Monday, January 11, 2016

NGA LAO ĐAO VÌ DẦU HỎA MẤT GIÁ & VÌ SỰ TRỪNG PHẠT KINH TẾ CỦA PHƯƠNG TÂY (Thanh Hà - RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 11-01-2016

Dầu hỏa liên tục mất giá, đồng rúp bị suy yếu. Đó là những tin xấu dồn dập đổ xuống nước Nga ngay những ngày đầu năm mới, báo trước một năm đầy thách thức.

Ngay sau khi đón mừng năm mới, người Nga đã phải quay trở lại với một thực tế phũ phàng : giá dầu thô trên thế giới đang từ 115 đô la một thùng hồi tháng 6/2014 đã rơi xuống còn có 32 đô la trong phiên giao dịch hôm 11/01/2016. Nước Nga có cảm tưởng đang tiến gần hơn đến kịch bản tai hại khi giá dầu chỉ còn 20 đô la một thùng như dự phóng đã được tập đoàn ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đưa ra.

Đối với một quốc gia mà dầu hỏa là nguồn thu nhập bảo đảm đến một nửa ngân sách nhà nước và chiếm đến 40 % tổng kim ngạch xuất khẩu thì đây thực sự là một cơn ác mộng.
Còn đối với chủ nhân điệm Kremlin, bài toán cũng trở nên nan giải không kém : Về mặt tài chính, vào lúc các chi phí quân sự của Nga gia tăng, nhất là kể từ khi Matxcơva mở chiến dịch oanh kích tại Syria với mục đích tiêu diệt quân khủng bố Hồi giáo, chính quyền Putin không thể hài lòng khi thấy giá dầu đã giảm đi mất đến 2/3 so với thời điểm 18 tháng trước đây. Chính vì vậy trong năm 2015, mức sản xuất dầu hỏa của Nga đã tăng kỷ lục, đạt ngưỡng hơn 10,7 triệu thùng một ngày.

Theo thẩm định của một số chuyên gia, trong giả thuyết giá dầu trên thế giới chỉ còn dao động ở khoảng 30 đô la một thùng thì công quỹ của chính phủ Nga chỉ có thể đủ sức chịu đựng một năm. Hai quỹ đầu tư nhà nước của Nga vào giữa năm 2014 ước tính vào khoảng 180 tỷ đô la. Khi đó giá dầu thô còn ở chót vót trên đỉnh cao hơn 110 đô la một thùng. Nhưng đến cuối năm ngoái, khoản tài sản đồ sộ đó vơi đi mất 50 tỷ.

Bên cạnh đó Matxcơva còn phải nhanh chóng tìm ra 1.000 tỷ rúp, một khoản tiền tương đương với 1,2 % tổng sản phẩm nội địa, để trả nợ đậy cho ngân hàng phát triển của Nhà nước VEB đã làm ăn thua lỗ trong năm.

Nhìn đến bàn cờ chính trị, nước Nga sẽ bầu lại tổng thống vào năm 2018. Ông Vladimir Putin chắc chắn không muốn để lại hình ảnh một vị tổng thống kết thúc nhiệm kỳ thứ ba trong cơn suy thoái. Vả lại theo như phân tích của chuyên gia về các nền kinh tế đang trỗi dậy Christopher Granville, giám đốc cơ quan tư vấn đầu tư của Anh, Trusted Sources, số tiền trên dưới 100 tỷ đô la Nga còn giữ được trong hai quỹ đầu từ của Nhà nước là lá bùa hồ mạng của ông Putin, để cho phép ông thoải mái bước ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Nói cách khác, theo ông Granville, bằng mọi giá chính quyền của ông Putin phải giữ cho bằng được khoản dự trữ hơn 100 tỷ đô la cuối cùng nói trên.

Trong khi đó, theo thẩm định của cơ quan tư vấn Trusted Sources chỉ cần giá dầu ở vào khoảng 50 đô la một thùng, bội chi ngân sách nhà nước của Nga đã ước tính lên tới khoảng 3 % GDP. Trong kịch bản này, Matxcơva còn hy vọng đi vay tín dụng và trích từ quỹ dự trữ quốc gia ra để trang trải các phí tổn chi tiêu. Nhưng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng lên tới khoảng 5 % so với tổng sản phẩm nội địa nếu như giá dầu chỉ còn là 30 đô la một thùng. Trong trường hợp tội tệ như vậy, điện Kremlin bắt buộc phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Cả hai giải pháp đó cùng không có lợi cho ông Vladimir Putin khi nước Nga bước vào mùa vận động tranh cử.

Không một chính trị gia nào lại tăng thuế khi sắp ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Còn giải pháp cắt giảm chi tiêu công cộng thì sẽ càng đẩy nhanh cỗ xe kinh tế vào suy thoái.

Lối thoát còn lại của Nga sẽ là huy động vốn tư nhân và quốc tế, hoặc tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng theo giới quan sát, chưa chắc gì hai con đường này sẽ đem lại kết quả như mong đợi. Do thứ nhất, Nga vẫn còn đang trong giai đoạn bị quốc tế trừng phạt, không mấy ai hào hứng đầu tư vào đất nước của ông Putin.

Lý do thứ hai, là mọi người chờ đợi giá dầu còn giảm thì đồng rúp và kinh tế Nga sẽ đổ dốc theo, vì vậy đầu tư vào thị trường Nga lúc này hay cho Matxcơva mượn vốn là một tính toán kém khôn ngoan.

-------------------------------

Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 11-01-201

Trả lời nhật báo Đức, Bild Zeitung, số ra ngày 11/01/2016, Tổng thống Vladimir Putin xem các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào kinh tế Nga là « phi lý ». Dù vậy Matxcơva ghi nhận, kinh tế Nga bị thiệt hại « đáng kể ».

Để phản đối Matxcơva can thiệp vào miền đông Ukraina làm hơn 9.000 người thiệt mạng từ tháng 4/2014, sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào phần lãnh thổ của Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Cuối tháng 12/2015, Bruxelles triển hạn thêm 6 tháng thời gian thi hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nước này, với lý do các hòa ước Minks nhằm vãn hồi hòa bình cho Ukraina không được áp dụng toàn phần.

Khi trả lời tờ báo Đức Bild Zeitung, Tổng thống Putin thừa nhận : « Khi can thiệp vào các thị trường quốc tế, các biện pháp trừng phạt tác động đáng kể đến nước Nga ». Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin cũng lưu ý rằng, phần lớn những khó khăn kinh tế của nước Nga xuất phát từ hiện tượng giá dầu hỏa trên thế giới đã giảm mạnh.

Nga đã phải tăng mức sản xuất dầu hỏa lên mức kỷ lục –10, 73 triệu thùng dầu một ngày- để bảo đảm một mức thu nhập cố định. Vẫn theo lời Tổng thống Nga, những khó khăn do biến động trên thị trường dầu hỏa thế giới gây nên đã phần nào được các lĩnh vực « bù đắp » lại. Nhờ vậy mà kinh tế Nga chỉ suy yếu « từng bước ».

Chỉ số tăng trưởng của Nga trong năm 2015 giảm 3,8 %. Sản xuất công nghiệp giảm 3,3 % nhưng theo lời ông Putin, điểm son trong năm qua là cán cân thương mại của Nga lần đầu tiên từ nhiều năm qua trong thế xuất siêu. Cũng trong buổi trả lời báo Đức, Tổng thống Putin nhắc lại Nga bắt đầu can thiệp tại Syria từ ngày 30/09/2015. Matxcơva kêu gọi các nước phương Tây phối hợp chặt chẽ hơn với Nga để tiêu diệt quân thánh chiến Hồi giáo tại Syria.

--------------------

Putin thú nhận trừng phạt kinh tế của phương Tây làm Nga thiệt hại nặng nề:







No comments: