gửi gắm. Chúng ta
thử hình dung phương thức này đưa vào nền kinh tế việt Nam?!? Kết quả chúng ta
đã thấy, doanh nghiệp của FLC “Cáo buộc của Bộ Công an được truyền thông trong
nước trích dẫn cho rằng ông Quyết đã tăng vốn điều lệ khống của Công ty cổ phần
Xây dựng FLC, Faros, từ 1,5 tỷ đồng lên 4,300 tỷ đồng để phát hành 430 triệu cổ
phiếu. Theo Bộ Công an, hành vi “lừa đảo” này đã chiếm đoạt trên 6.400 tỷ đồng
của nhà đầu tư.” (VOA online ngày 29/8/2022). Chưa kể các hành vi thao túng thị
trường chứng khoán bằng cách tạo nhiều tài khoản chứng khoán giả, câu kết với
công ty chứng khoán để làm giá… chưa hết.
Phương thức lừa đảo dựa
vào niềm tin này còn được các doanh nhân Việt nam sáng tạo áp dụng vào thị trường
nhà đất và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bằng cách đưa người dân và ngân
hàng các con số của tương lai khi các dự án chung cư, khu đô thị hoàn thành,
các tập đoàn đã huy động vốn của người dân và ngân hàng để triển khai các dự
án. Khi các dự án gặp khó khăn, họ lại làm thêm các dự án mới để lấy tiền trả
cho các dự án còn dang dở hoặc chưa hoàn vốn. Vòng quay cứ mãi xoay vòng cho đến
khi không huy động hoặc vay được vốn nữa. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu
cũng tương tự. Khi phát hành qua kênh chính thức là thị trường chứng khoán, nếu
không thông đồng được với quan chức quản lý thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn
vì sự kiểm soát rất ngặt nghèo, họ chuyển sang phát hành qua đại lý, và thông
qua các ngân hàng để dụ dỗ khách hàng chuyển từ gửi tiết kiệm ngân hàng sang
mua trái phiếu doanh nghiệp. Đây chính là câu chuyện của ngân hàng SCB đã đề cập
ở trên. Vấn đề là không chỉ có một tập đoàn gian dối lừa đảo, không chỉ có một
ngân hàng bị khui ra khi dính dáng tới doanh nghiệp lừa đảo, mà tất cả các ngân
hàng, tất cả các tập đoàn đều áp dụng phương thức huy động vốn bằng niềm tin (lừa
đảo) như vậy “tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng
3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.” – (VnEconomy online ngày 15/11/2022).
Tóm lại, khi chưa có các biến cố xảy ra, vòng quay của các tập đoàn, doanh nghiệp,
ngân hàng vẫn quay đều và vui vẻ.
Đang vui thì đứt dây
đàn. Đại dịch covid-19 là đòn nặng đầu tiên giáng vào các doanh nghiệp và nền
kinh tế. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu đứt
gãy, các đơn hàng đứt gãy. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề và lâu dài chứ không
phải ngày một ngày hai. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục tăng lãi suất,
giá đồng đô la tăng cao, nhà nước Việt Nam lo ngại lạm phát đã tăng lãi suất tiền
gửi, siết tín dụng, một đòn không nhẹ giáng vào các doanh nghiệp, nhất là các
doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đòn thứ ba, bắt giam, khởi tố các lãnh đạo
tập đoàn lớn và khui ra toàn bộ phương thức làm ăn lừa đảo, chụp giật của các đại
gia. Đây là đòn nặng nhất, vì phơi bày toàn bộ phương thức làm ăn, cách thức vận
hành của nền kinh tế, dẫn tới người dân hoàn toàn mất niềm tin vào hệ thống
kinh tế hiện hành. Sự mất niềm tin còn sâu sắc hơn vì nhà cầm quyền tịch thu
tài sản của đại gia làm ăn bất chính nhưng hoàn toàn không đoái hoài gì đến quyền
lợi của người dân mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, và tiền mua đất đai
nhà cửa của người dân.
Xét đến cùng, các tập đoàn
cũng là mô phỏng phương thức làm ăn của nhà nước, của nền kinh tế. Vay của người sau trả cho người trước đã duy trì sự tồn tại của nền
kinh tế mấy chục năm qua. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới
chao đảo, khốn khó thì những nền kinh tế “ăn đong” làm sao có thể tồn tại nổi.
Con đường của các đại gia và nền kinh tế không khó để hình dung, chỉ có điều, đến
tận bây giờ mới có biến cố cũng là điều ít ai nghĩ tới./.
Hà Nội, ngày 25/11/2022
N.V.B
No comments:
Post a Comment