Sunday, October 25, 2009

CÁN BỘ ĐẢNG TA RẤT TRONG SẠCH


Cán bộ Đảng ta rất trong sạch
Người Yêu Nước
http://www.x-cafevn.org/node/2306
Cái tin do báo chí đưa ra mấy ngày hôm nay, rằng cán bộ Đảng ta đã nộp lại tiền quà biếu, thể hiện sự trong sạch của cán bộ, đang gây ra nhiều dư luận xôn xao trong cả nước. Đảng ta đã thống kê được trong thời gian gần đây, có tổng cộng hơn 200 vị cán bộ trong cả nước đã nộp lại tiền quà biếu , tổng cộng hơn 65 triệu đồng!!! Mấy bà nông dân kiếm không nổi 3000 đồng một ngày (khoảng 0,2 đôla), hoặc mấy ông cán bộ hưu trí lương thấp khoảng 600.000 đồng 1 tháng (khoảng 50 đôla), có vẻ khen sự trong sạch nêu trên. Nhưng phần lớn dư luận nhân dân thì bĩu môi, “lại trò bịp bợm”. Bởi vì ở Hà Nội, người ta còn nhớ vài chuyện nổi tiếng về nộp lại tiền quà biếu.

Đầu tiên là ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm. Ông Kiêm vốn là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình. Đây là tỉnh vựa lúa ở miền Bắc, có bài hát nổi tiếng “chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình”. Tháng 4 năm 1989, ông Kiêm được điều về Trung ương, làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có trụ sở là tòa nhà kiến trúc Pháp có lẽ đẹp nhất ở Việt Nam, nằm cạnh trụ sở Thành ủy Hà Nội. Năm đầu tiên làm Thống đốc, khi đó vẫn còn gọi là Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nghe nói ông Kiêm nộp lại tiền quà biếu Tết khoảng 600 triệu đồng. Không có báo cáo công khai nào nói đến số tiền quà biếu nộp lại đó. Nhưng dư luận người ta nói như vậy. Mà Đảng ta cũng chẳng dại gì báo cáo công khai số tiền quà biếu khổng lồ đó. Vì nếu được công khai, thì dư luận sẽ đặt câu hỏi là sao tiền quà biếu nhiều thế? Và những vị lãnh đạo khác khác thì sao? Sao không thấy ai nộp lại?
Sau năm đầu tiên nộp lại tiền quà biếu, những năm sau không thấy ông Cao Sỹ Kiêm nộp lại tiền quà biếu nữa. Sau đó, nghe nói cơ quan an ninh lập hẳn một bộ phận để theo dõi các nguồn tài sản của ông Cao Sỹ Kiêm, vì thấy các người con của ông Kiêm sở hữu những ngôi nhà to tướng ở Hà Nội và Sài Gòn.
Ông Kiêm làm Thống đốc 8 năm, đến năm 1997, ông bị Trung ương cảnh cáo vì có trách nhiệm trong vụ Epco-Minh Phụng. Quốc hội khi đó không biểu quyết cho ông Khiêm làm Thống đốc Ngân hàng nữa, thì Trung ương Đảng nâng đỡ ông, đưa ông Khiêm về làm Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, chứ chưa về hưu hẳn ngay. Sau đó nghe nói chuyên án theo dõi ông Kiêm cũng bị hủy bỏ. Nếu theo dõi ông Khiêm, thì nhiều ông bự khác cũng phải bị theo dõi chứ?

Sau ông Kiêm, một ông Phó thống đốc tạm làm Quyền Thống đốc hơn 1 năm, để đến năm 1998, ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng được giao kiêm làm Thống đốc Ngân hàng trong 2 năm, sau đó là ông Lê Đức Thúy.
Ông Thúy nguyên là Thư ký riêng của ông Tổng bí thư Đỗ Mười, quê Nghệ An, đã từng đi tu nghiệp ở Đại học Harvard. Khi ông Thúy làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ tháng 12/ 1999, người ta hi vọng một người từng học tại đại học danh tiếng nhất của Mỹ sẽ đưa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt được trình độ quản lý thế giới.
Thế nhưng trong 7 năm làm Thống đốc Ngân hàng, cho đến năm 2007, thành tựu lớn nhất của ông Thúy là cho in tiền polymer, mà một trong những người tham gia thực hiện dự án là con trai ông Thúy- ông Lê Đức Minh, giám đốc công ty Banktech, là công ty cung cấp một số nguyên liệu cho việc in tiền polymer này.
Gần đây, phía cảnh sát Australia đã mở cuộc điều tra công ty Security International của Australia mà trúng thầu in tiền polymer cho Việt Nam, vì công ty này bị cáo giác đã hối lộ quan chức Việt Nam nhiều triệu đô-la để được trúng thầu. Không thấy ông Thúy nộp lại tiền quà biếu trong dự án in tiền polymer này. Dĩ nhiên cả ông Thúy, lẫn con trai ông đều nói là làm gì có tiền quà biếu nào.
Thành tựu thứ hai trong hơn 7 năm làm Thống được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của ông Lê Đức Thúy, là trước khi thôi làm Thống đốc, ông mua hóa giá căn nhà số 6 Lý Thái Tổ, nằm gần hồ Hoàn Kiếm, giá mua khoảng gần 1 tỷ đồng, mà theo đánh giá, thì giá thật cỡ khoảng xấp xỉ 10 tỷ đồng. Với tiền lương, thưởng, phụ cấp cỡ khoảng 5 triệu đồng 1 tháng (khoảng 300 đôla), ông Thúy đủ tiền mua căn nhà xấp xỉ 1 tỷ đồng (khoảng 80 000 đôla), và sau đó, ông sửa căn nhà đó thành căn nhà 5 tầng, mất cũng khoảng số tiền đó nữa, có cả thang máy trong nhà. Ông Thúy khai tại Quốc hội là tiền tiết kiệm, gồm cả tiền tiết kiệm khi ông đi học ở Harvard!!!

Ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội 2 khóa, 10 năm, 1994-1999, 1999-2004. Ông Nghiên nguyên là một tiến sĩ, giảng viên đại học, tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, ông làm giám đốc công ty điện tử Hanel, là công ty có liên hệ với công ty Daiwoo của Hàn Quốc. Thời kỳ đầu, khi chưa có công ty nước ngoài sản xuất tivi đầu tư vào Việt Nam, nên tivi Hanel bán khá chạy. Nên khi đó ông Nghiên được cho là đổi mới, và ông được Trung ương cơ cấu về Hà Nội, làm Chủ tịch. Dư luận ban đầu rất ủng hộ ông Nghiên, nhất là từ Sài Gòn, vì lần đầu tiên có một giám đốc doanh nghiệp làm chủ tịch địa phương, nhất là địa phương có vai trò quan trọng nhất cả nước. Hơn nữa, ông lại là một tri thức, học ở Balan (Poland) về, nói được tiếng Anh như ông Lê Đức Thúy.
Năm đầu tiên ông Nghiên làm Chủ tịch Hà Nội, cũng nghe nói ông nộp lại gần 1 tỷ đồng tiền quà biếu Tết. Tết là một dịp tốt để người Việt Nam ta biếu quà cho nhau mà không thể từ chối. Dư luận rất khen ông Nghiên. Người ta hi vọng ông lên cao nữa. Thế rồi những năm sau, không thấy ông nộp lại tiền quà biếu nữa. Có người giải thích là ông Nghiên nộp lại tiền quà biếu rồi, thì ai còn dám biếu nữa. Quả thật, người ta thấy ông Chủ tịch Hà Nội vẫn ở căn nhà chung cư 32 m2 ở khu tập thể trường đại học Bách Khoa Hà Nội, và đôi khi ông đi xe đạp để đi thị sát tình hình thành phố. Sống trong căn hộ tuềnh toàng nhỏ hẹp 32 m2 đó, ông ngày càng béo đỏ ra, và thứ bảy, Chủ nhật, ông thường hay đi đánh tenis để rèn luyện sức khỏe, ở sân tenis vào loại sang nhất Hà Nội lúc bấy giờ, nằm trên tầng 4 của tòa nhà Tháp Hà Nội-Hanoi Tower, do công ty Singapore liên doanh xây, tại địa điểm nguyên là nhà tù Hỏa Lò cũ nổi tiếng . Tháp tùng ông chơi tenis là một số đại gia giàu nhất nhì Hà Nội, ông chủ của một số công ty tư nhân mới nổi nhờ công cuộc “đổi mới” mà Đảng ta khởi xướng từ năm 1986.
Thành công lớn nhất trong thời gian 10 năm ông Hoàng Văn Nghiên làm Chủ tịch Hà Nội, là công ty Daiwoo của Hàn Quốc được cấp đất xây khách sạn 5 sao Daiwoo ở đường Liễu Giai, cạnh Đại sứ quán Australia. Đó là một công trình đầy tự hào của thủ đô Hà Nội. Ông Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đi thăm Hà Nội cuối năm 2000, nghe nói đã nghỉ ở đấy. Còn ông Nghiên thì sau đó cũng thấy ông có đủ tiền để chu cấp cho con gái đi du học ở Anh. Và nghe nói trong một ngõ nhỏ trên đường Láng Hạ, cách không xa Đại sứ quán Mỹ, có một căn biệt thự to mới xây, đứng tên vợ ông Nghiên. Còn công ty Hanel của ông Nghiên thì bây giờ không thấy mấy người nhắc đến nữa.
Sau khi ông Nghiên về hưu năm 2004, cùng thời gian xảy ra vụ mua nhà rẻ của ông Lê Đức Thúy, thì cũng xảy ra vụ mua nhà hóa giá rẻ của ông Nghiên. Căn biệt thự 18 Nguyễn Chế Nghĩa, cách không xa Đại sứ quán Anh, nguyên trước kia có một số gia đình được phân để ở, trong đó có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện . Bác sĩ Viện mất, tòa biệt thự này được thành phố Hà Nội lấy lại, cho một người Nhật thuê khoảng 5.000 đô-la một tháng. Sau đó hóa giá bán lại cho ông Hoàng Văn Nghiên với giá gần 1 tỷ đồng. Người ta nói thực giá của căn biệt thự kiến trúc Pháp đó là khoảng gần 20 tỷ đồng. Ông Nghiên giải thích là thành phố Hà Nội ra giá bao nhiêu, thì ông trả bấy nhiêu, chứ ông không có can thiệp gì cả.
Thế rồi báo chí (báo chí Việt Nam ta quả là lắm chuyện thật! Không để cho người ta yên ổn hạ cánh an toàn. Ai đó phê phán là báo chí ta chỉ được đi ở lề đường bên phải, nhưng tôi không đồng ý lắm) lại khui ra việc ông Nghiên mặc dù ở căn hộ bình dân rộng hơn 30 m2, nhưng đi làm bằng xe ô tô trị giá hơn 3 tỷ đồng, giá trị gấp khoảng gần 10 lần căn hộ nhỏ của ông. Khi đó mới vỡ lở ra chuyện ông Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên, và ông Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu có chuyện xích mích, mất đoàn kết. Mất đoàn kết là chuyện tối kỵ , không được Đảng ta công khai nói cho dân biết bao giờ cả.
Ông Nghiên trả lời phỏng vấn báo chí, tố cáo ông Triệu chơi xỏ ông. Khi ông Nghiên đi công tác nước ngoài, thì ông Triệu cho cái xe trị giá hơn 3 tỷ đồng ấy ra sân bay đón ông, còn cái xe ôtô rẻ mà ông Nghiên đang đi, thì ông Triệu giao cho người khác sử dụng. Và vì không còn xe, nên ông Nghiên đành phải sử dụng cái xe trị giá hơn 1000 con trâu ấy, và là cái cớ để báo chí phê phán. Ông bị “chơi xỏ”.
Người “chơi xỏ” ông Nghiên, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu, sau đó thay ông Nghiên làm Chủ tịch Hà Nội, và bây giờ đang là Bộ trưởng Bộ Y tế. Ưu điểm lớn nhất của ông Triệu là khi họp hội nghị, ông hay ngủ gật. Do đó các hội nghị có ông tham dự thường được kết luận rất nhanh, không bị ý kiến tham luận, hay chất vấn nhiều. Phải chăng vì ưu điểm đó, mà nay ông được lên làm Bộ trưởng Bộ Y tế?

Nói chung, theo Đảng ta, cán bộ Đảng ta đại đa số là trong sạch, chỉ một số ít tham nhũng, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Câu nói này quả là đúng, vì phần lớn đảng viên là người không có chức quyền. Ví như bố tôi, chú tôi, bác tôi... đều là đảng viên cả, họ đều là mẫu mực về đạo đức, và chẳng thể giàu. Nhưng với các đảng viên có chức quyền, thì khác, thì Đảng ta nói không đúng lắm.

Có những người tốt, thực sự đã nộp lại tiền quà biếu, hoặc trả lại người biếu. Chính những đảng viên tốt và ngây thơ này đang góp phần không nhỏ để làm cho Đảng ta vững mạnh đến ngày nay, chưa bị sụp đổ. Nhưng cũng có lắm vị trong Đảng ta dùng cái trò “nộp lại tiền quà biếu” để lừa bịp rằng “ta là người trong sạch”, thực ra chỉ để ngụy trang cho những khoản tiền “quà biếu” khổng lồ khác, mà tất nhiên người ta không nộp. Có thế thì khi về hưu các quan chức đảng viên mới yên tâm chứ.



No comments: