Saturday, August 12, 2017

TẬP CẬN BÌNH LÀM GÌ ĐƯỢC KIM JONG UN ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
August 11, 2017

Trong ba ngày liên tiếp Tổng Thống Donald Trump lớn tiếng đe dọa Kim Jong Un. Mỗi lần, Bắc Hàn đều đáp lễ. Cuộc khẩu chiến hào hứng diễn ra, trong khi Bắc Kinh hoàn toàn im lặng.

Phải chăng ông Tập Cận Bình muốn đóng vai một “người lớn” không thèm can dự?

Hay là chính ông chủ tịch Trung Cộng không biết nên nói cái gì?

Có lẽ giả thuyết thứ hai đúng hơn. Vì đứng trước một tay bất trị như Kim Jong Un và Donald Trump, một người hành vi không theo quy ước nào cả, họ Tập không biết nên nói gì, nên làm gì cho phải!

Cộng Sản Trung Hoa lâm vào một thế bí. Họ có ảnh hưởng mạnh trên hai nước Cộng Sản đàn em mà Mao Trạch Ðông đã nắm đầu. Nhưng khác với Việt Cộng, Hàn Cộng rất khó bảo. Tại Manila, khi Vương Nghị tỏ ý bất bình không thèm dự cuộc họp đã định trước với Phạm Bình Minh, ngày hôm sau ngoại trưởng Việt Cộng biến đâu mất, chỉ thấy viên thứ trưởng đi họp thay. Ngược lại, Vương Nghị khi gặp Ri Yong Ho cũng chính thức khuyên Bắc Hàn hãy tự kiềm chế đối với Mỹ; thì ba ngày sau Bình Nhưỡng công khai dọa sẽ bắn biểu diễn bốn hỏa tiễn Hwasong-12 tới gần đảo Guam cho Mỹ biết tay – dù vẫn ở xa 19 đến 25 dặm, bên ngoài lãnh hải gần 14 dặm theo luật quốc tế!

Tại sao Bắc Kinh cư xử nhẹ nhàng với Bình Nhưỡng như vậy?

Trước hết, vì Trung Cộng không thể lật đổ Kim Jong Un, không cài được gián điệp và tay sai trong guồng máy thống trị Bắc Hàn từ ba đời nay. Không thể mua chuộc bằng tiền bạc, cũng không thể dọa ra tay “đảo chính cung đình” để chọn kẻ cầm đầu. Người bị coi là “thân Trung Cộng” cuối cùng là Jang Song-thaek, ông cậu Kim Jong Un, sau khi khuông phò thằng cháu lên ngôi xong đã bị đem xử bắn bằng súng phòng không!

Nhưng nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh phải nhẹ tay, là chính họ cũng không biết phải làm gì với cậu bé Kim Jong Un trong lúc này.

Vì quyền lợi và nếu lo xa, Bắc Kinh cũng muốn Bắc Hàn ngưng thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa, như Mỹ đang đòi hỏi. Với một lãnh tụ chuyên chế tâm tính bất thường như Kim Jong Un, không biết ngày nào những vũ khí đó sẽ quay đầu nhắm sang nước đàn anh Cộng Sản. Số hỏa tiễn Bắc Hàn đang chất đầy, như Hwasong-10 có thể bắn qua Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh dễ dàng hơn Hwasong-14 nếu muốn bắn qua Los Angeles, Washington, New York!

Quan trọng hơn nữa, Bắc Kinh cũng không muốn Bắc Hàn sụp đổ, vì hậu quả tai hại khôn lường. Vì thế, Bắc Kinh có đủ điều kiện để “bóp chết” chế độ Cộng Sản Bắc Hàn, nhưng Kim Jong Un không sợ! Kinh tế Bắc Hàn lệ thuộc Trung Cộng 70% về năng lượng và thực phẩm. Chỉ cần ngưng bán dầu lửa và nông sản, guồng máy an ninh sẽ tê liệt vì thiếu điện, thiếu xăng, dân chúng có thể nổi loạn, vì còn hơn là chết đói!

Nếu chính quyền Cộng Sản tan rã, dù do bạo loạn hoặc chiến tranh, dân Bắc Hàn sẽ chạy, tràn qua sông Áp Lục. Trung Cộng sẽ phải gánh thêm hàng triệu dân tị nạn ngoài nửa triệu “di dân bất hợp pháp” hiện nay. Nhưng điều nguy hiểm hơn nữa là Nam Hàn có thể sẽ thống nhất cả nước dưới một chế độ tự do dân chủ. Quân đội Mỹ vẫn được mời đồn trú trong một Hàn Quốc mới. Còn kho vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của Kim Jong Un, lúc đó ai làm chủ?
Vì vậy, Tập Cận Bình không thể chấp nhận để cho Kim Jong Un sụp đổ. Trừ khi chính tay họ có thể đặt người mới lên cai trị.

Cho nên, giải pháp duy nhất của Bắc Kinh hiện nay là làm sao duy trì “nguyên trạng” (status quo) trên bán đảo Triều Tiên. Ðể có một vùng trái độn giữa Trung Quốc và những nước tư bản thân Mỹ là Nam Hàn, Nhật Bản (và Ðài Loan). Dù Bắc Kinh cũng có nhu cầu như Mỹ đòi Bắc Hàn giải giới vũ khí nguyên tử, nhưng trước mắt không phải là điều quan trọng nhất. Ưu tiên số một là duy trì “ổn định.”

Hơn nữa, yêu cầu Kim Jong Un ngưng chơi với lửa đã khó, bắt cậu Un tháo bỏ các vũ khí đã có càng khó hơn. Không bao giờ cậu “lãnh tụ tối cao” 33 tuổi chịu bỏ những món đồ chơi giết người này. Từ thời ông nội Kim Nhật Thành và bố Kim Chính Nhật, họ Kim đã có kế hoạch chế bom nguyên tử. Kim Nhật Thành gửi các kỹ sư qua học bên Nga ngay sau khi chiến tranh Cao Ly chấm dứt năm 1953. Khi chế độ Xô Viết sụp đổ, Bắc Hàn đã đón được các chuyên gia Nga qua làm việc, và mua hỏa tiễn cũ, cũng như nguyên liệu và kỹ thuật năng lượng hạch tâm. Từ bé, Kim Chính Vân được bố dạy rằng triều đại họ Kim chỉ tồn tại nếu có vũ khí nguyên tử để đe dọa các nước láng giềng – và ngăn không cho Mỹ tấn công. Bây giờ không ai có thể bảo Kim Jong Un giải giới!

Cho nên, mục tiêu quan trọng nhất của Trung Cộng bây giờ là làm sao đừng để chiến tranh xảy ra.

Muốn vậy, trước hết phải thuyết phục cả Donald Trump lẫn Kim Jong Un ngưng đấu khẩu!

Hiện Nga và Trung Cộng cùng đưa ra đề nghị Trump và Kim cùng xuống thang: Bắc Hàn ngưng thí nghiệm bom và hỏa tiễn, Mỹ sẽ ngưng tập trận với Nam Hàn. Ngoại trưởng Mỹ đã bác bỏ đề nghị này, nhưng mặt khác ông vẫn nói sẵn sàng thương thuyết. Bình Nhưỡng cũng quả quyết không bao giờ bàn chuyện ngưng thí nghiệm vũ khí, nhưng chưa đưa ra điều kiện kinh tế nào để đền bù, như ông bố đã làm trước đây.

Nếu hai bên ngưng khẩu chiến trong vòng ba tháng, không thí nghiệm bom, không thao diễn quân sự, thì hội nghị sáu nước có thể được triệu tập ở Bắc Kinh. Khi đó, Trung Cộng sẽ có cơ hội đóng vai chủ hòa, để đổi lại ông Trump sẽ không phàn nàn về vấn đề mậu dịch khiếm hụt vì hàng hóa Made in China nữa!

Nhưng những cuộc họp sáu nước, Nam Hàn, Bắc Hàn, Mỹ, Nhật, Tàu, Nga, đã từng diễn ra nhiều lần, nhiều năm, mà đâu vẫn đó. Bắc Hàn sẽ đòi được viện trợ kinh tế, và hứa ngưng chế thêm vũ khí. Mỗi lần đạt một thỏa thuận, Bắc Hàn có một thời gian “cứu đói.” Xong rồi, ngựa lại trở về đường cũ. Một cuộc khủng hoảng mới lại xảy ra, và Trung Cộng lại phải đóng vai vừa bảo vệ vừa răn đe họ Kim nhưng vô hiệu như cũ!

Khi nào Trung Cộng sẽ thấy thấm mệt và muốn chấm dứt tình trạng này?

Ðây là một con tính, có thể tính trên cán cân giữa “phí tổn” và “lợi lộc.” Khi nào phí tổn lên cao quá, lợi lộc không bù lại được, lúc đó Tập Cận Bình hay người kế vị ông ta sẽ phải đổi chiến lược.

Thứ “phí tổn” mà Trung Cộng đang phải gánh chịu là: Mỹ có lý do để gia tăng sức mạnh trong vùng Ðông Bắc Á Châu vì thái độ và hành động hung hăng của Kim Jong Un. Trước đây ông tổng thống mới của Nam Hàn đã chống giàn chống hỏa tiễn THAAD, nay ông lại hoan nghênh mặc dù cả Nga lẫn Trung Cộng vẫn chống. Nhật Bản và Nam Hàn có thể yêu cầu Mỹ tăng gia vũ khí phòng thủ. Chính phủ Mỹ có lý do để xin Quốc Hội tăng ngân sách quốc phòng.

Nhưng điều đáng lo nhất cho Trung Cộng là cả Nam Hàn và Nhật Bản sẽ âm thầm chuẩn bị chế tạo bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa. Hiện nay hai nước này bị cấm, trong các hiệp ước an ninh với Mỹ. Khi Nhật Bản tính làm bom nguyên tử, chắc chắn Trung Cộng phải thay đổi thái độ và hành động.

Bao lâu nữa thì Bắc Kinh sẽ nhìn thấy cán cân nghiêng “phí tổn” lên quá nặng, không thể chịu được nữa?

Chúng ta chưa thể đoán được. Tập Cận Bình và các lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa khác chắc cũng chưa tiên đoán được. Nhưng chắc họ phải có một “kế hoạch B” dự phòng, sẽ thi hành khi nào chiến lược “bảo vệ nguyên trạng” không còn lợi lộc đáng kể nữa.

Một “plan B” giản dị nhất có lẽ là cứ để mặc cho Bắc Hàn khiêu khích Mỹ, Nhật, Nam Hàn. Ðến một lúc thấy cần hành động, Trung Cộng có thể khuyến khích Bắc Hàn làm ẩu, làm bất cứ cái gì để cả thế giới lại lên án. Trong khi đó, Bắc Kinh ngấm ngầm thỏa thuận để Mỹ và Nam Hàn đánh Bắc Hàn để ngăn hậu hoạn. Quân Trung Cộng sẽ kéo qua giải cứu, như một triệu chí nguyện quân đã làm năm 1950.

Nhưng quân Tàu và quân Mỹ sẽ không đánh nhau; hai bên chỉ lo làm sao tiêu hủy kho bom nguyên tử của Kim Jong Un. Hai nước sẽ ngưng tiến quân tại một lằn ranh giới đã thỏa thuận trước, rồi ký kết đình chiến. Bắc Kinh sẽ dựng lên một chính quyền mới thay thế họ Kim. Nam Hàn có thể chiếm một phần đất trên vĩ tuyến 38 để bù công khó nhọc!

Nghe câu chuyện tưởng tượng này thấy như nghe “truyện Tàu!”

Nhưng đây là chuyện Tàu thật chớ phải không đâu?

----------------------

CÙNG TÁC GIẢ :

August 08, 2017







No comments: