Monday, August 29, 2016

TỪ VỆ BINH ĐỎ ĐẾN TIỂU PHẤN HỒNG (Lê Phan)




Lê Phan
August 27, 2016

“Bắc Kinh, 24 tháng 8 năm 1966, nếu một nhóm Hồng vệ binh được quyền đưa ra chính sách thì từ hôm nay, đèn xanh đèn đỏ trên các đường phố của thủ đô Bắc Kinh sẽ phải đổi màu.

“Những vệ binh đã dán đầy bức tường thành hôm nay với những bích chương nói màu đỏ là màu của cách mạng và phải được dùng để chỉ sự đi tới chứ không phải ngừng lại. Những quan sát viên nói những bích chương này có vẻ không được chính quyền cho phép nhưng chỉ là đề nghị của một nhóm vệ binh.

“Trong khi đó, ‘hồng vệ binh’ đã bố ráp các tòa nhà ở Bắc Kinh, cáo buộc chủ nhân là chống lại chủ thuyết Mao Trạch Đông và Cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Đám đông hò reo ủng hộ trong khi các vệ binh đập bể cửa kiếng, lật đổ đồ đạc, và ném ra đường những món mà họ coi là xa xỉ hay tiểu tư sản. Ở một vài căn nhà, vệ binh chỉ hô khẩu hiệu, đọc những đoạn trong Sách Đỏ, tranh luận với những người trong nhà, rồi dựng cờ đỏ và các bích chương lên án các thói quen tiểu tư sản. Ở những nhà khác, họ lôi ra những chuỗi hạt trai, quần áo âu phục và giày dép cho đám đông chê cười, chế diễu, rồi ném ra khỏi nhà.

“Một số người bị coi là có tội được dẫn đi trên các đường phố và các nhà ngoại giao ngoại quốc tường thuật là đã thấy một người bị dẫn điệu đi trên đường phố, ở cổ đeo một tấm bảng ‘Tôi chống lại cách mạng.’

“Vệ binh dán những bích chương ở cửa vào các công viên chỉ trích các cặp uyên ương ngồi ở những chỗ vắng vẻ cười đùa với nhau và ‘làm những điều chướng tai gai mắt.’ Bích chương nói những hoạt động như vậy và những hoạt động như ngồi suốt đêm viết thư tình là tuyệt đối cấm kỵ. Những tấm bích chương khác hôm nay tuyên bố là những cuốn sách không theo đúng chủ thuyết Mao sẽ bị đốt.”

Đó là một đoạn trên tờ Guardian ở Anh số ra ngày 25 tháng 8 năm 2016 kể lại chuyện đời xưa. Nhưng Trung Cộng là một quốc gia mà chuyện xưa nhiều khi lẫn lộn chuyện nay.

Tờ The Economist số ra hôm 13 tháng 8 năm 2016 có một bài mang cái tên “The East is Pink” để nói đến một phong trào mới trong giới thanh niên ở Trung Cộng. Hồi xưa, ông Mao
và các đồng chí của ông hát “Đông phương Hồng” nhưng “Hồng” chữ hán cũng có nghĩa là “đỏ.” Ngày nay giới thanh niên công dân mạng của Trung Cộng mới sáng chế ra thế giới của “Tiểu phấn hồng.” Cái tên này nghe êm tai như vậy nhưng thực ra không dịu dàng tí nào cả. Nó là một từ chê bai dành cho đám thanh niên “ái quốc” mới của Hoa lục, thường dùng Internet để làm bãi chiến trường cho lòng ái quốc, đôi khi tập trung vào văn hóa pop để khuấy động sự ủng hộ.

Cái tên này theo tờ Economist xuất hiện cách đây vài năm trên một chat room online có cái nền màu hồng. Nó được những người sử dụng gọi nó là “tiểu phấn hồng.” Lúc đầu nó không phải là một diễn đàn chính trị, nhưng một đôi khi những đề tài chính trị xuất hiện. Một nhóm nhỏ trong đó thường bày tỏ chủ thuyết quốc gia cực đoan. Những người bên ngoài nhóm này gọi họ là “tiểu phấn hồng” để chọc quê họ, nhưng từ này lại được các nhóm quốc gia quá khích chọn làm tên cho mình.

Đối với những ai thấy một sự tương tự đáng lo ngại giữa ông Tập Cận Bình và lãnh tụ Mao Trạch Đông, thì tiểu phấn hồng đáng sợ. Họ được coi như là hồng vệ binh thời nay, cũng như những học sinh, sinh viên đã bùng nổ bạo động trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa cách đây 50 năm. Nhiều người nghĩ nói như vậy là quá, nhưng họ vẫn coi tiểu phấn hồng như là một trào lưu xấu xí, một dạng kiểu Trung Cộng cho sự thổ bỉ hóa đối thoại online.

Một cuộc đối đầu kéo dài hai tuần lễ đã khiến đám này được sự chú ý của truyền thông hồi tháng 7. Họ đã ồn ào chỉ trích một đạo diễn người Hoa dùng một tài tử Đài Loan trong vai chính của một cuốn phim được dự trù sẽ chiếu vào năm tới tên là “Những tình yêu khác.” Họ cáo buộc Leon Dai, tài tử người Đài Loan, là ủng hộ cho độc lập cho Đài Loan vì ông xuất hiện trong cuộc biểu tình chống lại một thỏa thuận mậu dịch tự do với Hoa lục cách đây hai năm. Sau cùng đạo diễn phải cắt hết những màn có ông Dai ra khỏi cuốn phim mặc dầu phim đã quay xong rồi. Sau chiến thắng này, truyền thông và các học giả bắt đầu phân tích hiện tượng này.

Những cơn nổi giận của tiểu phấn hồng ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Hôm tháng 1, khi bà Thái Anh Văn, chính trị gia Đài Loan thuộc đảng Dân Tiến, vốn có khuynh hướng ủng hộ độc lập, được bầu làm tổng thống. Công dân mạng đã đổ vào tràn ngập trang Facebook của bà để chỉ trích. Đến tháng 6, các tiểu phấn hồng đã kêu gọi tẩy chay Lancôme, công ty mỹ phẩm Pháp, vì đã thuê cô Denise Ho, một ca sĩ Hồng Kông bị nghi là ủng hộ độc lập cho cựu lãnh địa của Anh. Lancôme phải hủy hợp đồng. Sau đó họ ùa vào địa chỉ Instagram của Lady Gaga vì cô ca sĩ nhạc pop Hoa Kỳ này gặp lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuần này các công dân mạng quay sang chĩa mũi dùi vào Mark Horton, một lực sĩ bơi lội của Úc vốn giành huy chương vàng ở Rio, vì ông đã gọi Sun Yang, đối thủ người Hoa của ông, là “ăn gian dùng thuốc.” Những chỉ trích ông Horton lan tràn rộng rãi hơn, ra cả báo chí nhà nước, so với những phản ứng với cô Ho hay cô Gaga. Nhưng các cuộc tấn công pháo kích ồ ạt trên các địa chỉ xã hội với những lời lẽ tức tối này mang chỉ dấu của một cuộc tấn công của tiểu phấn hồng.

Thái độ của đám này khác tình thần quốc gia của đa số những người trong xã hội Hoa lục. Đại đa số dân chúng Trung Cộng chống lại độc lập cho Đài Loan hay Hồng Kông. Nhưng chỉ một thiểu số nhỏ nổi điên lên trên Internet mỗi khi có một tí gì khiêu khích. Nhiều người chê bai các hành động của đám tiểu phấn hồng là cực đoan, nhưng có vẻ như họ đang có được những ủng hộ từ hàng lãnh đạo. Dựa trên quan niệm phổ biến của chữ tiểu phấn hồng, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản đã ca ngợi nhóm này là những nhà nữ ái quốc. Đoàn tuyên bố trên trang chính thức của mình nói họ là “con em chúng ta, các cô thiếu nữ mà chúng ta mơ tưởng.” Nhiều cô bây giờ tự tuyên bố mình là “tiểu phấn hồng” như là một vinh dự. Một cô tuyên bố trên trang Weibo của đoàn: “Chúng tôi cộng sức mạnh với sự dịu dàng, và yêu đất nước một cách khôn ngoan.”

The Economist nói là điều cũng đáng nhắc đến là trong nhóm còn có một chút óc trào phúng. Thành viên của họ không kêu gọi bạo động. Thường họ chỉ đưa lên những tấm hình kỳ cục. Chọc phá ý tưởng của người Đài Loan vốn coi thường Trung Cộng là nghèo nàn và không có tiền ăn những món đồ cao lương mỹ vị, họ đã đổ vào các địa chỉ Đài Loan hình ảnh những món sơn hào hải vị của Hoa lục.

Nhưng vẫn còn có nhiều người sợ là dưới những nụ cười khúc khích của các cô bé đó có một làn sóng ngầm đáng ngại, đó là, ở một lúc nào đó, tiểu phấn hồng bỗng bùng lên thành ra vệ binh đỏ.




No comments: