Ngươi Việt Online
Friday,
January 15, 2016 2:09:32 PM
Dường
như thái độ hung hăng của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam, Nhật, Hoa Kỳ, Philippines
xích lại gần nhau hơn để cùng bước tới, ngăn chặn Trung Quốc.
Nikkei
Asian Review, một tạp chí của Nhật, cho biết, chính phủ Nhật đang ráo riết hoàn
tất Hiệp Định Chia Sẻ và Bảo Vệ Thông Tin Quân Sự với Việt Nam và Philippines.
Hiệp định này sẽ giúp các bên có liên quan chia sẻ thông tin về những vấn đề
liên quan đến quốc phòng và thông tin tình báo về “quân đội của các quốc gia
khác.” Các bên có liên quan tất nhiên phải cam kết bảo vệ thông tin được chia sẻ.
Nhật đã từng ký kết những hiệp định tương tự với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ,
NATO.
Cũng
theo Nikkei Asian Review, chính phủ Nhật có mong muốn xa hơn, đó là đạt được thỏa
thuận tương tự với các thành viên của Hiệp Hội Đông Nam Á. Hiệp định vừa kể mà
Nhật muốn ký với Việt Nam và Philippines là bước đầu tiên để thực hiện mục tiêu
đó.
Nếu
không có gì thay đổi thì ông Gen Nakatani, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật sẽ sớm đến
Việt Nam và Philippines để thảo luận về Hiệp Định Chia Sẻ và Bảo Vệ Thông Tin
Quân Sự. Nhật cũng sẽ sớm hoàn tất những cam kết trợ giúp Việt Nam và
Philippines nâng cao năng lực quốc phòng cả trong đào tạo lẫn viện trợ trang bị,
thiết bị.
Có vài
dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, Nhật sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cách nay
vài ngày, ông Yoshihide Suga, Chánh Văn Phòng của chính phủ Nhật loan báo, Nhật
đã thông báo cho Trung Quốc rằng, chính phủ Nhật đã ra lệnh cho Hải Quân Nhật
trục xuất tất cả các tàu ngoại quốc ra khỏi lãnh hải của Nhật nếu những tàu này
này không tôn trọng nguyên tắc qua lại không gây nguy hại. Trước đó có hai tàu
của lực lượng hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực Senkaku (quần đảo vẫn nằm dưới
quyền kiểm soát của Nhật song Trung Quốc một mực khẳng định là của Trung Quốc).
Khi Hải Quân Nhật yêu cầu hai tàu này rời khỏi lãnh hải của Nhật, cả hai cùng
tuyên bố rằng đang di chuyển trong vùng biển thuộc Trung Quốc rồi ra lệnh cho
chiến hạm của Hải Quân Nhật đi chỗ khác.
Bộ Quốc
Phòng Nhật cũng đã quyết định rút các phi cơ tuần thám loại P-3C ra khỏi chiến
dịch chống hải tặc Somali của cộng đồng quốc tế để gia tăng giám sát tình hình
biển Đông. Sắp tới những phi cơ loại này của Nhật sẽ nhận tiếp liệu tại các quốc
gia nằm quanh biển Đông như: Việt Nam, Philippines, Malaysia.
Thái độ
hung hăng của Trung Quốc về biển Đông cũng đã tạo ra thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và
Philippines là hai bên sẽ cùng tuần tra và phối hợp hành động tại biển Đông.
Chưa có chi tiết về thỏa thuận này nhưng khi kết thúc hội nghị giữa hai ngoại
trưởng và hai bộ trưởng Quốc Phòng của Hoa Kỳ, Philippines, người ta được biết,
Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Philippines là “sắt đá.” Đồng thời Hoa
Kỳ sẽ hành động để bảo vệ quyền tự do lưu thông, không để Trung Quốc kiểm soát
biển Đông.
Ngoài
việc tiếp tục hỗ trợ huấn luyện, tập trận, chia sẻ thông tin, Hoa Kỳ và
Philippines cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để gia tăng
việc hợp tác song phương, nhằm đáp ứng tốt hơn các thách thức về an ninh trong
khu vực. Cũng cần nhắc lại là hồi đầu tuần này, Tòa Án Tối Cao của Philippines
tuyên bố, hiệp định gia tăng hợp tác quốc phòng mà chính phủ Philippines ký với
Hoa Kỳ năm 2014 là hợp hiến nên không cần Quốc Hội phê chuẩn.
Hiệp định
vừa kể từng bị một số dân biểu Philippines tìm cách cản trở việc thực hiện bằng
cách đề nghị Tòa Án Tối Cao của Philippines xem xét có vi hiến hay không. Phán
quyết của Tòa Án Tối Cao Philippines sẽ giúp Hoa Kỳ có thể điều động quân đội đến
Philippines thường xuyên trong khuôn khổ kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược
sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. (G.Đ)
-----------------------------
Ngươi Việt Online
Friday,
January 15, 2016 2:09:32 PM
Tân
Hoa Xã cho biết, chính quyền “thành phố Tam Sa” đã soạn xong kế hoạch kêu gọi
tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng trên những hòn đảo ở biển Đông.
Nhóm du khách đầu tiên được Trung Quốc đưa đến “du lịch”
tại “thành phố Tam Sa.” (Hình: Tân Hoa Xã)
Tam Sa
là tên một “thành phố” được Trung Quốc thành lập vào Tháng Bảy năm 2012. Thành
phố này thuộc tỉnh Hải Nam và bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa
cùng với tất cả các bãi đá nằm trong phạm vi mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại biển
Đông. Thủ phủ của “thành phố Tam Sa” được đặt tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc cưỡng
đoạt của Việt Nam hồi Tháng Giêng năm 1974 khi thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng
Sa.
Qua Tân
Hoa Xã, ông Phùng Văn Hải, một phó thị trưởng của “thành phố Tam Sa,” giới thiệu
kế hoạch vừa kể (xây dựng Trung Tâm Cấp Cứu về Y Tế và Hàng Hải, kéo cáp quang
và phủ sóng wifi trên tất cả các đảo, bãi đá có hay không có người ở,...) và
nói thêm, kế hoạch mang tên “chương trình đối tác công-tư” này sẽ được thực hiện
ngay trong năm nay. Cũng theo lời ông Hải thì kể từ năm nay, Trung Quốc sẽ thiết
lập một đường bay, thường xuyên thực hiện các chuyên bay đưa người đến “thành
phố Tam Sa.”
Bất chấp
các đề nghị, khuyến cáo, phản đối của cộng đồng quốc tế về việc thay đổi hiện
trạng biển Đông, khiến tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số quốc
gia trong khu vực Đông Nam Á càng lúc càng căng thẳng, chưa kể sự lo ngại Trung
Quốc độc chiếm biển Đông, xâm hại quyền tự do lưu thông cả trên biển lẫn trên
không trong khu vực này càng ngày càng lớn, Trung Quốc vẫn tiếp tục bày ra đủ
chiêu, đủ trò để từng bước củng cố cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền
trên biển Đông.
Sau khi
bồi đắp bảy bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, Trung Quốc
ráo riết xây dựng hạ tầng trên chuỗi đảo nhân tạo đó. Trong khi các không ảnh
được chụp từ vệ tinh cho thấy, hạ tầng trên chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã
bồi đắp ở quần đảo Trường Sa là hạ tầng của các căn cứ quân sự và chỉ có một
cách lý giải, đó là các cảng, phi trường, công sự, nhà kho mà Trung Quốc đã và
đang xây dựng chính là nhằm hỗ trợ cho mục tiêu khống chế toàn bộ biển Đông bằng
cả Hải Quân lẫn Không Quân thì Trung Quốc thản nhiên giải thích, hệ thống đảo
nhân tạo và những công trình trên đó chỉ nhằm... nghiên cứu khoa học, thực thi
nghĩa vụ quốc tế (cứu nạn hoặc hỗ trợ cứu nạn khi xảy ra thảm họa, thiên tai
trong khu vực). Trung Quốc cũng liên tục trấn an cộng đồng quốc tế rằng, Trung
Quốc tôn trọng quyền tự do lưu thông và sẽ làm hết sức để bảo vệ các quyền đó.
Thế nhưng ngay sau đó các Đài Kiểm Soát Không Lưu mà Trung Quốc vừa thiết lập tại
biển Đông đã ra lệnh cho các phi cơ của Philippines, Hoa Kỳ đang thực hiện các
phi vụ tuần thám ở biển Đông phải báo cáo vì “xâm nhập không phận của Trung Quốc”
và yêu cầu những phi cơ này phải “rút ra ngay lập tức.”
Kế đó,
Trung Quốc tổ chức xây dựng các hải đăng trên một số đảo nhân tạo. Xây dựng tổng
kho nhiên liệu trên đảo Phú Lâm. Tổ chức cho các “phi cơ dân dụng” thử hạ và cất
cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Các
chuyên gia an ninh-quốc phòng đã liên tục cảnh báo, những việc Trung Quốc đã và
đang làm tại biển Đông không phải là tùy hứng. Trung Quốc có một kế hoạch toàn
diện và đang tuần tự thực hiện kế hoạch độc chiếm toàn bộ biển Đông. Khi kế hoạch
này hoàn tất, cộng đồng quốc tế sẽ bị đặt trước “một chuyện đã rồi.” (G.Đ)
No comments:
Post a Comment