Đại
biểu Quốc hội nên cân nhắc “biểu quyết thông qua” dự thảo Nghị định được cảnh
báo sẽ thất bại
Phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2022.11.14
Dự thảo Nghị định về “thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô
thông qua đấu giá” được trình lên Quốc hội khoá 15 tại Kỳ họp thứ tư đang diễn
ra tại Hà Nội. Từ đầu tháng 11/2022 đã có nhiều ý kiến khác nhau của các Đại biểu
QH, nhưng đến ngày 7/11/2022, dưới sự điều hành của ông Phó chủ tịch Quốc hội,
ĐBQH vẫn tiếp tục tranh luận tại hội trường: “Giá khởi điểm thế nào là hợp lý?”
Ngày 11/11 ông Tổng thư ký QH đã báo cáo tổng hợp ý kiến, theo đó có 121 đại biểu
nhất trí ban hành Nghị quyết, nhưng một số ý kiến cho rằng cần làm rõ “biển số
đẹp là gì”, cần có danh mục “biển số độc, lạ”… Dự kiến chiều 15/11, Quốc hội sẽ
biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Thất bại
Quốc hội thảo luận về một loại chính sách mà các chuyên gia đang cảnh báo
về sự thất bại của nó. Lý do đề xuất dự thảo Nghị định này là việc đấu giá ‘biển
số xe đẹp’ được Cục Cảnh sát Giao thông đề xuất từ năm 1993 nhưng bế tắc vì Luật
Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Một vài địa
phương cấp tỉnh "vượt rào" tổ chức đấu giá đã thu về hàng tỷ đồng để
“hỗ trợ người nghèo” nhưng đã bị "tuýt còi" bởi “không có căn cứ pháp
lý triển khai”. Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an
và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc
gia (dichvucong.gov.vn)…
Sự thất bại của nghị quyết được cảnh báo bởi các căn cứ chủ yếu dưới đây:
Một là, biển số “đẹp” là một cảm quan, cách hiểu lệch lạc chịu ảnh hưởng
bởi tàn dư văn hoá lạc hậu.
GS. Trần Ngọc Vương viết trên Facebook của mình là “một loại sản phẩm do
mê tín, dị đoan mà có”. Từ một tấm biển bằng kim loại với các ký tự và con số để
phân biệt các phương tiện cơ giới khác nhau nhằm mục đích quản lý nhà nước,
nhưng một số biển số với sự sắp xếp của các con số theo ‘quy luật’ nào đó như
dãy số “tiến” hay các con số 6, 8 hay 9 được cho là “đẹp”. Chúng đã được các cơ
quan chức năng “cấp” cho những chiếc xe ô tô của các lãnh đạo cao cấp hay của
các “đại gia” và con cháu họ, “giới có quyền và có tiền”. Như vậy, chính quyền
đã cố tình tiếp tay “tâm linh hoá” cho các biển số “đẹp” này. Lưu ý rằng hiện
tượng này đã diễn ra phổ biến và “cộng hưởng” trong bối cảnh khủng hoảng niềm
tin trong xã hội và về thể chế, đặc biệt trong thập kỷ bất ổn từ những năm
2010. Như đã biết, trong giai đoạn này hàng năm cả nước thường có trung bình
khoảng chín nghìn lễ hội, trong nhiều số đó người ta cầu tránh “tai ương”, xin
“tài lộc” và “thăng quan”. Lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định là một điển hình bị
“lên án!”
Hai là, những lý do mà cơ quan dự thảo nghị định trình Quốc hội mang tính
biện minh thay vì “vấn đề chính sách”, chẳng hạn theo Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật năm 2016.
Trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường, sự việc dường như “tồi tệ hơn”
khi những chiếc biển số xe ô tô “đẹp” ngày càng trở nên có giá và vẫn được gắn
cho đối tượng trên, mà dư luận từng đúc kết, theo ưu tiên “nhất quan hệ, nhì tiền
tệ”. Các nhà chức trách gọi đó là biểu hiện “tinh vi” của các hiện tượng tiêu cực,
nhưng đã “không thể” phát hiện và trừng phạt. Và, giải pháp ngăn ngừa “nửa vời”
đã được thí điểm là bốc thăm “ngẫu nhiên” trên máy tính nhưng đã thất bại. Hơn
thế, một số địa phương tỉnh “vượt rào” lại được coi là có “thành tích” thu hàng
tỷ cho ngân sách để “xoá đói giảm nghèo!” Hơn thế, khái niệm “thị trường” đang
bị diễn giải sai lệch. Đấu thầu nói chung và “đấu giá” biển số xe cơ giới, về
hình thức, là một công cụ thị trường, nhưng liệu có thể xác định được “thị trường”
của những người tham gia đấu giá. Hơn thế, việc tổ chức đấu giá có thể dễ dàng
bị vô hiệu hoá bởi những quan chức thực thi trong môi trường chính trị thiếu vắng
cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả khiến quyền lực của họ bị tha hoá, biến chất.
Thực tế đã được kiểm chứng và phản ánh thẳng thắn trên truyền thông. Chẳng hạn,
“Những vở kịch “quân xanh quân đỏ” chính là những “mỏ” tiêu cực trong đấu thầu
(Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 8/11/2022) hay “Năm chiêu trò phổ biến lách luật
trong đấu thầu” (Báo Tiền Phong ngày 8/11/2022)…
Người đi xe máy đi qua một tấm biển quảng cáo xe hơi
đắt tiền trên đường phố Hà Nội hôm 4/7/2012.
“Quyền lựa chọn”
Vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng dành cho các Đại biểu Quốc hội: Biển số
đẹp là gì? Tài nguyên này quản lý thế nào? Bài học về thu ngân sách qua đấu giá
biển số đẹp để xoá đói giảm nghèo thế nào? Như thế nào là giá khởi điểm “hợp
lý”? Dự kiến tiền thu thêm và phân bổ sử dụng ngân sách từ nguồn này? Sự biện
minh cho cách làm này liệu đang che đậy một cơ chế kiểm soát quyền lực, trong
đó yêu cầu công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình là bắt buộc với công
chức trong thực thi công vụ?... Nếu không thể có được câu trả lời thoả đáng thì
sự thất bại của Nghị quyết được cảnh báo!
Thực tế chỉ ra rằng việc cấp các biển số đẹp cho “giới có quyền và có tiền”
dần dần đã phơi bày sự bất bình đẳng giữa các đối tượng tham gia đấu giá. Mục
đích của chính sách công loại này nói chung và Nghị định này nói riêng phải là
quyền lựa chọn biển số của các chủ sở hữu phải được tôn trọng bình đẳng. Suy
cho cùng, họ phải được tự do lựa chọn các con số trong khuôn khổ mà chính quyền
quy định nhằm mục đích quản lý nhà nước.
Các ĐBQH không nên biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết này vì sự thất
bại của nó là rõ ràng. Trong trường hợp này các vị ĐBQH cần đặt việc thực hiện
nghĩa vụ là người đại diện thực sự cho dân lên trên “thói quen” chấp hành nhiệm
vụ hay chủ trương của Đảng, chính quyền. Trong kỳ họp nào người dân cũng kỳ vọng
về năng lực đại diện của từng nghị sĩ và của Quốc hội nói chung cần được nâng
lên. Ý kiến gây “shock” của ĐB Lê Thanh Vân tại kỳ họp này rằng: "Cầm giấy
ê a đọc, mỗi người đi một hướng" sao gọi là thảo luận Quốc hội? (Báo Dân
Trí, ngày 02/11/2022) cũng là mong muốn chất lượng Quốc hội nói chung và năng lực
của từng ĐBQH cần phải cải thiện.
Biết rằng sự thay đổi của các ĐBQH cần có thời gian, nhưng vấn đề là cấp
thiết. Thay cho lời kết xin chia sẻ ý kiến của GS. Vương trên Facebook của ông
ngày 8/11 mới đây rằng ông đã gửi thư cho ông Chủ tịch Quốc hội đề nghị thôi
bàn chuyện đấu giá biển số xe, nhưng không hiểu sao “mấy hôm lại tiếp tục
bàn chủ đề này? Phải chăng sự vô lý ở tầm vĩ mô, tầm nhận thức lý luận cơ bản,
nền tảng ý thức hệ, thể hiện như đã từng, còn chưa đủ? Tìm kiếm cách tăng thu
cho ngân sách bằng việc kinh doanh, đấu giá một loại sản phẩm do mê tín, dị
đoan mà có, là điều mà một quốc hội của một nhà nước vô thần, thế tục quyết
không được làm!”
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do.
No comments:
Post a Comment