Posted on 08/08/2017
Một trong những lý do quan trọng có thể giúp giải
thích phản ứng có phần gay gắt của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh là hồ
sơ xin tị nạn chính trị của Thanh tại Đức vẫn đang được xử lý.
Theo các luật
sư đại diện cho ông Thanh, ngày 24/7/2017, đáng lẽ ông phải có mặt tại
buổi làm việc cùng các luật sư và nhân viên Văn
phòng Tị nạn và Di trú của Đức. Vì ông ta vắng mặt mà không thông báo
cũng như không ai liên lạc được với ông, các luật sư đã báo cáo vụ việc với cảnh
sát Berlin.
Hơn một tuần sau đó, chính phủ Đức thông báo với
truyền thông quốc tế về vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh tại
Berlin.
Theo quan điểm của chính phủ Đức, sở dĩ họ yêu cầu
Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh là vì họ đang tiến hành đúng thủ tục
pháp lý của một hồ sơ tị nạn chính trị.
Chính phủ Đức không ban cho ông Thanh một đặc quyền
nào, cũng không tỏ vẻ sẽ giúp ông Thanh khỏi bị dẫn độ. Ngược lại, họ xác
nhận là đã hướng dẫn phía Việt Nam các thủ tục pháp lý liên quan đến
việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Để hiểu rõ hơn khía cạnh pháp lý của vụ việc, chúng
ta có thể tìm hiểu sơ lược về quyền của một người xin tị nạn chính trị trên thế
giới nói chung và tại Đức nói riêng.
Quyền
xin tị nạn chính trị cho dù đang bị truy nã
Trước hết, chúng ta cần lưu ý, một người vẫn có
quyền xin tị nạn chính trị ở một nước khác khi đang bị chính quốc gia của mình
truy nã.
Vụ án chính trị nổi tiếng trong những năm gần đây
liên quan đến Edward Snowden,
cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security
Agency – NSA), là một ví dụ.
Năm 2013, Edward Snowden đã sao chép hàng loạt tài
liệu mật của NSA và tiết lộ cho báo chí tại Hong Kong. Anh lý giải động cơ của
việc này là để cho công chúng Mỹ biết rằng chính phủ Mỹ đang theo dõi và thu thập
thông tin riêng tư của công dân một cách tràn lan. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ quyết định
khởi tố anh ta với ba tội danh.
Trên đường chạy trốn, Snowden bay tới Nga thì hộ chiếu
bị vô hiệu hoá, không thể đi đâu tiếp và phải xin tị nạn chính trị ở Nga. Dù đứng
trước rất nhiều áp lực từ Mỹ, Nga vẫn cấp quy chế tị nạn chính trị cho Snowden.
Có thể nói rằng, cách mà chính phủ Nga dùng để xử lý
hồ sơ xin tị nạn của Edward Snowden không khác với những gì chính phủ Đức đã và
đang làm trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Đó là chưa kể, luật về tị nạn chính trị của Đức còn
có thêm một tầng bảo vệ dành cho những người đào tị.
Edward Snowden hiện vẫn đang tị nạn chính trị tại Nga. Ảnh: Mirror.
Luật
tị nạn chính trị (political asylum) của Đức có gì đặc biệt?
Theo Bộ Ngoại giao Đức, quyền của người tị nạn tại
đây là một quyền Hiến định. Điều 16a của Hiến
pháp Đức ghi rõ, những người bị đàn áp vì những lý do chính trị
có quyền được tị nạn.
Vì vậy, quyền được tị nạn ở Đức không phải chỉ dựa
vào Công
ước về vị thế người tị nạn 1951 mà họ đã tham gia, mà hơn thế, quyền
này còn được Hiến pháp quy định là một quyền
căn bản, giúp bảo vệ nhân phẩm của những người tị nạn một cách trọn vẹn nhất.
Rất nhiều người đã thắc mắc, đâu là cơ sở pháp lý để
Thanh có thể xin tị nạn chính trị tại Đức?
Dựa theo lời của một trong các luật sư đại diện cho
Trịnh Xuân Thanh, bà Petra
Isabel Schlagenhauf, thì có vẻ như ông Thanh sử dụng một lập luận tương tự
như lập luận của Edward Snowden.
Trong cả hai vụ việc này, các đương sự đều đưa ra lý
do là một khi bị dẫn độ về nước thì họ sẽ không được xét xử công bằng. Và khung
hình phạt mà họ phải đối diện có thể là rất cao, có khi là án tử hình. Cần nhớ
rằng, Đức và 27 nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU) đã bãi bỏ án tử hình.
Nếu các quốc gia đang xét duyệt đơn xin tị nạn cũng
đồng ý rằng, quyền được xét xử công bằng của những người này sẽ không được đảm
bảo một khi bị trao trả, thì họ có cơ hội được tị nạn. Chúng ta có thể thấy lập
luận này đã được chính phủ Nga chấp nhận trong vụ việc Edward Snowden và cho
phép anh ta tị nạn chính trị từ tháng 8/2013 đến nay.
Một khi đã nộp đơn xin tị nạn chính trị, những người
như Edward Snowden hay Trịnh Xuân Thanh vẫn được luật quốc tế và luật về quyền
tị nạn của nước sở tại bảo vệ. Cho dù là họ đang bị truy nã với những tội danh
hết sức nghiêm trọng, thì các quyền của họ vẫn cần phải được thực thi. Đây cũng
chính là lập trường của chính phủ Đức trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh.
Đức
tôn trọng pháp luật nước bạn khi họ là phía cần dẫn độ đối tượng bị truy nã
Lập trường của chính phủ Đức cũng không thay đổi khi
chính họ cần dẫn độ đối tượng bị truy nã hiện đang sinh sống tại một nước khác.
Chúng ta có thể điểm lại một vụ việc mà nước Đức đã
chứng minh là họ tuyệt đối tuân thủ pháp luật nước khác, mặc dù nó có thể khiến
họ tốn nhiều thời gian và công sức để có thể dẫn độ một tội phạm bị truy nã.
Cựu sĩ quan quân đội Nazi Johann (John) Breyer, người bị cáo buộc đã tham
gia sát hại người Do Thái tại trại tập trung Auschwitz. Ảnh: blesk.cz
Trong vòng 14 năm, chính phủ Đức đã phải trải qua rất
nhiều thủ tục pháp lý để đề nghị Hoa Kỳ cho phép họ dẫn độ Johann
(John) Breyer – một cựu quân nhân Đức Quốc Xã.
Breyer bị chính phủ Đức cáo buộc là đã trực tiếp
tham gia vào những vụ sát hại người Do Thái tại trại tập trung Auschwitz trong
Thế chiến thứ Hai. Theo cáo trạng của chính phủ Đức, Breyer có liên đới đến 158
vụ việc và phải đồng chịu trách nhiệm với cái chết của 216.000 người Do Thái.
Năm 2003, một tòa án Mỹ đã tuyên phán không thể dẫn
độ Breyer về Đức vì bằng chứng cho thấy ông ta chỉ là một người lính canh gác tại
trại Auschwitz, chứ không tham gia vào việc sát hại người Do Thái tại đó.
Thế nhưng, chính phủ Đức vẫn kiên trì tìm kiếm thêm
chứng cớ, cũng như hợp tác với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để đưa Breyer trở lại tòa.
Tháng 7/2014, với các bằng chứng mới, việc dẫn độ Breyer được xem là sắp hoàn
thành. Đáng tiếc là ngay sau phiên toà, Johann (John) Breyer đã qua đời ở tuổi
89.
***
Trở lại hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh, phía Đức khẳng định,
họ đã có những bằng chứng vững chắc cho thấy ông Thanh đã bị nhân viên của Đại
sứ quán Việt Nam bắt cóc. Họ cũng nói thêm, phía Đức không
chấp nhận cách hành xử của phía Việt Nam trong vụ việc này, mà họ miêu
tả là hệt như kiểu các bộ phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoài việc đưa ra yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả
ông Thanh về lại Berlin để phía Đức có thể tiếp tục xử lý hồ sơ xin tị nạn
chính trị của ông ta, chính phủ Đức cũng tỏ rõ là họ sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ
của Việt Nam.
Mặc dù giữa Việt Nam và Đức vẫn chưa
có thỏa thuận về việc dẫn độ (extradition) công dân, Bộ Ngoại giao Đức
từng tuyên
bố với báo chí ngày 3/8/2017 rằng, chính phủ Đức đã hướng dẫn phía Việt
Nam về các thủ tục pháp lý cho việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Họ còn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc
đến việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị
Thượng đỉnh G20 vào tháng trước.
Vậy nên, chúng ta có thể hiểu vì sao chính phủ Đức lại
đưa ra những lời tuyên bố có phần gay gắt về vụ việc Trịnh Xuân Thanh, khi mà,
dựa trên những bằng chứng họ đưa ra, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng
các cơ chế của pháp luật Đức và luật quốc tế để dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Tài
liệu tham khảo:
----------------------------------
XEM
THÊM :
Posted on 07/08/2017
No comments:
Post a Comment