Wednesday, January 6, 2016

THAM QUYỀN CỐ VỊ (Ngọc Việt - GDVN)





Ngọc Việt  -  GDVN
29/12/15 14:14

(GDVN) - Tham quyền cố vị là một trong những nguyên nhân gây nên thảm cảnh của nhiều vị lãnh đạo và để lại hậu quả khôn lường cho người dân, cho đất nước.

Ngày 23/12, hãng BBC đưa tin, Tổng thống Cộng hòa Dân Chủ Congo Joseph Kabila thể hiện sự kiên quyết không từ bỏ quyền lực khi nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào tháng 12/2016. Cách ông Kabila sử dụng để kéo dài quyền lực là sẽ thực hiện những hành động bị xem là vi phạm Hiến pháp của đất nước Trung Phi này.

Ông Joseph Kabila được đưa lên nắm quyền sau khi cha ông - cố Tổng thống Laurent Kabila - bị bắn chết vào năm 2001. Theo Hiến pháp Cộng hòa Dân chủ Congo thì ông Kabila sẽ rời khỏi chức vị sau một cuộc bầu cử vào tháng 11/2016 và ông không còn được quyền tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử này nữa.

Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Joseph Kabila – người đã nắm quyền từ năm 2001 – đang tiếp tục tìm cách kéo dài quyền lực bằng hành động vi hiến. Ảnh: BBC

Phải chăng do thấy mình còn trẻ, còn đủ sức khỏe để cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa, do đó ông Kabila cảm thấy Hiến pháp không phù hợp cho những người vi dân vì nước như ông nên ông tìm cách thay đổi?

Hay bản thân ông Kabila cảm thấy chưa thỏa mãn với thời gian nắm quyền “mới được” gần 15 năm, còn quá nhiều dự định mà ông chưa hoàn thành hay vì những lý do nào khác nữa? Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì thì vi hiến là một hành động nguy hiểm trực tiếp cho ông Kabila.

Vậy sao ông lại bất chấp nguy hiểm như vậy?

Gần mực thì đen

Dư luận sẽ không ngạc nhiên về trường hợp ông Kabila nếu biết rằng, tháng 10 vừa qua, tại Cộng hòa Congo – một nước láng giềng của Cộng hòa Dân chủ Congo - một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức, mở đường cho Tổng thống Denis Sassou Nguesso có thể tham gia một cuộc bầu cử nữa vào năm 2016. Ông đã nắm quyền cho tổng cộng 31 năm.

Tuần trước, tại Rwanda đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để lãnh đạo hiện nay của đất nước, Tổng thống Paul Kagame tiếp tục duy trì quyền lực, mà có khả năng kéo dài cho đến năm 2034. Còn tại Uganda, Tổng thống Yoweri Museveni chuẩn bị ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa vào tháng 2/2016, cho dù ông đã nắm quyền trong gần 30 năm.

Như vậy, rõ ràng ông Joseph Kabila đã có những bậc đàn anh làm gương cho ông trong việc "được cống hiến cho dân, cho nước đến khi nào mình muốn". Và so với các bậc đàn anh thì thời gian "hy sinh cho đất nước" của ông Kabila còn quá ngắn ngủi, nên việc ông có ý định kéo dài thêm không có gì là ghê gớm cả.

Chắc dư luận chưa quên phong trào mang tên Mùa Xuân Ả Rập nổi lên tại vùng Bắc Phi có nguyên nhân quan trọng nhất là việc tham quyền cố vị, cản trở sự phát triển xã hội.

Ben Ali quản lý đất nước hơn 23 năm tại Tunisia, Hosni Mubarak nắm quyền hơn 34 năm tại Ai Cập. Hậu quả họ phải nhận lãnh thảm thương như thế nào khi Mùa Xuân Ả Rập quét qua thế giới đều đã thấy.

Tuy nhiên, tại vùng Trung Phi – khu vực nghèo nàn và lạc hậu nhất Châu Phi - hàng loạt những lãnh đạo tại nhiều quốc gia vẫn chưa cảm nhận được sự nguy hiểm bởi làn gió của Mùa Xuân Ả Rập. Họ khát quyền lực có lẽ còn hơn cả sự sống và họ có ý định tự mình viết nên lịch sử của quốc gia, dân tộc.

Việc những nhà luật học và chính trị học đưa ra khái niệm nhiệm kỳ trong hoạt động chính trị là dựa trên những cơ sở hết sức khoa học về sức khỏe, trí tuệ và tâm lý của con người.

Nhiệm kỳ hoạt động là một động lực giúp phát huy cao nhất khả năng của con người trong những khoảng thời gian cố định, nhất định

Nhiệm kỳ lãnh đạo giúp giảm đi sự lệch pha giữa ý chí cá nhân và ý nguyện tập thể, mà kết quả của nó là mang lại quyền lợi cho cà hai phía. Và với chức vị càng cao thì quy định về nhiệm kỳ càng chặt chẽ vì sự lệch pha giữa cá nhân và tập thể gia tăng theo số lượng người dân chịu sự kiểm tỏa bởi chức vị.

Do vậy, việc kéo dài quyền lực không dưa trên quy định của luật pháp, dù với bất cứ lý do gì đều là phản khoa học, từ đó cản trở sự phát triển của xã hội, và đương nhiên sẽ có hậu quả cho những hành động ấy. 

Người dân Cộng hòa Dân chủ Congo biểu tình bất bạo động chống lại ý định kéo dài quyền lực của Tổng thống Kabila. Ảnh: BBC.

“Các đối thủ chính trị và những nhà hoạt động chính trị nói rằng tất cả mọi điều được Tổng thống Joseph Kabila đặt ra để kéo dài quyền lực của mình là vi phạm hiến pháp và có khả năng kéo tất cả các nước Trung Phi có cùng cách thức như vậy vào hỗn loạn”, BBC bình luận.

Hậu quả nhãn tiền

Có thể nhận định rằng, việc ông Joseph Kabila được tạo điều kiện nắm quyền và được người dân tôn trọng trong một thời gian khá dài là nhờ vào công trạng của cha ông đối với đất nước.

Đó là việc lật độ chính quyền của nhà độc tài Mobutu Sese Seko năm 1997, lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ Congo.

Và Joseph Kabila được đua lên nắm quyền lãnh đạo đất nước ngay sau khi cha ông ta bị ám sát mà không qua một cuộc bầu cử, giúp cho ông ta trở thành vị Tổng thống trẻ nhất thế giới lúc đó.

Tuy nhiên, với ý định kéo dài quyền lực của mình thông qua những hành động bị xem là vi hiến thì tất cả những giá trị mà cha ông tạo dựng có thể sẽ không còn được nhân dân xem trọng nữa. Không chỉ có vậy, bản thân ông Kabila cũng đã nhìn thấy những hậu quả ban đầu.

Hành động đầu tiên mà ông Joseph Kabila học được ở những bậc đàn anh là tìm các khía cạnh pháp lý để hợp pháp hóa một cuộc trưng cầu dân ý giúp ông có thể kéo dài quyền lực, mà Hiến pháp không cho phép.

“Vào tháng Giêng, ít nhất 30 người thiệt mạng tại thủ đô Kinshasa của đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo, theo Liên Hiệp Quốc, sau khi cảnh sát đàn áp dã man các cuộc biểu tình chống lại một dự luật bầu cử nhằm tìm cách kéo dài quyền lực của Tổng thống Kabila”, BBC cho hay.

Tuy nhiên, phe đối lập và đông đảo người dân phản đối, và đương nhiên ông Kabila đã có những hành động tiếp theo là dùng quyền lực nhà nước để đáp ứng cho khát vọng cá nhân. "Lãnh đạo đối lập đã cho biết nên đưa Tổng thống Kabila ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Và đây là cách thức nhẹ nhàng nhất dành cho ông ta", theo BBC.

Thế là ông Kabila đã bắn vào lịch sử, mà ai cũng biết rằng, nếu dùng súng trường bắn vào lịch sử thì sẽ bị lịch sử bắn trả bằng đại bác. Song có lẽ ông Kabila không hiểu hay cố tình không hiểu cái quy luật rất khắc nghiệt ấy dành cho những ai không biết sức mạnh của lòng dân.

Cho dù không phải có một chính quyền vững chắc, nhưng ông Kabila đang có một sự nghệp chính trị tuyệt vời. Tuy nhiên, vì những hành động không thuận chiều lịch sử mà ông Kabila có thể làm tiêu tan sự nghiệp đó trong một sớm một chiều.

Tương lai vô định

Có lẽ do không yên tâm với tương lai của mình nên ông Kabila đã tính đến việc gắn tương lai với quyền lực một cách khiên cưỡng. Tuy nhiên, hành động không hợp lòng dân của ông lại làm cho nỗi lo về tương lai của ông không còn là những dự cảm, mà nó có thể thấy trước được.

Cảnh sát giải tán bạo loạn – báo hiệu một tương lai vô định cho tương lai đất nước Công hòa Dân chủ Congo và Tổng thống Kabila. Ảnh: BBC.

Dù đang nắm quyền lực, nhưng có thể thấy rằng nếu ông Kabila không kịp thời thay đổi lối nghĩ cách làm thì có thể nói rằng tương lai của ông là vô định. Một lãnh đạo có thể thấy trước được tương lai của mình nếu hiểu được lòng dân, thể hiện quyền lực đúng với ý nguyện của người dân.

Ngược lại, tương lai của một lãnh đạo thậm chí ngay từ khi mới nắm quyền lực đã trở nên vô định khi quyền lực của họ không phải là tập hợp ý nguyện của người dân. Và đương nhiên là sự hiểm nguy đang chờ họ ở phía trước.

Cố Tổng thống Laurent Kabila có thể được xem là “công thần lập quốc” khi xóa bỏ chế độ độc tài tại Zaire, mà lập nên chế độ cộng hòa và dân chủ tại nước Congo ngày nay. Tuy nhiên con trai ông, Tổng thống Joseph Kabila có thể trở thành “kẻ thù” của lịch sử, nếu không sáng suốt trong việc quyết định tương lai của chính mình mình và của đất nước mình.

Cũng nên nhắc lại rằng, có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là ông Joseph Kabila và ông Bashar al-Assad, Tổng thống Syria hiện nay. Cả hai đều nắm quyền sau khi cha mình qua đời một cách bất ngờ, và họ đều chưa được chuẩn bị cho việc kế thừa sự nghiệp ở tuổi đời vừa qua 30.

Hiện nay, tương lai của ông Assad đã không còn thuộc quyền quyết định của ông nữa, mà do những người khác - những người ở phương xa - quyết định theo những toan tính của họ và tương lai của ông Assad là không thể xác định được.

Có lẽ không quá nếu cho rằng tình thế nguy hiểm hiện tại của ông Assad là một lời cảnh báo hữu hiệu và nghiêm khắc đối với ông Kabila. Nếu như ông Kabila không kịp thời thay đổi thì hậu quả đối với ông có thể còn nặng nề hơn nhiều. Bởi lẽ ông không thể mặc cả với chính người dân đất nước của ông được, do họ không có toan tính nào ngoài việc yêu cầu ông thủ hiến pháp.

"Phải duy trì hiến pháp và đảm bảo quyền được thể hiện chính kiến của người dân”, BBC dẫn lời Luật sư Luc Nkulula, thành viên một nhóm những người trẻ tuổi đấu tranh cho sự thay đổi đất nước.

Việc bất chấp hiểm nguy trong hành động tham quyền cố vị là một trong những nguyên nhân gây nên thảm cảnh của nhiều vị lãnh đạo và để lại hậu quả khôn lường cho người dân, cho đất nước ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, có những nhà lãnh đạo đã thức thời và có hành động thuận chiều của lịch sử, từ đó đảm bảo cho mình một tương lai ổn định và thậm chí còn được xem là người hùng của lịch sử như Tổng thống Thein Sein – người kiến tạo hòa bình và nuôi dưỡng nển dân chủ cho đất nước Myanmar.

Ngọc Việt








No comments: