31.12.2015
Từ
tài liệu khai báo đến tư liệu nghe lén
Cuộc chiến đã đến hồi “còn tôi không còn anh”.
Chạng vạng những ngày cuối 2015, Bộ trưởng Công an
Trần Đại Quang phải thừa nhận tình trạng lộ lọt tài liệu nội bộ là “nghiêm trọng”.
Chỉ ít ngày sau khi khi Hội nghị Trung ương 13 đảng
Cộng sản Việt Nam kết thúc với kết quả dàn nhân sự quá tuổi nhưng còn nguyện vọng
phục vụ Tổ quốc và nhân dân có thể được “chung quyết’’ tại Hội nghị Trung ương
14, trên mạng xã hội tiếp tục diễn biến một bài viết của “Câu lạc bộ nhà báo trẻ”.
Nhưng khác hẳn với loạt gần chục bài trước đó tấn
công nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, bài
viết liền sau chuyển sang công kích trực diện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Nếu loạt bài tấn công ông Nguyễn Công Khế đã bạo liệt
đến mức lôi cả tài liệu được cho là của “Phủ đặc ủy trung ương tình báo Việt
Nam Cộng Hòa” có lời khai báo trong tù của ông Khế, thì bài công kích ông
Trương Tấn Sang cũng mang sắc thái đặc biệt không kém khi mô tả chi tiết về các
cuộc gọi, tin nhắn của những nhân vật liên quan về thời điểm và cả nội
dung.
Cả hai loại tài liệu trên dường như đều liên hệ với
những tiêu chí của Ban tổ chức trung ương trong đánh giá cán bộ: “vấn đề lịch sử
chính trị” và “chính trị hiện nay”.
Đã đến lúc mà những nhân cách ủy viên Bộ Chính trị cảm
thấy bị xúc phạm sâu sắc.
Hiện tượng tiết lộ tài liệu dễ khiến dư luận nhớ lại
vụ một lãnh đạo cao nhất của cơ quan dân cử và nằm trong nhóm “tứ trụ” - ông
Nguyễn Sinh Hùng, người vừa sang Bắc Kinh ngay sau Hội nghị 13 - bị ai đó tung
lên mạng băng ghi âm vào cuối năm 2014, cho rằng trong băng này là phần đối thoại
của ông Hùng với ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đại
Dương.
Ông Thắm bị công an bắt vào tháng 10/2014.
Cuối 2014 cũng là thời điểm nổ ra trang mạng Chân
Dung Quyền Lực với ngồn ngộn thông tin về một số ủy viên Bộ Chính trị
liên quan đến dịch Hai Đê (nhà đất, đô la) và những vấn nạn khác.
Sau hiện tượng trang mạng Quan Làm Báo năm
2012 và Chân Dung Quyền Lực 2014, có lẽ giới quan chức Việt
Nam, đặc biệt là những quan chức cao cấp, dù có thể trước đó chẳng mấy quan tâm
đến cơ chế nghe lén của cơ quan công an, mới bắt đầu “lên ruột”.
‘Nghe
không sót ông nào’
Dù chuyện nghe lén ở Việt Nam từ quá lâu chẳng còn
là chuyện lạ, nhưng chỉ đến tháng 8/2015, trong một buổi thảo luận của Thường vụ
Quốc hội Việt Nam về dự án “Luật an toàn thông tin mạng”, lần đầu tiên một quan
chức cao cấp là Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn mới tiết lộ chuyện nghe
lén của các “cơ quan đặc biệt”: “Ta trước đây chuyện này cũng nhiều, tôi được
biết như thế. Nghe không sót ông nào. Cái nghe này rất nguy hiểm, mình nói dài
dòng văn tự từ đầu đến cuối, nhưng họ trích cái đoạn nói khác ý của mình là chết,
ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị. Tôi rất băn khoăn ở chỗ đó, nói thật với các
đồng chí như thế”.
Lời cảm thán trên xuất hiện một năm rưỡi sau cái chết
còn đọng lại nghi vấn của Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, nửa năm sau sự ra đi
bị tình nghi đầu độc của Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, và gần
2 tháng sau vô số tin đồn về “đồng chí” Phùng Quang Thanh bị ám sát ở Paris.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn còn nêu ra một thí dụ điển hình
như để cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam: một nhân viên của Mỹ là Snowden chạy
sang Nga đã tung tin về chuyện nghe lén thông tin đối với lãnh đạo nhiều quốc
gia.
Nhưng nghịch lý đầy khói bụi ở Việt Nam là dù nhiều
người rất nghi ngờ về cơ chế nghe lén qua điện thoại và xâm nhập thư điện tử đã
phổ biến từ nhiều năm qua, hầu như tất cả vẫn được giữ trong vòng bí mật, được
dựa vào một quy định rất mơ hồ là “biện pháp nghiệp vụ” và “trường hợp đặc biệt”
của ngành công an.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ đến tháng 8/2015, một
quan chức có trách nhiệm của Việt Nam mới thổ lộ một chút bí mật về cơ chế nghe
lén? Phải chăng đó là lúc mà giới quan chức trung cao đã hầu như mất cảm giác về
an toàn thông tin và buộc phải tìm cách che chắn? Hay cụ thể hơn, sau sự kiện
chấn động blog Chân Dung Quyền Lực vào đầu năm 2015, không một
máy điện thoại cá nhân của quan chức nào còn an ninh?
Ai
và từ đâu?
Đến cuối năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)
được Quốc hội thông qua đã lần đầu tiên chứa đựng nội dung có vẻ tiến bộ: chỉ
sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng mới có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng, đặc biệt là ghi
âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Một trong những tội trạng mà các biện pháp điều tra tố
tụng hình sự đặc biệt có thể được áp dụng là “xâm phạm an ninh quốc gia”. Nhưng
đây cũng chính là lĩnh vực được quan niệm rất mơ hồ và vẫn thường bị các cơ
quan an ninh lạm dụng lẫn lợi dụng.
Trong thực tế, không chỉ giới chính khách chịu cảnh
“người lạ trong nhà”, mà rất nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền đã phát
hiện máy điện thoại (di động lẫn cố định) của họ “có vấn đề”. Hiện tượng rất
thường xảy ra là khi họ trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài hoặc trao đổi với
nhau, điện thoại “bỗng dưng” ngắt. Ngắt không chỉ một lần mà nhiều lần. Tuy
không thể có bằng chứng xác thực, nhưng mọi người cũng thừa hiểu hoặc trực tiếp
cơ quan an ninh ở một cấp nào đó, hoặc cơ quan an ninh thông qua tổng đài điện
thoại để tiến hành nghe lén những nội dung trao đổi trong giới đấu tranh dân chủ.
Cơ chế nghe lén trên tất nhiên không đếm xỉa gì đến
điều kiện cần phải có một vụ án được khởi tố.
Nhưng với quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình
sự (sửa đổi), những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền và người dân đương nhiên có
quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện công ty điện thoại và có thể cả công an ra tòa,
nếu có những bằng chứng về chuyện bị nghe lén, hay bị cản trở đàm thoại mà
không kèm theo vụ án nào được khởi tố.
Còn giới lãnh đạo chính trị thì làm gì?
Luật tiếp cận thông tin có lẽ là một lý cớ hợp lý và
rất thời sự để những quan chức lo sợ bị nghe lén dựa vào và thúc đẩy để “bảo vệ
quyền bí mật đời tư của cá nhân”. Có tin cho biết trong thời gian qua, một số
quan chức cấp cao đã liên tục đổi máy điện thoại cầm tay và dùng máy đời mới nhất,
an toàn nhất. Thậm chí có quan chức còn âm thầm từ bỏ thói quen dùng điện thoại
di động.
Nếu bài viết tấn công ông Trương Tấn Sang của “Câu lạc
bộ nhà báo trẻ” có phần nào độ tin cậy về thông tin các cuộc gọi và tin nhắn, lẽ
đương nhiên giới chức có trách nhiệm sẽ phải đặt câu hỏi việc nghe lén ủy viên
Bộ Chính trị là từ đâu và ai đã thực hiện điều đó. Việc rà soát có thể sẽ bắt đầu
từ chuỗi báo cáo an ninh hàng ngày về người này người kia đã trao đổi với nhau
những gì qua điện thoại hoặc tin nhắn…
Chỉ có điều, thời gian còn quá ít. Không hiểu từ đây
đến Đại hội đảng XII vào cuối tháng Giêng năm 2016, giới lãnh đạo chính trị sẽ
làm gì để trước tiên ngăn chặn tình trạng “nghe không sót ông nào” dành cho những
quan chức chóp bu đang tranh đấu sống mái?
-------------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài
VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment