Thursday, January 14, 2016

NHỮNG CỰU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM KHÔNG CÓ TẾT (Thanh Trúc - RFA)





Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-01-1
.
Vườn tiêu nhà Trần Minh Nhật đang bị chết khô do bị đầu độc.  Ảnh do anh Nhật cung cấp

Chỉ còn một tháng nữa là Tết nhưng đối với các cựu tù nhân lương tâm thì năm nay không có Tết khi bản thân bị sách nhiễu, đánh đập, trong lúc công việc làm ăn của họ và gia đình bị phá hoại, tài sản tiền bạc bị cướp đoạt.

Đó là nội dung thư tố cáo của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm hôm 10 tháng Giêng vừa qua, liên quan đến các cựu tù nhân lương tâm. Ông Phạm Bá Hải, điều phối viên của tổ chức, cho biết chuyện những người đấu tranh ôn hòa, chẳng may bị bắt và khi  ra tù thì bị tấn công kinh tế đến không thể  kinh doanh kiếm sống nổi, là chuyện đã xảy ra trên 10 năm nay ở Việt Nam.

Thế nhưng, vẫn theo lời ông, sự kiện mới nhất về các tù nhân lương tâm bị đe dọa, sách nhiễu, đánh đập, tước đoạt tiền bạc từ trước Tết Dương Lịch và đặc biệt trong thời điểm cuối năm Âm Lịch khiến tình hình trở nên bức bách hơn:

Phải nói đây là  lần đầu tiên Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm có thư phản đối việc tấn công kinh tế. Đây là sự  phá hoại có chủ đích, là hành vi không mới, được lập lại trong hoàn cảnh gia đình anh Trần Minh Nhật, gia đình chị Cấn Thị Thêu, trường hợp anh Trương Minh Tâm, anh Nguyễn Huy Tuấn. Thực sự  là  họ đang gặp khó khăn trong thời điểm năm mới và giáp Tết.

Anh Trần Minh Nhật là người thích làm việc xã hội, từng cộng tác với ban truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế, từng hưởng ứng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và đã từng dự các khóa học về tranh đấu bất bạo động ở Thái Lan. Năm 2011, anh bị bắt giữ với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình Sự.

Sau 4 năm tù giam, tháng Tám 2015 anh Trần Minh Nhật được trả tự do :
Hiện tại thì họ vẫn áp đặt 3 năm quản chế đối với tôi. Lần trước tôi xuống Sài Gòn thì tôi đã trình báo với họ là mình đi khám bệnh, đi lấy bằng tốt nghiệp cũng như đi mua sắm một số đồ. Đi về thì họ đã chặn xe, họ đánh đập tôi, trong đồn công an họ bẻ tay tôi ngoặt ra đằng sau và bóp cổ tôi, đánh nhiều phát vào bụng vào ngực tôi. Lực kéo và lực giữ của họ làm cho tôi lao chập ngay vào tường luôn. Người công an đánh đập tôi tên chính xác là Hùng. Đó là ngày 7 tháng Mười Một 2015, đồn công an thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Bước sang đêm 24 tháng Mười Hai 2015, gia đình anh Trần Minh Nhật thực sự đối mặt với sự phá hoại khi hàng loạt cây cà phê, cây bơ và cây tiêu trong vườn nhà bị chặt tận gốc:

Ngay trong đêm Giáng Sinh họ đã chặt 155  gốc cà phê và 11 gốc bơ của gia đình anh tôi là Trần Khắc Đạt. Cũng trong ngày đó tôi phát hiện vườn tiêu nhà mình khoảng 7  gốc bị nhổ hoàn toàn. Bây giờ thì tôi phát hiện khoảng 400 gốc tiêu của nhà mình đang chết dần, đang vàng lá, rụng lá, đặc biệt là rụng trái hết. Tiêu của nhà tôi được đánh giá là vườn tiêu đẹp nhất nhưng hiện tại đã bị vàng lá do bị xịt thuốc.

Chưa hết, đúng ngày Tết Dương Lịch 1 tháng Giêng 2016, người anh cả của cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật là Trần Khắc Đường cũng phát hiện trên 300 gốc tiêu của nhà anh đã bị xịt thuốc. Sự việc được gia đình mang ra trình báo công an:

Cách đây mấy bữa công an tỉnh và công an huyện về, xác nhận cụ thể là 350 gốc tiêu của gia đình anh Trần Khắc Đường đã chết, còn những số khác đang chết dần thì không tính.
Còn  ngay nhà tôi hôm mùng 2 tháng Một đây thì lại bị ném đá vào nhà lúc đang ngủ. Việc phá hoại kinh tế, đe dọa sách nhiễu như thế làm cho gia đình rất tâm trạng và rất lo lắng.

Được hỏi anh có đồng ý với giả thuyết gia đình có hận thù hiềm khích gì đó với chòm xóm, anh Trần Minh Nhật trả lời:

Anh em tôi sống hòa thuận, hàng xóm cũng giúp đỡ nhau rất nhiều. Mà ngay cả cứ tưởng tượng nếu có hằn thù anh trai tôi thì sao cả 3 gia đình đều bị một lần cùng một thời điểm như thế. Rẫy của nhà tôi không ở một chỗ mà ở 3 nơi khác nhau, phải có tổ chức thì mới đồng loạt thực hiện hành vi đã man như thế, lại chọn ngay dịp như lễ Tết để làm. Công an tỉnh, công an huyện, công an xã có vào để gọi là điều tra, họ nói là mình đã đảo lộn hiện trường, họ ghi trong biên bản như thế. Chúng tôi không làm gì xáo trộn hiện trường cả mà đã báo từ hôm đó rồi.

Trên đường dây viễn liên gọi về Lâm Đồng, người tên Tôn, công an khu vực phụ trách xã Phi Tô và xã Đạ Đờn, hai nơi có rẫy cà phê và vườn tiêu của anh em cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, đã dập máy không trả lời.

Đường dây lại được nối với công an trưởng thị trấn Đinh Văn, ông này không cho biết tên, chỉ nói vắn tắt:

Tôi không thể trả lời chị trên điện thoại, chuyện xảy ra của công dân, bất luận người đó ở đâu, khi đến trình báo thì các cơ quan nhà nước phải tiến hành điều tra, còn bây giờ trả lời trên điện thoại thì tôi không trả lời được. Việc của người ta  sẽ phải tiến hành chứ đâu phải không làm được. Chào chị nhé.

Người thứ hai, bà Cấn Thị Thêu, được coi là dân oan kiên cường của Dương Nội mà bản án 15 tháng tù giam vì tội chống người thi hành công vụ biến bà thành một tù nhân lương tâm. Hôm 4 tháng Giêng 2016 vừa qua, chương trình phát thanh nơi bà ở loan đi bản tin với lời lẽ vu khống:

Không phải mùng 4 tháng Một vừa rồi mà liên tục trong nhiều tháng qua và xa hơn nữa là trước và trong thời gian tôi bị bắt họ liên tục dùng loa truyền thanh để đe dọa, khủng bố, vu khống gia đình tôi. Nội dung của ngày mùng 4 họ nói là tôi ăn chận 25 triệu đồng của dân oan, họ nói rằng con nhà tôi nhận hơn 200 triệu đồng người ta ủng hộ cho cá nhân nhà tôi thì con nhà tôi chia đều cho bà con để kích động dân khiếu kiện.
Ngoài chuyện vu khống người ta hỗ trợ công khai cho gia đình nhà tôi hơn 200 triệu thì các con của tôi còn nhận những khoản bí mật khác để phục vụ cho cái tư lợi riêng của con nhà tôi.

Đối với bà Cấn Thị Thêu, chuyện vu khống là do chính quyền địa phương bày ra để bà phải nhụt chí tranh đấu bênh vực cho dân oan Dương Nội, trong đó    gia đình bà là một thành phần :

Họ phát nhiều lần, liên tục nhiều ngày và nhiều lần. Những người không phải đi đấu tranh vì đất hoặc là cán bộ họ nghĩ về gia đình tôi thế nào thì tôi không biết nhưng tôi nghĩ rằng đấy là mục đích tuyên truyền  để xem có thể nào lung lạc cái cộng đồng nhân dân tôi đang sống phải kỳ thị, xa lánh hoặc là cô lập gia đình nhà tôi.

Điều duy nhất có thể làm dù không hy vọng, bà Cấn Thị Thêu bày tỏ, là thảo đơn tố cáo gởi đến Bộ Công An, Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội và Ủy Ban Nhân Dân quận Hà Đông:

Ngay hôm nay tôi cũng đã đến Ủy Ban Nhân  Dân TP Hà Nội tôi gởi đơn tố cáo việc ông Lã Quang Phúc, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Dương Nội đã chỉ đạo cho loa phường Dương Nội dùng loa truyền thanh để khủng bố, đe dọa và vu khống gia đình nhà tôi.

Về việc cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một cư dân Dương Nội nói:

Tôi là Nguyễn Văn Sự. Chuyện nhà Cấn Thị Thêu thì không được đúng, chúng tôi là người thực tế trực tiếp, nhờ bà con có tinh thần ủng hộ Dương Nội nhưng bây giờ lại ốp vào mình gia đình Cấn Thị Thêu là không đúng sự thật. Bà con Dương Nội mình bị phá từ 2010 đến giờ, phá hết tài sản ngoài đồng, rơi vào tình thế khó khăn suốt từ ấy đến giờ, đi kêu khắp thành phố không một cơ quan nào đứng ra giúp đỡ. Đến bây giờ có những người tốt các nơi người ta gởi về tí thì đặt điều dựng chuyện nói hưởng một mình là không đúng, có tị nào về thì bà con cùng hưởng.
Cái chính là bên chính quyền người ta cố tình dồn ép người dân vào thế cùng quẫn. Những người lấy tiền (đền bù) rồi, chỉ còn  có 10 triệu với mấy chục mét vuông, dồn người ta vào thế cùng quẫn. Còn chúng tôi biết như thế chúng tôi không nghe thì dùng mọi hình thức để chúng tôi rơi vào thế bị cô lập nhưng chúng tôi chẳng ngại cái chuyện đó.

Nếu cái loa phường Dương Nội cứ tiếp tục phát đi phát lại bản tin sai lạc về bà Cấn Thị Thêu thì chẳng riêng gia đình dân oan kiên cường này mà cả bà con Dương Nội cũng không chắc có thể đón một cái Tết Bính Thân trọn vẹn trong ý nghĩa truyền thống của nó.

Trường hợp bị đe dọa, sách nhiễu gần đây nhất đối với cựu tù nhân lương tâm thứ ba, nhà hoạt động cho dân oan Nguyễn Huy Tuấn, là khi anh bị 4 nhân viên an ninh mặc thường  phục theo sát trên đường từ Hải Dương về Hà Nội ngày 7 tháng  Giêng 2016. Hôm đó anh Nguyễn Huy Tuấn bị đưa tới một nơi hoang vắng và bị đánh cho đến khi ngất xỉu.

Theo tin Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm thu thập được từ các nhân chứng, những kẻ bắt cóc và hành hung dân oan Nguyễn Huy Tuấn còn lấy đi túi xách của anh, trong đó có một Ipad, một Iphone và một số tiền khoảng 10 triệu đồng. Cho đến lúc này Thanh Trúc không thể nào liên lạc được với anh Nguyễn Huy Tuấn, cũng là con một cựu tù nhân lương tâm.

Người thứ tư, cũng bị bắt cóc tới một nơi hoang vắng, không bị đánh nhưng lại bị khống chế và tước hết tài sản, sau đó bị lột hết áo quần là cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tam. Chuyện xảy ra ngày 9 tháng Giêng 2016, khi anh Trương Minh Tam trên đường đến Quỳnh Lưu, Nghệ An để dự tiệc cưới em trai từ nhân lương tâm Hồ Đức Hòa.

Vừa xuống xe, anh bị an ninh Nghệ An chận lại rồi dẫn đi, giật của anh một điện thoại  và một Ipad. Khi anh tiếp tục đi thêm một vài kilômét thì lại bị một nhóm khác chận lại. Lần này anh bị tước đoạt Laptop và 40 triệu đồng mang theo.

Cũng khẳng định thêm là họ không có bất cứ hành vi đánh đập nào nhưng việc đó cũng không có nghĩa là không có sự tàn ác. Ngay trong lúc đêm, mà họ đã lột hết quần áo của Tam, trấn lột  toàn bộ tài sản, sau đó thả ra tận Thanh Hóa.
Nhiều người cho rằng việc trấn lột đó liệu có khẳng định  là cơ quan công quyền không thì Tam khẳng định chính là cơ quan công quyền. Nếu một vụ trấn lột thông thường thì không có lý do gì họ lại chở mình bằng ô tô rất sang trọng ra tận Thanh Hóa, cách xa địa điểm trấn lột cả bảy tám tuyến đường.

Với câu hỏi là  đối tượng đang bị theo dõi,  hà cớ gì lại tạo thêm sự chú ý khi chỉ đi ăn cưới mà lại mang nào Ipad, Iphone, Laptop, chưa kể 40 triệu không phải số tiền nhỏ. Cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tam giải thích:

Bởi vì trước chuyến đi đó thì tôi cũng có vài công việc mưu sinh của mình với bạn hàng trên Cao Bằng và Bắc Kạn. Đợt này là đợt áp Tết nên tôi có dành tiền làm việc để chuẩn bị  Tết cho gia đình. Do đó khi rời Cao Bằng và Bắc Kạn trở về Hà Nội  và trong đêm đó đi ngày về Nghệ An thì  tôi mang theo số tiền hơn 40 triệu đồng . Khi bị 3 người giả làm  xe ôm bắt chở tới một sân bóng cách xa đó một  kilômét, nói rằng địa bàn của họ bị mất trộm và có người thông báo rằng tên trộm đầu húi cua và có tên là Trương Minh Tam.
Tôi có nói Việt Nam là một đất nước có luật pháp, yêu cầu các anh chở về trụ sở công quyền và có đèn sáng để làm việc. Họ nói “chúng tao không cần làm việc ở cơ quan công quyền, chúng tao biết mày là ai, mày cũng sẽ biết chúng tao là ai nên  chúng tao làm việc ở đây. Sau đó chừng 10 phút thì một ô tô đen, trên xe có 4 người mặc áo rét  trùm kín đầu, cưỡng bức tôi lên xe và chở tôi ra phía biển. Người chỉ huy có mang bộ đàm ra lịnh “không được đánh, chỉ xé hết quân áo nó ra, cướp hết đồ của nó”. Họ đã lột hết quần áo của tôi, chỉ để duy nhất một quần lót mặc trên người. Toàn bộ máy tính, tài liệu, tiền, toàn bộ giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, thẻ học viên của lớp luật sư và các giấy tờ khác đã bị họ cướp chở đi đâu thì tôi không rõ.

Nơi anh Trương Minh Tam bị bỏ lại là thị trấn Đò Lèn thuuộc tỉnh Thanh Hóa. Nhờ một người địa phương tốt bụng cho bộ quần áo, một người khác cho gọi nhờ điện thoại, cựu từ nhân Trương Minh Tam đã gọi người nhà ra đón về.

Vừa rồi là tình cảnh vừa bi hài mà vừa bi đát của những cựu tù nhân lương tâm những ngày trước Tết.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : nguyent@rfa.org







No comments: