Tuesday, January 12, 2016

NGƯ DÂN VIỆT NAM BỊ CẢNH SÁT BIỂN TRUNG QUỐC TẤN CÔNG (Humphrey Hawksley - BBC News, Vietnam)





Humphrey Hawksley  -   BBC News, Vietnam  
Athena chuyển ngữ
Dịch giả gửi tới Dân Luận
12/01/2016

Các ngư dân Việt Nam kể lại rằng Trung Quốc ngày càng tấn công họ nhiều hơn. Tàu cá của họ bị đâm thủng, thiết bị thì hỏng hết còn thuyền viên thì bị đánh đập. Việt Nam cáo buộc chính quyền Bắc Kinh cố tình không cho họ đánh cá trên vùng biển Đông, nơi cha ông họ đã đánh cá ở đó từ hàng ngàn đời nay.

Khi bình minh rải một màu đỏ cam ở phía chân trời vùng biển Đông cũng là lúc người đàn ông Võ Văn Giàu, năm nay 42 tuổi, phải quỳ trên boong tàu của mình và để hai tay ra sau gáy.

“Bọn Trung Quốc bắt tôi phải làm như thế. Xong chúng nó đánh tôi bằng roi sắt và búa như thế này này.” Vừa nói anh vừa lấy chiếc vồ trong đống ngư cụ rồi giả vờ đập lên vai mình.
Sau đó anh đưa ra những bức ảnh chụp lại vết thương của anh. Tất cả đều là những vế thương lớn, tím bầm và chằng chịt. Vụ đánh đập kéo dài hơn một tiếng đó đã khiến anh phải vào viện điều trị.

Anh kể, hồi tháng Bảy, cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm thủng tàu cá của anh khiến nó bị hư hỏng nặng nề trong khi anh đang đánh cá ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Thuyền của anh cách đất liền Việt Nam khoảng 280km – tương đương với khoảng cách từ đó đến đảo Hải Nam.

Anh Giàu sống trên một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Lý Sơn – theo thống kê hồi năm ngoái, gần một nửa số tàu cá của đảo này đã bị Trung Quốc tấn công.

“Bố tôi từng đánh cá ở đây, ông tôi và cụ kị tôi cũng thế. Từ ngày xửa ngày xưa quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giờ bọn Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền và xâm phạm trái pháp luật như thế,” anh Giàu bức xúc.

Chiếc thuyền này thuộc quyền sở hữu của một người bạn của anh Giàu là Võ Văn Chúc, năm nay 62 tuổi. Toàn bộ lưới, ngư cụ, và số cá đánh bắt được đã bị cảnh sát biển Trung Quốc cướp đi. “Cứ mỗi lần ra khơi là một lần bị đe dọa,” anh Chúc kể.

Thuyền khá nhỏ, chật chội và lộn xộn. Phía trên buồng lái trước con tàu là một lá cờ tổ quốc đã phai màu. Bên trong chẳng có bất cứ ngư cụ hiện đại nào, chỉ có một cái đài radio, một cái la bàn và một chiếc điện thoại quay số đã cũ mèm.

Cả hai ngư dân và bốn phụ tá trên tàu đều đến từ đảo Lý Sơn, cách đất liền 32km. Đó là một vùng đất chưa phát triển, đầy gió bụi và mới được cấp điện vào năm ngoái. Các thế hệ người dân sống trên đảo đều chỉ dựa vào nghề cá.

Ngư dân của huyện đảo Lý Sơn đã trở thành lực lượng cực kỳ quan trọng đối với vấn đề an ninh quốc gia Việt Nam đến mức họ được miễn không phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Bởi nhiệm vụ của họ là đánh bắt cá xa bờ và đối mặt với mối đe dọa lãnh thổ Việt Nam từ phía Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều ngư dân ra khơi để đối đầu trực diện với cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc.

Hòn đảo Lý Sơn nằm trên Đường Lưỡi Bò bởi hình dáng giống móng ngựa, bao gồm gần 90% diện tích vùng biển Đông mà Trung Quốc tự ý tuyên bố chủ quyền.

Tuyên bố này thì không mới nhưng vào năm 2009 Trung Quốc đã chính thức đệ đơn lên Liên Hợp Quốc. Từ đó đến nay Trung Quốc luôn cố gắng củng cố điều này bằng cách cho xây dựng đường băng và các cảng trên các hòn đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa, nơi mà vào năm 1988 Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng một số đồn trú trên đảo và cướp đi sinh mạng của hàng chục quân nhân Việt Nam.

Trung Quốc đã cướp quần đảo Hoàng Sa trong hai lần tấn công quân sự vào năm 1956 và 1974, và vào năm 2012 Trung Quốc tăng cường quản lý bằng việc tuyên bố thành lập quận Tam Sa – một chính quyền dân sự và là một phần của tỉnh Hải Nam.

Phần biển giữa đất liền Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa thường được người dân Lý Sơn coi là ngư trường của họ. Bắc Kinh chưa bao giờ công bố tọa độ chính xác của vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, vì vậy ngư dân Việt Nam không hề biết họ được đánh cá ở khu vực nào mà không bị hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc tấn công.

“Ngư dân Việt Nam không dễ dàng sợ hãi như thế đây,” ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết. Vừa vẽ đường lưỡi bò ngay bên cạnh đảo Lý Sơn bằng bút màu xanh trên bản đồ ông vừa nói, “Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh cá ở những vùng biển đánh số tương tự. Việc bị Trung Quốc tấn công đã trở nên quá bình thường rồi. Khoảng 50 tàu ra khơi trong năm nay thì có đến 20 tàu bị tấn công.”

Ngay gần văn phòng làm việc tồi tàn của ông Ngọc Nguyên là một bức tượng của ba nhân vật lịch sử được người dân tôn kính vì đã bảo vệ ngư dân Việt Nam suốt nhiều thế kỷ qua. Cạnh đó là một bảo tàng nhỏ, bên trong trưng bày rất nhiều bản đồ cũ từ Anh, Mỹ và cả Trung Quốc. Mục đích của các tấm bản đồ này là để chỉ ra rằng không có bất cứ tấm nào đề cập đến chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển Đông.

Ngư dân Lý Sơn thực sự là những người lính được chính phủ giao nhiệm vụ chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển đang xảy ra tranh chấp này. Chính phủ Việt Nam cũng đang hiện đại hóa thiết bị hải quân đã lỗi thời bằng các tàu ngầm và tàu chiến của Nga và tăng cường đối thoại quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và các chính phủ phương Tây khác.

“Ngày càng có nhiều thông tin tình báo được chia sẻ, vì vậy người Việt Nam có nhận thức tốt hơn về những gì Trung Quốc đang làm,” ông Murry Heibert thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu Quốc tế tại Washington, cho biết. “Hành động của Trung Quốc chỉ càng làm cho Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ hơn.”

Vùng biển Đông, tuyến đường quan trọng trong việc buôn bán dầu và vận tải hàng hóa, đang trở thành nơi đấu trí giữa Washington và Bắc Kinh. Hơn 60 phần trăm nguồn cung năng lượng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều vận chuyển qua tuyến đường này.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có quyền thực thi các biện pháp để ngăn chặn các tàu bè đi lại trái pháp luật trên vùng biển này. Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao đã không giải quyết trực tiếp các cáo buộc của người Việt Nam cho rằng Trung Quốc tấn công tàu cá của họ mà nói rằng phía Trung Quốc “sẽ luôn kiên định trong việc hòa giải bằng biện pháp hòa bình với các tranh chấp có liên quan trực tiếp đến các quốc gia khác.”

Vì vậy, hằng năm Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng Năm đến tháng Tám, lấy lý do là để bảo vệ nguồn cá, nhưng phía Việt Nam không hề công nhận. Điều đáng nói ở đây là anh Nguyễn Văn Giàu bị đánh vào tháng Bảy, là lúc lệnh cấm trên có hiệu lực – mặc dù các vụ tấn công khác được cho là xảy ra quanh năm.

Trong các buổi triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự tại Hà Nội, các bức ảnh chụp máy bay trực thăng, kế hoạch tác chiến và xác máy bay rơi đều cho thấy Việt Nam không phải là nước dễ dàng bị đánh bại. Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam từng chiến thắng ba trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – bao gồm các cuộc chiến chống Pháp vào năm 1954, chống Mỹ vào năm 1975 và chống Trung Quốc vào năm 1979.

Trên đảo Lý Sơn, những anh Giàu, ông Chuc và những người khác đều sống trong một cộng đồng gắn bó khăng khít. Trong buổi họp mặt ba thế hệ ở nhà anh Chúc, người ta thấy rất rõ nghề cá ít có khả năng tiếp tục là nền tảng cuộc sống của người dân trên đảo.

Anh Giàu có một con trai 17 tuổi và hai con gái 13 tuổi và 8 tuổi. Mặc dù vậy các cháu đều không thiết tha gì với nghề của bố. Người con trai 36 tuổi của ông Chúc, ten Phan Thi Hue, vốn đã theo nghề đánh ca nhưng giờ đã theo ngành du lịch còn vợ anh thì mở cửa hàng bán giày dép. “Làm nghề cá mà không có tiền thì sao mà làm được,” anh nói. “Đã thế lại còn nguy hiểm nữa.”

Trong số đó có ông Phan Din, năm nay 81 tuổi vẫn bám trụ với thuyền cá. Ông đã đi qua tất cả các cuộc chiến tranh Việt Nam trong lịch sử hiện đại và luôn toàn tâm toàn ý với nghề đánh bắt cá.

“Chúng tôi từng có kẻ thù,” ông nói. “Nhưng dân tộc chúng tôi là một dân tộc rất thông minh. Tôi là tài xế dưới chế độ thực dân Pháp cho các quan chức. Tôi phải đưa họ và bồ nhí của họ đi biển và phải đảm bảo là các bà vợ không hề hay biết.”

Về phần anh Giàu, anh không hề có ý định bỏ nghề cá. Cùng với con thuyền đã được sửa chữa, anh sẽ tiếp tục đương đầu với sóng gió. “Chúng tôi cần đánh cá mà không được sợ hãi và chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán ngoại giao sẽ nhanh chúng mang lại hòa bình,” anh nói. “Nhưng chúng tôi muốn Trung Quốc ngừng ngay các vụ tấn công lại.”

Thông tin thêm

Trong năm 2014, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của CNN đã thực hiện chuyến đi trên biển Đông trong một chiếc tàu cá và trở thành ký giả đầu tiên được quan sát cận cảnh việc Trung Quốc đang xây dựng các đảo trên các rặng san hô. Vào tháng Mười Hai, anh đã quay trở lại khu vực này trên một chiếc máy bay nhỏ, điều này đã khiến hải quân Trung Quốc cực kỳ tức giận.





No comments: