Saturday, August 12, 2017

LÀM SAO MỘT VỤ BẮT CÓC TẠI BERLIN CÓ THỂ GIẾT CHẾT THỎA HIỆP THƯƠNG MẠI TỰ DO CỦA VIỆT NAM VỚI CHÂU ÂU (Forbes)




(How a kidnapping in Berlin Could Bring Down Vietnam's FTA with Europe) Forbes, 11-8-2017
Bản tiếng Việt © Nguyễn Quốc Khải
12/08/2017

Dự thảo thương ước tự do giữa Việt Nam và Âu Châu ở trong tình trạng bất định sau khi Bộ Ngoại Giao Đức tố cáo mật vụ của Việt Nam bắt cóc một thương gia Việt Nam trên đường phố của Bá Linh vào tháng vừa qua. Chánh phủ Đức nói rằng Ô. Trịnh Xuân Thanh, người đang bị nhà chức trách Việt Nam truy lùng vì những vi phạm tài chánh, đã bị bắt cóc ngay tại trung tâm của thủ đô Đức vào ngày 23/7, nhưng Hà Nội khai rằng ông ta tình nguyện trở về Việt Nam và tự ra đầu thú với cảnh sát.  Ít lâu sau, ông ta xuất hiện và thú tội trên đài truyền hình của nhà nước. Luật sư của ông Thanh cho rằng đây là một sự ép buộc.

Trịnh Xuân Thanh

Tranh cãi công khai

Vào đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố rằng “không còn có sự nghi ngờ nghiêm trọng” về việc mật vụ và tòa Đại Sứ Việt Nam liên hệ đến vụ bắt cóc và đây là “một vi phạm trắng trợn chưa từng thấy luật pháp Dức và quốc tế”. Bộ Ngoại Giao Đức cũng đòi Hà Nội trả Ô. Thanh trở về Đức, nơi mà Ô. Thanh đang xin tị nạn. Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức sau đó mô tả biến cố này như những phim trinh thám ly kỳ thời chiến tranh lạnh. Ô. Phil Robertson, Phó Giám Đốc đặc trách về Á Châu cũa Tổ Chức Human Rights Watch, nói rằng “Bá Linh cần đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho Ô. Thanh và tìm kiếm một giải pháp cho biến cố này là điều kiện cần thiết để tiếp tục mọi sự tiếp cận giữa Đức và Việt Nam”. Tuy nhiên, cho tới nay Đức chỉ tuyên bố viên chức đặc trách ngành tình báo là người không được hoan nghênh (persona non grata). Hiên nay, xem ra Hà Nội không có ý định gửi trả Ô. Thanh về Đức. một quốc gia Âu châu buốn bán nhiều nhất với Việt Nam. Vì vậy, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Đức nói với Reuters tuần này rằng “chúng tôi đang cứu xét cần phải làm gì để những đồng nghiệp Việt Nam hiểu rõ rằng chúng tôi không chấp nhận những gì đã xẩy ra. Không loại trừ một giải pháp nào cả.”

Thủ Tướng Đức  &  Thủ Tướng VN

Nguy cơ mất mát

Một giải pháp là Đức sẽ giới hạn viện trợ phát triển cho Việt Nam. Vào 2015, Đức hứa giúp Việt Nam $257 triệu Mỹ kim trong hai năm. Một giái pháp khác, như những nhà phân tách cho biết một cách tin tưởng rằng Thủ Tướng Đức Angela Merkel, một nhà lãnh đạo không chánh thức của Liên Hiệp Âu Châu (European Union – EU), sẽ vận động với các nước Âu Châu láng giềng hoãn Thỏa Ước Thương Mại Tự Do Âu Châu - Việt Nam (EU - Việt Nam Free Trade Agreement – EVFTA) mà đôi bên đã ký kết vào tháng 12. 2015 và dự trù được phê chuẩn vào đầu năm tới. Thỏa ước rất quan trọng đối với Việt Nam. Thương mại của Việt Nam với EU tăng từ $10 tỉ Mỹ kim vào 2006 lên đến $48 tỉ Mỹ kim vào năm vừa qua. EU hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, và là đối tác xuất cảng lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ. Ủy Hội Âu Châu, một tổ chức hành pháp của EU, nghĩ rằng EVFTA có thể giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng lên tới 15%.

Ngay trước khi có vụ Ô. Thanh bị bắt cóc, đã có những đề nghị rằng EVFTA có thể được trì hoãn lại vì hồ sơ vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Việt Nam mà một số người tin rằng đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Luật lệ hiện nay có nghĩa là EVFTA phải được chấp nhận bởi mọi thành viên của EU gồm 28 quốc gia, cũng như là Quốc Hội Âu Châu, và những tổ chức nhân quyền đang bận rộn vận động họ bác bỏ thỏa ước thương mại này – hay ít nhất buộc phải có những thay đổi lớn, có nghĩa là EU chỉ chấp thuận thương ước nếu chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Ô. Pier Antonio Panzeri, Chủ Tịch của Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Âu Châu, tuyên bố tại cuộc họp báo vào tháng 2 trong khi viếng thăm Việt Nam rằng “Chúng tôi đã nói với những giới hữu trách Việt Nam rằng sẽ vô cùng khó khăn để chấp thuận EVFTA trong hoàn cảnh này”. Chánh phủ Việt Nam xem ra thiết tha xoa dịu những lo ngại của EU trước khi có vụ bắt cóc vào tháng vừa qua, làm cho sự kiện trở nên bối rối. Vào tháng 7, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉng G20 được tổ chức tại Hamburg. Theo cơ quan truyền thông nhà nước, Ô. Phúc đã gặp 14 nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Ô. Donald Tusk, Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu (European Council) và Ô. Jean Claude Juncker, Chủ Tịch Ủy Hội Âu Châu (European Commission). Ô. Phúc cũng đã họp với Thủ Tướng Đức Merkel. Cơ quan truyền thông Việt Nam tường thuật rằng một thông báo tại cuộc họp này cho biết hai nước đã đồng ý về một hiệp định thương mại trị giá $1.7 tỉ Mỹ kim. Sau đó, Ô. Phúc tới Hòa Lan, một nước Âu Châu đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tại thành phố The Hague, Ô. Phúc công bố rằng Việt Nam sẽ bỏ những giới hạn đối với những nhà đầu tư nước ngoài trong một số số khu vực công nghiệp.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng bị công an đánh đập

Vấn đề gai góc

Có thể chánh phủ Việt Nam biết rằng trong khi nhân quyền có thể là làn ranh đỏ dối với một số viên chức Âu châu, hứa hẹn về lợi nhuận đối với những công ty Âu Châu có thể đủ mạnh để buộc những viên chức khác chấp nhận EVFTA.

Ngoài ra, EU có thể tự bắn vào chân mình nếu họ bắt đầu phá vỡ EVFTA vì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam; điều này có thể trở thành một tiền lệ cho những thỏa hiệp trong tương lai. EU đã từ lâu muốn có một hiệp định thương mại tự do với toàn khối những nước Đông Nam Á (Association of Souteast Asian Countries – ASEAN) và những cuộc bàn cãi về hiệp định này đã được bắt đầu vào tháng 3. Nhưng nếu EVFTA đổ vỡ vì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam - mặc dù không phải vì vụ bắt cóc Ô. Thanh - Hiệp định thương mại ASEAN-EU gần như chắc chắn sẽ tiêu tan. Người ta cũng phải xem xét đến tình trạng nhân quyền tại Lào, Campuchia, Mã Lai, Phi Luật Tân, và Brunei, tất cả những nước này hầu như cũng thiếu thốn ở cùng mức độ giống như Việt Nam.





No comments: