Mai Vân – RFI
Đăng ngày 16-08-2017
Căng
thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam với Đức sau vụ Berlin tố cáo Hà Nội « bắt cóc
» ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức cao cấp Việt Nam đang xin tị nạn tại
Đức, tiếp tục được báo chí quốc tế theo dõi, đặc biệt trên hậu quả của vụ này đối
với Việt Nam. Ngày 11/08/2017, báo Mỹ Forbes đăng bài viết của cộng tác viên
David Hutt, cho rằng vụ này có nguy cơ « đánh sập » Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch giữa
Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Trước đó một hôm, ngày 10/08, trên trang mạng
The Interpreter của viện nghiên cứu Úc Lowy Institute, nhà báo Helen Clark cũng
cho rằng vụ bắt cóc này « phá hoại các nỗ lực tìm kiếm bạn bè và tăng cường uy
tín của Việt Nam ».
Ảnh chụp cảnh ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu trên TV Việt Nam, phát hình
ngày 03/08/2017, cho biết là ông "đã ra đầu thú". REUTERS/Kham
Dưới tựa đề « Một vụ bắt cóc tác hại thế nào đến Hiệp
Định Tự Do Mậu Dịch giữa Việt Nam và Châu Âu », ký giả David Hutt trên tờ báo Mỹ
Forbes, đã cho rằng « thỏa thuận tự do mậu dịch đang được đề xuất giữa Việt Nam
và Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ bị xét lại ». Đây là một điều hệ trọng vì lẽ
Châu Âu hiện là đối tác thương mại thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc, và thị
trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Đức
có thái độ rất kiên quyết
Ký giả David Hutt trước tiên ghi nhận phản ứng gay gắt
và cứng rắn của Berlin từ khi vụ việc bùng lên, với việc bộ Ngoại Giao Đức
thông báo « không một chút nghi ngờ » là « mật vụ và đại sứ quán Việt Nam »
dính líu đến vụ bắt cóc, và kêu gọi Hà Nội cho ông Thanh trở lại Đức, nơi ông
xin tị nạn. Ngoại trưởng Đức, theo bài báo, còn mô tả vụ việc như một sự kiện
không khác gì « phim trinh thám thời Chiến Tranh Lạnh ». Kèm theo tuyên bố gay
gắt đó, Đức đã loan báo quyết định trục xuất một cán bộ Việt Nam bị coi là phụ
trách tình báo Việt Nam tại Đức.
Tuy nhiên, bài báo nhận thấy là Việt Nam không có vẻ
gì là sẵn sàng cho ông Thanh trở lại Đức theo yêu cầu của Berlin, do đó chính
quyền Đức, đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam ở Châu Âu, đã gia
tăng áp lực, với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức cho hãng tin Anh Reuters biết
rằng Berlin « đang tìm cách để làm cho đối tác Việt Nam hiểu là chúng tôi không
thể chấp nhận điều đó » và « tất cả các giải pháp đều được đặt lên trên bàn ».
Berlin
có thể vận động để hoãn phê chuẩn FTA Việt Nam-EU
Câu hỏi mà bài báo trên tờ Forbes nêu bật là Đức có
thể làm gì đối với Việt Nam. David Hutt cho rằng một trong những biện pháp là
việc Berlin giảm trợ giúp phát triển cho Việt Nam, đã lên đến 257 triệu đô la
trên hai năm được cam kết năm 2015. Tuy nhiên nghiêm trọng hơn là khả năng Đức
chống lại việc ký kết hiệp định thương mại Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam.
Theo David Hutt, một số chuyên gia phân tích đã tiết
lộ riêng về một giải pháp khác : Đó là thủ tướng Đức Angela Merkel, một lãnh đạo
nặng ký trong Liên Hiệp Châu Âu, bật đèn xanh cho chính phủ của bà vận động các
thành viên khác để đình chỉ thỏa thuận tự do thương mại EU-VIệt Nam mà hai bên
đã đồng ý vào tháng 12/2015 và dự kiến đưa ra phê chuẩn vào đầu năm tới đây.
Đây là một thỏa thuận tối quan trọng đối với Việt
Nam. Thương mại với EU tăng mạnh, từ 10 tỷ đô la vào năm 2006 lên thành 48 tỷ
vào năm ngoái 2016. Ủy Ban Châu Âu ước tính là thỏa thuận tự do mậu dịch sẽ
giúp GDP Việt Nam tăng 15%.
Ngay từ trước lúc xẩy ra vụ Trịnh Xuân Thanh, đã có
những đề nghị hoãn lại việc phê chuẩn thỏa thuận này vì vấn đề nhân quyền ở Việt
Nam đã tụt hậu trong những năm gần đây. Theo quy định mới của Châu Âu, thì FTA
phải được từng nước thành viên của Liên Hiệp chấp thuận, cũng như Nghị Viện
Châu Âu. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đang ráo riết vận động để bác bỏ thỏa
thuận hay ít ra buộc chính phủ Việt Nam phải cải thiện điều kiện nhân quyền
trong nước.
Trong một cuộc họp báo vào tháng Hai vừa qua khi viếng
thăm Việt Nam, ông Pier Antonio Panzeri, chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Nghị
Viện Châu Âu đã xác nhận rằng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam khiến cho việc phê
chuẩn thỏa thuận tự do thương mại EU-Việt Nam gặp khó khăn.
Theo nhà báo David Hutt, trước lúc xẩy vụ bắt cóc,
chính phủ Việt Nam đã cho thấy ý muốn xoa dịu các mối quan ngại của Châu Âu, vì
thế, vụ việc này càng làm cho vấn đề rối ren thêm.
Vào tháng 7 vừa qua chẳng hạn, thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Xuân Phúc qua Đức tham dự thượng đỉnh G20, ở Hamburg. Ông đã gặp 14 lãnh
đạo thế giới, trong đó có cả chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch
Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker. Ông cũng tiếp xúc với thủ tướng Đức Merkel,
và trong cuộc gặp này, hai bên đã đồng ý trên 1,7 tỷ đô la thỏa thuận thương mại
mới. Sau đó ông Phúc sang Hà lan, nước đầu tư hàng đầu của Châu Âu vào Việt
Nam. Tại La Haye ông Phúc thông báo Việt Nam sẽ bãi bỏ giới hạn trong đầu tư nước
ngoài vào nhiều ngành công nghiệp.
Liệu
nhân quyền có cản đường thương mại hay không ?
Theo nhận định của nhà báo trên tờ Forbes, chính quyền
Việt Nam có lẽ cũng biết là trong lúc vấn đề nhân quyền có thể là một ‘lằn ranh
đỏ’ đối với một số quan chức châu Âu, nhưng lợi nhuận đầy hứa hẹn đối với các tập
đoàn Châu Âu có thể đủ sức để thúc đẩy một số khác chấp nhận thỏa thuận tự do mậu
dịch với Việt Nam.
Châu Âu có thể tự hại mình nếu đình hoãn thúc đẩy tự
do mậu dịch với Việt Nam vì vấn đề nhân quyền, vì như thế sẽ tạo nên tiền lệ
cho những thỏa thuận sau này. EU từ lâu nay luôn muốn có thỏa thuận tự do
thương mại với cả khối Đông Nam Á và các cuộc thảo luận đã được nối lại vào
tháng Ba.
Nếu FTA với Việt Nam không thành do vấn đề nhân quyền
- dù không phải là do sự kiện ông Thanh bị bắt cóc – thì thỏa thuận EU – ASEAN
cũng sẽ tiêu tan vì nếu căn cứ vào điều kiện nhân quyền, thì tình trạng ở Lào,
Cam Bốt, Malaysia, Philippines, Brunei không khác gì Việt Nam.
Nhìn
từ Úc : Uy tín quốc tế của Việt Nam bị sứt mẻ
Cũng về vụ Đức tố cáo Việt Nam « bắt cóc » ông Trịnh
Xuân Thanh, nhà báo Helen Clark trên trang mạng của viện nghiên cứu Úc The Lowy
Institute ngày 10/08/2017 đã cho rằng vụ này không chỉ gây sứt mẻ trong quan hệ
song phương Việt-Đức, mà còn « phá hoại các nỗ lực tìm kiếm bạn bè và tăng cường
uy tín của Việt Nam », tựa của bài báo.
Đối với Helen Clark, giới đầu tư nước ngoài và định
chế tài chính thế giới từ lâu nay chỉ mong muốn Việt Nam cải tổ khu vực kinh tế
quốc doanh tham nhũng và kém hiệu quả. Phải công nhận là Việt Nam đã có một số
tiến bộ năm trong qua, và tại Đại Hội Đảng lần thứ 12, tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã nhấn manh trên nhu cầu cải tổ.
Tuy nhiên, vụ bắt cóc môt cựu lãnh đạo doanh nghiệp
xin tị nạn tại Đức gần đây đã làm suy giảm sự tin tưởng vào đà cải tổ dựa trên
luật pháp ở Việt Nam. Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam từng dẫn đến nhiều
vụ truy bắt khác, nhưng hiếm khi liên quan đến một người chức cao như ông Trịnh
Xuân Thanh, đã từng được huân chương Anh Hùng Lao Động Thời kỳ Đổi Mới vào năm
2011.
Theo Helen Clark, nhiều nhà phân tích cũng tự hỏi là
phải chăng những cáo buộc nhắm vào ông Thanh nằm trong nỗ lực của ông Nguyễn
Phú Trọng muốn triệt hạ tất cả những người thân cận với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng. Việc khai trừ ông Đinh La Thăng, thân cận với ông Thanh, ra khỏi Bộ Chính
Trị vào năm nay, do hoạt động kém cỏi trước đây, cũng nhằm mục tiêu trên. Điều
đáng tiếc là ở Việt Nam, tham nhũng là một vấn đề muôn thuở.
Lỡ
dịp có thị trường châu Âu để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc
Cũng như nhà báo David Hutt, Helen Clark cũng chú ý
đến các tác hại đối ngoại của vụ Trịnh Xuân Thanh, trong đó có vấn đề đàm phán
về Hiệp định Tự Do Thương Mại với Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh vì mất đi
TPP, Việt Nam đang cần tìm thêm một thị trường lớn để giảm thiểu lệ thuộc vào
giao thương với Trung Quốc, một mục tiêu mà Hà Nội khó thể đạt được với hiệp định
khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership).
Về phần Liên Hiệp Châu Âu cũng vậy, họ nhìn Việt Nam
như một thị trường tốt với tầng lớp trung lưu đang lên và tìm kiếm những sản phẩm
tiêu thụ khác thay thế sản phẩm Trung Quốc bị xem là chất lượng kém. Vấn đề đặt
ra là cho đến nay, nhiều thành viên Châu Âu chống lại việc ký kết tự do thương
mại với Việt Nam do vấn đề nhân quyền, và việc bắt giữ, trấn áp các blogger
đang tiến hành có lẽ sẽ được đưa ra thảo luận ở Nghị Viện Châu Âu. Vụ bắt cóc
ông Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức sẽ gây thêm phiền phức.
Để
mất người bạn tốt nhất tại châu Âu
Theo Helen Clark, hậu quả của vụ này còn nghiêm trọng
hơn nữa khi mà cho đến nay, Đức là người bạn tốt nhất của Việt Nam ở Châu Âu,
là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên Hiệp Châu Âu.
Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng Đức
Angela Merkel đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược năm 2011. An ninh và quốc
phòng ngày trở nên vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam trong quan hệ kiểu này.
Thế nhưng vấn đề trọng tâm trong thỏa thuận Đức–Việt
là gì ? Đối với Helen Clark, ngoài giáo dục và môi trường, còn có vấn đề hành xử
theo luật pháp. Đức đã nỗ lực hỗ trợ Việt Nam cải tổ hệ thống luật pháp trong
đó có việc được bộ Ngoại Giao Đức nói rõ là « hướng dẫn thực thi các công ước
quốc tế… phát huy nhân quyền và trợ giúp pháp lý và những vấn đề khác ».
Làm
sao đả kích Trung Quốc không tôn trọng luật quốc tế trên Biển Đông?
Những yếu tố trên rõ ràng là không giống với nhận định
của bộ Ngoại Giao Đức xác nhận vụ bắt cóc mới đây, theo đó « Việc bắt cóc công
dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một sự vi phạm chưa từng thấy
và trắng trợn luật lệ của Đức và quốc tế ».
Đối với Helen Clark, đây quả là một vấn đề lớn vì Việt
Nam mong muốn hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng quốc tế, đề cao các giá trị đa
phương cũng như hoạt động dựa trên luật pháp của các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ
hay Nhật Bản. Và đấy là do tranh chấp của Việt Nam ở Biển Đông về đường chín đoạn
của Trung Quốc, Việt Nam hậu thuẫn phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye và muốn
áp dụng luật biển quốc tế trong cuộc tranh chấp.
Để thúc đẩy những vấn đề cốt lõi này, Việt Nam đã từng
tìm kiếm một vai trò quốc tế hùng mạnh hơn, từ chiếc ghế không thường trực tại
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho đến tham gia công tác duy trì hòa bình, hay
làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vài năm trước đây. Trong bối
cảnh đó, một vụ bắt cóc kiểu thời Chiến Tranh Lạnh đã làm đảo lộn tất cả, vi phạm
luật pháp Đức cũng như quốc tế, và không phù hợp với quy chế một quốc gia có
trách nhiệm.
No comments:
Post a Comment