Saturday, August 12, 2017

CÂU CHUYỆN BẮC HÀN (Lê Phan)




Lê Phan
August 12, 2017

Hồi còn làm cho phòng tin của đài BBC, một hôm tôi được yêu cầu viết một bài giải thích về Bắc Hàn, một thứ briefing paper, cho các ban của Thế Giới Vụ không quen thuộc với tình hình ở quốc gia bí ẩn này.

Thực sự tôi cũng không biết bao nhiêu về Bắc Hàn. Những gì tôi biết đều dính đến Chiến Tranh Cao Ly. Thời đó chưa có bao nhiêu Internet và dĩ nhiên chưa có Google hay Wikipedia, thành ra tôi xuống phòng nghiên cứu của Thế Giới Vụ và nhờ họ lục cho một số tài liệu và sách vở.

Sau một ngày vật lộn với mớ tài liệu, tôi nhớ tôi mở đầu với câu, “Bắc Hàn là một quốc gia kỳ lạ vẫn còn được cai trị bởi một xác chết.” Sở dĩ tôi nói vậy vì lãnh tụ vĩ đại Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) được tuyên bố là lãnh tụ muôn năm và đồng cai trị với người lúc đó là ông con trai Kim Jong Il.

Và để chứng tỏ cái sự kỳ lạ đó, tôi kể lại là hồi năm 1994, khi Bắc Hàn đang lâm vào một nạn đói trầm trọng, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên tiêu tốn nhiều triệu đô la để dựng một cái kim tự tháp cụt trên đỉnh lăng của Hoàng Ðế Tangun, người được coi như là sáng lập ra triều đại đầu tiên của Hàn Quốc, cũng như Vua Hùng của chúng ta vậy. Nhưng tuy nghe ra có vẻ vô lý khi đề cao một vị vua mà triều đại bắt đầu vào năm 2333 trước Công Nguyên, Bắc Hàn có lý do để làm vậy. Bởi khác các vương triều Hàn Quốc, thủ đô của Hoàng Ðế Tangun ở gần Bình Nhưỡng ngày nay. Hán Thành hay Seoul là thủ đô của vương triều Choson, vốn cai trị một bán đảo thống nhất trong nửa thiên niên kỷ cho đến cuối thế kỷ thứ 19. Hơn thế, vào năm 1994, khi nước Ðại Hàn Dân Quốc đang tiếp tục phát triển kinh tế và chính nghĩa chính trị cho toàn bán đảo, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên tìm vào quá khứ để chứng tỏ một chính nghĩa lớn hơn, trở về huyền thoại lập quốc của đất nước.

Theo huyền thoại này, phụ thân của Hoàng Ðế Tangun đã từ trời xuống trần ở gần ngọn núi linh thiêng Paektu. Và cũng tại nơi đó, chế độ bảo là nơi chào đời của ông Kim Jong Il và nơi mà ông Kim Il Sung lập sào huyệt cho công cuộc kháng chiến chống Nhật, vốn là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Và cũng như các hoàng đế thời xưa, lịch của triều đại Kim, bắt đầu từ năm ông Kim Il Sung giáng trần là năm 1912. Sự thay đổi lịch này cũng là để chứng tỏ sự hồi sinh của một Hàn Quốc vĩ đại nhờ sự ra đời của ông Kim Il Sung. Năm 1994 cũng đặc biệt quan trọng vì Dinh Tưởng Niệm Kumsusan, vốn là lăng của vị lãnh tụ vĩ đại Kim Il Sung mới qua đời cũng được xây dựng và là nơi mà xác ướp của ông sẽ vĩnh viễn cai trị đất nước. Thành ra, sự chào đời của dân tộc Hàn và sự phục hưng của gia đình Họ Kim sẽ gắn chặt vào nhau.

Ðiều cũng cho chúng ta thấy ngay là cái sự kỳ lạ và những huyền thoại mà Bắc Hàn đã dựng lên có những mục tiêu rất rõ rệt và hoàn toàn hữu lý. Chế độ Bắc Hàn đã huyền thoại hóa gia đình họ Kim, từ lãnh tụ Kim Il Sung đến nay là đời thứ ba, vì họ đã muốn dựng chính nghĩa trên truyền thống thiên tử của quá khứ.

Thực ra, chúng ta biết là Hàn Quốc, vào cuối Ðệ Nhị Thế Chiến, được giải phóng khỏi sự đô hộ của Nhật Bản và sẵn sàng để giành lại độc lập, với các đồng minh thời chiến – Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân Quốc, Anh và Liên Xô đều ủng hộ cho mục tiêu đó. Hàn Quốc, bị Nhật Bản đô hộ từ năm 1910, đã được giải phóng vào năm 1945, với quân đội Hoa Kỳ nhận sự tuyên bố bại trận ở miền Nam trong khi Liên Xô nhận ở phía Bắc, chia cách bởi vĩ tuyến 38. Với sự hợp tác thời chiến tan rã, hai quốc gia mới xuất hiện vào năm 1946-47 -một Ðại Hàn Dân Quốc với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và một Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên được Nga ủng hộ. Lên cầm đầu ở miền Bắc là ông Kim Il Sung, một người được Hồng Quân huấn luyện. Ở miền Nam, ông Rhee Sung Man lên nắm quyền. Năm 1948, Hồng Quân Liên Xô rút khỏi Bắc Hàn trong khi ở miền Nam, một cuộc tổng tuyển cử đưa ông Rhee chính thức lên nắm quyền. Tháng Tám năm 1948, Ðại Hàn Dân Quốc chính thức chào đời. Tháng Chín năm đó, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên cũng chính thức chào đời với ông Kim là thủ tướng.

Cả hai đều giành vị thế là chính quyền thực sự của Hàn Quốc, và không bên nào chấp nhận biên giới là vĩnh viễn ở vĩ tuyến thứ 38. Ngày 25 Tháng Sáu năm 1950, được sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Cộng, ông Kim mang quân vào tấn công miền Nam. Với Liên Xô tẩy chay, Hội Ðồng Bảo An chấp nhận gửi một lực lượng Liên Hiệp Quốc đến giúp Nam Hàn.

Cuộc chiến tàn bạo đã có lúc lực lượng Liên Hiệp Quốc bị thua dồn vào một vùng phía cực Nam nhưng nhờ một cuộc tấn công giải vây cắt đôi được lực lượng miền Bắc, thế quân bình được lập lại. Khi cuộc chiến đến chỗ bất phân thắng bại, hai tổng thống Hoa Kỳ, Tổng Thống Harry S. Truman và Tổng Thống Dwight D. Eisenhower công khai đe dọa sử dụng hạt nhân để chấm dứt cuộc chiến.

Cuộc chiến chấm dứt vào ngày 27 Tháng Bảy năm 1953 khi một lệnh ngưng bắn được ký kết. Thỏa thuận này thành lập một Vùng Phi Quân Sự phân chia Nam và Bắc Hàn, và trao đổi tù binh. Nhưng chưa bao giờ có một hòa ước được ký kết và đứng trên nguyên tắc Nam Bắc Hàn vẫn còn lâm chiến.

Trong những năm đầu, Bắc Hàn phồn thịnh, nhờ sự giúp đỡ của Trung Cộng và Liên Xô, và cơ sở kỹ nghệ do Nhật Bản để lại. Nhưng căng thẳng xuyên biên giới gia tăng khi Nam Hàn ngày càng nhanh chóng kỹ nghệ hóa và phát triển kinh tế. Giáo Sư Robert Kelly của Viện Ðại Học Pusan ở Nam Hàn giải thích, “Nam Hàn trở thành rất giàu có từ thập niên 1970, trong khi Bắc Hàn vẫn là một quốc gia Cộng Sản kiểu Stalin. Bắc Hàn đã khấm khá lúc đầu nhưng sau bắt đầu tụt hậu.”

Thập niên 1980 chứng kiến sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết, và sự mất đi viện trợ Liên Xô đã là một đòn nặng. Khi Trung Cộng công nhận Nam Hàn năm 1992, Bắc Hàn cảm thấy bị phản bội và ngày càng cô lập.

Chuyên gia Paul French giải thích, “Nền kinh tế của họ đã xuống dốc không thắng từ khi Liên Xô sụp đổ. Kinh tế thất bại, kỹ nghệ đình chỉ. Xuất cảng sang khối Liên Xô biến mất. Rồi canh nông sụp đổ và đất nước rơi vào nạn đói vào giữa thập niên 1990.”

Theo cựu đại sứ Anh ở Bình Nhưỡng, ông John Everard, chương trình hạt nhân của Bắc Hàn kể từ đó đã trở thành ngày càng quan trọng, khi Bắc Hàn ngày càng bị cô lập. Từ đầu thập niên 1950, Bắc Hàn phát triển khả năng để huấn luyện nhân sự cho chương trình hạt nhân của họ. Tháng Mười Hai năm 1952, trước đe dọa hạt nhân của tổng thống Hoa Kỳ, ông Kim Il Sung cho thành lập Viện Nghiên Cứu Năng Lượng Nguyên Tử, nhưng chỉ thực sự bắt đầu có tiến bộ khi Bắc Hàn thiết lập được một thỏa thuận hợp tác với Liên Xô. Bình Nhưỡng ký kết thỏa thuận vào Tháng Hai năm 1956 và bắt đầu gửi khoa học gia và kỹ thuật viên sang Liên Xô để huấn luyện. Năm 1959, Bắc Hàn và Liên Xô ký một thỏa thuận năng lượng hạt nhân hòa bình kể cả một điều khoản Liên Xô giúp thành lập khu nghiên cứu hạt nhân ở Yongbyon.

Nhưng sau giai đoạn giúp đỡ sơ khởi của Liên Xô và một phần nào của Bắc Kinh, chương trình hạt nhân của Bắc Hàn phát triển hầu hết tự túc. Ðược biết là khi ông Kim Il Sung yêu cầu Bắc Kinh chia sẻ kỹ thuật vũ khí hạt nhân sau khi Trung Cộng thử thành công Tháng Mười năm 1964, lãnh tụ Mao Trạch Ðông đã từ chối. Và mặc dầu đã tham gia Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế IAEA cũng như hiệp ước phòng thủ chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn vẫn tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm.

Cựu Ðại Sứ Everard giải thích, “Với hoàn cảnh quốc tế ngày càng đối nghịch với Bắc Hàn, các lãnh tụ của họ ngày càng coi chương trình hạt nhân là một bảo đảm cho sự tồn tại của Bắc Hàn như là một quốc gia độc lập.” Ông French thêm, “Ðại lãnh tụ Kim Il Sung, theo sau con trai lãnh tụ kính yêu Kim Jong Il và lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đều nắm trong tay một cây bài quan trọng – khả năng điều đình của vũ khí hạt nhân.”

Qua những năm tháng, trong khi cộng đồng thế giới đề nghị bình thường hóa liên hệ để đổi lại với việc phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao và vũ khí hạt nhân. Theo cựu phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao phụ trách Ðông Á Sự vụ P. J. Crowley, trong những năm gần đây, hai yếu tố đã ảnh hưởng thêm. Thứ nhất là sự lật đổ ông Saddam Hussein của chính phủ Bush và ông Muammar Gaddafi của chính phủ Obama, hai lãnh tụ đã tính đến vũ khí hạt nhân nhưng từ bỏ – dẫn Bình Nhưỡng đến một kết luận đơn giản: một khả năng vũ khí hạt nhân thực sự là bảo đảm tột cùng cho chế độ. Thứ nhì, ông Kim Jong Il qua đời vào cuối năm 2011. Ông Kim bố còn có đủ kính nể với quốc gia bảo trợ cho mình là Trung Cộng nên ông đã duy trì một sự có thể chối khả năng thực sự về vũ khí hạt nhân của mình. Ông Kim Jong Un, người kế vị, đã từ bỏ mọi giả bộ và công khai chạy đua tới việc đạt được một khả năng ngăn ngừa về hạt nhân.

Hiểu như vậy thì Bắc Hàn không có gì bí ẩn.







No comments: