Posted on 16/08/2017
Hàng triệu độc giả của báo chí và cộng
đồng mạng đang theo dõi vụ “tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí
Cai Lậy”, với cả sự hồi hộp lẫn thích thú. Vụ Cai Lậy sau này chắc
sẽ còn được kể lại nhiều lần như một chuyện vui. Nhưng còn hơn thế
nữa: Những người lái xe dùng tiền lẻ đóng phí đã mang đến cho chúng
ta một ví dụ tuyệt vời về phản kháng dân sự phi bạo lực, “hay lắm,
đẹp lắm, có thể viết thành sách”.
Cảnh thu tiền lẻ ở BOT Cai Lậy. Ảnh: Người Lao Động.
Bản chất của vụ dựng chốt thu phí ở BOT Cai
Lậy là Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (Giám đốc: Nguyễn Phú
Hiệp) lập một trạm thu phí trên Quốc lộ 1. Trước đây, họ đã đầu tư
theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) tuyến đường
tránh 12 km thuộc thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, thay vì đặt trạm thu phí
ở đường tránh thì công ty lại “xếp nhầm” nó vào Quốc lộ 1, khiến
cho ngay cả những người không sử dụng đường tránh mà đi qua Quốc lộ 1
cũng phải nộp tiền. Và vì Quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch
với hàng chục nghìn lượt xe qua lại mỗi ngày, việc chặn đường thu
phí như vậy bảo đảm nhà đầu tư không để lọt “con mồi”, ngược lại,
thu được số tiền vô cùng lớn: Mỗi xe đi qua, tối thiểu cũng phải nộp
35.000 đồng/lượt (xe bốn chỗ), tối đa lên tới 180.000 đồng/lượt (xe
container).
Hai điều khiến các lái xe phẫn nộ là trạm
bị đặt sai chỗ và mức phí quá cao. Thứ nhất là trạm nằm trên quốc
lộ nên kể cả người không sử dụng đường tránh cũng phải đóng tiền.
Thứ hai là mức phí bất hợp lý. Anh Vũ Huy Hoàng, một tài xế 45
tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Một tuyến đường tránh chỉ dài 12 km
mà áp phí gần bằng đường cao tốc Trung Lương 50 km. Tôi lái xe bốn
chỗ vào đường cao tốc Trung Lương, mất 40.000 đồng, mà qua Cai Lậy mất
35.000 đồng”.
“Bên công ty đầu tư lý giải là ngoài làm
đường tránh, họ còn “tăng cường mặt đường” 26 km trên Quốc lộ 1 nữa.
Thật ra họ chỉ phủ nhựa một số chỗ, dặm vá lại một số ổ gà và
sơn phết lại vài cây cầu. Trong khi đó, đúng ra, Quốc lộ 1 phải được
tu sửa bằng tiền ngân sách nhà nước, trong đó có khoản phí cầu
đường mà các xe h
Lâu nay, tình trạng lập trạm bừa bãi (đường
một nơi, trạm một nẻo) để thu phí BOT và nạn phí chồng phí đã xảy
ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Nhưng chỉ đến khi các lái xe nhìn
ra được những điều bất hợp lý đó, phản kháng dân sự mới bắt đầu.
Tháng 4/2017, hàng trăm tài xế điều khiển xe
di chuyển với tốc độ rùa bò qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 (Nghệ
An), gây ách tắc giao thông. Còn “chiến dịch tiền lẻ” ở Cai Lậy mở
màn vào khoảng ngày 1/8/2017.
Bài
học đầu tiên: phải hiểu biết
Trả lời câu hỏi, “vì sao các trạm BOT khác
không có vấn đề gì mà Cai Lậy mới lập được hơn một tuần đã có
chuyện”, anh Vũ Huy Hoàng nhận định: “Quan trọng là bây giờ tài xế
bắt đầu nhìn nhận được những bất công, bất hợp lý trong chính sách
rồi. Người ta có nhận thức hơn rồi. Vụ Cai Lậy này, tôi nghĩ là có
“học tập kinh nghiệm” từ vụ cầu Bến Thủy”.
Kinh nghiệm đó đã từng được chia sẻ mạnh trên
mạng xã hội, trong những nhóm Facebook của các tài xế.
Ba ngày đầu tiên (1-3/8), theo phản ánh của nhà
đầu tư, có bảy xe “dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng vo tròn để
trong chai nhựa, túi nhựa hoặc đưa từng tờ tiền lẻ rồi buộc nhân viên kiểm đếm
lại nhiều lần” (Thanh Niên, 5/8/2017).
Những tờ tiền lẻ tưởng như chẳng có mấy giá trị nhưng nay đã trở thành
trung tâm của câu chuyện. Ảnh: Người Lao Động.
Trạm thu phí phản ứng ngay: Hễ xe nào đi qua
mà có hiện tượng trả tiền lẻ thì nhân viên thu phí nhấn nút, còi
hụ ầm ĩ lên và lập tức có người của trạm vác máy ra quay phim,
chụp hình xe đó, ghi biển số lại. Ngày 7/8, trả lời phỏng vấn báo
Infonet, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Công ty Luật IPIC – nhận định rằng hành
vi bỏ tiền lẻ vào chai nhựa, gây ùn tắc giao thông, là có dấu hiệu
của tội gây rối trật tự công cộng và có thể bị phạt tù 2-7 năm.
“Thật ra lúc ấy anh em cũng hoang mang” – anh
Hoàng kể. “Nhưng rồi có người có ý kiến là việc gì pháp
luật không cấm thì ta có quyền làm, mà chưa có văn bản nào cấm sử
dụng tiền lẻ cả, đừng nghe hù dọa. Thế là anh em vững dạ làm
tới thôi”.
“Hôm đầu tiên còn ít xe dùng tiền lẻ thì
trạm đối phó bằng cách cho các xe trả tiền lẻ đi vào len (lane – làn
đường) dự phòng, đứng ở đó chờ nhân viên trạm ra đếm tiền. Qua ngày
thứ hai, thứ ba, nhiều người hưởng ứng hơn, rồi đông quá, không đủ len
dự phòng nữa, trạm đành chịu. Thế rồi nghẽn hết cả, nhiều lúc
trạm phải xả cửa, không thu tiền, cho xe qua miễn phí để giải tỏa
ách tắc”.
Các tài xế cũng không nhét tiền vào chai
nhựa nữa mà đưa cả bó. VnExpress ghi lại, chiều 9/8, có khoảng 10 xe
trả tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng khi qua trạm BOT Cai Lậy, gây ùn
tắc kéo dài tới 4km.
Có thể thấy ngay bài học đầu tiên mà các
“tài xế tiền lẻ” ở Cai Lậy đem đến, là phải hiểu biết: nhận ra
những điều bất hợp lý, hiểu quyền của mình, hiểu mình không sai,
hiểu cái nguyên tắc cao nhất của pháp luật là người dân được làm
mọi thứ pháp luật không cấm.
Bài
học thứ hai: Bắt đầu từ việc nhỏ
Phong trào Otpor! (có nghĩa là “phản kháng”)
ở Serbia để lại một nguyên tắc đấu tranh quan trọng: Bắt đầu
từ những công việc nhỏ, có vẻ ít tính chính trị, ít nhạy cảm, ít
nguy hiểm nhất, sao cho ai cũng có thể làm được. Và đó nên
là những việc vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc gia.
Tuần hành đến Bộ Giao thông – Vận tải, ủy ban
nhân dân địa phương để phản đối các trạm thu phí “nằm sai chỗ”, hoặc
quyết liệt từ chối nộp phí, thì không phải ai cũng dám làm ngay vì
rất dễ bị quy chụp là chống phá nhà nước. Nhưng giảm tốc độ, đi xe
thật chậm, nộp tiền lẻ khi qua trạm thu phí, như các tài xế đi qua
trạm cầu Bến Thủy, Cai Lậy đã làm, gây tắc nghẽn hay là “ùn ứ” theo
cách gọi lâu nay của ngành cảnh sát giao thông, thì là việc đúng
luật và không có gì nguy hiểm, theo nghĩa là chẳng có lý do gì để
bị đàn áp. Tài xế nào cũng có thể tham gia.
Nói cách khác, hành động nộp tiền lẻ là
một cách gây khó khăn cho những kẻ bóc lột, nhưng nó lại vẫn là việc
chấp hành luật pháp. Vì thế, nó đặt kẻ bóc lột vào tình cảnh
“tức tối nhưng không làm gì được”. Cùng lắm thì nhà đầu tư chỉ có
thể làm đơn cầu cứu công an. Nhưng công an cũng bị đặt vào thế lưỡng
nan: Trấn áp cũng dở (vì không có cớ, và dễ đổ thêm dầu vào lửa
phẫn nộ của cư dân mạng), mà không trấn áp cũng dở (các lái xe cứ
tiếp tục làm tới).
Bài
học thứ ba: Thu hút dư luận ủng hộ
Mặc dù là hành động phản kháng (vốn dĩ bị
gắn nhãn là chống đối ở Việt Nam), nhưng “chiến dịch tiền lẻ” của
những người lái xe lại tạo được một hình ảnh hoàn toàn khác với
những gì người dân thường hình dung. Đó là sự thông minh, hài
hước, gây cười.
Trong các nhóm Facebook, cánh lái xe tán
chuyện rôm rả, vui vẻ về “chiến dịch”. Họ đăng tải và phát tán
những hình ảnh đẹp hoặc gây cười, những clip nhạc chế xung quanh vụ
“tiền lẻ qua trạm Cai Lậy”.
Họ cũng có ý thức giữ gìn hình ảnh khi
bị quay phim: Hình một anh lái xe trẻ (Phạm Việt) cười rạng rỡ đưa
tập tiền 200 đồng cho nhân viên thu phí, do phóng viên Thanh Niên chụp,
lan truyền trên mạng Internet và còn được chế lại như một tấm áp
phích của thời “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; ai nhìn thấy cũng
phải phì cười và chắc chắn là sẽ không dễ quên.
Ảnh trên là ảnh thật, ảnh dưới là ảnh chế.
Giống như hiệu ứng mà quảng cáo tạo ra ở
người tiêu dùng, hình ảnh này của “chiến dịch tiền lẻ” khiến cho ai
chưa quan tâm, chẳng biết gì đến vụ việc, thì sẽ quan tâm; ai biết
rồi thì sẽ thấy thích thú và ủng hộ những người lái xe; mà ai
chống họ thì cũng khó mà dám công khai chửi bới (trừ một số ít có
tư duy như dư luận viên).
Nói về “chiến dịch tiền lẻ”, người ta không
thấy ở việc phản kháng đó một hành vi cực đoan, thù hận nào cụ
thể, mà chỉ nhớ đến nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt dễ mến của anh
chàng lái xe, và gương mặt kiên nhẫn của cô nhân viên thu phí cầm xấp
tiền lẻ. Phạm Việt được mệnh danh là “hot boy Cai Lậy”.
Bên cạnh việc chấp hành pháp luật, trong việc
tạo một hình ảnh đáng mến, các lái xe cũng nhắc nhau giữ
thái độ ôn hòa, tránh mọi điều tiếng rằng họ thô tục hay bạo lực.
Tất nhiên, vẫn có một vài bài báo trong đó có những câu, từ mang
tính chụp mũ, như: “Không chỉ vậy, một vài tài xế còn có lời lẽ không đúng mực
gây ức chế tâm lý cho nhân viên” (Thanh Niên, 5/8), “Trạm thu phí dịch vụ
đường bộ Cai Lậy đã tạm ngưng thu phí sau khi một số đối tượng xuất
hiện cản trở, không cho thu phí” (Tuổi Trẻ, 15/8). Song, tất cả đều
bị cộng đồng mạng chỉ trích, cũng như mọi phản ứng tiêu cực của
nhà đầu tư hay quan chức đều bị bêu lên mạng, đặc biệt nhờ vai trò
của một số Facebooker có ảnh hưởng. Và đó là bài học thứ tư, thứ
năm.
Bài
học thứ tư: Có người nổi tiếng góp sức
Trong mọi chiến dịch truyền thông trên mạng xã
hội về một vấn đề nào đó, không thể thiếu các Facebooker nổi
tiếng. Vụ “tiền lẻ qua trạm Cai Lậy” của các lái xe cũng vậy,
ngay từ đầu, nó đã được nhiều Facebooker chính trị có tiếng như
Hoàng Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Chí Tuyến, các nhà báo Trung
Bảo, Trương Hữu Danh hưởng ứng.
Nói cách khác, chọn lựa những người có ảnh
hưởng và tranh thủ sự ủng hộ của họ là việc khôn
ngoan mà các phong trào phản kháng dân sự nên thực hiện.
Bài
học thứ năm: Vạch trần mọi hành vi xấu
Mọi phát ngôn, hành động tiêu cực của nhà
đầu tư hoặc quan chức đều bị bêu lên mạng để dư luận chỉ trích và
chê cười.
Ví dụ như chuyện ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc
Công ty TNHH BOT đầu tư QL1 Tiền Giang, gửi đơn cầu cứu công an tỉnh;
chuyện nhà đầu tư quay phim, ghi hình các tài xế, ghi biển số xe họ,
nộp cho công an; chuyện ông Trần Văn Bon – Giám đốc Sở Giao thông – gửi công
văn đến UBND tỉnh Tiền Giang, quy chụp hành động trả tiền lẻ qua trạm là chống
đối nhà đầu tư; chuyện ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội, gọi hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nộp phí là “văn hóa ứng
xử có vấn đề”.
Trên thực tế, chính công an địa phương, nơi đặt
trạm BOT, còn bị buộc tội là có hành động gây rối, tấn công người
dân. Nhân chứng (dân địa phương) khẳng định ông Huỳnh Văn Tài, Trưởng công
an xã Phú An, mặc thường phục, đã ném đá bươu đầu phóng viên báo Thanh
Niên tác nghiệp ở trạm Cai Lậy. Đoạn clip ghi lại cảnh này cũng đã
được tung lên mạng.
Từ quan chức, nhà đầu tư, đến công an, ai làm
sai đều bị cộng đồng mạng phát hiện, lên án và chế nhạo. Trạm BOT
Cai Lậy bị gọi là “trạm hút máu Cai Lậy”.
Điều đó đẩy tất cả bọn họ vào tình trạng
phải thủ thế hoặc yếu thế, khó mà công khai ra tay mạnh hơn nữa. Nói
cách khác, vạch trần, công bố rộng rãi, chỉ trích cái xấu,
cái tiêu cực chính là một cách tự bảo vệ.
Bài
học thứ sáu: Can đảm, đi đến cùng
Đây không phải là bài học cuối cùng. Đấu
tranh thay đổi xã hội, phản kháng dân sự là những công việc khó khăn
và đòi hỏi nhiều phẩm chất, kỹ năng, kiến thức, và có thể rút ra
từ đó rất nhiều bài học. Song, can đảm, không sợ hãi để đi đến cùng
là một phẩm chất nổi bật.
Anh Vũ Huy Hoàng cho biết: “Anh em tài xế lạc
quan. Rất tin là đấu tranh sẽ đạt kết quả mong muốn. Tất nhiên có
những người vẫn đóng tiền bình thường khi đi qua trạm, nhưng những ai
đã tham gia “chiến dịch tiền lẻ” này rồi thì đều vững vàng lắm.”
“Anh em cũng vẫn bàn bạc với nhau, dự đoán
trước các khả năng đối phó của phía nhà đầu tư để nghĩ ra cách hóa
giải mới. Cái chúng tôi muốn đạt được là phải dẹp cái trạm BOT đó
về đúng vị trí của nó và thu đúng giá trị mà nhà đầu tư đã bỏ ra
để làm đường tránh. Cứ công ty nào làm đường tránh lại dựng trạm
bừa phứa, đè cổ dân ra thu tiền, thì loạn”, anh nói.
No comments:
Post a Comment