Sunday, January 17, 2016

NÔNG DÂN VIỆT NAM ĐI TỪ NGHÈO TỚI MẠT (Người Việt Online)





Người Việt Online
Saturday, January 16, 2016 4:31:21 PM 

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam vẫn xác định nông nghiệp là một trong những “trụ cột của nền kinh tế” (chiếm 20% GDP) song năm vừa qua, tốc độ tăng GDP của lĩnh vực này thấp đến mức đáng ngạc nhiên.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2015, Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam cho biết, tốc độ tăng GDP của nông nghiệp Việt Nam chỉ có 2.41%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng năm năm vừa qua.

Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp tiếp tục sụt giảm vì khả năng cạnh tranh càng ngày càng kém. Tất cả các nông sản xuất cảng đều giảm cả về số lượng lẫn giá trị. Bao gồm cả những loại nông sản được xem là “chiến lược” như gạo, thủy sản, cà phê.

Phương thức cạnh tranh duy nhất của Việt Nam trong xuất cảng nông sản là giảm giá. Phương thức này được xem là đã vượt quá khả năng chịu đựng của nông dân. Bởi nuôi, trồng thứ gì, loại nào cũng lỗ, thậm chí mực độ thua lỗ càng ngày càng lớn, nông dân thi nhau bỏ ruộng, phá vườn, lấp ao.

Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản thiếu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa cung ứng cho cả thị trường nội địa lẫn xuất cảng. Cũng vì vậy, các khoản chi cho việc nhập cảng nông sản, thủy sản càng lúc càng lớn. Năm ngoái, riêng nhập cảng thủy sản, Việt Nam đã phải chi ra hơn một tỷ Mỹ kim.

Chi phí nhập cảng các loại nguyên liệu khác như đậu nành, bắp, hoặc rau củ, trái cây... làm thực phẩm cũng tăng vọt - tương đương bốn tỷ Mỹ kim, gấp 1.4 lần so với số Mỹ kim thu về nhờ xuất cảng gạo.

Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo, bởi nông nghiệp là lĩnh vực nuôi sống khoảng 60% dân số Việt Nam. Khi sức cạnh tranh giảm, nông nghiệp xiêu vẹo, nông dân không thể sống, hậu quả về kinh tế và xã hội sẽ khó có thể lường nhưng chính quyền Việt Nam chỉ đưa ra các tuyên bố nghe thì rất kêu nhưng không có hiệu quả.

Chẳng hạn dù chính quyền Việt Nam liên tục giới thiệu hang loạt chính sách được tuyên truyền là “ưu đãi” nhằm phát triển “tam nông” (nông dân-nông thôn-nông nghiệp) nhưng năm 2000, đầu tư vào nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp) chỉ chiếm 4.7% GDP, đến năm 2005 giảm xuống còn 3.1%, năm 2010 còn 2.4% và năm 2012 chỉ còn 1.6%,...
Hồi 2001, vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Cho dù Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm những quốc gia xuất cảng gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su... nhiều nhất thế giới nhưng đến năm ngoái, FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chỉ còn khoảng 1.46% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Một số chuyên gia khẳng định, giới đầu tư ngoại quốc không mặn mà với việc rót tiền đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam một phần vì Việt Nam thiếu chiến lược phát triển nông nghiệp một cách rõ rang, ổn định, phần khác vì hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính nhiêu khê và phải chi quá nhiều khoản phi chính thức. Chẳng hạn muốn nuôi, mổ, chế biến một con gà, doanh nghiệp phải nộp tới... 14 loại phí! Hoặc giấy phép kiểm dịch trứng chỉ có giá trị... một ngày, kiểm dịch trứng làm giá bán trứng... tăng thêm 50 đồng/trái. Việc gọi là kiểm dịch đối với mật ong và con giống trong lĩnh vực thủy sản chỉ được thực hiện theo kiểu “ngó qua, giao giấy rồi thu tiền”... Giới đầu tư ngoại quốc không dại để dấn vào một lĩnh vực có quá nhiều bất cập và phi lý như thế.

Đó cũng là lý do khiến nông dân Việt Nam đi từ nghèo tới mạt. Trực tiếp làm ra nông sản, thủy sản song cuộc sống của họ Việt Nam luôn luôn bấp bênh vì có tiêu thụ được sản phẩm hay không (?), bán được rồi thì tiền thu về có đủ bù cho những chi phí và công sức đã bỏ ra hay không là những chuyện họ không thể biết và cũng chẳng có ai bảo đảm. (G.Đ)

-----------------
Bài liên quan






No comments: