Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 16-08-2017
Pháp
lùi một bậc trong bảng xếp hạng Thượng Hải 100 đại học đứng đầu thế giới ; hiện
tượng đông đảo người tuy đi nghỉ hè, nhưng đầu vẫn không dứt khỏi các quan hệ
công việc hay chính phủ muốn cải cách hệ thống dùng ngân sách Nhà nước cho « hợp
đồng lao động được hỗ trợ » là một số chủ đề trang nhất của các báo Pháp hôm
nay, 16/08/2017. Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của báo kinh tế Les
Echos, lý giải việc tổng thống Mỹ hoàn toàn thay đổi thái độ trong vấn đề Hiệp
Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA/ALENA).
Bài « Thương mại : Trump và nguyên tắc thực
tế » nhấn mạnh đến sự tương phản giữa những tuyên bố dữ dội của tổng
thống Mỹ chống lại các chế độ Bắc Triều Tiên và Venezuela với thái độ trở nên mềm
mại hơn của ông Trump đối với một số hiệp định thương mại lớn. Hiệp định với
Canada và Mêhicô, từ chỗ bị tổng thống Trump lên án là « thảm họa »,
là « hiệp ước thương mại tồi tệ nhất » mà Hoa Kỳ tham gia, đã
trở lại bàn thương lượng kể từ hôm nay. Cũng tương tự, đối với vấn đề thỏa thuận
khí hậu Paris, « phái có quan điểm thực tế » muốn thương lượng
đang chiếm ưu thế so với « phe chủ trương rút hoàn toàn ».
Theo Les Echos, nhìn chung, bất chấp các bất đồng,
hiệp định này là « rất có lợi » cho các bên, kể cả Mỹ. Khu vực
tự do thương mại Bắc Mỹ ra đời năm 1994, đã mang lại hàng triệu việc làm mới,
và cho dù thâm hụt ngày càng lớn về phía Hoa Kỳ trong trao đổi mậu dịch với
Mêhicô, các doanh nghiệp Mỹ đã lợi dụng được hoàn cảnh này để cải thiện đáng kể
khả năng cạnh tranh.
Đối với Mỹ, lợi thế của thị trường Bắc Mỹ là trái
ngược với thế bất lợi của các ngành xe hơi và dệt may của Hoa Kỳ trước các đối
thủ châu Á. Chính vì vậy, Donald Trump hy vọng tìm được một thoả thuận có lợi
cho cả ba quốc gia Bắc Mỹ, bằng cách điều chỉnh những lĩnh vực bị coi là « mất
cân bằng nhất ». Cụ thể là « làm đồng bộ các tiêu chuẩn về xã
hội và môi trường » - chủ đề vắng mặt trong NAFTA, hay trừng phạt mạnh
hơn đối với các vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo Les Echos, việc đạt được nhanh chóng một thỏa
thuận như vậy không phải là dễ, một mặt vì có nhiều vấn đề mới, chưa được đặt
ra vào thời NAFTA ra đời, như buôn bán trên mạng, mặt khác là « hơn bao
giờ hết » tổng thống Mỹ có xu hướng muốn đạt được « những kết
quả gây ấn tượng », để cải thiện hình ảnh trước mắt công chúng, trong
bối cảnh cho đến nay ông Trump đã chưa thực hiện được cam kết nào đã hứa với cử
tri.
14
triệu việc làm ở Mỹ phụ thuộc NAFTA
Một bài viết khác của Les Echos về chủ đề này nhấn mạnh
là nhìn chung đối với khu vực Bắc Mỹ, thỏa thuận thương mại này làm tăng gấp ba
tổng trao đổi mậu dịch giữa ba thành viên. Theo Phòng Thương Mại Mỹ, 14 triệu
việc làm tại Hoa Kỳ phụ thuộc vào hai nước láng giềng. NAFTA là khu vực thương
mại đứng đầu thế giới về GDP, giúp cho vùng Bắc Mỹ duy trì được khả năng cạnh
tranh trước châu Á. Đạt được thỏa thuận là một trắc nghiệm quan trọng không chỉ
với tổng thống Mỹ, mà cả hai đồng nhiệm Canada và Mêhicô.
Les Echos có bài điểm lại một loạt những lĩnh vực mà
Hoa Kỳ « hưởng lợi lớn » nhờ NAFTA, như dệt may, nông nghiệp,
thương mại điện tử hay xe hơi. Xe hơi là một trong lĩnh vực nhạy cảm nhất. Hiện
tại, có đến 40% các bộ phận của xe hơi đến từ Mêhicô, và 40% xe hơi sản xuất tại
Mỹ xuất sang hai láng giềng Bắc Mỹ. Theo một trung tâm nghiên cứu về xe hơi
Center for Automotive Research, nếu không có NAFTA, nhiều mảng lớn của ngành xe
hơi sẽ bị chuyển sang các quốc gia có lương thấp như ở châu Á, Đông Âu hay Nam
Mỹ. Rời khỏi NAFTA, hơn 30.000 việc làm bị đe dọa, đặc biệt tại tiểu bang Michigan,
nơi cử tri bầu nhiều cho ông Trump.
Bạo
lực chủng tộc : « Bão táp chính trị » ở Nhà Trắng
Vẫn về tổng thống Mỹ Donald Trump, Le Figaro có bài
« Bạo lực chủng tộc : ‘‘Bão táp chính trị’’ ở Nhà Trắng ». Tờ
báo đặt câu hỏi liệu người Mỹ có tha thứ cho ông Trump đã muộn màng trong việc
lên án các băng đảng coi người da trắng là thượng đẳng, biến kỳ nghỉ cuối tuần
trước tại thành phố Charlottesville thành một « ngày hội phát xít mới »
đầy bạo lực ? Liệu những biến cố vừa qua có là « một rạn nứt sâu hơn, làm
lung lay thêm nữa » quyền lực của tổng thống Mỹ, vốn liên tục đi hết từ
khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ đầu nhiệm kỳ ?
Theo Le Figaro, « toàn bộ khó khăn của
Donald Trump nằm ở chỗ làm thế nào giữ khoảng cách với các phần tử phân biệt chủng
tộc, mà lại không làm mất sự ủng hộ của quần chúng của ông ta». Ngày càng
nhiều tiếng nói từ các đồng minh, cũng như đối thủ chính trị của Donald Trump,
yêu cầu tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với viên cố vấn Steve Bannon, nổi tiếng với
quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Brexit
: Loạt đề xuất đầu tiên của Anh bị đánh giá là « mơ hồ »
Còn tại châu Âu, cuộc ly hôn nan giải với Anh Quốc
tiếp tục là chủ đề ám ảnh. Hôm qua, Luân Đôn công bố « loạt tài liệu đầu
tiên » giải thích cụ thể quan điểm của Anh về tương lai với Liên Hiệp
Châu Âu, trong đó có đề xuất lập liên minh thuế quan tạm thời với châu Âu, nhằm
giảm nhẹ tác hại của Brexit, dự kiến có hiệu lực từ tháng 3/2019. Loạt tài liệu
này được giới doanh nhân Anh tán thưởng, tuy nhiên, theo Les Echos, đề xuất của
Luân Đôn đã bị nhiều chính trị gia châu Âu cho là « mơ hồ ».
Ủy Ban Châu Âu, tuy hoan nghênh động thái này, nhưng
khẳng định Bruxelles chỉ phản hồi một khi các thủ tục « ly dị »
được làm rõ, tóm lại sẽ không thảo luận về tương lai, khi vấn đề ly dị chưa được
giải quyết. Các lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ có « các tiến bộ đủ mức »
trước cuộc gặp tới vào cuối tháng 10, trong đó có vấn đề gai góc là Luân Đôn sẽ
trả bao nhiêu tiền cho cuộc chia tay. Một vấn đề hoàn toàn đã không được đề cập
trong loạt tài liệu đầu tiên.
Bắc
Triều Tiên bị cáo buộc tấn công « hệ thống tài chính quốc tế »
Về Bắc Triều Tiên, căng thẳng đã hạ nhiệt phần nào
sau tuyên bố của ông Kim Jong Un ngưng kế hoạch bắn tên lửa về phía đảo Guam
Hoa Kỳ. Les Echos có bài tóm lược vụ Bình Nhưỡng tấn công Ngân Hàng Quốc Gia
Bangladesh, qua mạng tin học, để cướp đi hơn 80 triệu đô la hồi năm ngoái. Les
Echos gọi đây là « cuộc chiến tranh hạt nhân tiền tệ chống lại hệ thống
tài chính quốc tế », bởi nạn nhân là một ngân hàng trung ương. Khoảng
50 triệu đô la đánh cắp đã được rửa tại các sòng bạc ở Manila, Philippines.
Chính quyền Philippines đang tiếp tục điều tra về những
kẻ hưởng lợi tại địa phương trong vụ này. Les Echos cũng phỏng đoán là khoản tiền
đã được rửa có thể đã được chuyển sang Macao (Trung Quốc), một trong những điểm
trung chuyển tài chính bất hợp pháp lớn của khu vực, trước khi được đưa về Bắc
Triều Tiên.
«
Xăng dầu trợ giá » : Lý do chính khiến Cuba sợ Venezuela đổ
Một trong những quốc gia quan tâm nhất đến khủng hoảng
Venezuela là Cuba. Báo Le Figaro có bài « Cuba lo sợ chế độ Venezuela sụp
đổ ». Hơn bao giờ hết La Habana ủng hộ đồng minh Nam Mỹ, bởi các liên
hệ về ý thức hệ, và đặc biệt là Cuba phụ thuộc vào dầu mỏ Venezuela.
Từ đầu năm nay, người Cuba phải xếp hàng dài tại các
trạm xăng dầu, sau khi lượng dầu từ Venezuela sang giảm mạnh. Việc chế độ của tổng
thống Maduro sụp đổ sẽ khiến thỏa thuận bán dầu giá rẻ cho Cuba chấm dứt. Người
ta lo ngại viễn cảnh đen tối giống như giai đoạn nạn đói hoành hành tại Cuba
sau khi Liên Xô – đồng minh lớn của Cuba – tan rã.
Đại
học Pháp tụt hạng : Các đánh giá đa chiều
Về việc đại học Pháp tụt một hạng xuống còn thứ 8,
trong bảng 100 đại học hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Đại học Jiao Tong,
Thượng Hải, Les Echos có bài « Pháp tụt lùi », trong khi đó Le
Figaro nhấn mạnh « Đại học Pháp vẫn trụ được ». Chỉ còn ba đại
học Pháp trong tốp 100, trong khi đó Hoa Kỳ có đến 48 đại học, Anh, 9 hay Úc
6…. Ba đại học hàng đầu của Pháp là Paris-Maris Curie (Paris 6), Đại Học Nam
Paris (Paris Sud) và trường Sư Phạm nổi tiếng (Ecole Normale Supérieure).
Theo Les Echos, một trong các lý do chính khiến Pháp
mất điểm là do đã không thành công trong việc tập hợp các cơ sở để tạo nên những
tổ hợp đào tạo và nghiên cứu lớn, mạnh hơn. Cụ thể là dự án Paris Saclay, được
quyết định từ năm 2013, lâm vào « ngõ cụt ». Dự án Paris
Saclay dự kiến tập hợp đến 15% tiềm lực nghiên cứu công của toàn nước Pháp, bao
gồm nhiều cơ sở hàng đầu như Đại Học Paris Sud, Đại Học Bách Khoa, CNRS…
Tuy nhiên, Les Echos lưu ý là Pháp vẫn giữ hạng thứ
6 trong bảng xếp hạng 500 đại học hàng đầu.
Còn Le Figaro dẫn ý kiến một lãnh đạo đại học Pháp,
tương đối hóa giá trị của bảng xếp hạng. Theo chủ tịch hội đồng các giám đốc đại
học Pháp (CPU), ông Gilles Roussel, bảng xếp hạng Thượng Hải có thể là một yếu
tố hấp dẫn thu hút các nhà nghiên cứu trẻ, thế nhưng về bản chất, không quan trọng
như mọi người vẫn nghĩ, và xét cho cùng, bảng xếp hạng không phản ánh được
« chất lượng nghiên cứu và giảng dạy Pháp ».
Nghỉ
hè : Thời gian cắt mạng
Hôm nay là ngày trung tuần tháng 8. Nước Pháp đang
giữa kỳ nghỉ hè. Tựa trang nhất của báo La Croix như một lời nhắc nhở « Mùa
hè, thời gian cắt mạng », với nhận xét luật về quyền không nối mạng
trong kỳ nghỉ đã được thông qua kể từ tháng Giêng năm nay. Tuy nhiên xã luận của
La Croix nhấn mạnh tình hình ngược lại là, trong các kỳ nghỉ, mọi người ngày
càng ít cắt mạng hơn trước, trong lúc giá truy cập internet đang trở nên gần
như bằng không, phạm vi phủ sóng ngày càng lớn và tốc độ ngày càng nhanh.
Theo La Croix, có nhiều lý do khiến người ta không
muốn cắt mạng. Có thể là để thể hiện sự gắn bó với tập thể nơi làm việc, có thể
do không muốn để lỡ các thông tin quan trọng ảnh hưởng đến nghề nghiệp, cũng có
thể là để tỏ ra vẫn hữu ích dù ở xa…. La Croix thừa nhận thói quen « nối
mạng » với công việc, ngoài giờ làm việc, mới đây đang ảnh hưởng rất
nhiều đến cuộc sống của nhiều người, và không phải ai cũng nhận ra và làm chủ
được điều này.
Tờ báo Công Giáo có bài phỏng vấn ông Dominique
Bouillier, một nhà xã hội học, với tựa đề « Chúng ta thường xuyên ở
trong tình trạng phải xử lý những chuyện khẩn cấp ».
Chuyên gia nói trên rút ra một điều có vẻ nghịch lý.
Với tâm lý « siêu nối mạng », tức sẵn sàng thường trực đáp ứng
các vấn đề, để tỏ ra mình luôn hiện hữu với mọi người, có thể sẽ đến lúc bạn
không còn hiện hữu thực sự với ai cả. Trong lúc đó, ở thung lũng Silicon, thì
những người sáng chế ra các phần mềm ứng dụng tin học, để thu hút công chúng
vào mạng, lại tổ chức các khóa học về thiền định, và gửi con cái của họ đến học
ở các trường không có máy tính.
Pháp
: Sản phụ lên tiếng chống kỳ thị
Vẫn nghỉ hè, nhưng Libération chú ý đến tình trạng sản
phụ bị ngược đãi tại một số trung tâm y tế ở Pháp, với tựa trang nhất : « Hãy
cẩn thận với những kẻ khốn nạn! » (trong nguyên bản : « Gaffe
au con »).
Libération dành nhiều trang đầu để giới thiệu với độc
giả về các tiếng nói của nhiều sản phụ, tố cáo đã bị miệt thị, bị khinh bỉ, hay
bị đối xử thô bạo, chí ít là cũng không được đối thoại tử tế, khi họ phải trải
qua các thủ thuật ngoại khoa do đẻ khó. Cuộc tranh luận bắt đầu bùng lên sau
khi bộ trưởng về Bình Đẳng Nam Nữ Marlène Schiappa, công bố bản báo cáo về vấn
đề này hồi cuối tháng 7.
-------------------
Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 16-08-2017
Hôm
nay 16/08/2017, Mỹ, Canada và Mêhicô bắt đầu thảo luận để đàm phán lại về Hiệp
định tự do mậu dịch Bắc Mỹ ( NAFTA ) theo yêu cầu của tổng thống Mỹ Donald
Trump.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đón tiếp bộ trưởng Kinh Tế Mêhicô
Ildefonso Guajardo Villarreal, tại sứ quán Canada ở Washington, trước cuộc họp
về NAFTA. Ảnh ngày 15/08/2017.Reuters
Các nhà đàm phán của ba nước Mỹ, Canada và Mêhicô sẽ
thảo luận từ hôm nay tới ngày Chủ Nhật 20/08 tại Washington. Hai ngày trước khi
đàm phán lại về NAFTA, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố : « Chúng tôi đang
chuẩn bị đàm phán lại về các thỏa thuận thương mại sao cho có lợi cho người lao
động Mỹ. Giờ đã đến lúc ! ».
Đàm phán lại về Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ là một
ưu tiên trong chính sách của tổng thống Donald Trump. Đối với chủ nhân Nhà Trắng,
NAFTA là một « thảm họa ». Donald Trump cáo buộc người Mêhicô lấy mất việc làm
của người Mỹ, còn Canada thì cạnh tranh không lành mạnh.
Washington chú trọng tới việc điều chỉnh lại cán cân
thương mại với Mêhicô, và không muốn nhượng bộ các đòi hỏi của Canada về môi
trường. Cả ba bên đều tìm cách để không bị thiệt thòi quá nhiều trong vòng
thương lượng lần này. Mêhicô dường như lép vế hơn so với hai đối tác Hoa Kỳ và
Canada. Từ khi được ký vào năm 1994, Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ có vai trò
quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Mêhicô. Khoảng 80% xuất khẩu của Mêhicô
là sang Hoa Kỳ, chủ yếu là xe hơi và nông sản.
No comments:
Post a Comment